Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2016/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 1946/TTr-UBND ngày 03/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Nghị quyết thông qua Đề án về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 378/BC-HĐND ngày 10/10/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Nghị quyết về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, nội dung cụ thể như sau:

1. Phạm vi áp dụng

Nghị quyết này thực hiện ở địa bàn 32 xã, 01 phường, 04 thị trấn có đồng bào tái định cư tập trung thuộc 04 dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng áp dụng

Cộng đồng dân cư các xã, bản tái định cư tập trung; các cá nhân, hộ tái định cư đã di chuyển đến các điểm tái định cư tập trung và đang sinh sống, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tái định cư các công trình thủy điện quốc gia.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Ổn định và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững cho các vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về năng lực sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; gắn xây dựng vùng tái định cư với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân một cách bền vững; thực hiện tốt chính sách dân tộc, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

b) Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

- Thu nhập bình quân đầu người: 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm trên 1%/năm.

- Trồng mới 10.000 ha cây quế; 1.000 ha cây chè; chuyển đổi trên 9.800 ha đất sản xuất lúa, ngô có năng suất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp quy hoạch; tỷ lệ che phủ rừng: trên 33%.

- Xây dựng các công trình thủy lợi đáp ứng trên 85% yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa; 95% thôn, bản có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% diện tích đất giao cho hộ gia đình, cá nhân tái định cư được cấp giấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất.

- Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp: Mầm non trên 65%; Tiểu học trên 70%; Trung học cơ sở trên 49%.

- Trên 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 85% hộ gia đình, 80% thôn, bản, 95% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

- Có trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trên 17 tiêu chí/xã.

4. Nhiệm vụ

a) Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Rà soát, chi trả đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ tái định cư đúng quy định. Hoàn thiện hồ sơ địa chính và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trong vùng.

b) Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Tranh thủ huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Quan tâm đầu tư các bến tầu, bến đò ngang đã được quy hoạch phục vụ việc đi lại giao thương của Nhân dân. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của các phương tiện thủy nội địa, ổn định tình hình an ninh trật tự tuyến đường thủy tại các xã tái định cư; xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản tại các lòng hồ thủy điện.

c) Giải quyết đất sản xuất

Giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, cải tạo đất nông nghiệp bạc màu; khai thác, sử dụng đất bán ngập; cân đối, bố trí đất sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ tái định cư phù hợp với quỹ đất thực tế của từng vùng. Thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 1.660 ha đất rừng nghèo kiệt, đất nương rẫy sang đất sản xuất nông nghiệp thâm canh, tăng vụ; khai hoang, cải tạo 380 ha đất chưa sử dụng.

d) Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp

Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây quế, cây chè; cây trồng ngắn ngày. Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ phương thức chăn nuôi, phát triển trồng cỏ, dự trữ thức ăn; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng sang trồng các loại cỏ có năng suất cao phục vụ chăn nuôi; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, các vật nuôi đặc sản có giá trị theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng.

đ) Nâng cao chất lượng lao động, Giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Chăm lo hỗ trợ điều kiện học tập và bảo đảm chất lượng giáo dục cho học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường học. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho các trạm y tế; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đảm bảo mọi người dân được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế theo quy định.

e) Tăng cường phối hợp nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh nông thôn; giải quyết kịp thời tranh chấp, khiếu kiện; phòng chống ma túy; quản lý tốt các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo; ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo gây phức tạp về an ninh, trật tự; giảm thiểu tai nạn giao thông.

g) Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và đời sống văn hóa nông thôn.

h) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

5. Kinh phí và nguồn kinh phí

a) Tổng kinh phí: 1.500 tỷ đồng, trong đó:

- Giải quyết đất sản xuất: 50 tỷ đồng.

- Tái cơ cấu nông - lâm nghiệp: 350 tỷ đồng.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới: 1.100 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn:

- Vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách Trung ương.

- Vốn cân đối ngân sách địa phương.

- Vốn lồng ghép các chương trình.

- Các nguồn vốn khác.

6. Cơ chế, chính sách

Thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại: Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và các Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ đối về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các cơ chế, chính sách khác về hỗ trợ phát triển sản xuất, an sinh xã hội, giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

7. Giải pháp thực hiện

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia nhận thức đúng và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tái định cư, tạo sự đồng thuận cao và chủ động phối hợp trong tổ chức thực hiện.

b) Sau khi quy hoạch tổng thể điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư để tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của dự án, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung lực lượng, thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho các hộ tái định cư.

c) Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đồng bào tái định cư được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách.

d) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước như: Chính sách hỗ trợ về tín dụng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo nghề. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển sản xuất tại các khu, điểm tái định cư.

đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết các kiến nghị của Nhân dân có liên quan đến công tác tái định cư.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Khóa XIV Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 14 tháng 10 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Vũ Văn Hoàn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 53/2016/NQ-HĐND về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 53/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Vũ Văn Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản