HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/NQ-HĐND | Đắk Lắk, ngày 13 tháng 07 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chương trình hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2017;
Xét Báo cáo số 51/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và các kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy mạnh việc thực thi chính sách pháp luật trong hoạt động khoáng sản; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Trong thời gian qua, hoạt động ngành khoáng sản đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, cung cấp nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp - xây dựng, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo quản lý hoạt động khoáng sản; các ngành, các cấp trong tỉnh đã có sự quan tâm đến công tác quản lý, khai thác khoáng sản và cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật; đã tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, khai thác khoáng sản của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thất thu trong ngân sách đối với khoáng sản còn khá cao; công tác quy hoạch về khoáng sản chậm được triển khai; công tác quản lý khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ; quản lý môi trường chưa coi trọng; quản lý hoạt động của doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn bất cập; đóng góp của doanh nghiệp còn hạn chế; năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; các cơ quan chuyên môn chưa chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Điều 2. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Có biện pháp mạnh chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản, từ quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, vận chuyển đến chế biến khoáng sản.
Làm rõ và xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực thi chức trách nhiệm vụ được giao trong việc cấp giấy phép hoạt động không đúng quy định; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không có giấy phép; để thất thu ngân sách; gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường; xe vận chuyển khoáng sản quá tải gây hư hỏng đường giao thông...
2. Rà soát, lựa chọn vị trí phù hợp để quy hoạch các bến, bãi tập kết tập trung, khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, đảm bảo môi trường của các doanh nghiệp. Xử lý các hoạt động mua bán đất ruộng trái phép để khai thác cát xây dựng, khai thác sét trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các lực lượng phối hợp ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có biện pháp kiểm tra, đảm bảo môi trường theo cam kết; quản lý chặt chẽ phương án phục hồi môi trường đảm bảo yêu cầu về địa hình và cảnh quan môi trường sau khai thác.
4. Có lộ trình, sớm đóng cửa mỏ hoạt động trong khu vực đô thị (đối với 02 mỏ khai thác đá xây dựng thuộc Tổ dân phố 5, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, nằm trong lòng đô thị, ảnh hưởng môi trường, an toàn và phá vỡ cảnh quan đô thị); hạn chế phạm vi khai thác và đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn khu dân cư đối với mỏ đá Ea Tul xã Ea Kpam, huyện Cư M gar. Chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng thăm dò để khai thác đá granit ốp lát; khai thác cát làm sạt lở bờ sông.
5. Xây dựng đề án cải tạo đồng ruộng, tạo nguồn nguyên liệu sét song song với xây dựng phương án sắp xếp lại việc sản xuất gạch phù hợp quy hoạch và lộ trình chuyển đổi gạch không nung theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
6. Chỉ đạo cấp huyện xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ khu vực khoáng sản chưa khai thác.
7. Đánh giá đúng mức tiềm năng, lợi thế khoáng sản tại địa phương (cát xây dựng, đá xây dựng, đá granit ốp lát, sét, than mùn, felspat...). Thúc đẩy hoạt động khoáng sản để nâng tỷ trọng đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa IX, Kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 7 năm 2017./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 1916/QĐ-UBND năm 2016 thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý đất đai; quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
- 2Quyết định 19/2017/QĐ-UBND quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 3Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Nghị quyết 40/NQ-HĐND năm 2017 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 5Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2023 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh Long An
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 3Quyết định 1916/QĐ-UBND năm 2016 thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý đất đai; quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
- 4Quyết định 19/2017/QĐ-UBND quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 5Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 6Nghị quyết 15/NQ-HĐND năm 2016 về Chương trình hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk năm 2017
- 7Nghị quyết 40/NQ-HĐND năm 2017 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 8Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2023 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh Long An
Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2017 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Số hiệu: 29/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 13/07/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký: Y Biêr Niê
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/07/2017
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực