Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2005/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 12 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ V

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh giai đọan 2006-2010;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại tờ trình số 5274/TTr - UBND ngày 16 tháng 12 năm 2005 về việc Quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; Báo cáo thẩm tra số 226/VX-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2005 của Ban Văn hoá Xã hội HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành về việc Quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2006 - 2010. Cụ thể như sau:

I. Phạm vi, đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp:

Áp dụng chung đối với cán bộ, công chức trong các đơn vị hành chính, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước trong diện qui hoạch, cán bộ, công chức cấp xã được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị tại các cơ sở đào tạo của Đảng và Nhà nước.

II. Mức trợ cấp:

1. Trợ cấp đào tạo sau đại học.

1.1. Đào tạo ở trong nước:

- Đào tạo Tiến sỹ; Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp II mỗi tháng được trợ cấp 700.000đ (bằng 2 lần mức lương tối thiểu hiện hành ).

- Đào tạo Thạc sỹ; Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp I mỗi tháng được trợ cấp 560.000đ (năm trăm sáu mươi ngàn đồng, bằng 80% mức hỗ trợ tiến sỹ).

1.2. Đào tạo ở Nước ngoài:

- Học sau đại học tại các trường đại học ở Nước ngoài được tỉnh đầu tư kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ (trừ những trường hợp đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình dự án.)

2. Trợ cấp bảo vệ thành công luận án (áp dụng chung cho hệ đào tạo tập trung và không tập trung).

- Tiến sỹ; Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp II: 10.000.000đ (mười triệu đồng).

- Thạc sỹ; Bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp I: 5.000.000đ (năm triệu đồng).

3. Hỗ trợ khi được Nhà nước phong học hàm:

- Giáo sư được hỗ trợ:                           15.000.000đ (mười lăm triệu đồng).

- Phó giáo sư được hỗ trợ:                     10.000.000 đ (mười triệu đồng).

4. Trợ cấp đào tạo Cử nhân, Cao cấp lý luận chính trị

- Đào tạo trong tỉnh: mỗi tháng quy chuẩn trợ cấp: 450.000đ (bốn trăm năm mươi ngàn đồng (theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC).

- Học tại cơ sở đào tạo ở Hà nội mỗi tháng trợ cấp 500.000đ (năm trăm ngàn đồng).

5. Đào tạo đại học, trung cấp:

- Cán bộ, công chức các xã thuộc vùng 135 nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, mức trợ cấp 400.000đ/tháng (bốn trăm ngàn đồng, theo quy định của Thông tư số 79/2005/TT-BTC).

6. Đối với cán bộ nữ tăng thêm 50.000đ/ người/tháng, cán bộ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi tăng thêm 100.000đ/người/tháng (áp dụng cho tất cả các bậc học, loại hình đào tạo).

III. Nguồn kinh phí và phương thức chi trả:

1. Nguồn kinh phí trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã được cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng năm của tỉnh.

2. Kinh phí trợ cấp hàng tháng cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo do cơ quan, đơn vị có người đi học chi trả trong nguồn kinh phí chi thường xuyên được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.

3. Kinh phí hỗ trợ cán bộ, công chức bảo vệ luận án tốt nghiệp sau đại học, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư do Sở Nội vụ tổng hợp và chi trả theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt hằng năm.

IV. Quản lý và sử dụng sau khi đào tạo:

1. Việc cử cán bộ, công chức đi học phải dựa trên cơ sở cơ quan, đơn vị có nhu cầu và phải cân đối cơ cấu, chủng loại, đồng thời phải bảo đảm sự hoạt động bình thường và hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan.

2. Tính theo số biên chế của cơ quan, đơn vị: dưới 30 biên chế, số người đi học không quá 10%; dưới 50 biên chế số người đi học không quá 8%; từ 50 biên chế trở lên số người đi học không quá 5%.

3. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học phải có bản cam kết sau khi học xong trở về cơ quan cũ công tác: đối với Tiến sỹ, CKII ít nhất là 9 năm; Thạc sỹ, CKI ít nhất là 6 năm và phải chấp nhận sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền.

Điều 2. Chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Giao UBND tỉnh thể chế hoá nội dung Tờ trình ở Điều 1 thành Quyết định cụ thể và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2005./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCTN, VPCP,
- TTr Tỉnh uỷ, UBND tỉnh;
- ĐBQH, ĐBHĐND tỉnh
- Lưu.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tích