Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN 
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 337/2021/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 24 tháng 3 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 23

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Xét Tờ trình số 1588/TTr-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo thẩm tra số 158/BC-HĐND ngày 20 tháng 3 năm 2021 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật có nguyện vọng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn (danh mục loài cây gỗ lớn, cây bản địa được ban hành kèm theo nghị quyết này) trên địa bàn thành phố Hạ Long, huyện Ba Chẽ.

2. Các hộ gia đình, cá nhân có diện tích chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ tại lưu vực hồ Yên Lập, thành phố Hạ Long và lưu vực nhà máy nước Diễn Vọng, thành phố Cẩm Phả.

3. Nghị quyết này ban hành kèm theo danh mục các loài cây gỗ lớn, cây bản địa được áp dụng chính sách hỗ trợ để phát triển trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ.

Điều 2. Nguyên tắc, điều kiện áp dụng

1. Các hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng, đất rừng tự nguyện đề nghị và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh mục đích sử dụng rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật.

2. Các hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa phải có phương án sản xuất được cấp thẩm quyền phê duyệt.

3. Mỗi diện tích chỉ được hỗ trợ một lần đối với nội dung và thời gian quy định từng chính sách; trong cùng một thời gian, một nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ khác theo các quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa.

1. Hỗ trợ về giống cây: Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. Đơn giá cây giống do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

2. Hỗ trợ về tín dụng

a) Vay vốn ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội:

- Mức vốn vay: (1) Theo phương án sản xuất nhưng không quá 20 triệu đồng/ha và tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ gia đình để trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo phụ lục kèm theo Nghị quyết này; (2) Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn không quá 15 triệu đồng/ha, tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ gia đình.

Mức cho vay trên 100 triệu đồng/hộ gia đình vay vốn phải có tài sản đảm bảo. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Thời hạn cho vay theo phương án sản xuất, tối đa không quá 25 năm.

- Nguồn vốn cho vay: Ngân sách tỉnh bố trí hằng năm để ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh.

b) Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại

- Mức hỗ trợ lãi suất là 6%/năm/số dư nợ thực tế; mức dư nợ thực tế đối với các khoản vay tối thiểu là 100 triệu đồng và tối đa 10 tỷ đồng; thời gian hỗ trợ theo phương án sản xuất và hợp đồng tín dụng giữa chủ rừng và các ngân hàng thương mại.

- Phương thức thực hiện: Ngân sách hỗ trợ lãi suất sau khi hợp đồng tín dụng được giải ngân.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ

a) Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng để đạt tiêu chí rừng phòng hộ; mức hỗ trợ tối đa không quá 45 triệu đồng/ha.

b) Phương thức hỗ trợ:

- Đối với diện tích rừng trồng là các loài cây phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này và đảm bảo được tiêu chí thành rừng theo quy định hiện hành sẽ được cấp kinh phí một lần bằng tiền theo phương án đã được phê duyệt.

- Đối với diện tích trồng rừng các loài cây phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này nhưng chưa đảm bảo mật độ theo tiêu chí thành rừng sẽ được hỗ trợ kinh phí bằng tiền để trồng rừng bổ sung. Hỗ trợ thành 02 lần: Lần 01 cấp 60% tổng mức kinh phí theo phương án được phê duyệt sau khi đạt nghiệm thu trồng rừng bổ sung năm thứ nhất; hỗ trợ lần 02 cấp phần kinh phí còn lại sau 05 năm nếu nghiệm thu hoàn thành tiêu chí thành rừng theo quy định.

- Đối với diện tích rừng trồng các loài cây không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này hoặc diện tích đất trống sẽ được hỗ trợ trồng lại, trồng mới được hỗ trợ kinh phí bằng tiền. Hỗ trợ thành 02 lần: Lần 01 cấp 60% tổng mức kinh phí theo phương án được phê duyệt sau khi đạt nghiệm thu trồng rừng năm thứ nhất; hỗ trợ lần 02 cấp phần kinh phí còn lại sau 05 năm nếu nghiệm thu hoàn thành tiêu chí thành rừng theo quy định.

Trường hợp sau 05 năm chưa đạt nghiệm thu hoàn thành (trừ các nguyên nhân bất khả kháng theo quy định của pháp luật) thì chủ rừng phải tự bỏ kinh phí để tiếp tục thực hiện tới khi đạt được nghiệm thu hoàn thành, nếu không thực hiện tiếp sẽ bị thu hồi kinh phí đã hỗ trợ.

Điều 5. Thời gian thực hiện chính sách

1. Chính sách thực hiện trong thời gian 05 năm từ năm 2021 - 2025.

2. Đối với các trường hợp đã đăng ký triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng đến khi có kết quả để áp dụng chính sách nằm ngoài khung thời gian nêu trên sẽ được tiếp tục được hưởng chính sách như quy định tại Nghị quyết này.

Điều 6. Nguồn vốn thực hiện

Ngân sách tỉnh và quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Điều 7. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Định kỳ hằng năm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét quyết định áp dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 23 thông qua ngày 24 tháng 3 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 03 tháng 4 năm 2021./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Các bộ: Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- Các ban Đảng và VP Tỉnh ủy;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- Lưu: VT, NS1.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký

 

PHỤ LỤC:

DANH MỤC LOÀI CÂY PHÁT TRIỂN RỪNG TRỒNG CÂY GỖ LỚN, CÂY BẢN ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Nghị quyết số: 337/2021/NQ-HĐND ngày 24 tháng 3 năm 2021 của HĐND tỉnh)

STT

Loài cây

Tên Khoa học

1

Giổi xanh

Michelia mediocris

2

Sồi phảng

Castanopsis cerebrina

3

Vù hương

Cinnamomum balansae

4

Trám trắng

Canarium album

5

Lát hoa

Chukrasia tabularis

6

Mỡ

Manglietia glauca

7

Xoan đào

Prunus arborea

8

Chò nâu

Diptercarpus retusus

9

Dẻ đỏ

Lithocarpus ducampii

10

Lim xanh

Erythrofloeum fordii

11

Sưa đỏ

Dalbergia tonkinensis

12

Xoan nhừ

Choerospondias axillaris

13

Re gừng

Cinnamomum obtusifolium

14

Sao đen

Hopea odorata

15

Xoan ta

Melia azedarach

16

Quế

Cinnamomum verum

17

Hồi

Illicium verum

18

Dó bầu

Aquilaria crassna

19

Đàn hương

Santalum album

20

Dẻ trắng

Lithocarpus dealbatus

21

Giổi bắc

Michelia macclurei

22

Lát Mexico

Cedrela odorata

23

Thông caribe

Pinus caribaea

24

Thông nhựa

Pinus merkusii

25

Thông mã vĩ

Pinus massoniana

26

Sa mộc

Cunninghamia lanceolata

27

Lõi thọ

Gmelia arborea

28

Gáo trắng

Neolamarckia cadamba

29

Trám đen

Canarium tramdenum

30

Sở

Camellia oleifera, Camellia Sasanqua

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 337/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản