Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 239/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 07 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 15 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2016 - 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;

Trên cơ sở nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc kịp thời phản ánh những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm và lựa chọn nội dung chất vấn. Đồng thời, ghi nhận tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực giáo dục - đào tạo và các đồng chí ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc trả lời các đề nghị chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với một số giải pháp mà các đồng chí ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở: Y tế, Công an tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành có liên quan (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng Nông thôn mới, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Giao thông - Vận tải) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long đã trả lời chất vấn trực tiếp, giải trình bổ sung và cam kết trước Hội đồng nhân dân tỉnh tại phiên chất vấn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện những cam kết, tiến hành các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp, cụ thể như sau:

1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và hoạt động các ngành chức năng về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Kiện toàn và nâng cao trách nhiệm hoạt động của Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Xây dựng quy chế làm việc và quy chế phối hợp, trong đó quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành và tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Chỉ đạo rà soát, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, dụng cụ để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm cho các ngành, các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm định chất lượng thực phẩm của các phòng kiểm nghiệm đã được đầu tư đạt chuẩn TCVN ISO/IEC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay,

Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, khu giết mổ tập trung, vùng sản xuất rau an toàn theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. 100% các sản phẩm OCOP phải đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2021, 100% các địa phương xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn và cơ bản xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn. Hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt và các chất phụ gia trong chăn nuôi; kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường.

Triển khai xây dựng và hình thành mô hình chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh, bán lẻ đảm bảo cung cấp thực phẩm vệ sinh, an toàn cho người dân và du khách, trong đó xây dựng ban hành quy định và phân cấp quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm được đưa vào kinh doanh. Đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung nghiên cứu đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối theo quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiên quyết xóa bỏ các loại chợ tạm, chợ cóc không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyên truyền các quy định pháp luật để nâng cao vai trò của nhân dân, người tiêu dùng trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt sử dụng quyền của người tiêu dùng trong việc từ chối, tẩy chay các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan thông tin truyền thông trong tuyên truyền các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là công khai các tổ chức, đơn vị, cá nhân không chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để cử tri, nhân dân biết.

Tăng cường công tác hậu kiểm, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thường xuyên, trực tiếp, không báo trước và xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết dừng hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định. Các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt, ngăn chặn, điều tra, xử lý và hỗ trợ các cơ quan quản lý xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là xử lý vi phạm theo quy định của Luật Hình sự.

2. Về công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp trọng tâm sau:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và sơ, tổng kết rút kinh nghiệm từng lĩnh vực, chuyên đề về phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh và ở từng địa bàn trọng điểm để có giải pháp sát thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống ma túy. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong hệ thống chính trị; chú trọng xây dựng các mô hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học lành mạnh, không có tệ nạn ma túy. Lấy hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại chất lượng của cấp ủy, tổ chức hàng năm.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Đoàn thanh niên, Công an và các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong phòng, chống các tệ nạn xã hội, hiểm họa ma túy và phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định các trường hợp sử dụng chất kích thích trong trường học. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong quản lý và phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

Củng cố, tăng cường lực lượng chuyên trách đấu tranh, phòng, chống ma túy của Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển. Mở các đợt tấn công cao điểm trấn áp tội phạm, nâng cao chất lượng điều tra án, truy tố, xét xử các vụ án ma túy (phối hợp với các tỉnh lân cận và hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu lực đấu tranh, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài, tỉnh ngoài vào Quảng Ninh). Tuyệt đối không để tội phạm người nước ngoài lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sở Văn hóa - Thể thao cùng các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm soát, quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, karaoke, tàu du lịch... không để xảy ra tình trạng thẩm lậu ma túy. Kiên quyết đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tiếp tục rà soát chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh; tăng tỷ lệ người cai nghiện tập trung (đối tượng bắt buộc, đối tượng tự nguyện, người không có nơi cư trú ổn định). Nâng cấp cơ sở vật chất cai nghiện ma túy của tỉnh đáp ứng đồng bộ yêu cầu cai nghiện từ cắt cơn, hỗ trợ tư vấn tâm lý, dự phòng tái nghiện, vui chơi giải trí, giáo dục - nghề nghiệp, tạo việc làm... Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện ma túy sau cai tại gia đình, cộng đồng; yêu cầu chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nghiện ma túy, không để phát sinh tội phạm.

3. Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ, trọng tâm:

Rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, nhất là tăng trưởng trong khu vực dịch vụ để có giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 14 đã đề ra (48 - 49%).

Tiếp tục quản lý và thực hiện nghiêm túc 07 quy hoạch chiến lược đã được phê duyệt. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu cho Tỉnh hoàn thành, báo cáo Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long mới sau khi nhập địa giới hành chính với huyện Hoành Bồ; điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn. Rà soát, đánh giá hiệu quả việc bố trí quỹ đất và xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị (quỹ đất 20%), nhất là ở những địa bàn trọng điểm như thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả...; chú trọng đúng mức vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động ngoại tỉnh, người có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân ngành than.

Công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật tạo quỹ đất “sạch”, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm triển khai các dự án động lực trong lĩnh vực giao thông, dịch vụ, du lịch. Đẩy nhanh tiến độ đưa các hạ tầng dịch vụ hiện đại đẳng cấp như Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Quang Hanh, sân golf Tuần Châu... hoàn thành trong năm 2020. Thu hút các nguồn lực đầu tư các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, tuyến, điểm du lịch và tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao tại các khu vực động lực về phát triển du lịch của tỉnh như Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.

Cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của Trung tâm Hành chính công các cấp, gỡ bỏ mọi rào cản, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch; phát triển doanh nghiệp theo hướng giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, địa phương; hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ngày càng trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; thương mại biên giới và các dịch vụ cảng biển. Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tăng trưởng khu vực dịch vụ.

Có giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện thường xuyên công tác đào tạo, đào tạo lại đối với lượng lao động của tỉnh... để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Phát triển Trường Đại học Hạ Long trở thành hạt nhân thu hút, lan tỏa và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch - nghệ thuật. Tiếp tục rà soát, chuyển đổi nghề nghiệp lao động ngành Than theo định hướng phát triển của tỉnh.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tại Điều 2 thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Nghị quyết này và cập nhật kết quả thực hiện, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2020 theo quy định.

2. Trong thời gian giữa hai kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, lựa chọn những nội dung được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm để chất vấn, yêu cầu giải trình tại phiên họp thường kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Trung tâm truyền thông tỉnh và các cơ quan liên quan kịp thời công khai các nội dung trả lời chất vấn của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện.

4. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết và các nội dung không chất vấn trực tiếp đã được đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực giáo dục - đào tạo và các ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trả lời bằng văn bản.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- Các ban và Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- Lưu: VT, THDN1.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 239/NQ-HĐND năm 2019 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021

  • Số hiệu: 239/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản