Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6b/2008/NQCĐ-HĐND | Huế, ngày 04 tháng 4 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG NGHĨA TRANG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA V, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Nghị quyết 4d/2005/NQ-HĐND ngày 28 tháng 7 năm 2005 của HĐND tỉnh về chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân trên địa bàn tỉnh;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1521/TTr-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành và thông qua quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chính như sau:
1. Quan điểm:
Quy hoạch nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống nghĩa trang trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng mai táng, xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch, không đúng quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Từng bước phát triển nghĩa trang đảm bảo văn minh, bền vững và hiện đại, đáp ứng nhu cầu tâm linh, bảo đảm tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và kiến trúc cảnh quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động mai táng, xây dựng lăng mộ những nơi chưa xây dựng nghĩa trang, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng mai táng, xây dựng lăng mộ tùy tiện, không theo quy định. Việc xây dựng, quản lý, sử dụng các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang quốc gia; việc táng trong các khuôn viên nhà thờ, đền, chùa tuân thủ các quy định riêng.
Thực hiện đúng quy định của Chính phủ về nghĩa trang: "là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau (mai táng, hỏa táng và các hình thức khác), thuộc các đối tượng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch". Trong các nghĩa trang, mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2. Đối với một mộ cát táng tối đa không quá 3 m2.
2. Mục tiêu:
Từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, song song với xây dựng mới các nghĩa trang tập trung phục vụ nhu cầu mai táng, cải táng của nhân dân ở các đô thị lớn (thành phố Huế và khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) các khu dân cư tập trung ở các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, tiến hành xây dựng, cải tạo, sắp xếp và chỉnh trang các vùng đất nhân dân đã sử dụng vào việc mai táng, xây dựng lăng mộ từng bước chuyển thành nghĩa trang chính thức. Theo lộ trình thực hiện quy hoạch, số lượng và quy mô diện tích nghĩa trang do nhà nước xây dựng và quản lý ngày một tăng lên, số lượng và quy mô diện tích đất do nhân dân mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần, tiến đến chấm dứt việc mai táng không đúng quy hoạch.
3. Các nội dung nhiệm vụ chính của quy hoạch:
a) Các đô thị lớn (thành phố Huế, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô): xây dựng nghĩa trang tập trung, mỗi đô thị xây dựng từ hai đến ba nghĩa trang. Quy mô các nghĩa trang này đảm bảo đủ điều kiện để vừa phục vụ nhu cầu mai táng người mới chết vừa phục vụ nhu cầu cải táng ở các vùng đất giải tỏa để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Trong đó, có đủ diện tích đất phục vụ việc di dời toàn bộ khu lăng mộ nằm trong đô thị, lăng mộ nhỏ lẻ nằm xen trong các khu dân cư, trong đất canh tác. Từng bước thực hiện đóng cửa, tiến tới di dời các khu mai táng ở vùng ven các khu đô thị đang trên đà phát triển. Các nghĩa trang được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, đồng thời triển khai dự án áp dụng công nghệ mai táng hiện đại.
b) Các thị trấn, các điểm dân cư tập trung khu vực đồng bằng: di dời các nghĩa địa nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong đất ở và đất canh tác vào các nghĩa trang tập trung. Mỗi thị trấn xây dựng ít nhất một nghĩa trang tập trung. Các xã vùng nông thôn có dân cư tập trung đông, xây dựng từ hai đến ba nghĩa trang với quy mô phù hợp. Ở vùng có khó khăn về đất, UBND huyện chỉ đạo xây dựng nghĩa trang liên xã. Chú ý chọn các khu đất cao ráo, xa dân cư và đầu nguồn nước để xây dựng nghĩa trang, hướng ưu tiên là các khu vực trung du phía tây Quốc lộ 1A.
c) Các thị trấn, các điểm dân cư khu vực cồn cát ven biển và đầm phá: chính quyền cấp huyện tiến hành khoanh vùng, quy hoạch đối với khu đất nhân dân đã mai táng, xây dựng lăng mộ để quản lý.
Một là, khu đất đã mai táng, xây dựng lăng mộ đến nay phù hợp với quy hoạch có thể chuyển thành nghĩa trang lâu dài thì tiến hành các thủ tục về thành lập nghĩa trang để quản lý theo quy định về nghĩa trang.
Hai là, khu đất đã mai táng, xây dựng lăng mộ chỉ phù hợp tạm thời trong một giai đoạn nhất định thì tiến hành các thủ tục quản lý, hướng dẫn nhân dân sử dụng đất mai táng tạm thời, không xây dựng kiên cố lăng mộ.
Ba là, khu vực đất đã mai táng, xây dựng lăng mộ nhưng nay không còn phù hợp với quy hoạch thì tiến hành đóng cửa, đình chỉ việc mai táng, cải táng, kiên cố lăng mộ, chuẩn bị kế hoạch tổ chức di dời đến nghĩa trang mới.
Các khu mai táng nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong đất ở và đất canh tác thì di dời đến nghĩa trang tập trung. Khoanh vùng cắm mốc giới để quản lý các khu đất còn trống ở ven biển, nghiêm cấm việc mai táng; bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, ngăn chặn tình trạng mai táng trong đất rừng dọc bờ biển; khuyến khích áp dụng kỹ thuật mai táng mới để mỗi phần mộ đảm bảo vệ sinh môi trường và tiết kiệm diện tích đất. Thực hiện phát triển vành đai cây xanh tại các nghĩa trang, góp phần tăng diện tích rừng phòng hộ.
d) Đối với các thị trấn, các điểm dân cư khu vực trung du và vùng núi cao: di dời khu mai táng nhỏ lẻ trong đất ở và đất canh tác vào các nghĩa trang tập trung. Mỗi thị trấn xây dựng từ một đến hai nghĩa trang; tùy điều kiện có thể xây dựng nghĩa trang cho từng thôn, xóm; khuyến khích đồng bào các dân tộc ít người phát huy truyền thống mai táng theo phong tục tập quán của dân tộc mình.
d) Nhà tang lễ: khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận, xây dựng 02 nhà tang lễ phục vụ nhân dân ở địa bàn phía Nam thành phố và phía Bắc thành phố Huế. Đô thị Chân Mây - Lăng Cô, xây dựng 02 nhà tang lễ phục vụ nhân dân trong vùng.
đ. Công nghệ hỏa táng và công nghệ táng khác: sớm thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất để áp dụng công nghệ hỏa táng phục vụ nhân dân có nhu cầu khi có người thân qua đời và khi có hài cốt cần di dời do thực hiện quy hoạch. Hướng dẫn và khuyến khích áp dụng rộng rãi công nghệ sử dụng quách, huyệt mộ bê tông, khuôn đào huyệt mộ ở vùng cát, nhất là ở các nghĩa trang vùng cồn cát hoặc vùng ngập nước.
4. Các giải pháp.
a) Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo việc tổ chức công bố quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật; lập và phê duyệt các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện quy hoạch; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Huế lập các quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch tổng thể, phân kỳ đầu tư, tiến độ và nguồn lực thực hiện ở từng địa phương; huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch được duyệt.
b) Ủy ban Nhân dân các cấp khi quy hoạch xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang cụ thể phải tiến hành tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân địa phương hiểu đúng pháp luật liên quan đến nghĩa trang. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân về nghĩa trang sẽ được đầu tư xây dựng, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trước khi phê duyệt và thực hiện quy hoạch.
c) Hàng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh để lập và trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua kế hoạch phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó bố trí một khoản kinh phí nhất định để đảm bảo cho việc thực hiện nghị quyết này. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa hoạt động dịch vụ về nghĩa trang, mai táng để các thành phần kinh tế tham gia.
d) Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhiệm vụ quản lý nhà nước về nghĩa trang, tạo cho chính quyền cấp huyện, cấp xã có công cụ pháp lý để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch theo nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua. Đồng thời tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch theo chức năng thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Quá trình thực hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của quy hoạch khi cần thiết nhưng phải đảm bảo theo đúng quan điểm và mục tiêu, báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung này tại kỳ họp gần nhất.
2. Giao Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh và các ban, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm tốt công tác phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 04/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 2299/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 277/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Nghĩa trang nhân dân phía Nam (mới) do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 1Luật Đất đai 2003
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 5Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 6Nghị định 35/2008/NĐ-CP về việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang
- 7Nghị quyết 04/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8Quyết định 2299/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 9Quyết định 277/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Nghĩa trang nhân dân phía Nam (mới) do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Nghị quyết 6b/2008/NQCĐ-HĐND thông qua quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- Số hiệu: 6b/2008/NQCĐ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 04/04/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Văn Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/04/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra