Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XVII KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;   

Xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các bệnh dịch mới phát sinh. Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh quản lý chặt chẽ tài nguyên, sử dụng hiệu quả đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Điều 2. Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Các chỉ tiêu về kinh tế

- Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP-giá so sánh 2010 tăng 8,0-9,5%.

- Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành.

- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng.

- Thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI.

- Tỷ lệ dân số đô thị đạt 48%.

2. Các chỉ tiêu về xã hội

- Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,04%; Tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,75% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

- Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động, trong đó: đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 37%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: Cân nặng theo tuổi còn dưới 7,6%, chiều cao theo tuổi còn dưới 14,5%.

- Số bác sỹ/vạn dân: 14,4 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 40,3 giường/vạn dân.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,7% dân số. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 41,2%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 36,6%.

3. Các chỉ tiêu về môi trường

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 25%.

- Tỷ lệ hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02/BYT đạt 71,5%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường
khu vực đô thị đạt 96%. Thu gom và xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn môi trường ở khu vực nông thôn đạt 76%.

- Tỷ lệ dân số đô thị loại IV được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 94%.

Điều 3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp do Ủy ban nhân dân tỉnh trình, đồng thời nhấn mạnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Thực hiện tốt công tác dự báo, nắm bắt tình hình kinh tế quốc tế và khu vực và các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ để kịp thời đề xuất những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Tập trung xây dựng các giải pháp xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2023. Điều hành dự toán ngân sách tỉnh linh hoạt, phù hợp, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2023. Quản lý, điều hành chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Cụ thể hóa để tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là đối với công trình, dự án trọng điểm, các khu công nghiệp, các dự án liên vùng, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị. Từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023.

3. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị nhằm đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh… triển khai Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa dân tộc. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; quản lý tốt các lễ hội. Tập trung tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, thành tựu phát triển của tỉnh, cổ vũ gương người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát triển thể dục thể thao quần chúng với nhiều loại hình đa dạng. Chú trọng phát triển thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp; đầu tư một số môn thể thao có thế mạnh của tỉnh.

4. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tiếp tục giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Triển khai hiệu quả Đề án dạy - học ngoại ngữ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới của Chính phủ. Tổ chức triển khai Kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023.

5. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chủ động giám sát dịch tễ để phát hiện kịp thời, phòng chống sớm, không để các dịch bệnh lớn xảy ra, kiểm soát các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh dịch mới phát sinh. Thực hiện các giải pháp kiểm soát tốc độ tăng dân số hợp lý, giảm mạnh chênh lệch giới tính khi sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Duy trì chuẩn quốc gia về y tế xã đối với các trạm đã đạt chuẩn. Cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và vượt tuyến; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ thầy thuốc, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, vắc xin. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng y tế nhất là các công trình trọng điểm của ngành.

6. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm an sinh xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Xây dựng Kế hoạch giảm nghèo năm 2023 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia. Tăng cường các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho thanh, thiếu niên. Triển khai hiệu quả các Đề án, chính sách phát triển kinh tế kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

7. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành và các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Tổ chức triển khai các dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trên địa bàn. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản và phát thanh, truyền hình.

8. Chủ động lập kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Triển khai hiệu quả các hoạt động thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục cụ thể hóa để triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh. Tích cực tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân để triển khai đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung. Từng bước khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, đô thị và khu, cụm công nghiệp.

Triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời, ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.

9. Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, sắp xếp cơ cấu bên trong đơn vị sự nghiệp công lập ở một số ngành, lĩnh vực... Xây dựng Đề án thành lập phường, thị trấn đối với các xã đủ tiêu chuẩn theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố. Tiếp tục cụ thể hóa triển khai hiệu quả các chính sách về xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023. Triển khai Kế hoạch Nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công giai đoạn 2022-2025. Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

10. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2023. Triển khai Đề án xây dựng tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ giai đoạn 2021-2025. Xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp. Chỉ đạo thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, huyện Lập Thạch diễn tập khu vực phòng thủ, huyện Vĩnh Tường diễn tập ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn; huyện Tam Đảo diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện hiệu quả các chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội.

Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, an toàn giao thông, kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông. Chủ động phát hiện, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội. Chú trọng thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ. Đẩy mạnh xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao chất lượng các hình thức tự quản.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.

Nghị quyết này đã đ­ược Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XVII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Thúy Lan

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 30/NQ-HĐND năm 2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 30/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Hoàng Thị Thúy Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản