Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 561/2013/UBTVQH13

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2013

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 35/2012/QH13 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi hướng dẫn

Nghị quyết này hướng dẫn việc thi hành một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 35/2012/QH13) quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; nội dung báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; việc xác minh, trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu; mẫu phiếu; kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu; nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; trình tự thủ tục từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức và đề nghị, kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Điều 2. Hướng dẫn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. “Các thành viên khác” của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 là các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Đối với nhiệm kỳ Quốc hội 2011-2016, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm có:

a) Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

b) Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trường hợp Quốc hội bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Ủy viên này cũng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13.

2. “Các thành viên khác” của Chính phủ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 là các thành viên Chính phủ không giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng.

Đối với nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016, các thành viên khác của Chính phủ gồm có:

a) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Tổng Thanh tra Chính phủ.

3. Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các ủy viên của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ mà người đó đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Trong phiếu tín nhiệm phải ghi rõ các chức vụ đó.

Việc đánh giá tín nhiệm trong việc đảm nhiệm các chức vụ khác không do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện theo quy định tại văn bản khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Ở những địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì không thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Nghị quyết số 35/2012/QH13. Việc đánh giá tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ tại các địa phương này được thực hiện theo quy định tại văn bản khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 3. Hướng dẫn về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ.

Điều 4. Hướng dẫn về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Họ và tên, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn của người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;

c) Tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;

d) Giải trình về ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chuyển đến (nếu có).

2. Trường hợp nhận được yêu cầu bằng văn bản do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển đến đề nghị làm rõ thêm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và gửi đến đại biểu có yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 35/2012/QH13.

3. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nếu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thấy cần phải làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản cho đại biểu.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa xác minh kịp thì báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định cho trả lời sau nhưng phải trước ngày lấy phiếu tín nhiệm lần tiếp theo; trong trường hợp này, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn được thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13.

4. Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội có thể thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo trước Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 5. Hướng dẫn về phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc kiểm phiếu quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 4 Điều 9, khoản 7 Điều 12 và khoản 5 Điều 13 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. Phiếu tín nhiệm sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ tương ứng với thứ tự mà Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân. Trên từng phiếu ghi rõ họ và tên, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Phiếu tín nhiệm sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm phiếu riêng đối với từng người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi rõ họ và tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

2. Những trường hợp phiếu sau đây là không hợp lệ:

a) Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra;

b) Phiếu không có dấu của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân;

c) Phần thể hiện mức độ tín nhiệm trên phiếu đối với người giữ chức vụ có đánh dấu từ hai ô trở lên;

Trường hợp phiếu ghi tên nhiều người mà phần thể hiện mức độ tín nhiệm đối với một người không hợp lệ theo quy định tại điểm c khoản này thì chỉ xác định không hợp lệ đối với người đó; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Trường hợp phiếu có ghi thêm tên của người ngoài danh sách đã có trong phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra thì phần ghi thêm đó không có giá trị; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Điều 6. Hướng dẫn về việc xác định kết quả kiểm phiếu, nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 8, khoản 5 và khoản 6 Điều 9, khoản 8 và khoản 9 Điều 12, khoản 6 và khoản 7 Điều 13 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp và gồm các nội dung sau đây:

a) Họ và tên, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn của người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

d) Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

đ) Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp và gồm các nội dung sau đây:

a) Họ và tên, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Tổng số phiếu “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

d) Tổng số phiếu “không tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Tổng số đại biểu Quốc hội, tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu là tổng số đại biểu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

4. Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm do Ban kiểm phiếu công bố, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (sau đây gọi là Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm).

Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian lấy phiếu tín nhiệm, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm; đánh giá chung về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (công tác chuẩn bị, việc gửi báo cáo, tài liệu, trách nhiệm giải trình) và kết quả lấy phiếu tín nhiệm; xác định những người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”; quyết định thời điểm Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được gửi đến người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” để người đó có thể xin từ chức.

Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian bỏ phiếu tín nhiệm, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, xác định người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm cần được trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.

Điều 7. Hướng dẫn về hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”, người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm quy định tại Điều 10 và Điều 14 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì, phối hợp cùng cơ quan tham mưu về công tác cán bộ chuẩn bị các điều kiện về thủ tục và nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm chậm nhất là vào kỳ họp tiếp theo theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị quyết số 35/2012/QH13, trừ trường hợp người đó có đơn xin từ chức và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

2. Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Điều 8. Hướng dẫn về việc từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 10 và Điều 14 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. Quy trình, thủ tục từ chức đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mà có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 được thực hiện như sau:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân thông báo với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn kết quả lấy phiếu tín nhiệm và quy định của pháp luật về việc từ chức;

b) Người xin từ chức có đơn gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;

c) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm chậm nhất là vào kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

2. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 9. Hướng dẫn về việc đề nghị, kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 11 của Nghị quyết số 35/2012/QH13

1. Việc đề nghị, kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 11 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 được thực hiện như sau:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định tại Điều 27 và Điều 52 của Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện việc kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo trình tự quy định tại Điều 34 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Điều 33 của Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

c) Đại biểu Quốc hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng cách gửi văn bản kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội để tổng hợp. Khi nhận được kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị
của đại biểu Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp này cho tới chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu bằng cách gửi văn bản kiến nghị đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân để tổng hợp. Khi nhận được kiến nghị bằng văn bản của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đối với một người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp này cho tới chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo của Hội đồng nhân dân.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Sinh Hùng

PHỤ LỤC

MẪU PHIẾU SỬ DỤNG TRONG QUY TRÌNH LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13)

1. Phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

QUỐC HỘI KHÓA ...
KỲ HỌP THỨ....
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Quốc hội)

Hà Nội, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ...(1)…………..

(Dùng cho việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm)

STT

Họ và tên

Chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Mức độ tín nhiệm

Tín nhiệm cao

Tín nhiệm

Tín nhiệm thấp

1

(2)

(3)

2

...

Ghi chú:

(1) Tên các loại phiếu dùng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cụ thể như sau:

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội.

- Phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch nước.

- Phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Chính phủ.

- Phiếu tín nhiệm đối với các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Phiếu tín nhiệm đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Phiếu tín nhiệm đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước.

(2) Ghi rõ họ và tên.

(3) Các chức vụ tương ứng với phạm vi những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ghi trên tên phiếu ở phần (1).

2. Phiếu sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

QUỐC HỘI KHÓA ...
KỲ HỌP THỨ....
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Quốc hội)

Hà Nội, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ông (bà) …...(1)……, …….(2)………….

(Dùng cho việc bỏ phiếu tín nhiệm)

Tín nhiệm

Không tín nhiệm

Ghi chú:

(1) Họ và tên của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

(2) Các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

3. Phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
…(1)…
NHIỆM KỲ …
KỲ HỌP THỨ …
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Hội đồng nhân dân)

(2), ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ………...(3)…………..

(Dùng cho việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm)

STT

Họ và tên

Chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

Mức độ tín nhiệm

Tín nhiệm cao

Tín nhiệm

Tín nhiệm thấp

1

(4)

(5)

2

...

Ghi chú:

(1) Cấp đơn vị hành chính và tên địa phương.

(2) Tên địa danh.

(3) Tên các loại phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cụ thể như sau:

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Ủy ban nhân dân.

(4) Ghi rõ họ và tên.

(5) Các chức vụ tương ứng với phạm vi những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu ghi trên tên phiếu ở phần (1).

4. Phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp xã

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
…(1)…
NHIỆM KỲ …
KỲ HỌP THỨ …
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Hội đồng nhân dân)

(2)..., ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ………...(3)…………..

(Dùng cho việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm)

STT

Họ và tên

Chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

Mức độ tín nhiệm

Tín nhiệm cao

Tín nhiệm

Tín nhiệm thấp

1

(4)

(5)

2

...

Ghi chú:

(1) Cấp đơn vị hành chính và tên địa phương.

(2) Tên địa danh.

(3) Tên các loại phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cụ thể như sau:

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Ủy ban nhân dân.

(4) Ghi rõ họ và tên.

(5) Các chức vụ tương ứng với phạm vi những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu ghi trên tên phiếu ở phần (1).

5. Phiếu sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
…(1)…
NHIỆM KỲ …
KỲ HỌP THỨ …

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Hội đồng nhân dân)

(2)..., ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ông (bà) …...(3)……, …….(4)………….

(Dùng cho việc bỏ phiếu tín nhiệm)

Tín nhiệm

Không tín nhiệm

Ghi chú:

(1) Cấp đơn vị hành chính và tên địa phương.

(2) Tên địa danh.

(3) Họ và tên của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

(4) Các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 561/2013/UBTVQH13 hướng dẫn lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13

  • Số hiệu: 561/2013/UBTVQH13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/01/2013
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản