Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sau 02 buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng, Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố được cử tri và Nhân dân đang rất quan tâm. HĐND thành phố đã thảo luận và biểu quyết chọn các đơn vị để chất vấn gồm: Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Nội vụ; Giám đốc Công an thành phố với yêu cầu trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu chất vấn. Chủ tịch UBND thành phố đã tiếp thu, giải trình, báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của UBND thành phố.

Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra; HĐND thành phố ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tại phiên chất vấn.

Điều 2. HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành thực hiện trả lời bằng văn bản đầy đủ, nghiêm túc các nội dung chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời có giải pháp triển khai thực hiện đúng tiến độ các nội dung cam kết trong trả lời chất vấn, trong đó:

1. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường

- Ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Quản lý và khai thác quỹ đất công do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; định kỳ rà soát, thống kê, kiểm kê quỹ đất công để cập nhật dữ liệu đất đai. Tổ chức đấu giá những khu đất đã có mặt bằng, đầy đủ hạ tầng và có chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất; kêu gọi và thu hút đầu tư đối với các khu đất lớn; riêng đối với các khu đất lớn đã có nhà đầu tư quan tâm, có tính khả thi thì đề nghị triển khai đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

- Nghiên cứu, ban hành quy chế, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về quy trình, cách thức quản lý thống nhất đối với các lô đất trống, đảm bảo mỹ quan đô thị, hoàn thành trong quý III năm 2022.

- Tiếp tục rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng không sử dụng đất, chậm đưa vào sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND thành phố trong quý III năm 2022. Đối với lô đất tại góc ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, chỉ đạo kiểm tra, đề nghị nhà đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án, sớm đưa đất vào sử dụng theo tiến độ cam kết. Công khai danh sách các dự án chậm triển khai bằng hình thức phù hợp trong tháng 8 năm 2022 để HĐND thành phố và Nhân dân giám sát.

- Tập trung rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai cho các dự án, nhà đầu tư, nhất là đối với các dự án chậm triển khai liên quan đến vướng mắc về thủ tục đất đai, kết luận thanh tra, kiểm toán...

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai; có nhiều giải pháp đôn đốc, xử lý các chủ đầu tư cố tình chây ì trong việc chậm trễ hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận các căn hộ chung cư, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. Rà soát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội sớm hoàn thiện hồ sơ khi người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, gửi Văn phòng đăng ký đất đai thành phố để được cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở.

- Khẩn trương thực hiện các thủ tục thu hồi đất dự án Trung tâm biểu diễn xiếc và nghệ thuật tổng hợp quốc gia của Liên đoàn Xiếc Việt Nam để triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa điện ảnh thành phố trong quý IV năm 2023.

- Chỉ đạo các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản làm vật liệu thông thường, vật liệu san lấp phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn thành phố, nhất là các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Lưu ý công tác quản lý, cấp phép các mỏ vật liệu đảm bảo phù hợp với Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ; chấn chỉnh công tác gia hạn Giấy phép mỏ đảm bảo theo đúng quy hoạch. Kiểm tra, làm rõ tình trạng khai thác của các mỏ, đảm bảo công suất được cấp phép; xử lý nghiêm các trường hợp ghim hàng, đầu cơ tạo khan hiếm để nâng giá.

- Khẩn trương rà soát 14 điểm đổ tạm chất thải rắn theo Quyết định số 9019/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo các điều kiện để khai thác, công bố công khai địa điểm, quy định để người dân, doanh nghiệp được biết và sử dụng khi có nhu cầu; tập trung tham mưu các giải pháp để giải quyết căn bản việc thu gom và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố; báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2022. Xây dựng phương án, quy trình thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư phù hợp, văn minh, hiện đại.

- Khẩn trương hoàn thành các hạng mục liên quan đến cấp phép Trạm Trung chuyển rác thải tại khu vực đường Lê Thanh Nghị; xây dựng đơn giá, tổ chức vận hành thử nghiệm trong tháng 9 năm 2022; lựa chọn nhà thầu vận hành, đảm bảo vận hành chính thức trong quý II năm 2023. Trong quá trình vận hành, lưu ý phân luồng giao thông hợp lý đối với các phương tiện vận chuyển rác ra vào khu vực Trạm trung chuyển rác thải nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ, phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm môi trường tại khu vực.

- Khẩn trương tham mưu giải pháp, phương thức đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô 1.000 tấn; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục đầu tư, khởi công Dự án đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày trong quý IV năm 2022. Tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan để đầu tư hộc rác số 7 nhằm đảm bảo công tác xử lý rác của thành phố.

2. Về lĩnh vực xây dựng

- Triển khai lập các quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố phải đảm bảo các chỉ tiêu và yêu cầu về phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, đất giao thông tĩnh, cây xanh, phúc lợi công cộng; hạn chế điều chỉnh, chuyển đổi quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở; hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất thương mại - dịch vụ xây dựng cao tầng sang đất xây dựng căn hộ chung cư.

- Triển khai đồ án quy hoạch chi tiết đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo tốt hơn đồ án quy hoạch ban đầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổ chức không gian, hiệu quả sử dụng đất phục vụ lợi ích thành phố, lợi ích cộng đồng và tuân thủ quy định pháp luật về điều chỉnh quy hoạch.

- Nghiên cứu các quy định hiện hành để xem xét, đề xuất liên quan đến cấp phép xây dựng đối với các thửa đất có diện tích nhỏ hơn 25m2 và các thửa đất có diện tích từ 25m2 đến 45m2 nhằm giải quyết nhu cầu của Nhân dân và đảm bảo hài hòa trong quản lý đô thị, báo cáo Thường trực HĐND thành phố trong tháng 10/2022.

- Rà soát, đề xuất giải pháp xử lý đối với quỹ nhà, đất công sản cho thuê đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hoặc thu hồi theo quy định, báo cáo Thường trực HĐND thành phố trong quý III/2022.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch hằng năm về duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo các khu chung cư thuộc sở hữu nhà nước.

- Khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan và bố trí nguồn vốn phù hợp với khả năng cân đối để triển khai đầu tư dự án Công viên 29/3 đảm bảo tiến độ yêu cầu, trong đó lưu ý huy động nguồn lực xã hội hóa ở mức tối đa, giảm áp lực nguồn vốn ngân sách.

- Khẩn trương điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022; điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 theo hướng bổ sung tỷ lệ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo tỷ lệ khoảng 5% đất ở đô thị mới; rà soát quy hoạch, dành quỹ đất, cân đối bố trí nguồn lực và xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Hoàn thành Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí cho thuê trong năm 2022 để triển khai thực hiện từ năm 2023.

- Rà soát, bàn giao các khu dân cư đã hoàn thiện cho địa phương quản lý, hoàn thành vào cuối năm 2022. Triển khai kế hoạch thi công cải tạo các tuyến nội thị đồng bộ với hạ ngầm cáp viễn thông, cáp điện, tránh đào xới nhiều lần; trong đó thống nhất triển khai các tuyến đường Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu trong năm 2024.

- Rà soát, có giải pháp và cân đối nguồn lực đảm bảo xử lý dứt điểm các điểm ngập úng trên địa bàn thành phố.

- Cân đối, bố trí kinh phí để triển khai Đề án phát triển cây xanh đồng bộ, có bản sắc, có tính đặc thù và đột phá về số lượng, độ che phủ sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối nguồn lực trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư nâng cấp cây xanh đặc trưng cho một số công viên đô thị, tuyến đường cảnh quan, tuyến đường cửa ngõ của thành phố như: Đường Nguyễn Văn Linh, đường Duy Tân, đường Bạch Đằng, đường Võ Văn Kiệt và khu vực ven sông Hàn.

- Căn cứ vào Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 để xem xét, hủy bỏ quy hoạch dự án Ga đường sắt tại khu vực phường Hòa Khánh Nam, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu nhằm chấm dứt quy hoạch “treo”, kéo dài nhiều năm của dự án này.

3. Về lĩnh vực văn hóa

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án “Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo đúng tiến độ. Sớm thu hồi, tháo dỡ bảng quảng cáo đã hết thời hạn theo Đề án quy hoạch quảng cáo, thực hiện cưỡng chế đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành, báo cáo Thường trực HĐND thành phố trong phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2022. Khẩn trương hoàn thành và triển khai “Đề án cho thuê các vị trí, trụ bảng quảng cáo ngoài trời” trong năm 2022. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý các bảng quảng cáo, phướn, băng rôn, đảm bảo văn hóa, trật tự, an toàn và mỹ quan đô thị; sớm triển khai đưa vào khai thác các vị trí treo băng rôn theo Đề án quy hoạch quảng cáo; chấm dứt tình trạng cấp phép treo băng rôn quảng cáo trên các tuyến đường gây mất mỹ quan đô thị. Thường xuyên kiểm tra và có giải pháp quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, rao vặt sai quy định, trong đó xây dựng quy trình xử lý để thống nhất tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền trực quan về các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa lớn trên địa bàn thành phố thời gian đến, nhất là trên các tuyến đường lớn, trung tâm thành phố. Sớm triển khai đầu tư hệ thống treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc tại vòng xoay các nút giao thông trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong năm 2022; trước mắt, tập trung thực hiện một số điểm trước dịp Lễ Quốc khánh 02/9/2022.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, chú trọng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được đầu tư.

- Chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan sớm rà soát, hoàn thành xây dựng Đề án mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng quy chế chung về quản lý, khai thác, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố để làm cơ sở đầu tư, quản lý và phát huy khai thác công năng, sử dụng hiệu quả, hoàn thành trong năm 2022. Hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng Khu trung tâm văn hóa kết hợp Nhà văn hóa thiếu nhi tại khu vực phía Tây thành phố trong năm 2023.

4. Về lĩnh vực pháp chế và xây dựng chính quyền

- Căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, thực hiện rà soát, bổ sung các nội dung phân cấp, ủy quyền vào Đề án phân cấp, ủy quyền, báo cáo HĐND thành phố thông qua Đề án theo quy định; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án, có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền.

- Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi, quản lý; thực hiện lộ trình xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các đơn vị sự nghiệp đã có hướng dẫn của bộ chuyên ngành về danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật thì phải hoàn thành trong vòng 01 (một) năm kể từ ngày văn bản hướng dẫn có hiệu lực; trường hợp văn bản hướng dẫn có hiệu lực đã hơn 01 năm thì phải hoàn thành trong năm 2022.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng cải cách hành chính, cải cách tài chính công. Triển khai sớm việc công bố kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính, làm cơ sở để đánh giá người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đảm bảo công chức, viên chức yên tâm công tác; thực hiện chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, các nhóm ngành y tế, giáo dục.

5. Về lĩnh vực an ninh trật tự

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; phấn đấu kéo giảm, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

- Tổng kết, đánh giá công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10/8/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố.

- Chỉ đạo xử lý dứt điểm về việc bố trí trụ sở làm việc của Công an phường Bình Hiên.

6. Đối với 42 nội dung chất vấn chưa thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp (theo phụ lục đính kèm), đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời chất vấn theo đúng quy định, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND thành phố trong tháng 8 năm 2022.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày HĐND thành phố biểu quyết thông qua.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. UBND thành phố, Giám đốc các sở và các cơ quan liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả tại các kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố.

2. Thường trực HĐND thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Nghị quyết này đã được HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn ĐBQH thành phố;
- Đại biểu HĐND thành phố;
- UBND, UBMTTQVN thành phố;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- Các quận ủy, huyện ủy;
- HĐND huyện Hòa Vang;
- UBND, UBMTTQVN quận, huyện;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Lương Nguyễn Minh Triết

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG CHẤT VẤN TRẢ LỜI BẰNG VĂN BẢN TẠI KỲ HỌP THỨ 7 HĐND THÀNH PHỐ KHÓA X
(Kèm theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐND thành phố)

I. Lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách (20 nội dung)

1. Đại biểu Vũ Quang Hùng (01 nội dung)

Liên quan đến Công trình Cải tạo hệ thống thoát nước và Hạ tầng cống bể ngầm cáp thông tin trên 04 tuyến đường nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm). Hiện nay, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đề nghị chuyển công trình Cải tạo hệ thống thoát nước trên 04 tuyến đường nội thị Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm thuộc Gói thầu 1.7 sang sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố để đầu tư. Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các trình tự, thủ tục xác định chủ đầu tư dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách thành phố để triển khai thực việc Cải tạo hệ thống thoát nước và Hạ tầng cống bể ngầm cáp thông tin trên 04 tuyến đường Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm, triển khai thi công đồng thời với công trình Hạ ngầm lưới điện trung, hạ thế trên 04 tuyến đường trên nhằm đảm bảo thi công đồng bộ giữa các công trình, tránh trường hợp đào xới nhiều lần trong thi công.

2. Đại biểu Trần Lê Tuấn (02 nội dung)

a) Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.611,3 tỷ đồng; tương đương 24,7% kế hoạch vốn được giao và giảm 37,9% so với cùng kỳ năm trước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu, thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm... UBND thành phố có những giải pháp gì để tháo gỡ về quy trình thủ tục, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cũng như cơ chế chính sách gì hỗ trợ giúp đỡ các nhà thầu trong điều kiện giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao?

b) Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố tuy phục hồi nhưng chưa đồng đều và gặp nhiều thách thức, nhất là việc thu hút đầu tư nước ngoài đạt rất thấp, tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước. Đề nghị cần có những giải pháp nào để tăng việc thu hút đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

3. Đại biểu Lê Văn Nghĩa (01 nội dung)

Qua giám sát, ngày 19/01/2009, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô tại Quyết định 724/QĐ-UBND. Ngày 11/3/2010 thành phố đồng ý chủ trương giao Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô và dự án đầu tư, quản lý vận hành Khu công cộng Nam Ô (gồm các hạng mục Công viên Nguyễn Tất Thành, Ghềnh Nam Ô, Bãi tắm Nam Ô, Bãi tập kết thuyền thúng, Tuyến kè chống sạt lở Nam Ô) với có quy mô khoảng 25 ha, trong đó: 10 ha đất trả tiền 1 lần và 15ha đất thuê hàng năm. Từ khi thực hiện chủ trương của thành phố về thu hồi đất giao đất cho nhà đầu tư đến nay đã hơn 10 năm nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục còn dở dang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Đề nghị thành phố cho biết khi nào dự án hoàn thành? Trường hợp nhà đầu tư vẫn không thực hiện thì thành phố có giải pháp gì đối với nhà đầu tư và đảm bảo điều kiện sinh hoạt bình thường của các hộ dân tại khu vực?

4. Đại biểu Lê Thị Hồng Minh (01 nội dung)

Người dân thuộc Dự án khu tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông đã chờ đợi giải tỏa từ năm 1999 đến nay, nhiều nhà cửa xuống cấp trầm trọng do không được phép xây mới, cải tạo, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão, ô nhiễm môi trường, nhếch nhác... Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố cho biết chủ trương đối với dự án này?

5. Đại biểu Huỳnh Bá Cử (02 nội dung)

a) Qua nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri phường An Hải Tây gửi đến HĐND thành phố khóa 9 và 10, dự án khu vực xung quanh trung tâm hành chính quận Sơn Trà cơ sở 2 đã treo nhiều năm nay, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và cuộc sống của người dân; bây giờ thành phố có chủ trương tái thiết đô thị ở khu vực này. Đề nghị UBND thành phố cho biết thời hạn dự án bao giờ triển khai, công bố cho nhân dân biết, để giải tỏa nổi bức xúc của người dân?

b) Người dân Kiệt K211, Nguyễn Văn Thoại, phường Phước Mỹ thuộc dự án Bàu Gia Phước đã nhiều lần kiến nghị giải tỏa khu vực này và thành phố đã có chủ trương rất lâu rồi. Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện quá chậm, người dân rất bức xúc. Đề nghị UBND thành phố cho biết dự án bao giờ sẽ triển khai.

6. Đại biểu Đinh Vui (01 nội dung)

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con cử tri phường Hòa Thọ Đông rất bức xúc đối với các dự án quy hoạch chậm triển khai trên địa bàn phường và đặc biệt là dự án Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm. Dự án này đã được UBND thành phố quy hoạch hơn 7 năm qua nhưng chưa triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu vực, nhất là tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra vào mùa mưa. Đề nghị UBND thành phố cho biết kế hoạch triển khai thực hiện đối với dự án này trong thời gian đến nhằm để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân?

7. ĐB Nguyễn Văn Hùng (02 nội dung)

Tiến độ triển khai các công trình trọng điểm chậm cần được đẩy nhanh tiến độ. Theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về Danh mục các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, gồm 54 dự án, chia làm 03 nhóm: (1) nhóm các dự án đang triển khai có vướng mặt bằng; (2) nhóm các dự án đang triển khai không vướng mặt bằng; (3) nhóm các dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Qua theo dõi, giám sát một số dự án triển khai không đảm bảo tiến độ, được gia hạn nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tăng tổng mức đầu tư ban đầu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, một số dự án tiến độ thi công chưa bám sát tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu hạn chế: Tuyến đường ĐH2 từ Hòa Nhơn đi Hòa Sơn, Tuyến đường Vành đai phía Tây đoạn QL14B đến đường Hồ Chí Minh, Tuyến đường Vành đai phía Tây 2. Một số dự án tiến độ giải phóng mặt bằng chậm theo kế hoạch đền bù giải tỏa năm 2022 theo Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của UBND thành phố như: Trục I Tây Bắc, Trạm Xử lý nước thải Liên Chiểu, Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly; Tuyến đường ĐT 601.

Ngoài ra, qua giám sát một số dự án trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng, hư hỏng đến các nhà dân như: Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu. Việc gây hư hỏng các nhà dân dẫn đến công trình phải tạm dừng thi công để khắc phục hư hỏng, gây chậm tiến độ công trình và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt các hộ dân. Đề nghị UBND thành phố xem xét, làm rõ trách nhiệm để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến các hộ dân đối với 2 công trình trên.

Tôi đề nghị:

- UBND thành phố giải trình, làm rõ những nguyên nhân, trách nhiệm gây chậm tiến độ công trình trọng điểm, giải phóng mặt bằng; có giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình động lực trọng điểm trên địa bàn thành phố; tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

- UBND các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch đền bù, giải tỏa bàn giao mặt bằng hằng tuần để đảm bảo tiến độ thi công; kịp thời, chủ động tham mưu, xử lý tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

8. Đại biểu Trương Minh Hải (01 nội dung)

Về triển khai thực hiện Chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (giai đoạn 1) tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

9. Đại biểu Trần Vũ Duy Mẫn (02 nội dung)

a) Việc bổ sung tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng cho Sở Y tế (Bệnh viện Đà Nẵng) phục vụ công tác hiến máu nhân đạo lưu động.

b) Về việc lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí cho các Tổ công nhân tự quản và các Khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố.

10. Đại biểu Thái Văn Tịnh (02 nội dung)

a) Những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái ở khu vực nông thôn miền núi trên cả nước phát triển mạnh mẽ đã góp phần mang lại khởi sắc về kinh tế cho người dân. Tại thành phố Đà Nẵng cũng đã hình thành nhiều mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, tập trung nhiều nhất ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang...Cũng chính từ hiệu quả của các mô hình du lịch sinh thái ở Hòa Vang mà tháng 12/2021 vừa qua, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 82 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang từ năm 2022-2025, áp dụng cho không quá 15 mô hình. Hòa Vang là huyện nông nghiệp, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Vì vậy, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Và thực tế thời gian qua cho thấy những mô hình du lịch sinh thái ở Hòa Bắc nói riêng cũng như Hòa Vang nói chung là những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách, qua đó đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân... Vì vậy, các ngành liên quan của thành phố và huyện Hòa Vang đã làm gì để hỗ trợ giúp người dân (bởi trong đó có đồng bào dân tộc Cơ Tu)...thực hiện đúng chủ trương phát triển du lịch sinh thái của thành phố đảm bảo sự phát triển bền vững.

b) Sau nhiều lần đề xuất cải tạo chợ Bắc Mỹ An của bà con cử tri và chính quyền địa phương nhằm phục vụ cho hoạt động buôn bán tại chợ được tốt hơn bởi vì chợ ngày có nhiều khách du lịch đến mua sắm, ngày tháng 7-2019 tức là cách đây gần 3 năm, lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có buổi kiểm tra thực tế chợ Bắc Mỹ An, thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Theo đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ thống nhất giao quận Ngũ Hành Sơn lập quy mô nghiên cứu dự án, chuẩn bị phương án đầu tư để bố trí vốn trong năm 2020, đồng thời lưu ý, phương án cải tạo chợ phải có thiết kế đẹp mắt và công năng sử dụng hợp lý, hiệu quả, nhằm góp phần tạo nên điểm đến thu hút khách du lịch tham quan, mua sắm... Vậy đề nghị thành phố và quận Ngũ Hành Sơn cho bà con cử tri được biết khi nào sẽ tiến hành cải tạo chợ Bắc Mỹ An và khi nào hoàn thành dự án cải tạo chợ để đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi ca bà con cử tri.

11. Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc (01 nội dung)

Hiện nay trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc có 03 chợ quy mô nhỏ, chợ tạm với khoảng 270 tiểu thương kinh doanh nằm xen lẫn trong khu dân cư, giao thông không thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dễ gây mất an toàn giao thông. Đề nghị Sở Công thương cho biết có kế hoạch đầu tư xây dựng chợ dân sinh trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc không? Nếu có thì bao giờ triển khai và khi nào thì người dân được kinh doanh trên chợ dân sinh mới này? Nếu chưa có thì quan điểm của Sở Công Thương giải quyết vấn đề trên trong thời gian tới thế nào?

12. Đại biểu Võ Tín (01 nội dung)

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tham mưu đề xuất HĐND và UBND thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên trong thời gian qua do giá dầu quá cao, nhiều phương tiện không thể hoạt động khai thác hải sản. Đề nghị đồng chí giám đốc Sở có những giải pháp gì để hỗ trợ ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Về chống thất thu thuế và sử dụng hóa đơn điện tử.

13. Đại biểu Huỳnh Bá Thành (01 nội dung)

Thực hiện di dời nhân dân vùng nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện Hòa Vang, Thành phố có Thông báo số 112/TB-VP ngày 24/2/2022 thống nhất về chủ trương Giao UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư dự án di dời ở xã Hòa Sơn, Hòa Bắc. Tuy nhiên, ngày 18 tháng 5 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình, kế hoạch tổng thể di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở tại địa phương theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết thời gian Sở trình UBND thành phố ban hành kế hoạch tổng thể di dời, bố trí sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ? Như vậy, việc thực hiện Dự án di dời nhân dân vùng nguy cơ sạt lở trên địa xã Hòa Sơn, Hòa Bắc phải chờ đến khi nào mới triển khai?

14. Đại biểu Võ Công Chánh (01 nội dung)

Kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 68% dự toán, là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi phát triển kinh tế của thành phố và sự nỗ lực của ngành Thuế cũng như các ngành liên quan trong công tác thu. Tuy nhiên, để quay trở lại và vượt số thu trước đây khi chưa có dịch bệnh thì còn phải đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp hơn nữa (Tại báo cáo UBND thành phố thì số thu 2022 dự kiến đạt 103% số thực hiện 2021, như vậy, vẫn còn thấp hơn thu ngân sách Nhà nước năm 2017).

Đề nghị ngành Thuế đánh giá thế nào về cơ cấu nguồn thu hiện nay, đã thực sự bền vững hay chưa? Lĩnh vực nào, ngành nghề nào là đóng góp thuế lớn, ổn định cho ngân sách (công nghiệp/dịch vụ...?). Ngành Thuế có đề xuất giải pháp gì để nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu thuế? Cho biết kết quả sử dụng hóa đơn điện tử đối với người nộp thuế trên địa bàn thành phố đến nay như thế nào, đóng góp ra sao trong việc quản lý thuế?

15. Đại biểu Đoàn Ngọc Hùng Anh (01 nội dung)

Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt hải sản. Cử tri đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển sản xuất, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cử tri biết các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho ngư dân. Sở đã có giải pháp gì hoặc đã đề xuất thành phố giải pháp nào để hỗ trợ bà con ngư dân bám biển sản xuất trong tình hình trên, lúc nào thì triển khai thực hiện.

II. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội (11 nội dung)

1. Đại biểu Lê Thị Hồng Minh (02 nội dung)

a) Một trong những vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay là “tín dụng đen” trong công nhân lao động do khó tiếp cận các nguồn vay chính thống từ các ngân hàng nhà nước. Kính đề nghị đồng chí cho biết các chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động nhằm hạn chế tình trạng công nhân lao động “mắc bẫy tín dụng đen” như hiện nay.

b) Trong 06 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố từng bước được phục hồi, các doanh nghiệp trở lại hoạt động. Kính đề nghị đồng chí cho biết thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động như: không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc.

2. Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc (02 nội dung)

a) Hiện nay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang xuất hiện tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh; nhiều cán bộ y tế trong khu vực công lập nghỉ việc. Đây là những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đề nghị Ngành y tế đánh giá và nêu quan điểm của mình về tình trạng này ở TP Đà Nẵng như thế nào? Có xảy ra tình trạng này hay không? Nếu có thì hiện đang ảnh hưởng như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Các giải pháp khắc phục?

b) Hiện nay phường Hòa Khánh Bắc có gần 60.000 dân, trong đó số con em trong độ tuổi đến trường rất lớn. Nhiều khu tái định cư người dân từ nơi khác đến mua đất, làm nhà, bên cạnh đó khu chung cư nhà ở xã hội với 8 block khoảng 2.000 hộ. Tuy nhiên trên địa bàn phường hiện chỉ có 1 trường THCS và 02 trường Tiểu học với số lượng phòng học chỉ đáp ứng được 4.784 học sinh. Số học sinh phải đi học nhờ tại các trường ngoài địa bàn phường là 2.222 học sinh. Cử tri kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư, xây dựng trường học bậc THCS, Tiểu học trên địa bàn phường để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn phường. Đề nghị Sở giáo dục cho biết quan điểm của mình về việc này thế nào? Sở có kế hoạch đầu tư để giải quyết vấn đề nêu trên không? Nếu có thì dự kiến khi nào triển khai? Nếu không thì hướng giải quyết vấn đề trên thế nào?

3. Đại biểu Huỳnh Bá Thành (01 nội dung)

Hòa Vang một huyện còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục những năm qua tuy có tăng nhưng vẫn chưa theo kịp với các quận, số lượng học sinh trên địa bàn ngày càng tăng mà chỉ tiêu tuyển sinh vào 3 trường THPT công lập trên địa bàn không tăng, do đó ngày càng có nhiều học sinh không tiếp tục học THPT công lập cần phải được phân luồng vào học hệ Giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp; mặc khác, phía Bắc Hòa Vang có trường THPT Phạm Phú Thứ, những năm gần đây có rất nhiều thí sinh ngoài huyện Hòa Vang đăng ký nguyện vọng 2 vào trường này, do đó nhiều học sinh ở các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc không được vào học ở trường THPT Phạm Phú Thứ cao và tăng theo từng năm (năm 2020 có 180 học sinh; năm 2021 có 200 học sinh; năm 2022 có 230 học sinh). Đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết Sở có giải pháp gì để tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT trên địa bàn Hòa Vang, đặc biệt là THPT Phạm Phú Thứ; có chính sách ưu tiên gì trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số; đa số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để xuống các trung tâm dạy nghề ở nội thành để học tập, nên cử tri đề nghị mở Trung tâm GDTX tại khu vực cánh Bắc huyện Hòa Vang, quan điểm của Giám đốc sở về vấn đề này.

4. Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường (02 nội dung)

a) Thời gian gần đây, báo chí đưa tin về tình trạng nhân viên ngành y tế ở nhiều tỉnh, thành phố làm đơn xin nghỉ việc. Cử tri muốn được biết rằng thành phố chúng ta có nằm trong bức tranh chung ấy hay không? Nếu có thì mức độ ra sao và xuất phát từ những lý do nào? Và thành phố chúng ta cần làm gì để bù đắp sự hụt hẫng về nguồn nhân lực của một ngành từng được xem là “sống còn” trong đại dịch vừa qua nói riêng và trong phát triển nói chung?

b) Xã hội hóa giáo dục được cho là một trong những phương án quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời giải quyết được bài toán “tinh giản biên chế”, “giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách” nhưng vẫn đảm bảo trường lớp trong điều kiện dân số ngày càng tăng, các khối lớp dạy 2 buổi trên ngày. Đề nghị UBND thành phố cho biết việc thực hiện chủ trương này trong thời gian qua; nguyên nhân của những kết quả đạt được (hoặc chưa đạt được)? Giải pháp trong thời gian đến.

5. Đại biểu Đoàn Ngọc Chung (01 nội dung)

Qua tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7 HĐND, cử tri phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) có phản ánh thực trạng hiện nay là người dân có BHYT khi đi khám chữa, bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế của thành phố thì có tình trạng cấp phát thuốc không đủ, thiếu vật tư y tế và hóa chất xét nghiệm. Lý do được giải thích là do tình trạng khan hiếm và thiếu thuốc. Hiện nay, tình trạng này cũng đang xảy ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Ngay cả một số thuốc chữa bệnh thông thường, trước đây vốn không khan hiếm nhưng cũng không có thuốc để cấp phát cho bệnh nhân BHYT, mà bệnh viện yêu cầu bệnh nhân phải ra ngoài mua. Như vậy, với trách nhiệm tư lệnh ngành y tế, đề nghị đồng chí Sở Y tế cho biết tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hay không? Và giải pháp của ngành giải quyết vấn đề này như thế nào để khắc phục tình trạng này?

6. Đại biểu Phan Thanh Long (01 nội dung)

Về quỹ đất xây dựng Đề án mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn quận Liên Chiểu: Ngày 13/11/2020, UBND thành phố có Công văn số 7484/UBND-ĐTĐT về việc Quy hoạch mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng/nhà họp tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố. Trong đó “Giao UBND quận, huyện chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Quy hoạch xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch, đề xuất bổ sung quỹ đất để xây dựng Đề án mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng/nhà họp tổ dân phố, thôn trên địa bàn quận, huyện phục vụ nhân dân; trong đó nghiên cứu những nơi có điều kiện có thể tích hợp công năng nhà sinh hoạt cộng đồng với thiết chế VH-TT cơ sở”. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế thì cử tri quận Liên Chiểu khá bức xúc vấn đề này. Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết tình hình, tiến độ triển khai Đề án mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng/ nhà họp tổ dân phố, thôn trên địa bàn quận như thế nào?

7. Đại biểu Trần Tuấn Lợi (01 nội dung)

Đề nghị lãnh đạo thành phố cho cử tri và nhân dân thành phố được biết về tiến độ thực hiện Dự án di tích Chăm - Phong Lệ trên địa bàn phường Hòa Thuận Đông, quận Cẩm Lệ.

8. Đại biểu Lê Kim Anh (01 nội dung)

Về tiến độ triển khai xây dựng trường học nhằm đảm bảo thực hiện dạy học ngày 2 buổi cho học sinh trên địa bàn quận Liên Chiểu: Thực hiện Quyết định số 2435/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc Phê duyệt Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Ngày 03/8/2021, UBND quận Liên Chiểu đã xây dựng Đề án số 06/ĐA-UBND về Điều chỉnh xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quận Liên Chiểu, theo đó: Năm học 2021-2022 toàn quận có 29 đơn vị trường học (08 trường mầm non, mẫu giáo công lập với 103 lớp, nhóm lớp/ 2627 trẻ, 13 trường tiểu học với 428 lớp/17.533 học sinh, 08 trường trung học cơ sở với 227 lớp/9.669 học sinh). Tại Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định lớp học không quá 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên tỷ lệ bình quân học sinh/lớp toàn quận hiện nay đạt 41,2 học sinh/lớp, đặc biệt có trường tỷ lệ học sinh/lớp là 45. Tỷ lệ học sinh được học ngày 2 buổi trên địa bàn quận chỉ đạt 74,7%, thấp nhất thành phố. Theo Đề án quận đã xây dựng, ngoài quy mô cải tạo, sửa chữa các trường tiểu học đã có thì quy mô cần đầu tư xây mới trong thời gian tới (đến năm học 2024-2025) là 06 trường tiểu học. Cử tri quận Liên Chiểu kiến nghị UBND thành phố quan tâm đầu tư, xây dựng trường học trên địa bàn quận để đáp ứng nhu cầu học tập ngày 2 buổi của học sinh, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố cho biết tiến độ triển khai xây dựng trường học theo Quyết định số 2435/QĐ-UBND như thế nào? Và cho biết công tác chỉ đạo của thành phố về vấn đề này đối với các sở (Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính).

III. Lĩnh vực Đô thị (10 nội dung)

1. Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (01 nội dung)

Việc quy hoạch, quản lý, sử dụng bến xe Đức Long (bến xe phía Nam thành phố): Bến xe phía Nam thành phố Đà Nẵng (thôn Quá Giang 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) đi vào hoạt động từ 10 năm nay, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư theo quy hoạch xã hội hóa bến xe. Công trình này rộng 6,3ha, tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng với công năng phục vụ 1.000 lượt xe xuất bến/ngày. Nhưng công năng của bến xe này đã không được sử dụng, chủ đầu tư gặp khó trong khi các doanh nghiệp vận tải không đăng ký kinh doanh tuyến tại bến xe. Qua theo dõi, nắm bắt phản ánh kiến nghị của cử tri, báo chí phản ánh, thì Bến xe phía Nam không có các tuyến xe hoạt động tại Bến, hệ thống phòng điều hành đóng cửa, chỉ có một vài nhân viên bảo vệ làm việc và mấy doanh nghiệp thuê mặt bằng làm nơi tập kết hàng hóa; một số hạng mục sau quá trình đưa vào sử dụng, không hoạt động đã xuống cấp. Việc Bến xe không hoạt động, gây lãng phí nguồn lực. Để khai thác sử dụng hiệu quả Bến xe phía Nam giảm tải áp lực cho Bến xe phía Bắc, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, có giải pháp, biện pháp nhất là nghiên cứu đề xuất phương án phân luồng tuyến ra vào thành phố cho phù hợp.

2. Đại biểu Lê Văn Nghĩa (01 nội dung)

Dự án bến xe Đức Long (bến xe phía Nam thành phố) đã được đầu tư xây dựng hoàn thành trong nhiều năm qua nhưng chưa được đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng, làm lãng phí nguồn lực đầu tư. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Vì sao dự án không được đưa vào vận hành, khai thác? Đồng chí có giải pháp gì trong thời gian đến để đưa dự án này vào vận hành, khai thác. Xin cảm ơn đồng chí.

3. Đại biểu Nguyễn Mạnh Dũng (01 nội dung)

Hiện nay việc số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, theo số liệu thống kê từ Ban ATGT thành phố thì tính đến cuối tháng 12/2021 số ô tô đang quản lý là 99.490 xe, tổng số môtô là: 970.133 xe, tổng số mô tô điện, xe máy điện là: 10.008 xe và thực tế cho thấy lưu lượng phương tiện tham gia giao thông là rất đông, đặc biệt vào giờ cao điểm có 1 số nơi gây ùn ứ, ách tắc giao thông. Nguyên nhân của việc này là do hạ tầng của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tham gia giao thông, hệ thống giao thông tĩnh gồm bãi đỗ xe, nơi gửi xe vẫn còn rất hạn chế, người tham gia giao thông vẫn đậu, đỗ xe ở những nơi có lòng đường chật, hẹp, những nơi cho phép đèn đỏ được rẻ phải... Xin hỏi đồng chí Giám đốc Sở cho biết trong thời gian tới thì ngành sẽ tham mưu cho Thành phố những chủ trương, giải pháp gì để giảm tải việc ùn ứ, ách tắc giao thông tại 1 số tuyến đường chính; có những dự án nào đầu tư cho việc xây dựng các bãi đỗ xe công cộng trên toàn địa bàn thành phố 1 cách đồng bộ tránh việc dàn trải, cũng như đừng để xảy ra việc cấp bách mới đầu tư xây dựng.

4. Đại biểu Lê Tùng Lâm (03 nội dung)

a) Để đảm bảo trật an toàn giao thông, đồng thời để có điều kiện triển khai chương trình, dự án tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm thành phố thì cần thực hiện tốt công tác lập quy hoạch giao thông công cộng, Giao thông tĩnh, đồng thời cần phải triển khai sớm và đồng bộ các dự án nêu trên. Xin đồng chí cho biết tình hình triển khai công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý Giao thông công cộng, Giao thông tĩnh tại khu vực Trung tâm thành phố trong thời gian qua và giải pháp đột phá, hiệu quả trong thời gian đến?

b) Liên quan đến dự án Nâng cấp cải tạo Công viên 29/3 (do BQLDA các công trình DD-CN làm chủ đầu tư). Đây là dự án quan trọng đối với thành phố nói chung và quận Thanh Khê nói riêng. Phương án QHKT đã được xem xét lựa chọn thông qua thi tuyển kiến trúc năm 2019; phê duyệt QH chi tiết 1/500 vào đầu năm 2022; đang thực công tác chuẩn bị theo quy định hiện hành. Tuy nhiên qua theo dõi, hiện nay tiến độ thực hiện các thủ đầu tư dự án là chậm, chưa đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, nhân dân thành phố nói chung và Thanh Khê nói riêng. Đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân tiến độ chậm nêu trên? Giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong thời gian đến?

c) Đối với dự án xử lý thoát nước chống ngập úng, cống liên phường trên địa bàn Thanh Khê. Dự án đã được khởi công (tháng 3/2022) sau nhiều năm thực hiện công tác chuẩn bị, đây là điều đáng mừng đối với cử tri, nhân dân quận Thanh Khê và các phường Tân Chính, Tam Thuận, Chính Gián, Xuân Hà, Thanh Khê Đông. Tuy nhiên qua theo dõi hiện nay tiến rất chậm, đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân, giải pháp để dự án triển khai đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, an toàn đã đề ra.

5. Đại biểu Phan Thị Thúy Linh (01 nội dung)

Bao giờ di dời đường dây tín hiệu đường sắt dự án Khe Cạn đoạn qua phường Hòa An.

6. Đại biểu Nguyễn Thị Anh Thi (01 nội dung)

Trong thời gian vừa qua, nhiều cử tri kiến nghị tình trạng cắt đào đường thi công hệ thống cống nước thải của Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên trên địa bàn phường Hòa Hải và Khuê Mỹ ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân, tổ chức, làm nứt cả lòng đường, nhất là đường 5,5m. Mặt khác, sau khi lắp đặt xong, đơn vị không kịp thời thảm nhựa trả lại mặt đường mà để quá lâu, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, những hộ dân và tổ chức có nhà trên các tuyến đường thi công; có những đoạn đường bị vênh cốt, tạo gờ trên mặt đường khi hoàn trả mặt bằng. Đề nghị khẩn trương khắc phục những tình trạng nêu trên để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, chất lượng công trình sau khi hoàn trả và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt đi lại của người dân, trong đó đề nghị thông tin cụ thể khoảng thời gian tối đa kể từ ngày hoàn thành công tác lắp đặt đường ống thoát nước đến hoàn trả mặt bằng thảm nhựa để nhân dân theo dõi giám sát

7. Đại biểu Đoàn Ngọc Hùng Anh (02 nội dung)

a) Cử tri phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà phản ánh: Đoạn đường Chính Hữu thuộc địa bàn phường An Hải Bắc thi công chậm, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Thậm chí, có tình trạng trước khi tiếp xúc cử tri thì đơn vị thi công đổ quân thi công rầm rộ, nhưng sau khi tiếp xúc cử tri xong thì lại tạm dừng thi công. Đề nghị Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và Phát triển đô thị, là đơn vị điều hành dự án, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm tiến độ công trình theo quy định và trả lời cho bà con cử tri biết khi nào thì công trình hoàn thành.

b) Cử tri phường An Hải Bắc và phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà phản ánh: Hệ thống đường dây viễn thông và các loại cáp khác lắp đặt đi nổi theo vỉa hè các tuyến đường và các kiệt, hẻm rất lộn xộn, trong đó có một số cáp không còn sử dụng nhưng chưa được thu hồi, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp và kế hoạch xử lý, có khó khăn gì trong việc xử lý không, nếu đã có kế hoạch xử lý thì thời gian nào sẽ hoàn thành tại địa bàn quận Sơn Trà và trên địa bàn thành phố.

IV. Lĩnh vực Pháp chế (01 nội dung)

1. Đại biểu Lương Công Tuấn (01 nội dung)

Đề nghị cho biết tình hình thực hiện cơ sở dữ liệu về Tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư trên địa bàn thành phố trong thời gian qua; giải pháp trong thời gian đến?

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 26/NQ-HĐND năm 2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

  • Số hiệu: 26/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Lương Nguyễn Minh Triết
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản