Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2017/NQ-HĐND

Ninh Bình, ngày 06 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NHÃN HIỆU CHO CÁC SẢN PHẨM HÀNG HÓA, DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2017- 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tại Tờ trình số 71/TTr-UBND ngày 20/6/2017 về việc ban hành chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017- 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đối tượng, điều kiện và nội dung hỗ trợ

1. Đối tượng hỗ trợ: Các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, hội, hiệp hội và cá nhân (Sau đây gọi là các tổ chức và cá nhân).

2. Điều kiện hỗ trợ:

Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017 - 2020 khi tham gia hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý), thực hiện các hoạt động liên quan tới quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tỉnh và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

3. Nội dung hỗ trợ:

a) Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu thông thường và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm của các tổ chức, cá nhân, bao gồm:

Thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; tra cứu khả năng bảo hộ; viết bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích; xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Xây dựng hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng in trên: danh thiếp, phong bì thư, sổ công tác, hộp và thùng đựng sản phẩm, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, bảng hiệu; thiết kế kênh thông tin (Website) cho các sản phẩm của tổ chức, cá nhân nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.

b) Hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm:

Điều tra, khảo sát hiện trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ đăng ký; xác định phạm vi, đối tượng, hình thức bảo hộ; xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ; đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước.

Xây dựng, hình thành các mô hình liên kết (hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội làng nghề và mô hình khác) để quản lý và sử dụng nhãn hiệu; xây dựng các văn bản, quy trình, công cụ quảng bá, nhận diện phục vụ công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm; áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng - chuyển giao công nghệ, chuẩn hóa các quy trình quản lý, quy trình sản xuất tiên tiến; tổ chức vận hành thử nghiệm các mô hình quản lý có hiệu quả; hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu, sản phẩm đặc sản, làng nghề của tỉnh; hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại, chợ công nghệ thiết bị nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh; hình thành các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Điều 2. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ 10 triệu đồng/01 Nhãn hiệu sản phẩm thông thường.

2. Hỗ trợ 10 triệu đồng/01 Kiểu dáng công nghiệp.

3. Hỗ trợ 15 triệu đồng/01 Sáng chế, hoặc Giải pháp hữu ích.

4. Hỗ trợ 40 triệu đồng/tổ chức, cá nhân thiết kế kênh thông tin, hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.

5. Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện thông qua hình thức dự án xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kết quả thẩm định tổng mức kinh phí từng dự án cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND, ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Ninh Bình.

6. Các mức hỗ trợ trên ưu tiên áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững của tỉnh theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 8 tỷ đồng (2 tỷ đồng/năm) và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 4. Hiệu lực của Nghị quyết

1. Các nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này được áp dụng trong giai đoạn từ ngày 01/8/2017 đến hết năm 2020.

2. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 06/7/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2017.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính, Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT HĐND, UBND, UB MTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Ban Thường vụ các huyện, thành ủy;
- TTHĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, TP;
- Công báo tỉnh, Website Chính phủ;
- Đài PT & TH tỉnh, Báo Ninh Bình;
- Lưu: VT, Phòng CTHĐND.

CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quảng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 22/2017/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 22/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Trần Hồng Quảng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản