Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 492/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1312/TTr-BKH ngày 03 tháng 3 năm 2009 về Đề án thành lập “Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long”,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long:

Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.

2. Định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020:

a. Vị trí, vai trò của Vùng kinh tế trọng điểm đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long:

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000 MW - 9.400 MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam.

- Là trung tâm dịch vụ (giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, thương mại …), du lịch lớn của cả nước.

- Là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và giữ vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh của đất nước.

b. Quan điểm phát triển:

- Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn Vùng kinh tế trọng điểm, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các địa phương vùng khác trong cả nước, trước hết là vùng Đông Nam Bộ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động.

- Chủ động hội nhập sâu rộng, đẩy mạnh mở rộng giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn so với bình quân cả nước, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

- Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giảm dần sự chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa đồng bào dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khơme.

- Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

- Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường, củng cố an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

c. Mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.

- Các mục tiêu cụ thể:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011 - 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, đến năm 2010 khu vực nông lâm thủy sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020.

+ GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD năm 2010 và khoảng 3.000 USD vào năm 2020.

+ Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 310 USD năm 2007 lên 490 USD năm 2010 và 1.900 USD năm 2020.

+ Tăng mức đóng góp của Vùng kinh tế trọng điểm trong thu ngân sách trên địa bàn của vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 37,7% năm 2007 lên khoảng 40% năm 2010 và 48% vào năm 2020.

+ Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong tiến trình hiện đại hóa, phấn đấu đạt bình quân 20%/năm.

+ Nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo từ khoảng 30% năm 2007 lên 38% năm 2010 và đạt khoản 65% vào năm 2020.

+ Phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 30,2% năm 2007 lên 33,8% vào năm 2010 và đạt 46% năm 2020.

3. Các giải pháp thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long:

a. Tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng:

Ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA và vốn trái phiếu Chính phủ) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông để kết nối Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ, các vùng khác của cả nước và khu vực cũng như kết nối các đô thị lớn trong Vùng.

b. Phát triển nguồn nhân lực:

- Mở rộng quy mô dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, bảo đảm tốc độ tăng và cơ cấu hợp lý giữa các ngành, các bậc đào tạo và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Đầu tư mạnh cho bồi dưỡng, phát triển nhân lực kỹ thuật cao, đào tạo chuyên gia các ngành mũi nhọn cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

- Gắn kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và phát triển các ngành kinh tế với kế hoạch đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Tổ chức dạy nghề theo 3 hướng: dạy nghề đối với lao động trẻ mới gia nhập lực lượng lao động; dạy nghề cho đối tượng chuyển đổi nghề do những tác động của việc thay đổi cơ cấu kinh tế và cải cách doanh nghiệp; và dạy nghề có tính chất nâng cao đối với đối tượng có nhu cầu để theo kịp với sự đổi mới của khoa học, công nghệ.

- Tạo môi trường để nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực, chất lượng đào tạo nhân lực, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng như là quá trình thống nhất trong phát triển nguồn nhân lực.

c. Các giải pháp về cơ chế, chính sách:

- Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng:

Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và ODA cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có liên quan đến phát triển vùng: QL 1A, đường N1, N2, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, các cảng hàng không …

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bằng các hình thức BT, BOT một số công trình như đường cao tốc, xây dựng cảng, nạo vét luồng sông …

- Về thu chi ngân sách, hỗ trợ cho các địa phương trong Vùng:

+ Nâng mức hỗ trợ cho các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (theo tiêu chí các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm tại Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ) cao hơn so với các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm khác.

+ Nâng mức hỗ trợ cho các khu công nghiệp, các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu tại các địa phương trong Vùng cao hơn mức bình quân chung đối với các vùng khác.

+ Tạo điều kiện thuận lợi và định hướng thu hút ODA cao hơn cho các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

+ Thực hiện tốt một số cơ chế, chính sách theo Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010.

d. Giải pháp phối hợp liên tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan:

- Thực hiện quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với vùng kinh tế trọng điểm theo Quyết định số: 159/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bổ sung Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long vào hệ thống các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và lãnh đạo Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau vào Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm để điều hành, chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm theo quy hoạch.

- Xây dựng cơ chế phối hợp trong phát triển giữa các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Phối hợp trong xây dựng, thực hiện, rà soát, bổ sung, kiểm tra quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh/thành phố trong Vùng:

+ Khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh/thành phố cần xem xét quy hoạch của các tỉnh trong Vùng. Nếu có vấn đề không khớp nối cần phải trao đổi, phối hợp điều chỉnh.

+ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh/thành phố phải gửi xin ý kiến các địa phương trong Vùng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, các công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường (khu xử lý chất thải rắn, nước thải, nghĩa trang quy mô lớn) tại khu vực liền kề với địa phương khác trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cần lấy ý kiến các địa phương lân cận.

- Phối hợp trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch chung cho các địa phương trong Vùng.

- Phối hợp trong một số lĩnh vực quan trọng: xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, khám chữa bệnh…

- Phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách riêng phù hợp với quy định hiện hành; đảm bảo sự thống nhất trong toàn Vùng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Văn phòng Chính phủ:

Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các thành viên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau vào Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a. Trình Chính phủ bổ sung Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau vào mục 9 Điều 1, khoản 2: các lãnh thổ đặc biệt vào Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008.

b. Nghiên cứu, đề xuất nâng mức hỗ trợ cho các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (theo tiêu chí các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm tại Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ) cao hơn so với các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm khác.

c. Nghiên cứu đề xuất nâng mức hỗ trợ cho các khu công nghiệp, các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu tại các địa phương trong Vùng cao hơn mức bình quân chung đối với các vùng khác.

d. Tạo điều kiện thuận lợi và định hướng thu hút ODA cao hơn cho các địa phương trong Vùng.

3. Các Bộ, ngành Trung ương:

a. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của Vùng;

b. Đảm bảo cân đối các nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c. Thành lập Tổ điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau:

a. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với định hướng phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

b. Thành lập Tổ điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm của địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau;
- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Cần Thơ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 492/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 492/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/04/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 217 đến số 218
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản