Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2022/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐỘT XUẤT CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN BỊ TAI NẠN, RỦI RO TRONG CUỘC SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Xét Tờ trình số 3769/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 114/BC-HĐND ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trẻ em thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; gia đình có hoàn cảnh khó khăn có giấy xác nhận của địa phương; trẻ em là thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trẻ em là người dân tộc thiểu số; trẻ em sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; trẻ em đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng hoặc đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội được hưởng chế độ hỗ trợ đột xuất theo Nghị quyết này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

b) Trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, bị ngược đãi, bị tai nạn thương tích (ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ).

c) Trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua bán người, tội phạm bắt cóc.

d) Trẻ em bị mắc các bệnh phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên (danh mục các bệnh theo Phụ lục kèm theo Nghị quyết này).

đ) Trẻ em khuyết tật theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Một trẻ em có thể được hỗ trợ nhiều chế độ khác nhau của Nghị quyết này, mỗi chế độ chỉ được hỗ trợ 01 lần trên một vụ việc.

2. Kinh phí hỗ trợ được chi cho cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp trung ương ban hành chính sách có cùng nội dung hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định của trung ương.

Điều 4. Nội dung và mức chi hỗ trợ

1. Trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục

a) Có giấy xác nhận của Công an cấp xã thì được chi hỗ trợ: 4.000.000 đồng/trường hợp.

b) Bị tổn thương phải điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện trở lên thì được hỗ trợ: 6.000.000 đồng/trường hợp.

c) Dẫn đến tử vong thì được hỗ trợ: 8.000.000 đồng/trường hợp.

2. Trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, bị ngược đãi, bị tai nạn thương tích

a) Bị tổn thương phải nằm điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện trở lên thì được chi hỗ trợ: 6.000.000 đồng/trường hợp.

b) Dẫn đến tử vong thì được hỗ trợ: 8.000.000 đồng/trường hợp.

3. Trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua bán người, tội phạm bắt cóc

a) Có giấy xác nhận của Công an cấp xã thì được chi hỗ trợ: 4.000.000 đồng/trường hợp.

b) Bị tổn thương phải nằm điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện trở lên thì được chi hỗ trợ: 6.000.000 đồng/trường hợp.

c) Dẫn đến tử vong thì được hỗ trợ: 8.000.000 đồng/trường hợp.

4. Trẻ em bị mắc các bệnh phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên (danh mục các bệnh theo Phụ lục kèm theo Nghị quyết này) thì được hỗ trợ: 13.000.000 đồng/trường hợp (không tính phần chi phí của bảo hiểm y tế).

5. Trẻ em khuyết tật

a) Hỗ trợ chi phí khám bệnh (khám chẩn đoán xác định, điều trị trước phẫu thuật): 3.000.000 đồng/trường hợp.

b) Hỗ trợ chi phí phẫu thuật Phẫu thuật khuyết tật, phục hồi chức năng khác được hỗ trợ: 10.000.000 đồng/trường hợp (không tính phần chi phí của bảo hiểm y tế).

c) Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian phẫu thuật điều trị tại bệnh viện: 50.000 đồng/em/ngày, hỗ trợ theo thực tế số ngày điều trị nhưng không quá 15 ngày.

d) Hỗ trợ tiền đi lại (đi và về) cho trẻ em tham gia khám hoặc phẫu thuật

Đối với đi lại khám chữa bệnh trong tỉnh: Khoảng cách từ 15km đến dưới 30km: 150.000 đồng/em/02 lượt; từ 30km đến dưới 50km: 200.000 đồng/em/02 lượt; từ 50km trở lên: 300.000 đồng/em/02 lượt.

Đối với đi lại khám chữa bệnh ngoài tỉnh: 500.000 đồng/em/02 lượt.

Điều 5. Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ

1. Về hồ sơ

a) Đơn đề nghị hỗ trợ đột xuất của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em (mẫu đơn ban hành kèm theo Nghị quyết này).

b) Giấy ra viện hoặc giấy xác nhận của Công an cấp xã. Trường hợp tử vong có giấy báo tử hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Trình tự, thủ tục hỗ trợ

a) Cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em làm 01 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị kèm theo các giấy tờ có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều này, nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú hoặc tạm trú (nộp bằng hình thức trực tiếp, qua bưu chính hoặc bằng hình thức điện tử). Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu không đầy đủ, không hợp lệ thì hướng dẫn ngay cho người nộp hồ sơ để bổ sung.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị hỗ trợ cho trẻ em (kèm theo biên bản họp xét của Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã và hồ sơ của trẻ em) gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội).

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị hỗ trợ cho trẻ em của Ủy ban nhân dân cấp xã; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, kiểm tra hồ sơ nếu đảm bảo đầy đủ thì trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định hỗ trợ đột xuất theo đúng đối tượng, nội dung và mức chi quy định tại Nghị quyết này.

d) Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký ban hành Quyết định hỗ trợ.

đ) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký ban hành Quyết định hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho gia đình có trẻ em được hỗ trợ (cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em) trực tiếp đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nhận tiền hỗ trợ.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

Ngân sách các huyện, thị xã, thành phố, bố trí kinh phí để thực hiện chính sách theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Ban Công tác đại biểu - UBTV Quốc hội;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh;
- Các Văn phòng: Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VP, (CTHĐ.08b), Duyên.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoài Anh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC BỆNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Stt

Danh mục bệnh theo các chuyên khoa

I

Bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng

1

Bệnh lao các loại trong giai đoạn điều trị và di chứng

2

Uốn ván nặng và di chứng

3

Bệnh phong (bệnh Hansen) và di chứng

4

Di chứng do lao xương và khớp

5

Viêm gan vi rút B mạn tính

6

Bệnh nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS

7

Di chứng viêm não, màng não do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng

8

Lao cột sống

II

Bướu tân sinh (Neoplasm)

1

Bệnh ung thư các loại

2

U xương lành tính có tiêu hủy xương

3

U tuyến thượng thận

4

U không tiên lượng được tiến triển và tính chất

III

Bệnh của máu, cơ quan tạo máu và các rối loạn liên quan đến cơ chế miễn dịch

1

Bệnh Thalassemia

2

Bệnh hồng cầu hình liềm

3

Các thiếu máu tan máu di truyền

4

Thiếu máu tan máu mắc phải

5

Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm (Hội chứng Marchiafava)

6

- Suy tủy xương một dòng hồng cầu mắc phải - Các thể suy tủy xương khác

7

Thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia A)

8

Thiếu yếu tố IX di truyền (Hemophilia B)

9

Bệnh Von Willebrand

10

Thiếu các yếu tố XI di truyền

11

Thiếu các yếu tố đông máu khác do di truyền

12

Các rối loạn đông máu đặc biệt khác

13

Bất thường chất lượng tiểu cầu

14

Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn

15

Tăng tiểu cầu tiên phát

16

Hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng

17

Bệnh Sarcoidosis

18

Tăng Gammaglobulin máu không đặc hiệu

19

Thiếu máu bất sản

IV

Bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa

1

Suy tuyến giáp

2

Đái tháo đường

3

Hạ đường huyết nghi do cường Insulin

4

Bệnh đái tháo nhạt

5

Các rối loạn của tuyến thượng thận

6

Bệnh Wilson

7

Cường tuyến yên

8

Bệnh Bartter

V

Bệnh tâm thần

1

Rối loạn tâm thần do tổn thương, rối loạn chức năng não và bệnh lý cơ thể

2

Tâm thần phân liệt

3

Chậm phát triển tâm thần

4

Các rối loạn về phát triển tâm lý

5

Các rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên

VI

Bệnh hệ thần kinh

1

Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (bệnh teo hệ thống ảnh hưởng chủ yếu tới hệ thần kinh trung ương trong bệnh phân loại nơi khác)

2

Xơ cứng rải rác (Multiple Sclerosis)

3

Viêm tủy hoại tử bán cấp

4

Động kinh

5

Bệnh nhược cơ

6

Di chứng của bệnh viêm hệ thần kinh trung ương

7

Teo cơ do tủy sống và hội chứng liên quan (Bao gồm G12.2 - Bệnh nơ ron vận động)

8

Bệnh cơ tiên phát

9

Bại não trẻ em

10

Liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi

11

Bệnh khác của tủy sống

12

Não úng thủy

13

Neuroblastomas

14

Hội chứng Down

15

Hội chứng Edward và hội chứng Pateau

16

Đột quỵ

17

Hôn mê

18

Bệnh xơ cứng rải rác

19

Bệnh Parkinson

20

Viêm màng não do vi khuẩn

21

Viêm não nặng

22

U não lành tính

23

Loạn dưỡng cơ

24

Bại hành tủy tiến triển

25

Teo cơ tiến triển

26

Ghép tủy

27

Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn

28

Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động

29

Chấn thương sọ não nặng

30

Bệnh chân voi

31

Bại liệt

VII

Bệnh mắt

1

Mù hai mắt

VIII

Bệnh hệ hô hấp

1

Suy hô hấp mạn (Dị dạng lồng ngực)

2

Tăng áp động mạch phổi vô căn

3

Bệnh lao phổi tiến triển

IX

Bệnh hệ tiêu hóa

1

Viêm gan mạn tính tiến triển

2

Xơ gan hóa và xơ gan

3

Viêm gan tự miễn

4

Viêm đường mật mạn

5

Viêm tụy mạn

6

Bệnh Crohn

7

Xơ gan ứ mật nguyên phát

8

Viêm loét đại trực tràng chảy máu

9

Wilson

10

Viêm tụy tự miễn

11

Suy gan

12

Ghép gan

X

Bệnh da và mô dưới da

1

Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh

2

Viêm da tróc vảy/Đỏ da toàn thân

XI

Bệnh hệ cơ - xương - khớp và mô liên kết

1

Lupus ban đỏ hệ thống

2

Viêm khớp dạng thấp

3

Bệnh lý mạch hoại tử khác

4

Viêm đa cơ và viêm da cơ

5

Xơ cứng bì toàn thể

6

Viêm cột sống dính khớp

7

Hoại tử xương vô khuẩn tự phát

8

Viêm khớp dạng thấp RF (-)

9

Viêm khớp thiếu niên

10

Canxi và cốt hóa của cơ

11

Viêm đa khớp dạng thấp nặng

XII

Bệnh hệ sinh dục - Tiết niệu

1

Viêm thận lupus

2

Hội chứng viêm thận mạn

3

Hội chứng thận hư

4

Các bệnh cầu thận mạn do nguyên nhân nguyên phát và thứ phát

5

Viêm ống kẽ thận mạn tính

6

Suy thận mạn

7

Bệnh nang tủy thận

XIII

Vết thương ngộ độc và hậu quả của một số nguyên nhân bên ngoài

1

Chấn thương tủy sống có di chứng hoặc biến chứng

2

Chấn thương cột sống có di chứng hoặc biến chứng

3

Chấn thương sọ não có di chứng hoặc biến chứng

4

Tổn thương nội sọ có di chứng hoặc biến chứng

5

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

XIV

Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và tiếp xúc dịch vụ y tế

1

Ghép giác mạc

2

Ghép tạng và điều trị sau ghép tạng

XV

Bệnh lý tai mũi họng

1

Mất thính lực

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

...............,ngày . . . tháng . . . năm .....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn,
rủi ro trong cuộc sống

Kính gửi: UBND xã (phường, thị trấn)……………………………………..

Họ tên của trẻ: .................................................................... Nam/ Nữ ...........................

Sinh ngày: …………tháng …………năm…………

Địa chỉ: Thôn ................................... Xã ............................... huyện ...............................

Hoàn cảnh của trẻ (thuộc đối tượng nào nêu rõ): .............................................................

...........................................................................................................................................

Thời gian xảy ra:................................................................................................................

Vào viện từ ngày .................................... đến ngày .........................................................

Đã điều trị tại: ..................................................................................................................

Kinh phí phải chi trả tại Bệnh viện là:.................................................................... đồng

(đính kèm ………………………….. …………….hóa đơn viện phí).

Họ tên của cha (mẹ hoặc người giám hộ): …………………………………………....…

Sinh năm:………………. Dân tộc: ……………………………………………………...........

Số CMND (CCCD) ........................ do ................................... cấp ngày …./ …../ ..........

Hộ khẩu thường trú............................................................................................................

Quan hệ với trẻ ................................................. Điện thoại liên lạc: ................................

Hoàn cảnh gia đình (nêu rõ điều kiện kinh tế của gia đình): ............................................

...........................................................................................................................................

...........................................................................................................................................

Đề nghị quý cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đột xuất cho con tôi là:............................

Rất mong được được quý cơ quan xem xét giải quyết./.

 

Xác nhận của thôn, khu phố  
(Ký tên và ghi rõ họ tên)


Người làm đơn
(Ký tên và ghi rõ họ tên )

Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn
(Ký và ghi rõ họ tên chức danh)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND về Quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 24/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Hoài Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản