Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 08 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

Xét Tờ trình số 20/TTr-HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Báo cáo số 69/BC-HĐND ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất nội dung Báo cáo số 69/BC-HĐND ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá: Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các chính sách liên quan công tác bảo vệ môi trường, vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp được phát huy trong chỉ đạo, điều hành. Nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường cơ bản đạt các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và Chương trình hành động số 84/CTHĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; mức chi kinh phí sự nghiệp môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tế; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực môi trường thực hiện chưa hiệu quả; một số chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt theo Nghị quyết số 05-NQ/TU như: Phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho 03 Khu đô thị; các Cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày, đêm trở lên chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp; các Dự án về xử lý rác thải chưa được đầu tư, chậm triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng; công tác phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý về vi phạm môi trường có lúc, có trường hợp chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa tổ chức thi hành còn chiếm tỷ lệ cao.

Điều 2. Để công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn; Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường rộng rãi đến các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp; vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2. Tiếp tục phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho 03 Khu đô thị: thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy, đưa các dự án này vào danh mục dự án mời gọi đầu tư trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội hoá đối với lĩnh vực môi trường theo Nghị quyết số 101/2014/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

4. Quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các địa phương để thực hiện các nội dung chi theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh phân định nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

5. Đẩy nhanh tiến độ, thủ tục mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác, nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng khu vực chứa, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xây dựng đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Thông tư số 07/2017/TT-BXD ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

6. Chỉ đạo thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Quản lý các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường đặc thù đã tồn tại trước đây, hiện tại vẫn khó khăn trong việc di dời và cần chọn địa điểm, lộ trình di dời các cơ sở này.

7. Xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các làng nghề để tạo điều kiện các làng nghề phát triển bền vững.

8. Rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh để cấp phép cho khai thác nhằm phát huy hiệu quả tài nguyên; đồng thời khơi thông, nắn sửa dòng chảy, đảm bảo môi trường sông nước, tạo tính chủ động trong công tác quản lý nhà nước về khai thác cát lòng sông và tăng thu ngân sách nhà nước.

9. Chỉ đạo cơ quan chức năng các cấp thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; đảm bảo các hành vi vi phạm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Có giải pháp tổ chức thi hành hiệu quả các quyết định xử phạt hành chính. Trang bị phương tiện hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

10. Hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đảm bảo công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

11. Phối hợp với các tỉnh giáp ranh Tiền Giang để xây dựng Quy chế phối hợp khai thác tài nguyên cát; phối hợp tuần tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép trong khu vực.

12. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý môi trường cho công chức phụ trách lĩnh lực môi trường cấp xã để tham mưu triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều quy định mới, gắn liền với trách nhiệm của địa phương; có hướng dẫn phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn cho cấp huyện, xã.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các nội dung đã đề ra tại Nghị quyết này và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện tại Kỳ họp cuối năm 2022 và những năm tiếp theo của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa X, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- UB. Thường vụ Quốc hội;
- VP. Quốc hội, VP. Chính phủ;
- HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Các Bộ: Tư pháp, TN và MT;
- Vụ Công tác đại biểu (VPQH);
- Cục Hành chính - Quản trị II (VPCP);
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Các đ/c UVBTV Tỉnh ủy;
- UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- ĐB. Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang;
- ĐB. HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- TT. HĐND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Võ Văn Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 26/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 26/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Võ Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản