Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2016/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 07 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG HÓA NÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2017-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp;

Sau khi xem xét Tờ trình số 7697/TTr-UBND ngày 25/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 106/ BC-HĐND ngày 01/12/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung như sau:

1. Phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, điều kiện và cơ chế hỗ trợ

a) Phạm vi áp dụng:

Quy định một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển các sản phẩm sản xuất hàng hóa nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, địa phương trong tỉnh, hình thành các tổ chức liên kết sản xuất phù hợp.

b) Đối tượng áp dụng:

- Doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, nghiệp đoàn, tổ hợp tác, chủ trang trại, cá nhân, hộ gia đình (gọi chung là người sản xuất) thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh và địa phương trong tỉnh;

- Người sản xuất thực hiện đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị, kho lạnh, dây chuyền sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, nhà lưới, máy nông nghiệp; điểm trưng bày các sản phẩm; cửa hàng, gian hàng bán sản phẩm nông sản an toàn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận; các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nghiệp đoàn nghề cá được thành lập mới; các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGap, VietGAHP trên địa bàn tỉnh.

c) Giải thích từ ngữ: Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết.

d) Nguyên tắc áp dụng:

- Dự án, phương án sản xuất (gọi chung là dự án) bao gồm xây dựng mới, mở rộng để sản xuất, bảo quản, kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp thuộc danh mục các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có lợi thế của tỉnh hoặc địa phương trong tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Dự án đầu tư phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trong cùng một thời gian, cùng một nội dung người sản xuất được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của các chính sách khác nhau thì người sản xuất được lựa chọn áp dụng một mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

- Trong trường hợp cùng một thời điểm (trong cùng 1 năm) người sản xuất thực hiện nhiều dự án đầu tư sản xuất (gồm đầu tư mới và mở rộng) có cùng một nội dung đầu tư ở cùng một địa phương (cấp huyện) thì được xem xét hỗ trợ cho một dự án sản xuất do người sản xuất lựa chọn.

đ) Điều kiện quy mô các vùng sản xuất: Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết.

e) Cơ chế hỗ trợ:

- Đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi khởi công xây dựng thì được tạm ứng 50% mức vốn hỗ trợ, sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được giải ngân phần hỗ trợ còn lại.

- Đối với các dự án còn lại thực hiện hỗ trợ sau đầu tư; sau khi thực hiện xong nội dung hỗ trợ thì được giải ngân 70% mức hỗ trợ và sau khi nghiệm thu thì được giải ngân 30% mức hỗ trợ còn lại.

- Đối với nội dung hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; nghiệp đoàn nghề cá, cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, VietGAHP người sản xuất được giải ngân 100% mức hỗ trợ khi đủ điều kiện và đi vào hoạt động ổn định trong 06 tháng.

2. Các chính sách

a) Về công tác quy hoạch, thực hiện dồn điền đổi thửa và hỗ trợ tiền thuê đất:

- Nhà nước đầu tư lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

- Về công tác dồn điền đổi thửa:

Hỗ trợ tổ chức hội họp, tuyên truyền, thống nhất phương án, chi phí cho công tác trích đo bản đồ địa chính (đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính) thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa. Mức hỗ trợ không quá 6 triệu đồng/ha.

- Về hỗ trợ tiền thuê đất:

+ Quy mô: Người sản xuất thuê từ 05 ha trở lên đối với đất trồng trọt; 03 ha trở lên đối với đất làm trại chăn nuôi (không tính diện tích vùng nguyên liệu); 05 ha trở lên đối với đất nuôi thâm canh và bán thâm canh nuôi trồng thủy sản.

+ Nội dung hỗ trợ: Người sản xuất thuê đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất để sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) tập trung đạt quy mô diện tích thì được hỗ trợ chi phí thuê đất không quá 20 triệu đồng/ha/ năm đối với đất trồng trọt (tương đương 720 ngàn đồng/sào bắc bộ). Mức hỗ trợ không quá 30 triệu/ha/năm đối với làm trại chăn nuôi; không quá 10 triệu/ha/năm đối với đất nuôi trồng thủy sản. Thời gian hỗ trợ không quá 03 năm. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 01 dự án/ người sản xuất không quá 200 triệu/năm.

b) Hỗ trợ hạ tầng và thiết bị sản xuất:

- Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung bao gồm: Đường giao thông trục chính; đường điện trục chính; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống xử lý nước thải và chất thải theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng kinh phí không quá 15.000 triệu đồng/dự án.

- Hỗ trợ 50% chi phí để xây dựng nhà sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản; kho bảo quản nông sản. Mức hỗ trợ không quá 2.000 triệu đồng/người sản xuất/dự án.

- Hỗ trợ 50% chi phí để xây dựng điểm trưng bày các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm, cụ thể như sau:

+ Đối với điểm giới thiệu sản phẩm cấp huyện, hỗ trợ không quá 1.000 triệu đồng/dự án;

+ Đối với điểm giới thiệu sản phẩm cấp tỉnh, hỗ trợ không quá 2.000 triệu đồng/dự án.

- Hỗ trợ 50% kinh phí để mua, xây dựng, lắp đặt hệ thống kho lạnh, dây chuyền chế biến nông lâm thủy sản, dây chuyền sản xuất, nhà lưới, nhà xưởng, máy nông nghiệp và cơ sở sản xuất giống nông lâm thủy sản. Mức hỗ trợ không quá 5.000 triệu đồng/dự án.

c) Hỗ trợ cửa hàng, gian hàng bán sản phẩm nông sản an toàn:

- Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mới hoặc mua cửa hàng, gian hàng kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, mức hỗ trợ 01 lần tối đa không quá 100 triệu đồng/01 cửa hàng, gian hàng;

- Hỗ trợ 50% kinh phí thuê cửa hàng, gian hàng kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn, cụ thể:

+ Cửa hàng, gian hàng tại phường thuộc thị xã, thành phố, mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/tháng/01 cửa hàng, gian hàng; thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng kể từ ngày bán hàng;

+ Cửa hàng, gian hàng tại vùng còn lại (xã, thị trấn), mức hỗ trợ không quá 03 triệu đồng/tháng/01 cửa hàng, gian hàng; thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng kể từ ngày bán hàng.

d) Hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản:

Người sản xuất triển khai mới hoặc mở rộng phát triển các sản phẩm sản xuất hàng hóa nông nghiệp có lợi thế của tỉnh được hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo nội dung chi tiết tại Phụ lục III kèm theo Nghị quyết.

đ) Hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp (Hỗ trợ trồng rừng kinh doanh gỗ lớn):

Người sản xuất được hỗ trợ tối đa 02 lần cho cả giai đoạn, chỉ hỗ trợ lần 2 khi diện tích mở rộng tối thiểu bằng 50% diện tích trồng lần 1; mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/ha tại xã, thôn, đặc biệt khó khăn, xã biên giới theo quy định hiện hành; mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha tại các địa bàn còn lại.

e) Hỗ trợ mua vật tư nông nghiệp cho sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ:

Người sản xuất được hỗ trợ 01 lần 50% kinh phí mua vật tư nông nghiệp cho các dự án sản xuất gồm: Phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/dự án.

g) Hỗ trợ phát triển liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, nghiệp đoàn nghề cá và cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn:

- Đối với hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, nghiệp đoàn nghề cá sau khi thành lập mới được hỗ trợ một lần không quá 25 triệu đồng. Nội dung hỗ trợ: Chi phí tìm hiểu thông tin, xây dựng điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thủ tục đăng ký, tổ chức hội nghị thành lập, mua sắm tài sản trang thiết bị văn phòng ban đầu.

- Đối với cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì được hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/cơ sở.

- Đối với cơ sở sau khi được cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP, VietGAHP được hỗ trợ một lần chi phí đầu tư làm cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu VietGap, VietGAHP là 50 triệu đồng/cơ sở.

h) Hỗ trợ lãi suất:

Dự án thuộc danh mục sản phẩm có lợi thế cấp tỉnh phê duyệt (triển khai thực hiện theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung), người sản xuất được áp dụng mức hỗ trợ lãi suất tại Nghị quyết số 232/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020.

i) Hỗ trợ đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ:

- Đối với người sản xuất trong vùng sản xuất tập trung tự ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất thành công được hỗ trợ 100% kinh phí mua tài liệu hướng dẫn, phân tích mẫu, một phần kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ 50% kinh phí thuê chuyên gia. Mức hỗ trợ không quá 50% giá chuyển giao của một công nghệ và không quá 1.000 triệu đồng/dự án.

- Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, thiết bị công nghệ và dây chuyền sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm thuộc danh mục được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt khi thực hiện tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ không quá 70%/tổng kinh phí dự án được phê duyệt; địa phương còn lại mức hỗ trợ không quá 60%/tổng kinh phí dự án được phê duyệt. Mức hỗ trợ không quá 1.000 triệu đồng/dự án.

- Đối với sản phẩm chưa được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh: Hỗ trợ một lần 100% chi phí các hạng mục thiết kế nhãn hiệu, bao bì, bộ nhận diện, đăng ký mã số, mã vạch, xây dựng hồ sơ xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu và in ấn, không quá 50 triệu đồng cho một sản phẩm.

k) Hỗ trợ xúc tiến thương mại:

- Người sản xuất được hỗ trợ các khoản chi phí tham gia hội chợ, triển lãm áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các quy định hiện hành; quy trình hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này và các quy định hướng dẫn bổ sung.

- Ngoài mức hỗ trợ tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính, người sản xuất được hỗ trợ một phần cước phí vận chuyển hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm; cụ thể:

+ Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/người sản xuất/lần đối với hội chợ, triển lãm tổ chức trên địa bàn tỉnh.

+ Mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/người sản xuất/lần đối với hội chợ, triển lãm tổ chức ở ngoài tỉnh.

+ Mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/người sản xuất/lần đối với hội chợ, triển lãm tổ chức tại nước ngoài. Người sản xuất chỉ được hỗ trợ tối đa 01 lần/năm khi tham dự hội chợ, triển lãm tại nước ngoài và khi được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận.

Cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối tổ chức hội chợ hoặc đoàn tham gia hội chợ, tổng hợp nhu cầu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh sách người sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm.

3. Nguồn vốn hỗ trợ, thời gian thực hiện

a) Nguồn kinh phí hỗ trợ:

- Từ nguồn kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới được ngân sách phân bổ hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối với địa phương không được phân bổ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới).

b) Thời gian thực hiện chính sách này kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.

Điều 2. Điều khoản thực hiện chuyển tiếp

1. Người sản xuất có dự án đáp ứng các điều kiện hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này nếu đã triển khai thực hiện dự án từ ngày 01/12/2014 đến hết ngày 31/12/2016 và chưa thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 164/2014/NQ-HĐND ngày 18/11/2014 và Nghị quyết số 231/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh thì được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này đối với các nội dung hỗ trợ cho thời gian còn lại của dự án.

2. Người sản xuất đang hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 164/2014/NQ- HĐND ngày 18/11/2014 và Nghị quyết số 231/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh thì tiếp tục được hưởng hỗ trợ đã phê duyệt hoặc có quyền đề nghị hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này cho các nội dung và thời gian còn lại của dự án.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và quy định cụ thể điều kiện áp dụng từng nội dung chính sách.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh yêu cầu về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị quyết, giao Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi quyết định và báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

- Đối với sản phẩm đặc thù của địa phương (không thuộc danh mục sản phẩm có lợi thế vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn danh mục sản phẩm và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Ủy ban nhân dân cấp huyện được sử dụng không quá 30% (riêng huyện Cô Tô không quá 70%) tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới thuộc ngân sách tỉnh để hỗ trợ phát triển sản phẩm lợi thế địa phương, mức hỗ trợ không vượt quá quy định tại Nghị quyết này.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 07/12/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 18/12/2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

PHỤ LỤC I

GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Kèm theo Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

1. Sản xuất nông nghiệp bao gồm: Các lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản lâm sản và thủy sản.

2. Sản xuất nông nghiệp tập trung: Là sản xuất cùng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản cung cấp cho thị trường sản phẩm nông sản với sản lượng lớn; vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là phần diện tích đất, mặt nước quy hoạch để sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có lợi thế của tỉnh: Là những sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Ninh mà tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất với chất lượng và quy mô lớn; được tỉnh đưa vào quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

4. Sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có lợi thế của địa phương: Là những sản phẩm nông sản có lợi thế của địa phương mà chỉ phát triển ở quy mô nhỏ và vừa ở một vài địa phương; được Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa vào quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của địa phương.

5. Tổ hợp tác: Là tập hợp từ 03 cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã; có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

6. Hợp tác xã nông nghiệp (HTX): Là tổ chức kinh tế tự chủ, do ít nhất 07 nông dân, những người lao động, pháp nhân (gọi chung là thành viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật, có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

7. Liên hiệp hợp tác xã Nông nghiệp: Là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.

8. Nghiệp đoàn nghề cá: Là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do, hợp pháp cùng ngành, nghề khai thác hoặc dịch vụ hậu cần nghề cá, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động có 10 thành viên trở lên và được công đoàn cấp trên là Liên đoàn lao động cấp huyện hoặc công đoàn ngành địa phương trực tiếp quyết định thành lập (hoặc giải thể) và chỉ đạo hoạt động.

9. Trồng rừng kinh doanh gỗ lớn: Là trồng rừng có áp dụng biện pháp kỹ thuật liên hoàn (trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề về giống và phân bón) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ phục vụ sản xuất chế biến, tăng giá trị rừng trồng. Các loài cây gồm Keo tai tượng, Keo lai, Thông, Mỡ, Lát hoa, Trám, Giổi, Lim xanh, Vối thuốc (khai thác sau 10 năm tuổi)... tỷ lệ cây có đường kính cây đo cách đất 1,3 m ≥ 15 cm chiếm trên 30% tổng số cây của lô rừng trồng.

10. Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (gọi tắt là VietGAP): Là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

11. Quy trình chăn nuôi tốt (gọi tắt là VietGAHP): Là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng trong chăn nuôi đảm bảo vật nuôi đạt được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

12. Sản xuất Nông nghiệp hữu cơ: Là hệ thống kỹ thuật nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học. Nông nghiệp hữu cơ hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc vô cơ, thuốc kháng sinh, phân bón vô cơ, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng.

(Các từ ngữ không được giải thích tại đây được giải thích theo các thuật ngữ chuyên ngành và theo các quy định hiện hành).

 

PHỤ LỤC II

ĐIỀU KIỆN QUY MÔ VÙNG SẢN XUẤT TẬP TRUNG
(Kèm theo Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

STT

Danh mục các vùng sản xuất tập trung

ĐVT

Điều kiện quy mô tối thiểu

I

LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT

 

 

1

Vùng trồng lúa chất lượng

ha

≥ 20

2

Vùng trồng rau an toàn

ha

≥ 10

3

Vùng trồng chè

ha

≥ 20

4

Vùng trồng cây ăn quả

ha

≥ 30

5

Vùng trồng hoa

ha

≥ 03

6

Vùng trồng cây dong riềng

ha

≥ 10

II

LĨNH VỰC CHĂN NUÔI

 

 

7

Vùng chăn nuôi lợn

ha

≥ 05

8

Vùng chăn nuôi gia cầm

ha

≥ 05

9

Vùng chăn nuôi gia súc

ha

≥ 30

III

LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP

 

 

10

Vùng trồng thông nhựa, gỗ lớn

ha

≥ 100

11

Vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu

ha

≥ 30

IV

LĨNH VỰC THỦY SẢN

 

 

12

Vùng nuôi tôm

ha

≥ 25

13

Vùng nuôi nhuyễn thể

ha

≥ 10

14

Vùng nuôi cá song

ha

≥ 10

15

Vùng nuôi ghẹ

ha

≥ 10

16

Vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm

ha

≥ 25

17

Vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt

ha

≥ 10

 

PHỤ LỤC III

NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN
(Kèm theo Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

STT

Nội dung

Mức hỗ trợ tối đa

Số lần hỗ trợ tối đa cho cả giai đoạn 2017-2020

Kinh phí hỗ trợ tối đa/dự án

Khu vực các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Khu vực còn lại

Doanh nghiệp, hợp tác xã

Tổ hợp tác, trang trại

Cá nhân, hộ gia đình

1

Giống cây trồng

 

 

 

 

 

 

a

Cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ khác

70%

50%

1

250 triệu/lần

150 triệu/lần

100 triệu/lần

b

Cây ngắn ngày

70%

50%

3

150 triệu/lần

100 triệu/lần

50 triệu/lần

c

Giống hoa

50%

30%

3

300 triệu/lần

150 triệu/lần

75 triệu/lần

2

Giống vật nuôi

50%

30%

2

500 triệu/lần

300 triệu/lần

200 triệu/lần

3

Giống thủy sản

50%

30%

3

500 triệu/lần

300 triệu/lần

200 triệu/lần

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 45/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản