Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 77/2006/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 14 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÁC TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÌNH TẠI KỲ HỌP LẦN THỨ 7-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA VII

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày các Tờ trình: Đề án tổ chức xử lý, di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội thị Thị Xã Bến Tre; Quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký hộ tịch; Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2006; Đề án đào tạo 50 cán bộ khoa học-kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2011; Kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2007; Mức thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và mức thu phí dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô; Điều chỉnh tên gọi danh mục thu phí sử dụng cảng cá Ba Tri, đề nghị thu phí sử dụng cảng cá Bình Đại và tỷ lệ được trích để lại;
Sau khi xem xét báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế-ngân sách, Ban văn hóa-xã hội, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ :

I. Về Tờ trình số 1850/TTr-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về đề án tổ chức xử lý, di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội thị Thị Xã Bến Tre.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức xử lý, di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội thị Thị xã Bến Tre. Phạm vi thực hiện gồm các phường trong nội ô thị xã Bến Tre; Đối tượng thực hiện là các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trong nội ô thị xã thuộc các ngành nghề được nêu trong đề án. Từ nay về sau chỉ cấp phép mới cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nội ô thị xã khi đủ điều kiện phù hợp với quy hoạch và đảm bảo về môi trường. Việc di dời các cơ sở từ nội ô đến địa điểm mới phải phù hợp với quy hoạch, tránh tình trạng phải tiếp tục giải tỏa sau này.

Lộ trình thực hiện đề án như sau: đến giữa năm 2008, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc diện được xử lý tại chỗ phải hoàn thành việc xử lý gây ô nhiễm môi trường của cơ sở mình, nếu không hoàn thành việc xử lý, buộc phải di dời khỏi nội ô thị xã. Đến cuối năm 2009 thực hiện xong việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm thuộc diện bắt buộc di dời ra khỏi nội ô thị xã. Chính sách hỗ trợ di dời thống nhất như đề án đã nêu, nguồn kinh phí hỗ trợ do ngân sách nhà nước cấp phát được phân bổ cho 5 năm từ năm 2006 đến năm 2010.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án đúng theo lộ trình đã đề ra.

II. Về Tờ trình số 1879/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký hộ tịch.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương bổ sung, điều chỉnh tăng mức thu của một số nội dung theo biểu danh mục và mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch kèm theo Tờ trình số 1879/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký hộ tịch.

Tỷ lệ trích số thu để lại đơn vị và số nộp ngân sách nhà nước thực hiện như sau:

- Đối với cấp tỉnh: Đơn vị tổ chức thu lệ phí đăng ký hộ tịch được trích 30% lệ phí thu được để chi cho các hoạt động phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, số thu còn lại 70% phải nộp vào ngân sách nhà nước.

- Đối với cấp huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được trích 50% lệ phí thu được để chi cho các hoạt động phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, số thu còn lại 50% phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

III. Về Tờ trình số 1884/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc xin điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2006.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2006 theo nguyên tắc: Không tăng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được Trung ương thông báo đầu năm, điều chỉnh tăng vốn theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho thanh toán khối lượng đã hoàn thành, vốn đối ứng cho các dự án ODA, công trình có tiến độ thi công nhanh, các công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời giảm vốn đầu tư đối với các dự án tiến độ thực hiện chậm. Không khởi công những công trình chưa bảo đảm về vốn.

Tổng vốn đầu tư XDCB năm 2006 được điều chỉnh là 8.039 triệu đồng (có danh mục và mức vốn đính kèm), trong đó:

- Thanh toán nợ: tăng 5.063 triệu đồng.

- Thực hiện dự án: Tăng 2.431 triệu đồng, giảm 2.826 triệu đồng.

- Thiết kế quy hoạch: Tăng 210 triệu đồng, giảm 210 triệu đồng.

- Chuẩn bị đầu tư: Tăng 335 triệu đồng, giảm 1.153 triệu đồng.

- Chuẩn bị thực hiện dự án: Giảm 3.850 triệu đồng.

Từ nay đến cuối năm, nếu có nguồn vốn bổ sung từ ngân sách trung ương, tăng thu ngân sách địa phương, thanh lý tài sản nhà-đất công Ủy ban nhân dân tỉnh được chủ động điều chỉnh bổ sung tăng vốn cho các dự án thanh toán nợ, vốn đối ứng ODA và các công trình trọng điểm trên cơ sở danh mục dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào đầu năm 2006, không phát sinh dự án mới (trừ các dự án thanh toán nợ và dự án được trung ương bổ sung vốn).

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện.

IV. Về Tờ trình số 1885/TTr-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về Đề án đào tạo 50 cán bộ khoa học-kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2011.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương đào tạo 50 cán bộ khoa học-kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2011.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

V. Về Tờ trình số 1893/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2007.

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí tổng biên chế sự nghiệp của tỉnh năm 2007 là 19.195 biên chế.

Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua biên chế hành chính của tỉnh năm 2007 là 1.837 biên chế.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2007 cần lưu ý việc bố trí biên chế cho từng cơ quan, đơn vị cần cân nhắc số lượng hợp lý với chức năng, nhiệm vụ công việc. Đối với các cơ quan, đơn vị mới thành lập, không nhất thiết phải bố trí đủ biên chế ngay cùng một lúc để tránh tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm mà dành biên chế ưu tiên bổ sung cho các phòng, ban trực thuộc các huyện, thị xã đang có nhu cầu biên chế để đảm bảo hoạt động.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

VI. Về Tờ trình số 2033/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về mức thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và mức thu phí dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với mức thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và mức thu phí dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy và xe ô tô trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1. Về mức thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông:

a) Mức thu:

STT

Loại phương tiện

Mức thu 1 ngày đêm

Ghi chú

1

Xe đạp, xe đạp điện, xe thô sơ khác

2.000 đồng /chiếc

 

2

Xe môtô, xe gắn máy và xe tương tự

10.000 đồng/chiếc

 

3

Xe ba gác máy, xe lôi máy

15.000 đồng/chiếc

 

4

Xe ôtô từ 4-6 chỗ ngồi hoặc có trọng tải đến 1 tấn; xe máy kéo

40.000 đồng/chiếc

 

5

Xe ôtô trên 6 chỗ ngồi hoặc có trọng tải trên 1 tấn

60.000 đồng/chiếc

 

b) Chế độ quản lý tiền thu phí ở các cấp: Thực hiện theo quy định quản lý tài chính hiện hành.

c) Chế độ sử dụng tiền thu phí ở các cấp: Đơn vị thu phí nộp 10% số phí thu được vào ngân sách và được sử dụng 90% số tiền thu phí để chi phục vụ công tác thu phí.

2. Về mức thu phí dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy và xe ô tô:

a) Mức thu phí:

+ Mức thu phí lượt ban ngày đối với xe đạp không quá 500 đồng/lượt, đối với xe máy không quá 1.000 đồng/lượt; đối với xe ôtô thì tùy theo số ghế ngồi hoặc trọng tải của xe nhưng không quá 10.000 đồng/lượt.

+ Mức thu phí trông giữ xe ban đêm có thể cao hơn mức thu phí ban ngày nhưng tối đa không quá 2 lần mức thu ban ngày. Trường hợp giữ cả ngày và đêm thì mức thu phí cả ngày và đêm tối đa bằng mức thu phí ban ngày cộng với mức thu phí ban đêm (ban đêm từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau).

+ Mức thu phí tháng tối đa không quá 50 lần mức thu phí ban ngày.

* Đối với bệnh viện, trường học: Nếu có tổ chức thu phí trông giữ xe ban đêm thì mức thu trông giữ xe ban đêm tối đa không quá 1,5 lần mức thu ban ngày và mức thu tháng tối đa không quá 40 lần mức thu ban ngày.

b) Chế độ quản lý tiền thu phí ở các cấp: Thực hiện theo quy định quản lý tài chính hiện hành.

c) Chế độ sử dụng tiền thu phí ở các cấp:

* Đối với các bãi giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý: Đây là khoản thu của ngân sách xã, do vậy toàn bộ số thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô nộp 100% vào ngân sách xã (sau khi trừ chi phí tổ chức thu -nếu có) để cân đối chi thường xuyên cho ngân sách cấp xã.

* Đối với các bãi trông giữ xe do cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý: Đây là khoản thu để lại 100% cho cơ quan, đơn vị tổ chức thu phí (sau khi chi phí tổ chức thu - nếu có) được sử dụng cho phù hợp với cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ quan, đơn vị theo quy định.

* Đối với các tổ chức, cá nhân: Có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt việc thu và quản lý các loại phí này.

VII. Về Tờ trình số 2034/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc điều chỉnh tên gọi danh mục thu phí sử dụng cảng cá Ba Tri, đề nghị thu phí sử dụng cảng cá Bình Đại và tỷ lệ được trích để lại.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh được điều chỉnh tên gọi danh mục thu phí sử dụng cảng cá Ba Tri; Nhất trí mức thu phí sử dụng cảng cá Bình Đại và tỷ lệ được trích để lại theo nội dung Tờ trình số 2034/TTr- UBND ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

VIII. Về Tờ trình số 2169/TTr-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc xin chủ trương bảo lãnh vay vốn ngân hàng để đầu tư hạ tầng khu-cụm công nghiệp.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh được dùng ngân sách tỉnh để bảo lãnh vay các tổ chức tín dụng 60 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Giao Long (50 tỷ đồng) và Cụm công nghiệp An Hiệp (10 tỷ đồng).

Thời hạn vay trả nợ là 5 năm. Lãi suất: Theo thực tế hợp đồng tín dụng.

Ủy ban nhân dân tỉnh phải bảo đảm nguồn vốn vay được phân bổ, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng phê duyệt của cấp có thẩm quyền và có hiệu quả; quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

IX. Tổ chức thực hiện.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa VII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/7/2006 và có hiệu lực kể từ ngày 24/7/2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be