Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2016/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 26 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC SẮP XẾP QUY MÔ, MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP ĐỐI VỚI GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế;

Căn cứ Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về việc quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Xét Tờ trình số 168/TTr-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung như sau:

1. Mục tiêu:

a) Đến năm 2020, Yên Bái có mạng lưới giáo dục ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia. Duy trì và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tập trung huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo hiệu quả.

b) Huy động 99% trẻ 5 tuổi ra lớp; trẻ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 95%; số học sinh hoàn thành khóa học cấp THCS đạt 94,5%, cấp THPT đạt 93%; huy động 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT; 80% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT hoặc tương đương; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT; nâng tỷ lệ học sinh dân tộc được học tại trường phổ thông dân tộc nội trú từ 7,3% lên 8%, học sinh học tại trường phổ thông dân tộc bán trú từ 12% lên 20% vào năm học 2019 - 2020; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, thu hút giáo viên giỏi.

c) Đầu tư đảm bảo đủ phòng học, các phòng chức năng cần thiết, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và giáo viên.

2. Nội dung:

a) Quy mô, mạng lưới trường, lớp:

Từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh giảm 151 trường; trong đó: giảm 38 trường mầm non, 120 trường tiểu học, 95 trường THCS; tăng 06 trường mầm non và tiểu học, 65 trường TH và THCS, 31 trường TH và THCS có cấp học mầm non, giảm 604 điểm trường (282 MN, 318 TH, 4 THCS), giảm 113 lớp, tăng 19.503 học sinh, tăng 12.990 học sinh bán trú. Đến năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh có 379 trường, 161 điểm trường; 6.021 nhóm, lớp; 192.564 cháu, học sinh.

b) Đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2016 - 2020:

- Phòng học: Đầu tư 869 phòng, trong đó: Xây dựng mới 704 phòng; cải tạo sửa chữa 63 phòng; di dời phòng học từ điểm lẻ về điểm chính 102 phòng.

- Các công trình bán trú: Nhà ở cho học sinh 437 phòng; 61 bếp - phòng ăn; 67 công trình nước sạch; 88 nhà vệ sinh; giường tầng 3.782 chiếc.

- Nhà ở công vụ cho giáo viên 194 phòng.

- Mở rộng quỹ đất 166.524 m2.

c) Phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên:

Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư sau khi sắp xếp lại quy mô trường, lớp là 1.099 người. Đảm bảo sắp xếp trong nội bộ huyện, ưu tiên hợp lý hóa gia đình. Điều động đến trường thiếu 407 người; bố trí, sắp xếp công việc khác 692 người, cụ thể:

- Cán bộ quản lý 212 người: Điều động, bổ nhiệm lại 64 người; miễn nhiệm làm giáo viên 133 người; giữ nguyên chức vụ chờ nghỉ hưu 14 người; điều động 01 người sang cán bộ quản lý cấp học khác.

- Nhân viên 432 người: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu 105 người; điều chuyển, cho đào tạo lại làm giáo viên mầm non 29 người; bố trí làm nhân viên 298 người. Các trường có nhiều học sinh bán trú (trên 400 học sinh bán trú) được bố trí thêm nhân viên kế toán, y tế (tối đa 02 kế toán và 02 y tế/trường).

- Giáo viên tiểu học 292 người: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu 118 người; điều động xuống mầm non, cho đi đào tạo lại 79 người; tăng cường có thời hạn xuống mầm non 36 người; điều động lên THCS 06 người; bố trí kiêm nhiệm nhân viên 53 người.

- Giáo viên THCS 148 người: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu 105 người; điều động xuống bậc mầm non 01 người (đã có bằng mầm non); điều động xuống bậc tiểu học làm giáo viên nhóm 2 là 03 người; bố trí kiêm nhiệm nhân viên 39 người.

- Giáo viên mầm non: Điều động từ trường thừa đến trường thiếu 15 người.

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên dôi dư 409 người:

+ Đào tạo lại chuyên môn mầm non 108 người; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non 36 người (đối tượng đi đào tạo là giáo viên nữ, tuổi dưới 45).

+ Đào tạo lại chuyên môn thiết bị, thư viện 54 người; bồi dưỡng nghiệp vụ thiết bị, thư viện 43 người; bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư 168 người.

d) Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp:

- Đối với cán bộ quản lý: Việc bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với cán bộ quản lý điều động, bổ nhiệm có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng, hoặc miễn nhiệm làm giáo viên thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo đúng quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

- Đối với giáo viên: Giáo viên dôi dư bố trí kiêm nhiệm nhân viên, được giữ nguyên ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp hiện hưởng. Đối với giáo viên dôi dư bố trí tăng cường có thời hạn cho cấp học mầm non, trong thời gian tăng cường, giáo viên được giữ nguyên biên chế, ngạch, bậc chức danh nghề nghiệp, các chế độ chính sách tại đơn vị cũ. Đối với giáo viên dôi dư bố trí đi đào tạo lại để chuyển làm giáo viên mầm non được hưởng nguyên lương, các chế độ phụ cấp theo quy định trong quá trình đào tạo.

- Đối với nhân viên: Nhân viên dôi dư bố trí kiêm nhiệm nhân viên khác được giữ nguyên ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp hiện hưởng. Đối với nhân viên dôi dư bố trí đi đào tạo lại để chuyển làm giáo viên mầm non được hưởng nguyên lương, các chế độ phụ cấp theo quy định trong quá trình đào tạo.

đ) Đối với học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo các quy định cụ thể về khoảng cách xác định không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, như sau:

- Trường hợp nhà ở xa trường thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

- Trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá:

+ Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở: Nếu bản thân học sinh và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 2 km trở lên đối với học sinh cấp tiểu học, từ 4 km trở lên đối với học sinh cấp trung học cơ sở; nếu học tại các trường thuộc khu vực II: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 3 km trở lên đối với học sinh cấp tiểu học, từ 5 km trở lên đối với học sinh cấp trung học cơ sở.

+ Đối với học sinh trung học phổ thông: Nếu bản thân học sinh và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn học tại các trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 6 km trở lên; nếu học tại các trường thuộc khu vực II: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 7 km trở lên; nếu học tại các trường thuộc khu vực I: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 8 km trở lên.

e) Hỗ trợ kinh phí phục vụ việc thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú: Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 2,25 mức lương cơ sở/01 tháng/50 học sinh, số dư từ 25 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức. Trường hợp chỉ tổ chức nấu ăn cho từ 25 đến dưới 50 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ thì bố trí kinh phí một lần định mức. Mỗi trường được cấp kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh không quá 9 tháng/01 năm.

Ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Số kinh phí còn thiếu được cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh.

3. Kinh phí:

Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 433 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh: 310 tỷ đồng, ngân sách huyện: 60 tỷ đồng, xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác: 63 tỷ đồng.

Điều 2. Bãi bỏ các điểm d, đ khoản 3 điều 1 của Nghị quyết số 23/2015/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII - Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
- Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nội vụ;
- Cục kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh (đăng công báo);
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, Phó VP HĐND tỉnh, các chuyên viên;
- Lưu VT..

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Triệu Tiến Thịnh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 36/2016/NQ-HĐND sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 36/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Triệu Tiến Thịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản