Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/NQ-HĐND | Lai Châu, ngày 30 tháng 9 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC THỊ TRẤN MƯỜNG TÈ, HUYỆN MƯỜNG TÈ, TỈNH LAI CHÂU
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Kiến trúc ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020.
Căn cứ Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc;
Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xét Tờ trình số 3739/TTr-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về đề nghị ban hành nghị quyết thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Báo cáo thẩm tra số 440/BC-HĐND ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (sau đây gọi tắt là Quy chế) với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi áp dụng: Quy chế này quy định về quản lý kiến trúc thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
b) Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc thuộc phạm vi thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
2. Mục tiêu
a) Để quản lý kiến trúc đô thị và thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan và bản sắc văn hóa trên phạm vi, ranh giới của Quy chế.
b) Phù hợp với định hướng phát triển không gian thị trấn Mường Tè đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Nguyên tắc quản lý kiến trúc trong đô thị
a) Các nguyên tắc chung
- Tuân thủ theo quy định của pháp luật về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, quy hoạch đô thị, đất đai và nhà ở; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành và các quy định của pháp luật có liên quan;
- Phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đô thị (bao gồm: cốt xây dựng công trình, chiều cao xây dựng công trình, mật độ xây dựng, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu khác có liên quan) theo các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và điều kiện thực tế tại thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè;
- Đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan hoặc thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về vị trí và tổng mặt bằng (đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị) là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng;
- Quản lý kiến trúc tại thị trấn Mường Tè phải tuân thủ theo Luật Kiến trúc và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; phù hợp với đồ án quy hoạch được duyệt; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy chế và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Vị trí, quy mô và thiết kế công trình đối với các công trình công cộng, công trình nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ theo quy hoạch đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng hiện hành;
- Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai;
- Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc của các địa phương trong nước và thế giới. Xây dựng nền kiến trúc tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc;
- Bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc.
b) Các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù
- Đối với các khu vực có ý nghĩa quan trọng về không gian cảnh quan; các trục đường chính, tuyến phố đi bộ, các trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch; khu vực di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh từ cấp tỉnh, quốc gia trở lên; quảng trường và công viên; các khu trung tâm công cộng; các khu vực xung quanh đầu mối giao thông công cộng; khu vực cửa ngõ đô thị việc quản lý kiến trúc trong đô thị đảm bảo phù hợp theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và các quy định pháp lý quy hoạch hiện hành;
- Đối với các khu vực tuyến phố, khu vực ưu tiên chỉnh trang: Thực hiện đảm bảo phù hợp quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng hiện hành.
c) Đối với công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc
Tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật kiến trúc năm 2019 và các quy định khác có liên quan.
4. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan đô thị
a) Định hướng chung
- Mô hình không gian thị trấn Mường Tè phát triển theo dạng cụm dọc suối Nậm Bum, với trục chính là đường tránh Quốc lộ 4H, tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Không gian kiến trúc đô thị đáp ứng yêu cầu là trung tâm hành chính - chính trị huyện, trung tâm kinh tế và phát triển du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng;
- Hình thành không gian đô thị đồng bộ, thống nhất về ngôn ngữ kiến trúc khu vực hiện hữu, khu vực đô thị mới. Công trình kiến trúc phải phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió. Thiết kế kiến trúc cần thân thiện với người đi bộ như tạo ra nhiều bóng râm, có mái che, có nhiều diện tích thấm nước tự nhiên;
- Khuyến khích tạo ra các không gian sử dụng công cộng trong đô thị.
b) Định hướng cụ thể
- Về không gian cảnh quan đô thị: Được định hướng các vị trí điểm nhấn về cảnh quan đô thị theo quy hoạch đô thị; công viên, cây xanh, mặt nước; các không gian mở có tầm nhìn hướng ra khu vực cảnh quan tự nhiên (công viên, cây xanh, mặt nước, lòng hồ thủy điện Lai Châu);
- Về kiến trúc: Thiết kế kiến trúc phải phù hợp với định hướng chung đã được quy định tại đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành.
5. Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc
- Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc thị trấn Mường Tè được xác định trên cơ sở đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương gồm một số dân tộc cư trú thành cộng đồng, trong đó có một số dân tộc chính như: Thái, Hà Nhì, Kinh, La Hủ... vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần;
- Đảm bảo duy trì và phục dựng không gian kiến trúc nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được xác định;
- Phát huy hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, hình thành một số sản phẩm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân;
- Không tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị và môi trường sinh thái; công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng;
- Khuyến khích áp dụng chi tiết kiến trúc mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thị trấn Mường Tè vào các không gian công cộng, không gian văn hóa thương mại dịch vụ (công trình chợ, công trình thương mại, sân vận động, khu vực giao cắt giao thông chính).
6. Quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù
Tuân thủ nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù. Quy định cụ thể cho từng khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt.
7. Quy định kiến trúc các loại hình công trình
Việc quy định, phân loại các loại công trình cụ thể đảm bảo phù hợp theo định hướng phát triển chung của thị trấn Mường Tè, tuân thủ nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu đã được quy định tại đồ án quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng hiện hành.
8. Quy định quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị
- Đối với quy định quản lý công trình thuộc Danh mục kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt tuân thủ theo Điều 13 Luật Kiến trúc năm 2019; Điều 12 và Điều 13 Phụ lục II Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và các quy định có liên quan;
- Đối với quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.
9. Quy định đối với kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị
Đảm bảo phù hợp theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 07:2023/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan theo đồ án quy hoạch đô thị Mường Tè.
10. Các yêu cầu khác
Quy định một số nội dung: Quảng cáo trên công trình kiến trúc đã và đang xây dựng; hình thức kiến trúc cổng, hàng rào; màu sắc, chất liệu và chi tiết bên ngoài công trình kiến trúc; dự án, công trình nhà ở riêng lẻ chưa triển khai và đang triển khai xây dựng; việc xử lý mặt ngoài các công trình kiến trúc hiện hữu đảm bảo phù hợp theo quy hoạch đô thị được duyệt và các quy định khác có liên quan.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XV, kỳ họp thứ hai mươi ba thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 54/NQ-HĐND năm 2024 thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
- Số hiệu: 54/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 30/09/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Người ký: Giàng Páo Mỷ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra