Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2005/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 12 tháng 10 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, DẠY NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NHÂN DÂN; XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO; DỰ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP GIAI ĐOẠN 2006-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VII-KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

 Sau khi nghe Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động thương binh và Xã hội được sự uỷ nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày Đề án tiếp tục thực hiện chương trình phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tổng kết chương trình xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2006-2010; dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, giai đoạn 2006-2010 tại kỳ họp thứ báo cáo 5 – Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII;

 Sau khi xem xét báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. Về Báo cáo tổng kết Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2005 và Đề án tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2010.

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giai đoạn 2001-2005:

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân” đã đạt được những thành quả khả quan:

- Mạng lưới trường lớp được sắp xếp, phát triển hợp lý vừa nâng cao tỷ lệ huy động học sinh, vừa nâng chất lượng dạy và học. Đội ngũ cán bộ giáo viên được bổ sung, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Cơ sở vật chất được đầu tư khá lớn. Đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục.

- Công tác dạy nghề phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề và hình thức đào tạo qua việc mở rộng quy mô các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt chỉ tiêu đề ra. Bước đầu gắn đào tạo với sử dụng, tạo mở thêm chỗ làm việc mới tại địa phương song song với phát triển cung ứng, giới thiệu việc làm ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

- Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư phát triển, y tế dự phòng đạt hiệu quả khá cao, cơ bản khống chế được dịch bệnh nguy hiểm. Công tác khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, ứng dụng được một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bước đầu được đa dạng hoá. Các chính sách xã hội về y tế được thực hiện khá tốt.

Mặc dù tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho chương trình, nhưng do nhu cầu quá lớn nên chưa đủ kinh phí để đáp ứng các mục tiêu phát triển. Đội ngũ cán bộ giáo viên, y bác sỹ cũng còn hạn chế về năng lực, trình độ, một số ít tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục đào tạo nhìn chung còn thấp, chất lượng đào tạo nghề chưa cao, đa số được đào tạo ngắn hạn. Khả năng tạo mở chỗ làm việc mới còn ít so với nhu cầu. Công tác cung ứng, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động còn những khó khăn nhất định.

2. Mục tiêu tiếp tục thực hiện chương trình phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2010:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

2.1 Về giáo dục và đào tạo:

Bậc học

Dạy 2 buổi/ngày

Bán trú

Trường chuẩn quốc gia

Hiệu quả đào tạo

Tốt nghiệp THPT

Tiểu học

50%

20%

40%

90%

 

THCS

205

 

25%

80%

 

THPT

20%

 

20%

75%

80%

- Bậc tiểu học huy động hết trẻ trong độ tuổi đến trường.

- Hoàn thành PCTHCS vào cuối năm 2006, tiến hành phố cập THPT (đến 2010 thị xã Bến Tre đạt chuẩn).

- Thu hút 15% học sinh trong độ tuổi vào THCN và học nghề, 15% học sinh sau THCS, 15% học sinh sau THPT vào THCN hoặc học nghề bậc cao.

- Trường Cao đẳng Bến Tre tăng quy mô đào tạo hàng năm ít nhất 10%: đến 2010 có 120 sinh viên/vạn dân.

2.2 Nâng cao chất lượng dạy nghề và giải quyết việc làm:

- Hàng năm có khoảng 30.000 lao động được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào 2010.

- Mỗi huyện có ít nhất 02 trung tâm hoặc doanh nghiệp giới thiệu việc làm. Đến 2010 có từ 18.000 – 20.000 người được giới thiệu việc làm, bình quân có 1.000 lao động xuất khẩu/năm.

- Phấn đầu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85%.

2.3 Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân:

- Tăng số giường bệnh của 03 bệnh viện tỉnh (1.100 giu7p72ng).

- Thành lập các bệnh viện: lao và bệnh phổi, tâm thần, phụ sản.

- Nâng cấp bệnh xá quân y thành bệnh viện quân – dân y, bệnh viện huyện Ba Tri, bệnh viện B Tiên Thuỷ thành bệnh viện đa khoa khu vực.

- Phấn đầu đạt các chỉ tiêu:

+ 100% xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung cấp, 80% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 50% xã đạt chuẩn Làng văn hoá sức khoẻ.

+ 100% ấp có y tế ấp và 100% tổ nhân dân tự quản có tình nguyện viên sức khoẻ cộng đồng.

+ Nâng tỷ lệ giường bệnh lên 16 giường bệnh/vạn dân và 5 bác sỹ/vạn dân.

+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ) 0 – 5 tuổi) còn dưới 20%.

3. Các nhiệm vụ giải pháp chính:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất về các nhiệm vụ cụ thể và giải pháp để thực hiện như Uỷ ban nhân dân tỉnh đã báo cáo và các ý kiến bổ sung của Ban Văn hoá – Xã hội và quý Đại biểu. Hội đồng nhân dân tỉnh xin lưu ý một số giải pháp khi thực hiện như sau:

- Cần triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao”; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; khuyến khích phát triển các loại hình trường học, cơ sở dạy nghề tư thục, làng nghề truyền thống, cơ sở y – dược tư nhân, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội ở địa phương và nhu cầu của nhân dân; duy trì, thực hiện tốt cơ chế, chính sách bảo đảm chất lượng hoạt động ở các cơ sở.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh…

- Triển khai quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề tỉnh Bến Tre đến năm 2010. Tập trung xây dựng và đầu tư trang thiết bị cho Trường nghề (Trường Kỹ nghệ) để nâng thành Trường Trung cấp nghề; nâng Trung tâm Dạy nghề Mỏ Cày thành Trường nghề khu vực Cù lao Minh. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề trọng điểm, phù hợp với yêu cầu đào tạo theo công nghệ tiên tiến. Nâng Trường Trung học Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế vào năm 2010.

- Tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp quản lý giáo dục – đào tạo, lao động – việc làm, y tế. Đề cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, y đức. Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong quản lý dạy và học, trong giải quyết việc làm, trong khám – chữa bệnh.

- Tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đối với từng lĩnh vực:

Giáo dục – đào tạo: đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Dạy nghề - giải quyết việc làm: mở rộng quy mô, đa dạng hoá các loại hình dạy nghề; tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên, cho lao động nông thôn; tăng đào tạo nghề dài hạn, kỹ thuật cao; gắn đào tạo với sử dụng; nâng cao dịch vụ cung ứng giới thiệu việc làm, tạo thuận lợi để xuất khẩu lao động, mở ra nhiều chỗ làm việc mới ở trong và ngoài tỉnh.

Chăm sóc sức khoẻ nhân dân: phát triển, hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng, mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; cải tạo, nâng cấp các bệnh viện đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân ngay tại địa phương; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; củng cố và phát triển y tế học đường; tăng cường kết hợp quân – dân y; phát triển y dược học cổ truyền; phát triển công nghiệp dược, quản lý tốt chất lượng thuốc, giá thuốc.

- Tổng nguồn vốn dự toán phục vụ cho giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong giai đoạn 2006-2010, ước tính là 1.340,6 tỷ đồng, trong đó: giáo dục và đào tạo: 506,8 tỷ đồng; dạy nghề và giải quyết việc làm: 145,8 tỷ đồng; y tế: 688,0 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách, ước tính: 970,6 tỷ đồng; phần còn lại từ nguồn thu viện phí và bảo hiểm y tế (BHYT): khoảng 270,0 tỷ đồng và từ viện trợ, khoảng 100 tỷ đồng, đầu tư cho xây dựng, nâng cấp, trang thiết bị y tế.

II. Về tổng kết chương trình mục tiêu xoá đói, giảm nghèo (XĐGN) giai đoạn 2001-2005 và phương hướng, nhiệm vụ 2006-2010.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cơ bản với Báo cáo tổng kết chương trình mục tiêu xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 2001-2005 và phương hướng, nhiệm vụ 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Đánh giá việc thực hiện chương trình XĐGN giai đoạn 2001-2005.

Công tác XĐGN đã tạo được thành quả lớn nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Bằng việc thực hiện song song, đồng bộ 2 nhóm giải pháp: cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ sản xuất, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội, người nghèo đã được chăm lo khá toàn diện. Được giúp vốn, giúp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, đi vùng kinh tế mới; được khám chữa bệnh không mất tiền, được hỗ trợ kinh phí để học nghề, xuất khẩu lao động, con em đến trường được miễn giảm học phí, được trợ cấp học bổng, học phẩm. Các đối tượng người già neo đơn, người tàn tật nghèo, trẻ mồ côi… được hưởng trợ cấp xã hội đúng theo quy định của Nhà nước. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt các xã nghèo. Kinh tế xã hội phát triển, đời sống của đại đa số nhân dân được cải thiện, trong đó có nhóm hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống khá nhanh từ 14,27% (2001) xuống còn 3,62% (2005) theo tiêu chí cũ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nêu trên, công tác XĐGN cũng còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm như:

- Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng do tiêu chí xác định thu nhập trước đây rất thấp nên đa số hộ thoát nghèo thiếu bền vững, việc làm không ổn định, khó khăn về nhà ở.

- Kinh tế tỉnh nhà trong thời gian qua có bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về việc làm, nhất là đối với lao động nghèo. Còn một bộ phận nông dân đời sống khó khăn do ít đất, không có đất, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất.

- Nhiều cấp uỷ, chính quyền xã, phường chưa thật sự quan tâm đến công tác XĐGN thiếu những việc làm cụ thể, thiết thực. Việc bình nghị xét giảm hộ nghèo còn cứng nhắc, cảm tính. Trình độ, kỹ năng của cán bộ làm công tác XĐGN còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện rộng rãi công tác tư vấn toàn diện cho người nghèo, đặc biệt là tư vấn về cách làm ăn, khai thác đất đai lao động…

- Còn một bộ phận người nghèo ỷ lại, trông chờ hoặc chây lười… thiếu ý chí vươn lên.

2. Về phương hướng công tác XĐGN 2006-2010:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất các chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu sau đây:

- Phấn đấu đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) của tỉnh xuống còn dưới 10%. Mỗi năm giảm bình quân 2% số hộ thoát nghèo phải có thu nhập bền vững và có việc làm ổn định.

- Phấn đấu đến năm 2010: 95% hộ gia đình chính sq1ch nghèo phải có mức sống tối thiểu bằng mức sống cộng đồng dân cư.

3. Giải pháp tập trung những vấn đề như sau:

- Thực hiện công tác XĐGN với định hướng là xoá đói giảm nghèo phải toàn diện, công bằng và bền vững. Thực hiện tốt các chương trình, dự án về dạy nghề, giải quyết việc làm, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, chính sách xã hội khác cho người nghèo, nhân rộng các mô hình XĐGN có hiệu quả.

- Nâng cao hiệu quả của công tác điều hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của bộ máy làm công tác XĐGN từ tỉnh đến cơ sở.

- Giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người nghèo là biện pháp quan trọng XĐGN một cách bền vững.

III. Về Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đến năm 2008.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày, giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu giải pháp phù hợp để thực hiện Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đến năm 2008. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung như sau:

1. Mục đích xây dựng dự án: giúp cho hộ nghèo có nhà ở ổn định, an tâm sản xuất, nâng cao đời sống. Do đó:

Yêu cầu đặt ra: việc xây dựng nhà ở cho người nghèo khó khăn về nhà ở mà không có khả năng tự lo phải được xã hội hoá cao trong cộng đồng; sự đóng góp của người thân và đặc biệt là sự phấn đấu vươn lên của người nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

- Ưu tiên giải quyết dứt điểm về nhà ở cho hộ nghèo và hộ mới vừa thoát nghèo diện chính sách đang có nhu cầu về nhà ở.

- Sau hộ chính sách là những hộ nghèo trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam sống neo đơn; những hộ nghèo có người tàn tật đang có nhu cầu về nhà ở nhưng không thể tự lo được.

- Tiếp tục hỗ trợ với những hộ nghèo và những hộ mới vừa thoát nghèo có độ tuổi từ 40 đến dưới 55 tuổi đối với nữ, từ 40 đến dưới 60 tuổi đối với nam.

2. Chỉ tiêu cụ thể:

- Quý 4/2005 đến năm 2006 sẽ hỗ trợ cho 855 hộ diện chính sách và trợ cấp xã hội, 1.000 hộ ở độ tuổi trên 55 đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam.

- Năm 2007 giải quyết cho 1.000 hộ, trong đó có 83 hộ ở độ tuổi trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam; 917 hộ ở độ tuổi từ 40 đến dưới 55 tuổi đối với nữ, từ 40 đến dưới 60 đối với nam.

- Đến tháng 6/2008 giải quyết 476 hộ còn lại.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với nội dung, phương án kinh phí hỗ trợ, giải pháp vốn với phương châm thực hiện là “tập trung phát huy nguồn lực từ cơ sở”.

IV. Về báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2001-2005 và kế hoạch 2006-2010.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2001-2005 và kế hoạch giai đoạn 2006-2010.

1. Đánh giá việc thực hiện Kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2001-2005.

Mạng lưới trường lớp trong 4 năm học qua đã được phát triển đều khắp, phù hợp trên các địa bàn, theo quy hoạch và kế hoạch chung của tỉnh. Đã hoàn thành tách tiểu học ra khỏi trường phổ thông cơ sở (cấp 1,2). Tỷ lệ huy động độ tuổi vào các cấp và bậc học đều tăng. Công tác xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ.

Tuy nhiên, so với kế hoạch mạng lưới trường, lớp vẫn còn một số tồn tại: hệ thống trường mầm non độc lập, trường trung học cơ sở chưa phủ kín 100% số xã, một số điểm trường ấp vẫn còn phân tán. Các cơ sở phục vụ cho thực hành, thí nghiệm, cho hoạt động toàn diện cùa nhà trường còn rất thiếu thốn.

Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp 5 năm 2006-2010, Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đồng thời lứu ý một số vấn đề sau:

1. Mục tiêu phát triển:

- Tăng tỷ lệ huy động độ tuổi đến trường, giữ vững và nâng cao thành quả phổ cập giáo dục; huy động 60% độ tuổi vào trung học phổ thông, 15% độ tuổi vào trung học chuyên nghiệp, 40% người lao động qua đào tạo, số sinh viên caod9a83ng, đại học/vạn dân là 120 sinh viên.

- Thành lập mới 9 trường mẫu giáo, 8 trường trung học cơ sở, 2 trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã, 150 trung tâm học tập cộng đồng xã.

- Tranh thủ với Trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để sớm thành lập Phân hiệu Đại học tại Bến Tre.

2. giải pháp:

- Tiếp tục rà soát, ổn định mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đủ diện tích mặt bằng theo quy định.

- Tập trung nguồn vốn ưu tiên cho các điểm trường xuống cấp nặng, các nơi phải tạm mượn phòng học, phát triển nhanh trường, lớp bán trú mầm non, tiểu học ở những nơi có nhu cầu.

- Đầu tư thoả đáng cho các trung tâm hướng nghiệp – dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.

- Ban hành chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư mở trường dân lập, tư thục.

3. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp 5 năm 2006-2010 khoáng 258 tỷ đồng, dự kiến chia ra như sau:

+ Ngân sách tỉnh: 110 tỷ đồng

+ Xin TW hỗ trợ: 100 tỷ đồng

+ Vận động ngoài ngân sách:  48 tỷ đồng

V. Tổ chức thực hiện

 1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo pháp luật quy định.

 Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 10 năm 2005./.

 

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 46/2005/NQ-HĐND về Đề án tiếp tục thực hiện chương trình phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; xoá đói giảm nghèo; dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2006-2010

  • Số hiệu: 46/2005/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/10/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Huỳnh Văn Be
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản