Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 248/2011/NQ-HĐND | Điện Biên, ngày 25 tháng 7 năm 2011 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2011-2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Chỉ thị số: 751/CT-TTg, ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015;
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên địa bàn;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII;
Sau khi xem xét Kế hoạch số: 979/KH-UBND, ngày 05/7/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra số: 33 ngày 17/7/2011 của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí các nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2006-2010 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:
I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2006 -2010).
Thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương, đặc biệt sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nên 5 năm qua các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Kết quả đạt được trên từng lĩnh vực cụ thể như sau:
1. Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 11,62%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2001-2005 (9,3%), đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra (mục tiêu 11-12%). Trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân là 5,4%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân là 16,51%; dịch vụ tăng bình quân 13,9%.
- Quy mô GDP theo giá thực tế năm 2010 đạt 5.625 tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2005, Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) tăng từ 4,46 triệu đồng năm 2005 lên 11,15 triệu đồng năm 2010, mức tăng bình quân đạt 20,1% năm.
- Cơ cấu kinh tế ngành được chuyển dịch theo hướng xác định; các vùng kinh tế theo quy hoạch được hình thành và có bước phát triển đúng định hướng.
- Tổng sản lượng lương thực tăng từ 176,7 ngàn tấn năm 2005 lên 222,49 ngàn tấn năm 2010 (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra), trong đó riêng thóc đạt 155,11 ngàn tấn, chiếm 69,7% tổng sản lượng lương thực; lương thực bình quân đầu người năm 2010 đạt 441kg/người, tăng 38,46 kg/người so với năm 2005, đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra. Một số cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê phát triển nhanh (cao su 3.483 ha, cà phê 2.480 ha) mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 trung bình hàng năm tăng 27,7%, năm 2010 đạt 440,5 tỷ đồng gấp 3,4 lần so với năm 2005, chỉ tính riêng khoản thu nội địa, đến năm 2010 đạt 273,5 tỷ đồng, (vượt mục tiêu kế hoạch). Số thu tại địa bàn đáp ứng được trên 10% nhu cầu chi tại địa phương, tỷ lệ huy động trong GDP đạt 4,8% (tính riêng thu nội địa).
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,3 triệu USD, tăng cao so với năm 2005, đạt 44,3% mục tiêu Nghị quyết.
- Cơ bản hoàn thành chương trình di dân tái định cư thủy điện Sơn La.
2. Về xã hội:
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động văn hóa xã hội khác đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến năm 2010, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010 là tạo việc làm mới, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, xây dựng gia đình thôn bản văn hóa...
3. Kết cấu hạ tầng
Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư tăng cường, hầu hết các tuyến quốc lộ đã được nâng cấp, tuyến tỉnh lộ đều được kiên cố hóa, 112/112 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 82 xã có đường ô tô đi lại được quanh năm; tổng năng lực tưới của các công trình thủy lợi là 29.353 ha; 9/9 huyện thị, 102/112 xã phường có điện đến trung tâm xã đạt tỷ lệ 91,07 %, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện là 75,5%; số dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 71%, dân đô thị được cấp nước sạch đạt 85%; cơ sở vật chất các trường chuyên nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu dậy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố hệ mầm non và phổ thông đạt 66,49%; hệ thống hạ tầng về y tế các cấp được tăng cường một bước, 100% xã có trạm y tế xã, bình quân có 26,8 giường bệnh quốc lập/1 vạn dân; hạ tầng văn hóa, thông tin và thể dục thể thao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, nhưng 5 năm qua vẫn còn những tồn tại, yếu kém đó là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự vững chắc, chất lượng của tăng trưởng kinh tế còn thấp, thiếu bền vững. Sự tăng trưởng phụ thuộc lớn vào nguồn NSNN, việc khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu chưa nhiều.
- Sản xuất nông lâm nghiệp tuy đã đạt được những kết quả khích lệ nhưng quy mô vẫn còn nhỏ bé, tiềm năng về rừng và đất rừng chưa được khai thác hiệu quả, tỷ lệ che phủ của rừng đạt thấp (37,4%).
- Công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, khai thác tiềm năng thủy điện còn hạn chế, quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào nền kinh tế còn thấp.
- Các thành phần kinh tế phát triển nhưng còn nhiều hạn chế, chưa bền vững, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng và dịch vụ; lĩnh vực sản xuất và trồng rừng bước đầu có sự đầu tư của một số doanh nghiệp lớn nhưng đa số đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Các doanh nghiệp nhà nước tuy đã được sắp xếp, đổi mới nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.
- Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Toàn tỉnh vẫn còn 30/112 xã ô tô không đi lại được vào mùa mưa; 10/112 xã chưa có điện lưới quốc gia, 24,5% số hộ chưa được sử dụng điện; vẫn còn 2.543 phòng học tạm và thiếu khoảng 1.141 phòng ở cho học sinh bán trú dân nuôi; 9 xã chưa có nhà trạm y tế và 31 trạm y tế xã hiện đã xuống cấp nghiêm trọng; 96 xã và 1.551 thôn, bản chưa có nhà văn hóa.
- Thu ngân sách trên địa bàn chiếm tỷ trọng thấp, nguồn thu không ổn định. Nguồn thu còn phụ thuộc nhiều vào các công trình xây dựng từ ngân sách Nhà nước; thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chi của tỉnh. Tỷ lệ huy động ngân sách trong GDP mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn có khoảng cách khá xa so với bình quân chung toàn quốc (4,8% so với 22%).
- Công tác xoá đói giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ đói nghèo theo tiêu chí mới còn cao (50,01%), số hộ cận nghèo nhiều (8,35%), chênh lệch về mức sống giữa các vùng còn lớn;
- Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm phát triển song vẫn còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập. Nhân lực ngành y tế còn thiếu, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ còn hạn chế; các nguy cơ dịch bệnh như: sốt rét, thương hàn và các dịch bệnh nguy hiểm khác như cúm A (H5N1, H1N1), dịch tả… còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
- Các vấn đề bức xúc xã hội vẫn diễn biến phức tạp: Số người nghiện ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng, hiệu quả cai nghiện ma túy thấp, tỷ lệ tái nghiện trên 96%;
- Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối kết hợp giữa cấp các ngành trong công tác quản lý chưa chặt chẽ làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; năng lực đội ngũ cán bộ, công chức ở một số nơi còn hạn chế, một bộ phận cán bộ cơ sở cấp xã năng lực, trách nhiệm công tác còn yếu, trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp.
- Tình hình an ninh trật tự xã hội diễn biến phức tạp như lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do,… tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định; tai nạn giao thông và vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn vẫn còn ở mức cao.
II. Mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2011-2015
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xóa đói giảm nghèo, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại. Sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển.
2. Nhiệm vụ chủ yếu
2.1 Khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, du lịch để tăng trưởng bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
2.2 Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý sử dụng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển đồng bộ các vùng và ngành kinh tế, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư để hoàn thiện một bước hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến năm 2015 cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng đô thị thị xã Mường Lay, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng thành phố Điện Biên Phủ theo tiêu chí đô thị loại II.
2.3 Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2.4 Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội nhất là nghiện ma túy; triển khai các biện pháp phòng chống HIV/AIDS.
2.5 Tạo chuyển biến mạnh trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giảm tốc độ tăng dân số, nâng cao thể chất và sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động phòng chống, hạn chế tác động thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2.6 Duy trì, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí.
2.7 Tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
3. Các mục tiêu chủ yếu
3.1 Các mục tiêu về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả thời kỳ 2011-2015 tăng trên 12%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 1.100USD.
- Nhịp độ phát triển bình quân các khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong 5 năm tới lần lượt là 5,1%; 17,5% và 14,25%/năm.
- Tạo sự chuyển biến rõ nét và vững chắc về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GDP. Đến năm 2015 tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp chiếm 27,6%, giảm 7,6%; công nghiệp - xây dựng 33,1%, tăng 4,2%, các ngành dịch vụ 39,3%, tăng 3,35% so với năm 2010.
- Giá trị sản xuất công nghiệp 1.350 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng bình quân 19,4%/năm.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt trên 575 tỷ đồng, tỷ lệ huy động trong GDP đạt khoảng 4,7%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2015 đạt 35 triệu USD; trong đó xuất khẩu 19 triệu USD (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ địa phương 12 triệu USD); nhập khẩu 16 triệu USD.
- Tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 là 30 ngàn tỷ đồng.
3.2 Các chỉ tiêu về Xã hội
- Tốc độ phát triển dân số bình quân giai đoạn 2011-2015 là 2,78%/năm, quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 57,8 vạn người.
- Mỗi năm đào tạo nghề cho 7.000 - 8.000 lao động, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 44,8% năm 2015; tạo việc làm mới cho khoảng 8.000- 8.500 lao động/ năm.
- Phấn đấu toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ II; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập THCS; tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 90%; trên 47% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt trên 88% (trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 đạt trên 97%); học sinh 6 - 10 tuổi đến trường đạt trên 99%; học sinh 11 - 14 tuổi đi học THCS đạt trên 90%; học sinh 15-18 tuổi đi học THPT đạt trên 65%;
- Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, bản; phấn đấu đến năm 2015, có bình quân 10,8 bác sĩ/1 vạn dân; Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 94%; Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 20%; bình quân có 32 giường bệnh công lập/1 vạn dân; Nâng tỷ lệ xã có bác sĩ lên 60%; phấn đấu 72,3% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
- Phấn đấu 44,64% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em;
- Phấn đấu đạt tiêu chuẩn văn hóa: trên 60% số hộ gia đình, 50% số thôn, bản, tổ dân phố; 85% cơ quan, đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa.
- Từ nay đến năm 2015 mỗi năm bình quân giảm 3,75% tỷ lệ hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011-2015) xuống dưới 31,29%.
3.3 Các chỉ tiêu về nước sạch và môi trường
- Nâng tỷ lệ che phủ rừng tăng bình quân 1,56%/năm;
- Đến năm 2015 tất cả các đô thị trong tỉnh được thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó thành phố Điện Biên Phủ được xử lý, tái chế; xây dựng công trình xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh, hoàn thành dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Điện Biên Phủ.
- Phấn đấu đến năm 2015 có 94% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 96% dân cư đô thị được cấp nước sạch sinh hoạt, khoảng 75% số hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp quy cách.
3.4 Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội:
Đến năm 2015, toàn bộ hệ thống đường tỉnh được thảm nhựa hoặc bê tông, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm, trên 50% số thôn bản có đường ô tô, trên 80% số hộ dân được dùng điện, 96,05% số hộ được xem truyền hình TW (83,03% số hộ được xem chương trình truyền hình tỉnh); Hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trên 72,3% trạm y tế xã được xây dựng đạt chuẩn; 100% trung tâm xã có cáp quang; cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng các trung tâm huyện lỵ mới thành lập và hạ tầng các khu cửa khẩu Huổi Puốc, A Pa Chải; triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; phấn đấu đưa thành phố Điện Biên Phủ cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.
4. Các giải pháp thực hiện
4.1 Tập trung xây dựng và hoàn chỉnh các dự án quy hoạch nông lâm nghiệp, nhất là Quy hoạch sử dụng đất trồng lúa toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh gắn liền với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; Quy hoạch và đầu tư hình thành các khu cụm công nghiệp tập trung gắn với các khu đô thị để cung cấp mặt bằng thuận lợi cho các nhà đầu tư.
4.2 Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí của nhân dân các dân tộc về sản xuất hàng hoá, làm thay đổi căn bản nếp nghĩ về tự túc tự cấp của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ và khuyến khích các hộ nghèo tự vươn lên để thoát nghèo; Thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực công tác cai nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm và quản lý sau cai nghiện đến năm 2015. Vận động đối tượng nghiện và gia đình người nghiện tự khai báo và nhận hình thức cai nghiện phù hợp.
4.3 Xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành, bác sĩ và dược sĩ đại học, công nhân có tay nghề cao về tỉnh công tác; có cơ chế chính sách ưu đãi đào tạo nghề cho cán bộ dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn.
4.4 Huy động các nguồn lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, nhất là thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý đầu tư và quản lý sau cấp phép nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, các dự án trồng rừng, cao su, cây lâm nghiệp,.... Mặt khác, cần rà soát những dự án không có khả năng triển khai, quá thời hạn quy định mà chưa thực hiện đầu tư để rút giấy phép, thu hồi đất nhằm tránh lãng phí.
4.5 Phát triển mạnh thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại, từng bước đưa Điện Biên trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực Tây Bắc và là một trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch của Quốc gia.
4.6 Thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy. Tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, cạnh tranh không lành mạnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và giá cả nguyên vật liệu, vật tư nông nghiệp, thuốc chữa bệnh và các hàng hoá thiết yếu khác trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khoẻ của nhân dân.
4.7 Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển vùng nông thôn của tỉnh. Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm hàng hoá; đẩy mạnh sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp có chất lượng cho nông dân, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến; Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý sử dụng các nguồn tài nguyên đất, nước và tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả.
4.8 Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước”; đẩy nhanh tiến trình áp dụng đồng bộ cơ chế một cửa liên thông trong các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức và công dân. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số: 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tập trung chỉ đạo giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tổ chức thanh tra chuyên đề trên một số lĩnh vực quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với việc thanh tra chức trách công vụ của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật các tố cáo hành vi tham nhũng.
4.9 Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị định số: 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội có hiệu quả. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Điều 2. Giao cho UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết này thành chương trình, kế hoạch thực hiện từng năm và tăng cường các giải pháp chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015.
Điều 3. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày được HĐND tỉnh thông qua
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ 02 nhất trí thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2011./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2010 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 4Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2009 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2010 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 5Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 6Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 7Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Nghị quyết 248/2011/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Điện Biên ban hành
- Số hiệu: 248/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 25/07/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Người ký: Nguyễn Thanh Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra