Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2009/NQ-HĐND | Rạch Giá, ngày 29 tháng 4 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; Căn cứ Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 11/BC-BKTNS ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang tán thành Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, đồng thời nhấn mạnh định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 như sau:
1. Quan điểm phát triển
Xuất phát từ tiềm năng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua cũng như vị trí chiến lược của tỉnh đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo cho sự phát triển đến năm 2020 của tỉnh Kiên Giang là:
- Tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, huy động mọi điều kiện và nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, sớm đưa Kiên Giang trở thành tỉnh có vị trí kinh tế cao trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước;
- Tập trung khai thác toàn diện các tiềm năng thế mạnh từng vùng của tỉnh về sản xuất lúa, thủy sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông - thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nhanh chóng trở thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững;
- Tăng trưởng kinh tế cao gắn chặt với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo… Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, hợp tác quốc tế chặt chẽ, đặc biệt là với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,2% thời kỳ 2011 - 2015 và 14,2% thời kỳ 2016 - 2020;
- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 2.463 USD/người; đến năm 2020 đạt 4.538 USD/người;
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD vào năm 2015 và đạt 1.300 triệu USD vào năm 2020;
- Tỷ lệ huy động ngân sách so với GDP đạt 6 - 7% vào năm 2015 và đạt
8 - 9% vào năm 2020;
- Đến năm 2018, toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học phổ thông;
- Đến năm 2015, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 14% và đến năm 2020 là 10%;
- Trong 10 năm (2011 - 2020) giải quyết việc làm cho 350.000 lao động, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 50,3% và 66,6% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 giảm còn dưới 3% (theo tiêu chí hiện hành), năm 2020 dưới 2%. (Dự kiến theo tiêu chí mới là 16%, 11% và 6% vào năm 2010, 2015 và 2020);
- Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 90%, tỷ lệ hộ sử dụng điện 96% vào năm 2015 đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng nước sạch và sử dụng điện đạt 98% tổng dân số.
3. Định hướng phát triển các ngành và sản phẩm chủ lực
3.1. Định hướng phát triển ngành nông - lâm - thuỷ sản
Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Phát triển ngành trồng trọt với cây lúa là cây trồng chủ lực, theo hướng chất lượng, hình thành vùng lúa tập trung, sản lượng lúa năm 2015 đạt 3,5 triệu tấn, năm 2020 đạt 3,7 triệu tấn. Quy hoạch ổn định vùng trồng mía, khóm, tiêu, rau sạch, hoa, cây cảnh,… Phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc, nuôi heo, gia cầm trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, mở rộng chăn nuôi công nghiệp tập trung. Đẩy mạnh trồng, bảo vệ rừng phát huy các giá trị và chức năng của các hệ sinh thái rừng, duy trì đa dạng sinh học, trong đó tập trung cho rừng quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2015 - 2020 ổn định 85.778ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 13,5 - 14%.
Tập trung đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ, tổ chức sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa, phát triển bền vững. Mở rộng diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh, nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Phát triển các hình thức nuôi cá đồng, nghêu, sò, cua, hến biển, cá lồng bè, cá tra, cá cảnh biển. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 355.000 - 380.000 tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản từ 162.000 - 165.000ha trong đó nuôi tôm 128.000 - 130.000ha.
3.2. Định hướng phát triển ngành công nghiệp
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân thời kỳ 2011 - 2015 tăng 16,5% và thời kỳ 2016 - 2020 tăng 15%. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao cho những ngành có lợi thế của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, nông - lâm - thủy sản và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí - đóng tàu, công nghiệp sạch, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp phục vụ dịch vụ, năng lượng, công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, mỹ nghệ, khuyến khích phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Từng bước xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
3.3. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 từ 15 - 16% và giai đoạn 2016 - 2020 từ 18 - 19%. Phát triển tổng hợp các loại ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hình thành các ngành dịch vụ mới.
Phát triển mạnh mẽ hình thức mua, bán, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức mua bán theo hợp đồng, đổi mới tổ chức và hoạt động của hợp tác xã và mạng lưới đại lý mua bán. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng chợ và trung tâm thương mại. Phát triển mạng lưới thương mại bán lẻ, siêu thị, thương mại điện tử. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13 - 14%.
Đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như lúa gạo, thủy sản, khóm, tiêu, xi măng, tiến tới xuất khẩu một số mặt hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, điện,...
Phát huy tổng hợp các nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia trong khu vực và thế giới; phát triển các khu du lịch trọng điểm của tỉnh ở Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, U Minh Thượng,… Số lượng khách du lịch đạt 7,7 triệu lượt khách năm 2015 (trong đó khách qua các đơn vị kinh doanh du lịch là 2,2 triệu lượt khách), năm 2020 đạt 12 triệu lượt khách (trong đó khách qua các đơn vị kinh doanh du lịch đạt 5,5 triệu lượt khách).
Phát triển dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đồng thời phát triển nhanh hệ thống dịch vụ vận tải đối ngoại. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh để phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sông, đường biển có hiệu quả cao.
Phát triển thị trường bưu chính viễn thông theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm rút ngắn thời gian phát báo, dịch vụ thông tin, công văn xuống cấp xã.
Phát triển mạnh mẽ và đa dạng các dịch vụ tài chính - ngân hàng trên cơ sở hình thành trung tâm tài chính trên đảo Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Thực hiện các chính sách, biện pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm, trong đó hình thành các loại hình bảo hiểm sản phẩm hàng hóa của nông - ngư dân. Nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước đối với thị trường bảo hiểm.
3.4. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Dân số: phát triển dân số trên cơ sở hạ thấp tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, đạt mục tiêu dân số đề ra.
- Lao động việc làm: cơ cấu lao động trong các khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tương ứng là 49%, 19%, 32% vào năm 2015 và 38%, 22%, 40% vào năm 2020. Phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50,3%, năm 2020 tỷ lệ đạt khoảng 66,6%. Giải quyết việc làm cho khoảng 32.000 lao động/năm ở thời kỳ 2011 - 2015 và 38.000 lao động/năm ở thời kỳ 2016 - 2020.
- Giáo dục - đào tạo: phát triển nhanh giáo dục mầm non và giáo dục trung học phổ thông nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Tỷ lệ huy động đi nhà trẻ đạt 10% năm 2015, và 25% năm 2020. Tỷ lệ huy động mẫu giáo đạt 65% năm 2015 và 85% năm 2020. Tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường đạt 97% năm 2015 và 98% năm 2020. Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đến trường đạt 90% năm 2015 và 95% năm 2020. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đến trường đạt 60% năm 2015 và 85% năm 2020. Ngành giáo dục giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông và phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi vào năm 2018.
Nâng cấp mở rộng hệ thống mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh: Đại học Kiên Giang, Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Nghề du lịch và dịch vụ tại Phú Quốc, 04 trung tâm dạy nghề tại 04 khu vực và 14 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tại 14 huyện, thị xã, thành phố.
- Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, phòng ngừa, khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh, đảm bảo mọi người dân đều được cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, được tiếp cận sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ quản lý ngành để nâng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế từ 74% vào năm 2008 tăng lên 100% vào năm 2015. Củng cố, kiện toàn, nâng cấp, đầu tư mới các trung tâm y tế thuộc hệ thống y tế dự phòng. Đầu tư xây dựng mới bệnh viện đa khoa vùng, trung tâm y học hạt nhân và xạ trị khu vực, một số bệnh viện chuyên khoa. Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Y học cổ truyền, các bệnh viện tuyến huyện. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các loại hình bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, viện điều dưỡng - phục hồi chức năng, phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
- Văn hóa - thể dục, thể thao:
+ Văn hóa: Tăng cường hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống nhân dân. Tăng cường quản lý và bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, thực hiện nếp sống văn minh. Phấn đấu nâng tỷ lệ gia đình văn hóa từ 89,5% vào năm 2015 lên 98% vào năm 2020. Tiếp tục xây dựng và phát triển 6 loại hình văn hóa: nghệ thuật, điện ảnh, thư viện, bảo tàng, di tích, triển lãm và thông tin lưu động. Tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, năm 2010 có 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành quy hoạch, 30% có trung tâm văn hóa - thể thao. Đến năm 2015 có khoảng 50% và đến năm 2020 có khoảng 100% số xã có trung tâm văn hóa - thể thao. Tăng cường đầu tư tôn tạo di tích các dự án trọng điểm thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Thể dục - thể thao: đẩy mạnh và phát triển rộng rãi phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Có 50% số xã, phường, thị trấn có cơ sở vật chất thể dục, thể thao. Đến năm 2015 có 60% và 2020 có 70% xã, phường, thị trấn có cơ sở vật chất thể dục, thể thao. Phát triển tốt hệ thống thể thao thành tích cao, xác định thêm các môn thể thao trọng điểm.
3.5. Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
Đầu tư hệ thống đê biển, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông - lâm - thủy sản, kết hợp với xây dựng giao thông nông thôn.
- Phát triển hệ thống giao thông: đến năm 2015, tiếp tục đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống cầu và đường, ở các tuyến quốc lộ, hệ thống đường tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới. Hoàn thành bê tông, nhựa hóa 100% đường đô thị ở thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, đô thị đảo Phú Quốc. Xây dựng mới Cảng Hòn Chông, Bãi Nò, cảng nước sâu Nam Du, Kiên Lương,... Phấn đấu đến năm 2010 có 80% số xã trong đất liền được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% số xã trong đất liền có đường ôtô đến trung tâm xã. Đến năm 2015 số xã trong đất liền được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%. Đến năm 2020, chỉnh trang, hiện đại hóa mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, hoàn thành đường Hồ Chí Minh. Hoàn thiện các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc theo Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư hệ thống cảng biển gồm: Cảng An Thới, Vịnh Đầm, Dương Đông, Mũi Đất Đỏ, cảng nước sâu Nam Du và 3 cảng nhỏ tại Kiên Lương phục vụ vận chuyển than cho Nhà máy điện Kiên Lương, nâng cấp Cảng Hòn Chông, Cảng Bãi Nò... Đẩy nhanh đầu tư Cảng hàng không quốc tế Dương Tơ, tiếp tục đầu tư mở rộng sân bay Rạch Giá. Nghiên cứu, đầu tư khôi phục sân bay Bà Lý (Hà Tiên).
- Phát triển hệ thống cấp điện, cấp - thoát nước:
+ Hệ thống cấp điện: Xây dựng mới nhà máy điện than tại Kiên Lương. Xúc tiến đầu tư nhà máy điện than ở Phú Quốc, xây dựng đường cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc. Đầu tư 330km đường dây 220kV, 111,7km đường dây 110kV, đầu tư các trạm biến áp, đường dây hạ thế.
+ Hệ thống cấp - thoát nước: Đầu tư hệ thống cấp - thoát nước đô thị và nông thôn đáp ứng yêu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
3.6. Bảo vệ môi trường
Tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học rừng đồi núi, rừng ngập mặn, rạn san hô. Đẩy mạnh công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng cứu kịp thời sự cố môi trường.
3.7. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với an ninh - quốc phòng
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp có hiệu quả với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng các khu vực, các tuyến phòng thủ, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên các tuyến biên giới, xây dựng địa bàn trọng điểm, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Đấu tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, bảo vệ vững chắc an ninh nội địa, an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo. Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Giang Thành. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị góp phần phát triển kinh tế - xã hội tăng cường quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”. Thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tổ chức. Đẩy mạnh công tác giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh và xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc.
4. Quy hoạch phát triển theo không gian lãnh thổ
Do đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và lịch sử, Kiên Giang đã hình thành 04 tiểu vùng với sắc thái riêng biệt. Định hướng phát triển của các tiểu vùng như sau:
- Tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên gồm Hòn Đất - Kiên Lương - Hà Tiên - thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận: hình thành vùng kinh tế trọng điểm ven biển ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch và công nghiệp chủ lực mũi nhọn. Xây dựng thành phố Rạch Giá là đô thị loại II trước năm 2015, là trung tâm kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật, dịch vụ, du lịch, thương mại; xây dựng thị xã Hà Tiên trở thành đô thị loại III, thành phố văn hóa - du lịch. Xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh - quốc phòng, an ninh biên giới, biển đảo và đất liền, chú trọng công tác đối ngoại với Vương quốc Campuchia;
- Tiểu vùng Tây Sông Hậu gồm Tân Hiệp - Châu Thành - Giồng Riềng - Gò Quao: vùng phát triển nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và ổn định với đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, hình thành vùng lúa chất lượng cao, đẩy mạnh chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Phát triển các ngành chế biến nông - thủy sản, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp và nghề truyền thống. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn kết hoạt động kinh tế với tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ;
- Tiểu vùng U Minh Thượng gồm An Biên - An Minh - Vĩnh Thuận - U Minh Thượng: đẩy mạnh sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Xẻo Rô với các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp dệt may, xây dựng cụm công nghiệp An Biên, Vĩnh Thuận, khu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Xẻo Nhàu ở huyện An Minh. Tiếp tục đầu tư hình thành đô thị Kênh Làng Thứ Bảy; hoàn thành và phát huy hiệu quả du lịch sinh thái và du lịch nghiên cứu khoa học ở U Minh Thượng, gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống cháy rừng quốc gia. Phấn đấu đưa các huyện trong vùng thoát nghèo, vươn lên ngang bằng mức phát triển chung của tỉnh;
- Tiểu vùng biển đảo Kiên Hải - Phú Quốc: Tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển mạnh kinh tế biển đảo theo hướng tổng hợp; trong đó, trọng tâm là du lịch nhằm khai thác lợi thế vùng biển đảo. Tương lai, Phú Quốc có thể trở thành Đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc Trung ương, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, tài chính, thương mại, giải trí chất lượng cao, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: giao thông nối kết đất liền và các trung tâm đô thị lớn, giao thông nội đảo, điện, nước... để làm tiền đề thu hút đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... phát triển các đảo phụ cận. Phát triển nuôi trồng thủy sản, tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với an ninh biên giới biển đảo, bảo vệ môi trường sinh thái;
5. Định hướng phát triển không gian đô thị
Dự báo đến năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, năm 2020 đạt 45 - 50%. Đến năm 2020 hệ thống đô thị tỉnh Kiên Giang gồm: Đặc khu hành chính kinh tế Phú Quốc trực thuộc Trung ương, thành phố Rạch Giá là đô thị loại II, Hà Tiên là thành phố đô thị loại III, huyện Kiên Lương là thị xã, mở rộng xây dựng mới 24 thị trấn thuộc các huyện lỵ.
6. Điều chỉnh địa giới hành chính
Thực hiện theo đề án 16/ĐA-UBND ngày 30/3/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đến năm 2020. Đến năm 2010 tỉnh Kiên Giang có 14 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố và 164 xã phường, thị trấn. So với hiện nay tăng thêm 02 huyện (Giang Thành chia từ huyện Kiên Lương và Thuận Hưng chia từ huyện Giồng Riềng) thành lập 20 xã và 02 thị trấn.
Thời kỳ đến năm 2020: điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang thành tỉnh Kiên Giang và Đặc khu hành chính kinh tế Phú Quốc. Trong đó tỉnh Kiên Giang có 13 huyện, 01 thị xã, 02 thành phố và 189 xã, phường, thị trấn. Đặc khu hành chính kinh tế Phú Quốc có 14 xã, phường. So với năm 2010 thành lập thêm 01 huyện Sóc Xoài (chia từ huyện Hòn Đất), thành lập mới thị xã Kiên Lương, thành phố Hà Tiên, 39 xã, phường, thị trấn.
7. Các chương trình dự án phát triển
- Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng;
- Chương trình xúc tiến đầu tư;
- Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn;
- Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;
- Chương trình phát triển du lịch;
- Chương trình phát triển nguồn nhân lực;
- Chương trình xóa đói giảm nghèo;
- Chương trình phát triển Đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc;
- Chương trình bảo vệ tài nguyên môi trường.
Để thực hiện các mục tiêu và định hướng đặt ra cho tỉnh Kiên Giang từ nay đến 2015 và 2020, một số giải pháp quan trọng chủ yếu được đặt ra như sau:
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh theo phương án tăng trưởng kinh tế đã lựa chọn trong giai đoạn 2011 - 2020 là 428.208 tỷ đồng, tương đương 25.641 triệu USD. Phát huy thế mạnh tổng hợp huy động các nguồn lực trước hết là nội lực để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh đạt được các mục tiêu đã đề ra. Dự báo nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước từ 17 - 18% tổng vốn đầu tư; nguồn vốn tín dụng nhà nước 3% tổng vốn đầu tư; nguồn vốn dân doanh chiếm 46 - 47% tổng vốn đầu tư, tập trung để đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn đầu tư bên ngoài, khả năng huy động vốn từ nền kinh tế của tỉnh hàng năm chỉ đạt 60 - 65%, phần còn lại huy động từ nguồn vốn ODA, FDI, vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư khai thác thế mạnh của tỉnh bằng các dự án đầu tư.
8.2. Phát triển nguồn nhân lực
Mục tiêu hướng tới để phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện về số lượng, chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần tập trung nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục đào tạo nhằm đưa mức phát triển ngang bằng với cả nước vào năm 2010. Tập trung đào tạo cập nhật trình độ chuyên môn cho cán bộ trong hệ thống chính trị đạt chuẩn của Trung ương quy định, nhất là cán bộ cơ sở. Tạo điều kiện để cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao được làm việc tốt nhất, có thu nhập thỏa đáng. Ngoài ra, cần làm tốt công tác khuyến học và phát triển xã hội học tập. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu trọng điểm là: đào tạo mới tiến sĩ, thạc sĩ và cán bộ đầu đàn cho chuyên ngành và doanh nghiệp. Tuyển chọn và đào tạo cán bộ trẻ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho dự nguồn bổ sung cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn hóa sâu, lâu dài cho tỉnh. Đào tạo chuyên nghiệp, nghề cho lao động trong độ tuổi, trọng tâm là ngành nông - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản, du lịch và xuất khẩu lao động.
8.3. Khoa học công nghệ
Cần làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, tạo nguồn lâu dài, nỗ lực thu hút với chính sách trọng dụng nhân tài; đồng thời, khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong thanh niên và nhân dân một cách rộng rãi. Tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước). Tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO). Nâng cao năng lực công nghệ, nâng cấp phòng thí nghiệm phân tích thử nghiệm.
Trong nông nghiệp, tập trung cho đầu tư ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới về giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật nuôi trồng và chế biến nông - hải sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học.
Trong công nghiệp, tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO.9000, 14000; nâng cao trình độ công nghệ để chủ động hội nhập quốc tế.
Về môi trường, tập trung xử lý chống ô nhiễm, xử lý chất thải, nước thải.
8.4. Phát triển các thành phần kinh tế
Hoàn thành lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến năm 2010. Tích cực đổi mới phương thức hoạt động, nâng lên hiệu quả và sức cạnh tranh của công ty có vốn nhà nước, kiên quyết sắp xếp đối với các công ty cổ phần vốn nhà nước chi phối hoạt động kém hiệu quả trong thời gian dài. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể theo cơ chế thị trường. Vận dụng có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, đào tạo, khoa học - công nghệ, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đến năm 2010 và 2015.
8.5. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế
Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết và phối hợp phát triển với các tỉnh khác trong và ngoài nước, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương để cùng phát triển, cùng có lợi. Hợp tác quốc tế về phát triển thương mại, du lịch, phát triển kinh tế biển…
8.6. Tăng cường năng lực hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Phấn đấu đến 2010 đào tạo chuẩn hóa hầu hết cán bộ công chức; đi đôi thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Điều 2. Thời gian thực hiện: sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 theo luật định.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa VII, kỳ họp thứ hai mươi ba thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 3037/QĐ-UBND năm 2012 về Quy định khen thưởng tổ chức, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp xuất sắc cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa
- 2Quyết định 86/2012/QĐ-UBND về cơ chế giao và điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2013
- 3Quyết định 1584/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 4Nghị quyết 100/2017/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 5Quyết định 234/QĐ-UBND năm 2018 về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Kiên Giang hết hiệu lực thi hành
- 1Nghị quyết 114/2010/NQ-HĐND điều chỉnh một số chỉ tiêu và định hướng phát triển quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
- 2Nghị quyết 100/2017/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 234/QĐ-UBND năm 2018 về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Kiên Giang hết hiệu lực thi hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế
- 5Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 6Quyết định 492/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 3037/QĐ-UBND năm 2012 về Quy định khen thưởng tổ chức, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp xuất sắc cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa
- 8Quyết định 86/2012/QĐ-UBND về cơ chế giao và điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2013
- 9Quyết định 1584/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Nghị quyết 58/2009/NQ-HĐND quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
- Số hiệu: 58/2009/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 29/04/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Trương Quốc Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra