Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 06 tháng 10 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM NƯỚC LỢ TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 16 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 124/TTr-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc thông qua Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:

1. Tên đề án: Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Phạm vi thực hiện

Trên địa bàn 05 huyện, thị xã nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, bao gồm: Huyện Trần Đề, huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung, huyện Long Phú và thị xã Vĩnh Châu.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến năm 2025.

4. Đối tượng thực hiện

Các tổ chức, cá nhân và các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

5. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng phương án để ổn định sản xuất. Giữ vững và nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ theo hướng tăng năng suất và chất lượng.

Thực hiện nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. Tiếp tục cơ cấu lại ngành tôm nước lợ theo hướng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số, phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất ngành hàng tôm nước lợ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn và từng bước đưa tỉnh Sóc Trăng thành trung tâm nuôi trồng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 bình quân là 2,74 %/năm và dự kiến đến năm 2025 đạt 5,1%/năm.

- Diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 57.000 ha, bao gồm: 1.500 ha tôm siêu thâm canh; 40.500 ha tôm thâm canh, bán thâm canh; 15.000 ha tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến. Phấn đấu sản lượng nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 là 233.800 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phấn đấu duy trì và tối thiểu phải đạt 01 tỷ USD. Trong đó, định hướng:

+ Xây dựng 45 mô hình điểm, chủ đạo phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất trong 03 năm triển khai dự án, được kiểm soát chặt chẽ về môi trường và dịch bệnh.

+ Phấn đấu 100% cơ sở nuôi/hộ nuôi: đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng nuôi chủ lực đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu; cam kết không đưa tạp chất vào tôm nuôi thương phẩm; tham gia trình diễn mô hình được đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo sau khi kết thúc chương trình đào tạo.

+ 100% Ban Quản trị các Hợp tác xã thủy sản/Công ty/Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực Hợp tác xã trong quản lý, điều hành, định hướng tổ chức sản xuất tôm nước lợ, được cấp chứng chỉ đào tạo sau khi kết thúc chương trình đào tạo

+ Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 20 hợp tác xã để đạt các chứng nhận VietGAP...; đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm; trong đó, có ít nhất 05 mối liên kết tại 05 tiểu vùng sản xuất được tổ chức ký kết bao gồm người nuôi tôm, cơ sở cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, men vi sinh, vật tư thủy sản...), tổ chức tín dụng, nhà máy chế biến, nhà quản lý.

c) Đến năm 2030

Diện tích thả nuôi tôm nước lợ duy trì 57.000 ha bao gồm: 3.000 ha tôm siêu thâm canh; 44.000 ha tôm thâm canh, bán thâm canh; 10.000 ha tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến. Phấn đấu sản lượng nuôi tôm nước lợ đến năm 2030 là 3 11.428 tấn, tốc độ tăng trưởng đến năm 2030 đạt 6,7%/năm.

6. Kinh phí

- Tổng dự toán kinh phí: 29.404.960.000 đồng (Hai mươi chín tỷ bốn trăm lẻ bốn triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng). Trong đó:

+ Ngân sách nhà nước: 17.569.960.000đồng.

+ Vốn xã hội hóa (bao gồm vốn đối ứng dân và vốn vay ngân hàng): 11.835.000.000đồng.

- Dự kiến nguồn kinh phí

+ Ngân sách nhà nước dự kiến phân bổ từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp khác hàng năm

+ Nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án.

+ Nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương trong phạm vi định mức chi thường xuyên, theo phân cấp ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên quan.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Khóa X, Kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) thông qua ngày 06 tháng 10 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía nam);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- TT.TU, TT.HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tính Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Hồ Thị Cẩm Đào

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 55/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/10/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Hồ Thị Cẩm Đào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản