Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 38/2006/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 08 tháng12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN CỦA TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 (CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II);
Căn cứ Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-BKHĐT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 8 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Xét Tờ trình số 1951/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Phê duyệt nội dung thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp thứ 10 nhất trí phê chuẩn nội dung thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II), có nội dung chi tiết kèm theo.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Chiến

 

NỘI DUNG

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN CỦA TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 (CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II)
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 38/2006/NQ-HĐND ngày 08 tháng12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)

I- MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2010

1. Về phát triển sản xuất: Nâng cao trình độ sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất theo mô hình và gắn với thị trường. Phấn đấu lương thực bình quân đầu người đạt trên 400 kg/người/năm, trên 80% số hộ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm vào năm 2010.

2. Về phát triển cơ sở hạ tầng: Phấn đấu 100% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm; trên 80% xã ĐBKK có đường giao thông nông thôn cho xe cơ giới (từ xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến tất cả thôn, bản; trên 80% xã có công trình thuỷ lợi đủ năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất; 100% xã có đủ trường, lớp học kiên cố, có lớp bán trú ở nơi cần thiết; 100% xã có điện sinh hoạt; 80% số thôn, bản có điện sinh hoạt ở cụm dân cư; 100% xã có trạm y tế kiên cố đúng tiêu chuẩn; 100% xã được làm chủ đầu tư.

3. Về nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân: Phấn đấu cơ bản các xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK; giảm hộ nghèo xuống còn dưới 40%; xoá xong nhà tạm, dột nát; có ít nhất 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện sinh hoạt; tăng tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh lên trên 50%; giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu đất sản xuất, cơ bản hoàn thành công tác định canh định cư; 95 % số hộ được nghe Đài tiếng nói Việt Nam, trên 80% tỷ lệ dân số được xem truyền hình; 100% các xã ĐBKK đều có điểm bưu điện văn hoá; trên 60% tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; trên 95% số học sinh tiểu học, 75% học sinh Trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; 50% người dân tộc thiểu số từ 16 - 25 tuổi được tham gia khoá đào tạo, dạy nghề ngắn hạn; 100% người nghèo được hỗ trợ dịch vụ công miễn phí khi có nhu cầu.

4. Về nâng cao năng lực: 100% cán bộ chủ chốt cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng đủ năng lực quản lý Chương trình 135 và 70% cộng đồng được bồi dưỡng nâng cao năng lực tham gia quản lý, giám sát Chương trình.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm tâm của Chương trình 135 giai đoạn II. Do đó, cần tập trung chỉ đạo:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện một số chương trình sản xuất tại chỗ, bao gồm: chương trình khuyến nông, khuyến lâm để nâng cao kỹ năng sản xuất; chương trình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao; chương trình phát triển trồng và chăm sóc bảo vệ rừng gắn với thị trường; hỗ trợ giống cây, giống con có giá trị cao; khai hoang tăng diện tích đất sản xuất; trợ giá, trợ cước các giống cây con, phân bón, thu mua sản phẩm; phát triển cơ sở chế biến và bảo quản sau thu hoạch theo quy mô nhóm hộ; nhằm thay đổi nhanh tập quán sản xuất lạc hậu, xây dựng tập quán sản xuất tiến bộ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế điển hình: kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, Hợp tác xã… là giải pháp quan trọng hàng đầu của kế hoạch giai đoạn 2006 - 2010.

- Xây dựng các liên kết năm nhà: nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học - Nhà nước - nhà tín dụng;

- Đào tạo, bồi dưỡng lao động: một số nơi nhân dân thiếu đất sản xuất, biện pháp tích cực là giải quyết tạo việc làm để người dân có cơ hội tham gia lao động. Những nơi có đủ đất sản xuất thì bồi dưỡng kỹ năng lao động nông nghiệp.

2. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư; những nơi quá khó khăn sẽ tiến hành quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng công trình phục vụ sản xuất, không quá tập trung công trình vốn đầu tư lớn. Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường vai trò cấp xã, vai trò của người dân; xác định lộ trình phân cấp xã làm chủ đầu tư, đảm bảo đến 2010 có 100% xã làm chủ đầu tư; những công trình kỹ thuật đơn giản: đường dân sinh từ thôn bản đến xã và liên thôn bản, nhà sinh hoạt cộng đồng, kênh mương cấp 1, cấp 2, nhà mẫu giáo…thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh hỗ trợ mức vốn nhất định để cộng đồng tự làm.

3. Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và nâng lực cộng đồng

Tập trung đào tạo cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ chuyên môn, ban giám sát, trưởng thôn, bản và cộng đồng người được hưởng lợi, với nội dung thiết thực về nâng cao kỹ năng điều hành, quản lý Chương trình, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả giám sát của cộng đồng; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tôn giáo, nâng cao nhận thức pháp luật.

4.Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, như: giải quyết nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chương trình giáo dục, y tế, dân số, văn hoá - thông tin, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm...để cải thiện nâng cao đời sống văn hoá - xã hội cho đồng bào các dân tộc.

III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nguồn vốn thực hiện Chương trình

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ.

- Huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện Chương trình.

2. Cơ chế phân bổ vốn đầu tư

2.1. Nguyên tắc phân bổ

- Nguồn vốn phải được phân bổ theo tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, không chia đều bình quân, đảm bảo công bằng trong việc phân bổ vốn;

- Bố trí vốn tập trung, không dàn trải. Ưu tiên cho các xã, thôn, bản xa xôi hẻo lánh, ĐBKK nhất;

2.2. Tiêu chí tính điểm phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2007 - 2010:

- Dân số (số dân, dân tộc thiểu số ít người);

- Số thôn, bản (số thôn bản; số thôn, bản ĐBKK);

- Diện tích tự nhiên;

- Tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo;

- Điều kiện địa lý.

- Điều kiện đặc thù.

2.3. Phương pháp xác định điểm của các tiêu chí:

- Điểm tiêu chí dân số: Cứ 1.000 người dân, tính 1 điểm. Dưới 2.000 người được tính 2 điểm.

- Điểm tiêu chí dân tộc thiểu số: Cứ 200 người dân tộc thiểu số ít người (Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ) được tính 0,1 điểm.

- Điểm tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo: 10% hộ nghèo được tính 1 điểm.

- Điểm tiêu chí diện tích đất tự nhiên: Từ 30 Km2 trở xuống được tính 3 điểm. Trên 30 Km2, cứ 10 Km2 tăng thêm được tính thêm 0,1 điểm.

- Điểm tiêu chí đơn vị hành chính cấp xóm (thôn, bản): Cứ mỗi xóm ĐBKK được tính 3 điểm. Các xóm không thuộc diện đặc biệt khó khăn được tính 0,2 điểm.

- Điểm tiêu chí điều kiện địa lý (khoảng cách từ trung tâm xã đến trung tâm tỉnh): Từ 50 Km trở xuống được tính 2 điểm. Từ 50 Km trở lên, cứ 10 Km tăng thêm được tính thêm 0,2 điểm.

- Điểm tiêu chí bổ sung: Các xã thuộc diện đặc thù, được tính thêm 3 điểm.

2.4. Xác định vốn đầu tư phát triển cho từng xã:

Gọi: VĐT là tổng vốn đầu tư giao cho các xã ĐBKK

Đ là tổng số điểm của các xã ĐBKK toàn tỉnh

Đn là tổng điểm của một đơn vị xã ĐBKK

Vn là vốn phân bổ cho 1 đơn vị xã ĐBKK

Vốn phân bổ cho một đơn vị xã được tính theo công thức như sau:

Vn =

VĐT

x Đn

Đ

IV. CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải pháp về huy động thêm nguồn lực cho Chương trình 135

- Ban hành cơ chế lồng ghép có hiệu quả vốn của các chương trình, dự án khác với Chương trình 135 trên cùng địa bàn xã để tập trung nguồn lực, tránh phân tán, chồng chéo và dàn trải.

- Huy động nhân dân vùng dự án tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động xã hội giúp đỡ vốn và tài sản khác để tăng nguồn lực cho Chương trình.

2. Phát triển nguồn nhân lực

Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số ít người để nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình. Luân chuyển cán bộ có năng lực cấp tỉnh, cấp huyện giúp các xã đặc biệt khó khăn có khó khăn về công tác cán bộ. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động người dân tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình.

3. Thực hiện tốt nguyên tắc minh bạch, công khai, dân chủ, tăng cường phân cấp cho cơ sở. Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo cơ chế quản lý đơn giản về thủ tục nhưng phải đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ. Công trình có mức vốn đầu tư từ 02 tỷ đồng trở xuống giao cho Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật; công trình có mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng và dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất giao cho cấp xã làm chủ đầu tư.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động: Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình 135. Thực hiện tốt nguyên tắc "Xã được hỗ trợ đầu tư để phát triển; đội ngũ cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực; người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập từ việc tham gia thực hiện chương trình của xã".

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình

- Có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia giám sát, có các chỉ số đánh giá giám sát cụ thể.

- Hàng năm tiến hành đánh giá chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư, năng lực và chất lượng thi công của các nhà thầu đối với công trình thuộc Chương trình 135, thông báo danh sách và thông tin về các nhà thầu đã và đang thi công các công trình thuộc Chương trình 135 trên phương tiện thông tin đại chúng, đến chính quyền địa phương và người dân thuộc Chương trình 135 để biết và lựa chọn nhà thầu./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 38/2006/NQ-HĐND phê chuẩn nội dung thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) do Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XIV, kỳ họp thứ 10 ban hành

  • Số hiệu: 38/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hà Ngọc Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản