Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/NQ-HĐND

Bình Dương, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Xét Tờ trình số 5597/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương; Báo cáo thẩm tra số 103/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa IX, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ, Ban CTĐB;
- Bộ LĐTBXH;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy; Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- Cơ sở Dữ liệu quốc gia về pháp luật (Sở Tư pháp);
- Trung tâm CB, Website tỉnh, Báo, Đài PT-TH Bình Dương;
- Phòng TH (3), HCTCQT;
- Lưu: VT, Ly.

CHỦ TỊCH




Võ Văn Minh

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

I. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

1. Về phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 103 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là GDNN) và cơ sở hoạt động GDNN, trong đó: 07 trường cao đẳng/cao đẳng nghề, 10 trường trung cấp/trung cấp nghề, 13 trung tâm GDNN, 06 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, 67 cơ sở hoạt động GDNN; trong đó có 22 cơ sở công lập và 81 cơ sở ngoài công lập.

2. Về công tác tuyển sinh, đào tạo

Công tác tuyển sinh GDNN đã có những chuyển biến tích cực trong các năm gần đây, chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt mức cao.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 200.000 người, trong đó có 8.585 người lao động nông thôn tham gia học nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản về số lượng và chất lượng, xây dựng đội ngũ nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Về phát triển đội ngũ nhà giáo

Tính đến cuối năm 2020, tổng số đội ngũ cán bộ và nhà giáo hiện đang công tác tại các cơ sở GDNN là 2.025 người (cán bộ quản lý: 341 người; nhà giáo: 1.415 người; cán bộ, nhân viên khác: 269 người); tổng số nữ là 662 người; trình độ tiến sĩ: 30 người (1,5%); trình độ thạc sĩ: 471 người (23,3%); trình độ đại học: 970 người (47,9%); trình độ cao đẳng: 137 người (6,8%); trình độ khác: 417 người (20,6%).

Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo tại đơn vị, thực hiện xây dựng kế hoạch và cử giáo viên đi thực hành tại các doanh nghiệp. Ngoài các chương trình đào tạo bồi dưỡng do Tổng cục GDNN chủ trì thực hiện hàng năm, trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN.

4. Về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị Khối công lập thuộc tỉnh

Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Bình Dương có 02 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore và Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương) được phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm theo Quyết định số 1769/QĐ- LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với 07 nghề cấp độ Quốc tế, 02 nghề cấp độ ASEAN, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo theo nguồn vốn từ Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore cũng là 01 trong 45 trường của cả nước được đầu tư thành trường chất lượng cao; Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương là 01 trong 05 trường cao đẳng thuộc dự án đầu tư xây dựng dạy nghề chất lượng cao sử dụng nguồn vốn ODA của chính phủ Hàn Quốc.

Ngoài ngân sách Trung ương, các cơ sở GDNN được phân bổ từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho 03 trường: Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore (14,48 tỷ đồng), Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương (23,751 tỷ đồng), Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương (87 tỷ đồng).

Việc đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại là một trong những nguyên nhân giúp các trường thu hút được số lượng tuyển sinh các ngành nghề trọng điểm đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm. Tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt tốt nghiệp, ra trường có việc làm đạt ở mức cao.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển GDNN nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Phấn đấu đến năm 2030, GDNN tỉnh Bình Dương tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo bảo đảm đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35%. Hàng năm, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 37,5%.

Hàng năm, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động.

2. Mục tiêu cụ thể phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025

a) Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và số lượng tuyển sinh

Đến năm 2025, tỉnh Bình Dương thực hiện công tác sắp xếp, tinh giản lại các cơ sở GDNN để còn khoảng 95 cơ sở GDNN, trong đó có 08 trường cao đẳng, 07 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN, 62 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN đào tạo các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng.

Phát triển 03 trường chất lượng cao đào tạo các ngành nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 39.000 học viên/năm (trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm khoảng 20%, sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 80%), trong đó có khoảng 75% cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý

Phấn đấu có 100% đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, tỷ lệ giáo viên các trường trung cấp có trình độ sau đại học đạt 25%, tỉ lệ giảng viên các trường cao đẳng có trình độ sau đại học đạt 35%.

Có 100% nhà giáo trong trường chất lượng cao dạy các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn đạt chuẩn quốc tế, có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài; bồi dưỡng ngoại ngữ để tiếp cận trình độ quốc tế cho các nhà giáo.

Cán bộ quản lý GDNN được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và trình độ chính trị.

c) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề

Đối với các trường cao đẳng, tiếp tục đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao để tiếp cận với các nước ASEAN; các cơ sở đào tạo đặc thù, đặc biệt là đầu tư nâng cấp 02 trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore và Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương.

Đối với các trường trung cấp và các cơ sở GDNN khác, tiếp tục quan tâm tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và danh mục thiết bị đào tạo nghề tối thiểu cho các nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng nhiều nguồn lực như: Ngân sách địa phương; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và xã hội; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

3. Về nhiệm vụ và giải pháp

a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

b) Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở GDNN xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức và nhân sự đối với các cơ sở GDNN theo quy định của pháp luật.

c) Xây dựng và ban hành các danh mục ngành nghề trọng điểm của Tỉnh trong từng giai đoạn cho phù hợp với thực tế địa phương để các trường làm cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

d) Chú trọng đổi mới công tác tuyển sinh, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong điều kiện mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của tỉnh Bình Dương.

đ) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chế độ hỗ trợ các cơ sở GDNN. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa sự nghiệp GDNN, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo của các cơ sở GDNN; đồng thời triển khai hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở GDNN trên địa bàn.

e) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về GDNN, kiểm tra việc thực hiện chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo và chức danh lãnh đạo quản lý GDNN; hướng dẫn, chỉ đạo việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 47/NQ-HĐND năm 2020 về Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 47/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Võ Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản