Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 251/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ÐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2011- 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ÐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ÐIỆN BIÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg, ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020; Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh chiến lược Giao thông Vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1327/QĐ-TTg, ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 05/2011/QĐ- TTg ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ văn bản số 8415/BGTVT-KHĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1779/TTr-UBND ngày 16/12/2011 của UBND tỉnh về việc thông qua đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-HĐND ngày 23/12/2011 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải, phù hợp với quy hoạch giao thông vùng và cả nước; đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, tạo động lực cho Điện Biên phát triển mạnh mẽ, bền vững trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh.

- Phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách đồng bộ, thống nhất, từng bước hiện đại và bền vững, liên kết hợp lý giữa hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại, giữa các tuyến giao thông nội bộ, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tập trung nguồn lực để đưa vào cấp kỹ thuật hướng tới hiện đại hệ thống giao thông hiện có; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tuyến đường trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; coi trọng công tác quản lý, bảo trì để tận dụng tối đa năng lực khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

- Từng bước xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng giao thông vận tải. Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý cho giao thông; đảm bảo hành lang và bảo vệ môi trường, cảnh quan.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đồng bộ, hướng tới hiện đại cả về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp giao thông nhằm phát triển hợp lý, thống nhất trong toàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

2.2 Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2011-2020

- Về vận tải: Đáp ứng được nhu cầu về vận tải với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, an toàn, tiện lợi, kiềm chế tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; cụ thể: Khối lượng vận tải hàng hóa đến 2020 đạt 9,7 triệu tấn, tăng bình quân 18%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đến 2020 đạt 2,6 triệu lượt hành khách, tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Phương tiện ô tô các loại: Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có 12.352 xe ô tô, trong đó xe con chiếm khoảng 35,8%; xe khách 4,5%, xe tải 59,7%. Tốc độ tăng trưởng bình quân: 12,8%/năm.

- Về kết cấu hạ tầng giao thông: Đường bộ: Hệ thống quốc lộ, đường tỉnh phải đưa vào cấp hạng kỹ thuật, 100% được thảm bê tông nhựa, láng nhựa hoặc bê tông xi măng. Quốc lộ chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp IV; đường tỉnh chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp VI, V, một số đoạn tuyến đạt cấp IV. Các cầu cống được thiết kế phù hợp với đường bảo đảm tải trọng khai thác lâu dài.

- Giao thông đô thị: 100% mặt đường nhựa hóa và cứng hóa, phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ qũy đất dành cho giao thông.

- Giao thông nông thôn: 100% đường huyện, đường đến trung tâm xã và cụm xã được trải nhựa hoặc BTXM; 50% số thôn, bản có đường ô tô.

- Đường thủy nội địa: Hoàn thành xây dựng các bến cảng ðồi Cao, Huổi Só theo hướng hiện đại.

b) Giai đoạn 2021-2030

- Về vận tải: Đáp ứng nhu cầu của xã hội với chất lượng ngày càng cao, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Khối lượng vận tải hàng hóa đến 2030 đạt 30,1 triệu tấn, tăng bình quân 12%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đến 2020 đạt 6,1 triệu lượt hành khách, tăng trưởng bình quân 9%/năm.

Phương tiện ô tô các loại: Dự kiến đến năm 2030 toàn tỉnh có 28.205 xe ô tô, trong đó xe con chiếm khoảng 48,7%; xe khách 3,9%, xe tải 47,4%. Tốc độ tăng trưởng bình quân: 8,6%/năm.

- Về kết cấu hạ tầng giao thông:

- Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhất là giao thông đường bộ.

- Nâng cấp đồng bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V. Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 70% đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại.

- Hoàn thành xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ, điểm dừng nghỉ.

3. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

3.1 Về đường bộ

a) Đường quốc lộ: Các tuyến quốc lộ qua địa bàn được nâng cấp chủ yếu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, trong đó một số đoạn qua khu vực đô thị đạt cấp II; cần nghiên cứu phương án xây dựng tuyến tránh qua các khu đô thị, đông dân cư.

b) Hệ thống đường tỉnh: Tiếp tục được nâng cấp cải tạo, đường tỉnh chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp VI, V, một số đoạn tuyến đạt cấp IV.

c) Giao thông nông thôn:

- Giai đoạn 2011 - 2020: Nâng cấp, cải tạo, cứng hóa 100% các tuyến đường huyện; 50% đường trục thôn, xóm; các đường còn lại đảm bảo đi lại thuận tiện.

Về cấp đường: đối với các tuyến đường huyện đã có dự án đầu tư quy mô quy hoạch theo dự án được duyệt giai đoạn đến 2015; giai đoạn đến 2020 theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi. Đối với các tuyến mở mới chưa được đầu tư giai đoạn 2011-2015 (do địa hình phức tạp, mức đầu tư lớn, nguồn vốn khó khăn) quy hoạch đầu tư trong giai đoạn đến 2020 theo tiêu chuẩn GTNT A.

- Giai đoạn 2021-2030: cứng hóa 100% các đường huyện và đường xã, 80% đường trục thôn, xóm; gắn với việc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại.

d) Giao thông đô thị:

Phát triển mạng lưới giao thông phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo quỹ đất cho giao thông đạt từ 18-23% đất xây dựng đô thị. Những trục phố chính đạt quy mô 4 - 6 làn xe trở lên; những tuyến nhánh có quy mô ít nhất 2 làn xe, hệ thống công trình phụ trợ đảm bảo hiện đại, mỹ quan. Dành quỹ đất hợp lý để xây dựng bãi đỗ xe (giao thông tĩnh) trên mỗi khu phố.

đ) Các bến, bãi đỗ xe:

Được nâng cấp và quy hoạch mới theo hướng hiện đại, hợp lý. Mỗi huyện, thành, thị có ít nhất 01 bến xe đạt tối thiểu loại 5; ưu tiên xây dựng các bến xe khách có quy mô lớn tại thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay (đạt loại 2-4).

3.2. Về đường hàng không.

Thực hiện theo quy hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt và thỏa thuận với địa phương. Cảng hàng không Điện Biên Phủ là cảng hàng không nội địa chủ yếu phục vụ cho hoạt động bay nội vùng.

Quy mô: CHK đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II, đảm bảo phục vụ ban ngày các loại máy bay ATR72/F70 hoặc tương đương. Công suất cảng 300.000 hành khách/năm và 800 tấn hàng hóa/năm.

3.3 Về đường thủy nội địa.

- Đối với các luồng tuyến: Mở tuyến vận tải đường thủy nội địa từ Quỳnh Nhai (Sơn La) đến thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) dài 150 km để phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, đặc biệt là du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La và thị xã Mường Lay. Cần đầu tư cải tạo, khai thông luồng lạch; xây dựng đồng bộ hệ thống các phao tiêu, biển báo hiệu v.v... theo quy định nhằm bảo đảm giao thông thuận tiện và an toàn cho tàu thuyền.

- Đối với các cảng, bến thủy nội địa: Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các cảng, bến thủy nội địa hiện có, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, tổng số 06 cảng, bến bao gồm: Cảng Đồi Cao, Bến thuyền phục vụ du lịch tại Đồi Cao, Chi Luông, Bến thuyền tại khu Cơ Khí, cảng Huổi xó và cảng Pắc Na.

4. Quy hoạch phát triển vận tải.

- Nâng cao chất lượng đối với các tuyến hiện có. Phát triển nhanh các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, các tuyến liên tỉnh có cự ly ngắn, phát triển mạnh loại hình vận tải hành khách liên tỉnh chất lượng cao. Về lâu dài ưu tiên phát triển mạng lưới xe buýt, các loại hình vận tải taxi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại thành phố Điện Biên Phủ.

- Phát triển vận tải khách trên lòng hồ thủy điện Sơn La nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại các địa phương ven lòng hồ, cũng như nhu cầu du lịch trên vùng lòng hồ.

5. Quy hoạch phát triển công nghiệp giao thông vận tải.

- Hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể và các doanh nghiệp nhằm phát triển lĩnh vực sửa chữa, đóng mới, lắp ráp phương tiện đơn giản như xe máy, xe vận tải nhỏ...

- Nghiên cứu, hỗ trợ phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa các loại phương thiện thủy phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn.

- Đối với trung tâm đăng kiểm:

+ Giai đoạn 2011- 2015: Giữ nguyên trung tâm hiện có với một dây chuyền kiểm định.

+ Giai đoạn 2015 -2020: Xây dựng 01 trung tâm mới có đủ diện tích theo quy định hiện hành là 5.000m2 và lắp đặt 02 dây chuyền kiểm định mới (01 dây chuyền kiểm định xe tải và 01 dây chuyền kiểm định xe ô tô con).

+ Giai đoạn 2021 -2030: Tùy theo sự gia tăng của số lượng phương tiện trong tỉnh có thể xây dựng thêm 01 trung tâm mới với 01 dây chuyền kiểm định hỗn hợp (cả xe tải và xe con) tại huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên.

6. Nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông: Tổng nhu cầu vốn dự kiến : 51.696 tỷ đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2011- 2015: 8.584 tỷ đồng

- Giai đoạn 2016- 2020: 14.629 tỷ đồng

- Giai đoạn 2020- 2030: 28.483 tỷ đồng.

7. Các giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện quy hoạch điều chỉnh.

7.1 Các giải pháp, chính sách quản lý quy hoạch.

- Sau khi quy hoạch được duyệt, các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc phổ biến và tuyên truyền thực hiện quy hoạch.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể đầu tư phát triển các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, xác định các hạng mục công trình để ưu tiên dầu tư cho phù hợp với khả năng nguồn vốn. Căn cứ vào quy hoạch này, các huyện, thành, thị xây dựng quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn mình quản lý cho phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

- Việc đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các tuyến giao thông và các công trình phục vụ vận tải trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành. Đầu tư xây dựng các công trình lánh nạn, trạm cân, trạm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến quốc lộ để đảm bảo an toàn.

- Các cấp chính quyền có kế hoạch giành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông nhằm giảm thiểu chi phí đền bù và các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng khi tiến hành xây dựng sau này.

7.2 Các giải pháp, chính sách về vốn.

- Phát huy tốt nội lực, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương cho giao thông, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư từ nhiều nguồn vốn hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đầu tư liên doanh, liên kết, BOT, BTO, BT, hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP),...

- Đẩy mạnh huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt là đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới.

- Thực hiện xã hội hóa trong huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển giao thông nông thôn, nâng mức hỗ trợ của tỉnh cho đầu tư xây dựng và cứng hóa đường giao thông nông thôn.

- Tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông, tạo quỹ đất để bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông và thuận lợi cho việc đầu tư nâng cấp, mở rộng.

- Có chính sách phù hợp nhằm thu hút các hoạt động kinh doanh vận tải như: Ưu đãi về vốn đầu tư phương tiện, thuế, cơ sở hạ tầng,...

7.3 Các giải pháp, chính sách đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

- Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư phát triển và hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải và phương tiện người lái, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/06/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Từng bước khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và các lực lượng khác trong xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiên quyết xử lý những vi phạm về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

7.4 Các giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.

Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (đặc biệt là công nghệ thông tin) vào công tác quản lý và tổ chức thực hiện dự án, từng bước hiện đại hóa các phương tiện vận tải. Tổ chức quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động môi trường trong các hoạt động về đầu tư xây dựng và khai thác vận tải.

7.5 Các giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới cần tập trung đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ và công nhân lành nghề một cách đồng bộ kể cả trong khâu thiết kế, quản lý giám sát dự án, thi công và quản lý về giao thông vận tải, có những chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện tiếp cận với những công nghệ mới trong xây dựng cầu đường, công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 29 tháng 12 năm 2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 251/NQ-HĐND năm 2011 thông qua Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Điện Biên ban hành

  • Số hiệu: 251/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 30/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản