Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 22. Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

1. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành để thực hiện xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; hoạt động kiến thiết thị chính và các nhiệm vụ cần thiết khác do sắp xếp đơn vị hành chính.

2. Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp để chi các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Căn cứ kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

3. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể các nhiệm vụ chi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tuân thủ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 23. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành và chỉ đạo thực hiện kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với từng giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030, trong đó xác định yêu cầu cụ thể về lộ trình, tiến độ, trách nhiệm tổ chức thực hiện của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định của Nghị quyết này;

b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quy định, hướng dẫn về việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các nội dung khác có liên quan về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

c) Chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác có liên quan;

d) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc phân bổ hỗ trợ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

đ) Chỉ đạo sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong Quý IV năm 2025; sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026 - 2030 và tổng kết toàn bộ thời kỳ từ năm 2019 đến năm 2030 trong Quý I năm 2031 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị quyết này; hướng dẫn việc sử dụng kinh phí sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù và các nội dung khác có liên quan đến thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trên cơ sở đề nghị của địa phương, thực hiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định công nhận và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp; tổ chức, sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

3. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xử lý trụ sở công dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

4. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác có liên quan bảo đảm phù hợp với việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định tại Nghị quyết này;

b) Tổ chức tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

c) Tổ chức xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án; thông qua đề án theo quy định tại Nghị quyết này;

d) Tổ chức sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan, tổ chức ởđịa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp;

đ) Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp.

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

6. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 7 năm 2023.

Điều 25. Áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp

1. Đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết này đã được đưa vào phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương thì được áp dụng các chế độ, chính sách quy định tại Nghị quyết này.

2. Trong thời gian cấp có thẩm quyền chưa công nhận đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chí, tiêu chuẩn, danh hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18khoản 2 Điều 19 của Nghị quyết này thì việc thực hiện chế độ, chính sách của các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị quyết này.

3. Các chương trình, dự án đầu tư công đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công hằng năm được cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Các chương trình, dự án đầu tư công đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn hằng năm trước ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Các chương trình, dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

4. Các đề án về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính có liên quan đến các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 đã được thẩm định, trình Chính phủ trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp thứ 24thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2023.

Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 35/2023/UBTVQH15
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/07/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Vương Đình Huệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH