Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2023/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Xét Tờ trình số 39/TTr-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 28 tháng 3 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 08 tháng 4 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- Các Bộ; NN&PTNT, TC, Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- VP: Tư, Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Quang

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND ngày 28 tháng 3 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025.

2. Ngoài chính sách hỗ trợ tại Quy định này, các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo các quy định của Trung ương và của tỉnh còn hiệu lực. Trường hợp các văn bản có cùng nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 2. Mục tiêu

1. Thực hiện thành công các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Xây dựng được cơ chế, chính sách của tỉnh, trong đó xác định rõ nội dung chi, mức chi hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để khuyến khích thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025.

Chương II

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

Điều 3. Chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng đặc dụng

1. Đối tượng hỗ trợ: Các Ban quản lý rừng đặc dụng; cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được các Ban quản lý rừng đặc dụng giao khoán để bảo vệ rừng đặc dụng.

2. Điều kiện hỗ trợ: Đối với những diện tích rừng đặc dụng được giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý dự kiến giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm. Chủ rừng được sử dụng kinh phí này để thực hiện khoán bảo vệ rừng theo định mức, cơ chế, chính sách đối với các khu vực tương ứng.

3. Diện tích hỗ trợ: 22.000 ha/năm (Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông 12.000 ha/năm, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa 10.000 ha/năm).

4. Mức hỗ trợ: 95.000 đồng/ha/năm.

5. Nguồn kinh phí: Từ ngân sách tỉnh.

Tổng kinh phí hỗ trợ: 2.090 triệu đồng/năm (Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông 1.140 triệu đồng/năm, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa 950 triệu đồng/năm).

Điều 4. Chính sách hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

1. Đối tượng hỗ trợ: Toàn bộ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng làm việc tại các đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt theo Đề án vị trí việc làm.

2. Điều kiện hỗ trợ: Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng theo nhiệm vụ quy định tại Điều 14 và Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng và trang bị đồng phục phục vụ công tác bảo vệ rừng.

3. Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/tháng.

4. Nguồn kinh phí: Từ ngân sách tỉnh.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ kinh phí giao đất, giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư

1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

2. Điều kiện hỗ trợ: Các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình, cá nhân thường trú tại địa phương được giao đất, giao rừng tự nhiên do UBND xã quản lý.

3. Diện tích hỗ trợ: 500 ha/năm.

4. Mức hỗ trợ: 1.332.000 đồng/ha.

Trong đó:

- Hỗ trợ kinh phí giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng dông dân cư: 870.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ kinh phí giao đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng dông dân cư: 462.000 đồng/ha.

5. Nguồn kinh phí: Từ ngân sách tỉnh 70%, từ ngân sách cấp huyện 30%. cụ thể:

Tổng kinh phí hỗ trợ: 666 triệu/năm (ngân sách tỉnh: 446,2 triệu đồng/năm; ngân sách cấp huyện: 199,8 triệu đồng/năm), trong đó:

- Hỗ trợ kinh phí giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư: 435 triệu đồng/năm (ngân sách tỉnh 304,5 triệu đồng/năm; ngân sách cấp huyện 130,5 triệu đồng/năm).

- Hỗ trợ kinh phí giao đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư: 231 triệu đồng/năm (ngân sách tỉnh 161,7 triệu đồng/năm; ngân sách cấp huyện 69,3 triệu đồng/năm).

Điều 6. Quy định mức chi cho thành viên tổ chốt chặn bảo vệ rừng

1. Đối tượng hỗ trợ: Thành viên tham gia các tổ chốt chặn bảo vệ rừng được thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Điều kiện hỗ trợ: Đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 6 Quy định này được chi trả kinh phí hỗ trợ trong thời gian được huy động tham gia chốt chặn. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo từng thời điểm thành lập tổ chốt chặn bảo vệ rừng.

3. Mức hỗ trợ: 150.000 đồng/người/ngày.

4. Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí hợp pháp của chủ rừng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Hàng năm ngân sách tỉnh cân đối bố trí tối thiểu 3,87 tỷ đồng để thực hiện các chính sách này.

2. Đối với chính sách hỗ trợ kinh phí giao đất, giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, hàng năm UBND các huyện, thành phố, thị xã cân đối bố trí ngân sách cấp huyện 0,2 tỷ đồng đối ứng theo tỷ lệ ngân sách tỉnh 70%, ngân sách cấp huyện 30% để thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu đề ra.

3. Các chủ rừng huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án; nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 33/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 33/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 28/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đăng Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản