Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 254/2016/NQ-HĐND

Long An, ngày 26 tháng 4 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13/11/2008;

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 04/3/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1203/TTr-UBND ngày 08/4/2016 của UBND tỉnh về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh đề án và thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2016.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ Quốc hội (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- VP.QH, VP.CP “TP.HCM” (b/c);
- Ban Công tác đại biểu, UBTVQH (b/c);
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- TT.TU (b/c);
- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII;
- Các sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP.UBND tỉnh;
- LĐ và CV VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Rạnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 254/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An)

Phần I

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến sản xuất nông nghiệp, nhưng với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX giai đoạn 2010 - 2015 đã đề ra, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,9%/ năm, sản lượng lúa đạt bình quân 2,75 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 30%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái; lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu Ngành. Sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng lên góp phần giảm giá thành nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố hạn chế chưa đảm bảo tính bền vững, cụ thể như sau:

- Tỷ lệ sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế, từ đó làm cho giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát trước, trong và sau thu hoạch còn cao.

- Nhiều vùng sản xuất tập trung liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín còn hạn chế (lúa khoảng 5% diện tích, chanh 5%), từ đó làm cho thu nhập người nông dân còn thấp.

- Sản phẩm trong nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân vô cơ, chất kích thích sinh trưởng, ý thức chấp hành xử lý chất thải còn thấp... tác động đến sức cạnh tranh sản phẩm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bộc phát dịch hại.

- Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

- Việc tổ chức sản xuất lại theo mô hình mới để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trên diện rộng, vừa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Để khắc phục đồng bộ và triệt để các mặt hạn chế nêu trên và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông, lâm, thủy sản, khả năng thích ứng khi nước ta gia nhập sâu, rộng kinh tế thế giới thì lựa chọn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Công nghệ cao đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.

- Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khóa XI về phát triển KH và CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

- Quyết định số 53/2004/QĐ-TTg ngày 05/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại khu công nghệ cao.

- Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020.

- Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2020.

- Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 03/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

- Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An Khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 04/3/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phần II

THỰC TRẠNG VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH LONG AN

I. TỔNG QUAN VỀ NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

1. Một số khái niệm

Theo Luật Công nghệ cao:

- Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

- Hoạt động công nghệ cao: Là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

- Sản phẩm công nghệ cao: Là sản phẩm do công nghệ tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.

- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và có khả năng cạnh tranh so với sản phẩm truyền thống. Bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Lựa chọn công nghệ tiến bộ về giống cây, con, công nghệ canh tác, chăn nuôi tiên tiến, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch - bảo quản, chế biến, từng bước ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường.

+ Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm mang tính đặc trưng của từng vùng sinh thái, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng của sản phẩm cùng loại trên thị trường, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất khi có nhu cầu.

+ Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất một loại nông sản hàng hóa.

+ Khu nông nghiệp công nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ chọn tạo, nhân giống cây trồng (giống vật nuôi) cho năng suất, chất lượng,… phòng trị bệnh cây trồng (vật nuôi); tạo ra vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Theo Luật Công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có 05 chức năng cơ bản: Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Trong đó chức năng thử nghiệm, trình diễn, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao là chức năng phổ biến, 02 chức năng còn lại tùy theo đặc điểm từng khu nông nghiệp.

2. Đặc điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nước ta

a. Khu Nông nghiệp công nghệ cao

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, rất nhiều địa phương đã quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lựa chọn các sản phẩm ưu tiên phát triển, nhưng nhìn chung đến nay chỉ có 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động là Thành phố Hồ Chí Minh (nghiên cứu, sản xuất, đào tạo, chuyển giao giống rau, hoa, cá kiểng); Thành phố Hà Nội (nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa; đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất); Khánh Hòa (nghiên cứu sản xuất và chuyển giao giống bắp, rau, hoa, mía, điều, xoài, heo, cá); trong đó Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM là hoạt động có hiệu quả nhất. Còn lại các Khu Nông nghiệp công nghệ cao khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đầu tư hoàn chỉnh. Mặc dù đây là loại hình đảm bảo đồng bộ liên hoàn từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, nhưng do nguồn vốn đầu tư lớn và không thích hợp cho một số đối tượng cây, con cần diện tích sử dụng đất lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư thấp rất khó tham gia thực hiện.

b. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đối với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đây là mô hình được nhiều địa phương lựa chọn để phát triển, vì đây là nơi áp dụng kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên một vùng chuyên canh và khối lượng hàng hóa lớn, tận dụng lợi thế về đất đai, nước, lao động, chỉ ứng dụng một số công nghệ phù hợp ở một hoặc một số công đoạn để giảm giá thành sản xuất, phù hợp với khả năng và trình độ của nông dân để triển khai nhân rộng vào thực tiễn sản xuất như vùng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh 1.000 ha, vùng trà ô long ở Bảo Lộc, mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, gà quy mô công nghiệp theo công nghệ Nhật Bản,….

c. Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Về doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện cả nước chỉ có 19 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận. Do các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất, bí mật công nghệ nên rất khó chuyển giao công nghệ.

II. THỰC TRẠNG VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH LONG AN

1. Các nguồn lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong tổng số 696 công chức, viên chức của ngành, hiện có 305 công chức có độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi, chiếm 43,8%, 94 công chức có độ tuổi từ 36 đến 45, chiếm 13,5% và 303 công chức có độ tuổi từ 46 đến dưới 60, chiếm 43,5%; về trình độ có 37 công chức đã và đang được đào tạo về trình độ thạc sĩ, 426 có trình độ đại học, cao đẳng và 233 có trình độ trung cấp chuyên nghiệp công tác tại 20 phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra còn có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp đang công tác tại các sở, ngành tỉnh, các nhà khoa học của các viện, trường trong và ngoài tỉnh tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp có những đóng góp quan trọng đến lĩnh vực ngành. Trung bình hàng năm có trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ về lĩnh vực nông nghiệp với gần 100 nghiên cứu viên.

2. Hệ thống tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ra quyết định thành lập năm 1983. Chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về một số lĩnh vực nhằm sử dụng có hiệu quả về đất phèn và đất xám vùng Đồng Tháp Mười và các vùng khác có điều kiện tương tự. Đội ngũ cán bộ viên chức gồm 21 người, trong đó có 02 Thạc sĩ, 12 Kỹ sư, 01 Cao đẳng, 02 Trung cấp và 04 nhân viên phục vụ. Trong đó có 10 người trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học - chuyển giao. Trung tâm có đủ điều kiện đáp ứng cho hoạt động nghiên cứu - chuyển giao, như máy móc phục vụ nghiên cứu, nhà lưới, hệ thống nhà kho, sân phơi, hệ thống máy sấy, máy phân loại, khoảng 60 ha đất cho nghiên cứu thí nghiệm đồng ruộng, nhân giống, thực hiện mô hình trình diễn, đủ trang thiết bị văn phòng, thông tin liên lạc và điều kiện khác….

- Trung tâm Khuyến nông: Trung tâm hiện có 150 cán bộ, công nhân viên (trong đó có 14 thạc sỹ, 78 kỹ sư); trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện: Nghiên cứu, khảo nghiệm, trình diễn, sản xuất và kinh doanh các loại giống cây trồng có giá trị cao, như giống lúa nguyên chủng, giống lúa xác nhận và các loại giống cây trồng khác như thanh long, chanh, mè, dưa hấu, khoai mỡ. Bên cạnh đó Trung tâm có 02 trại sản xuất giống lúa và hàng năm xây dựng được 20 tổ sản xuất giống trong nhân dân.

- Trung tâm Giống vật nuôi: Tổng số cán bộ công nhân viên của trung tâm là 48 người (trong đó có 3 thạc sĩ, 13 kỹ sư, còn lại là cán bộ kỹ thuật). Nhiệm vụ của Trung tâm là sản xuất, cung ứng các giống vật nuôi, sản xuất tinh heo nhân tạo cho các hộ chăn nuôi, chuyển giao các tiến bộ về giống, quy trình sản xuất, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh trên vật nuôi cho nông dân.

- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An: Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 8/QĐ.KHCN ngày 12/02/2004 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, hiện có 25 biên chế với các nhiệm vụ quan trọng gồm: Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật tiến bộ, các công nghệ mới đã được kết luận và áp dụng thành công, có hiệu quả ở một số nơi trong nước và thế giới vào địa phương; xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật tiến bộ; hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ trong và ngoài nước; thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ nhu cầu nghiên cứu, sản xuất, đời sống.

3. Tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Mặc dù chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có từ năm 2004 nhưng đến nay công nghệ cao đã được tiếp cận - chuyển giao với tỷ lệ khiêm tốn trong một số lĩnh vực của ngành nông nghiệp như sau:

- Chăn nuôi: Có khoảng 15% gia trại chăn nuôi heo có ứng dụng công nghệ “chuồng lồng” có trang bị hệ thống phun sương làm mát, núm nước uống và có trang bị máng tự động. 15% hộ chăn nuôi bò sữa có trang bị máy vắt sữa, chăn nuôi gà chỉ dừng lại ở dạng chuồng có máng nước uống tự chảy, có quạt thông gió. Có một vài mô hình với quy mô hộ ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà.

- Trồng trọt: Chỉ mới bước đầu sử dụng một số công nghệ cao như: Công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại, một số loại phân bón lá và chế phẩm điều hòa sinh trưởng, ứng dụng tia lazer trong san phẳng mặt ruộng, giống hoa phong lan cấy mô; ứng dụng công nghệ thông tin vào ghi chép và kiểm soát quy trình sản xuất VietGAP cho rau và thanh long.

- Nuôi thủy sản và lâm nghiệp: Mô hình ứng dụng công nghệ cao đối với 02 lĩnh vực này rất ít, gần đây có 02 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ nano trong xử lý ao nuôi và thức ăn cho tôm.

Nhìn chung, tuy mức độ ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều nhưng không ít hộ nông dân, chính quyền địa phương đã quan tâm, tiếp cận và thử nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Đây chính là thuận lợi cho việc triển khai đề án sắp tới.

Về hoạt động thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Có nhiều nhà đầu tư đến Long An tìm hiểu, khảo sát địa bàn để đầu tư phát triển:

- Khu Nông nghiệp công nghệ cao: Hiện có 3 doanh nghiệp (Công ty Hoàn Cầu Long An, Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ) đăng ký thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả các Khu Nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đều do tư nhân đầu tư và đề nghị tỉnh tạo điều kiện pháp lý và các chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vì vậy sẽ không gây áp lực lớn về ngân sách và có tính khả thi cao.

- Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận, hiện chỉ có 03 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp khoa học công nghệ do tỉnh chứng nhận, thuộc lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, thiết bị cơ khí và trồng cây cảnh. Bên cạnh đó có một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất trồng rau khép kín theo công nghệ Nhật Bản như Công ty TNHH MTV RRFARN Green Rarm tại Khu Công nghiệp Long Hậu huyện Cần Giuộc, một doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH Huy Long An (nuôi bò Úc vỗ béo kết hợp với trồng trọt theo hướng canh tác hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Đây là hai mô hình rất có triển vọng phát triển với đầu ra nông sản rất thuận lợi.

Ngoài ra, năm 2015 UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao tiến tới thành lập doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2015-2020. Định hướng đến năm 2020 hỗ trợ hình thành 8-10 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành 1-2 doanh nghiệp công nghệ cao, thành lập 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và lai tạo 2-3 giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ cao.

Riêng đối với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển, trong sản xuất chỉ mới định hình ở phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung kết hợp ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như: Giống, ứng dụng cơ giới hóa, hoặc mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Chưa hình thành một chuỗi cung ứng nông sản, chưa xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nên khó cho việc xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân là tập quán, thói quen canh tác của người dân là ngại thay đổi, trong chỉ đạo sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, giá thành công nghệ còn khá cao,….

4. Đánh giá chung

Long An có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa trong đó có nhiều mặt hàng đang có sản lượng cao như lúa (thứ 4 khu vực ĐBSCL), thanh long sau tỉnh Bình Thuận,... trong đó ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mặt dù chỉ dừng lại ở một số khâu trong sản xuất, nhưng nhìn chung tốc độ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao những năm gần đây diễn ra khá nhanh. Nhất là việc ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer (300 ha), đưa công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghệ tưới tiết kiệm trên rau, thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (88,15 ha lúa sản xuất theo VietGAP; chanh 100 ha (60 ha sản xuất theo VietGAP, 40 ha GlobalGAP); thanh long 33,4 ha sản xuất theo Global GAP và 44 ha rau sản xuất theo VietGAP,… 650 hộ chăn nuôi heo - gia cầm chứng nhận đạt chuẩn VietGAHP nông hộ) góp phần làm tăng giá trị hàng nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố hạn chế chưa đảm bảo tính bền vững, cụ thể như sau:

- Tỷ lệ sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế, từ đó làm cho giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát trước, trong và sau thu hoạch còn cao.

- Nhiều vùng sản xuất tập trung liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín còn hạn chế (lúa khoảng 5% diện tích, chanh 5%), từ đó làm cho thu nhập người nông dân còn thấp.

- Sản phẩm trong nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân vô cơ, chất kích thích sinh trưởng, ý thức chấp hành xử lý chất thải còn thấp... tác động đến sức cạnh tranh sản phẩm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bộc phát dịch hại.

- Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

- Việc tổ chức sản xuất lại theo mô hình mới để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trên diện rộng, vừa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập:

- Về khách quan: Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế; tập quán sản xuất có từ lâu đời trong cộng đồng dân cư gây khó khăn cho việc hình thành vùng sản xuất lớn, tập trung; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khó lường; giá cả thị trường luôn biến động; nông dân thiếu vốn đầu tư; hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ, khó áp dụng.

- Về chủ quan: Công tác quy hoạch ngành nông nghiệp còn chậm, chưa hướng tới việc cải thiện năng lực cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vốn đầu tư cho ngành và trong nội bộ ngành còn dàn trải, thiếu tập trung cho ngành, sản phẩm lợi thế; sự gắn kết giữa các ngành, giữa các ngành với địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện tìm đầu ra cho nông sản hiệu quả chưa cao, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế; thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đầu đàn.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Quan điểm về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án này được xây dựng dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu, trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế - xã hội, thế mạnh và tiềm năng về đối tượng và vùng sản xuất kết hợp với lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp theo đặc điểm, điều kiện sản xuất của địa phương để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao và lâu bền.

Phát huy các nguồn lực xã hội là chủ thể tham gia chương trình trong đó Nhà nước hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao tập trung vào một số vùng, lĩnh vực, loại cây, con thế mạnh của tỉnh và vào một số khâu quan trọng, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững. Trọng tâm là nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tự động hóa vào công tác lai tạo giống, canh tác và bảo quản, chế biến nông sản.

2. Mục tiêu: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

3. Chỉ tiêu: Chọn 03 cây trồng, 01 vật nuôi thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 04 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm:

- 20.000 ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu 40.000 ha ở các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh (gồm các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng).

- 2.000 ha thanh long tại huyện Châu Thành.

- 2.000 ha rau tại 03 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và thành phố Tân An.

- Vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ.

- Hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.

(đính kèm Phụ lục 1, Phụ lục 2Phụ lục 3).

4. Nhóm dự án ưu tiên đầu tư

- Dự án đầu tư Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười.

- Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống lúa, chọn tạo giống rau, thanh long.

- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

- Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh.

- Dự án ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

- Dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

5. Nhu cầu vốn thực hiện:

Biểu Khái toán tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án có phân kỳ nguồn vốn thực hiện và các biểu xác định vùng và quy mô thực hiện các dự án (đính kèm Phụ lục 4). Theo đó:

Tổng nhu cầu vốn là: 1.296.425 triệu đồng,

Trong đó:

- Vốn Ngân sách Nhà nước là: 643.985 triệu đồng, gồm:

+ Vốn sự nghiệp là: 543.985 triệu đồng

+ Vốn Đầu tư phát triển là: 100.000 triệu đồng

- Vốn khác (dân, doanh nghiệp,…): 652.440 triệu đồng.

Trong đó lồng ghép nguồn vốn của Dự án VnSAT là 32.000 triệu đồng và vốn Sự nghiệp Khoa học quốc gia là 728.100 triệu đồng;

Nên nhu cầu vốn còn lại là: 536.325 triệu đồng

Trong đó:

- Vốn Ngân sách Nhà nước là: 197.885 triệu đồng, gồm:

+ Vốn sự nghiệp là: 187.885 triệu đồng

+ Vốn Đầu tư phát triển là: 10.000 triệu đồng

- Vốn khác (dân, doanh nghiệp,…): 338.440 triệu đồng

Ngoài nguồn vốn trên, các dự án đầu tư về hệ thống thủy lợi, các chương trình dự án trong đề án sẽ được thực hiện đầu tư lồng ghép theo kế hoạch đầu tư trung hạn.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

a. Tập trung triển khai công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về nông nghiệp và các địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các ngành, các cấp và nông dân; làm thay đổi trong nhận thức, hành động, thói quen canh tác, cách bố trí nguồn lực và sự phối kết hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới.

b. Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; đảm bảo lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị

Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trồng, vật nuôi theo các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Chú trọng quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên một số sản phẩm tỉnh có lợi thế.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường. Trọng tâm là công tác chọn lọc, lai tạo giống bằng công nghệ mới, áp dụng qui trình sản xuất GAP; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản chính của tỉnh.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các cánh đồng lớn, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối cho hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị. Triển khai có hiệu quả Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh gắn với liên kết 4 nhà; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất lớn, bền vững và là chủ thể quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách phát triển nông nghiệp-nông thôn. Khuyến khích các hình thức dịch vụ trong sản xuất như làm đất, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, bảo vệ môi trường sản xuất, chăn nuôi.

c. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ngành nông-lâm-thủy sản đến năm 2020 lên 10%. Chú trọng liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, gắn kết với các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến nông-lâm-thủy sản.

Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực tham gia, phục vụ cho cơ giới hóa trong sản xuất; đào tạo nghề cho nông dân.

Sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Nghiên cứu mời gọi các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa để tổ chức lại một số đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp có điều kiện.

d. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,… đáp ứng yêu cầu ứng dụng được cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản hàng hóa được thuận lợi; lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có khả năng nhân rộng, đảm bảo hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân, trong đó ưu tiên về công nghệ sinh học, công nghệ thâm canh, chế biến, công nghệ thông tin và tự động hóa; trong đó, nguồn lực nhà nước đầu tư xây dựng mô hình điểm ban đầu và hỗ trợ một phần kinh phí triển khai nhân rộng thành vùng sản xuất.

Có cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó quan tâm đến các chính sách cho các doanh nghiệp đầu tàu, ngành, sản phẩm chủ lực, tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị các trang thiết bị cần thiết thực hiện kiểm định nhanh tại hiện trường để tự giám sát chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì, tem nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười để làm đầu mối cung cấp dịch vụ ươm công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trên lĩnh vực giống cây trồng và vật nuôi, bao gồm yêu cầu xây dựng hệ thống vệ tinh sản xuất nhân giống trong dân.

Chú trọng việc liên kết các viện, trường, các nhà khoa học để nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, bố trí nguồn vốn cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất phù hợp cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông sản của tỉnh.

Hỗ trợ hình thành và nâng cao vai trò một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kế hoạch xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới thành lập doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2014-2020. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ như: Công nghệ xử lý hơi nước nóng, sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản, công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát, công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất tạo màu, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa sản xuất nông nghiệp; đồng thời, hỗ trợ thành lập một số khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tư đi vào hoạt động trên địa bàn huyện Đức Huệ, Cần Giuộc và thành phố Tân An…; hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ sản phẩm công nghệ cao.

e. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh

Nâng cao năng lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đã được phê duyệt; nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như năng lực xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo nhân sự xúc tiến thương mại; củng cố nâng cao năng lực chuyên môn của bộ phận xúc tiến thương mại để đưa các kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại vào thực tế.

Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường; xây dựng và tổ chức mạng lưới thông tin, đáp ứng yêu cầu về thông tin thương mại hàng nông sản cho doanh nghiệp; tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đăng ký thương hiệu mặt hàng nông sản, tăng cường khả năng xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế nhằm phát triển xuất khẩu.

Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác cả trong và ngoài nước trong việc phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí. Thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản của tỉnh. Phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn trong công tác định hướng các mặt hàng nông sản xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện thương mại trong việc cung cấp thông tin, kiến nghị và giới thiệu cơ hội xuất khẩu. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại để việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 254/2016/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp do tỉnh Long An ban hành

  • Số hiệu: 254/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/04/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Phạm Văn Rạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản