Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2007/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 14 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ RÀ SOÁT, QUY HOẠCH LẠI 3 LOẠI RỪNG (RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ, RỪNG SẢN XUẤT) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất);

Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Bến Tre; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Bến Tre, với một số nội dung chính sau:

1. Hiện trạng đất lâm nghiệp:

a) Tổng diện tích tự nhiên 14.192 ha. Trong đó: đất có rừng 3.519 ha, đất không có rừng 10.673 ha.

b) Tổng trữ lượng rừng 197.519 m3.

2. Quy hoạch lại 3 loại rừng:

Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 7.833 ha. Trong đó: đất có rừng 3.519 ha, đất không có rừng 4.314 ha.

a) Quy hoạch rừng đặc dụng:

Tổng diện tích đất quy hoạch 2.584 ha. Trong đó: đất có rừng 1.916 ha, đất không có rừng 668 ha.

b) Quy hoạch rừng phòng hộ:

Tổng diện tích đất quy hoạch 3.803 ha. Trong đó: đất có rừng 1.325 ha, đất không có rừng 2.478 ha.

c) Quy hoạch rừng sản xuất:

Tổng diện tích đất quy hoạch 1.446 ha. Trong đó: đất có rừng 278 ha, đất không có rừng 1.168 ha.

d) Phân cấp phòng hộ:

- Phòng hộ rất xung yếu 1.097 ha.

- Phòng hộ xung yếu 2.583 ha.

- Phòng hộ ít xung yếu 4.153 ha.

Điều 2. Giải pháp thực hiện.

1. Giải pháp kỹ thuật, khoa học và công nghệ:

a) Trồng rừng mới và khoanh nuôi tái sinh 1.400 ha trên diện tích đất trống, các bãi đất mới bồi tụ với các loài cây phù hợp điều kiện đất đai. Tuân thủ đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành áp dụng đối với từng loại cây trồng.

b) Xây dựng hệ thống cột mốc trên thực địa để phân định ranh giới 3 loại rừng.

c) Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong các khâu: giống, gieo tạo cây con, trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng và quản lý lâm phần.

d) Nghiên cứu thực nghiệm các mô hình trồng rừng với những loài cây khác nhau trên nhiều dạng lập địa, đặc biệt là trên đất gò cao, các bờ vuông nuôi tôm…

đ) Xây dựng các mô hình lâm - ngư, lâm - nông kết hợp để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả đồng thời góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người làm nghề rừng.

2. Giải pháp chính sách:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư nhằm quản lý bảo vệ tốt 3.519 ha rừng hiện có.

b) Tiến hành giao đất, giao rừng một cách toàn diện và đúng quy định cho các tổ chức, cá nhân để bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả và đúng pháp luật:

- Giao quyền sử dụng 2.584 ha đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng để xây dựng và phát triển rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú.

- Giao quyền sử dụng đất 1.769 ha ở khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng để xây dựng và phát triển rừng phòng hộ ven biển.

- Giao đất, giao rừng và cấp quyền sử dụng đất, sử dụng rừng 2.034 ha trong vùng sản xuất lâm ngư và 1.446 ha vùng rừng sản xuất cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

- Người dân được phép sử dụng không quá 25% diện tích để sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp theo như quy định tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chuyển và giao 6.359 ha đất đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp cho Ủy ban nhân dân các huyện có kế hoạch quản lý và sử dụng hiệu quả (Bình Đại 352 ha, Ba Tri 447 ha, Thạnh Phú 5.560 ha).

c) Các cá nhân, tập thể và hộ gia đình nhận khoán trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng được hưởng suất đầu tư theo quy định tại Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Được hưởng toàn bộ các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, sau khi đã làm các nghĩa vụ thuế theo quy định.

d) Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình vay để bảo vệ và phát triển rừng theo văn bản số 2694/NHPT-TDTW ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Ngân hàng phát triển Việt Nam Về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài nguồn vốn của Trung ương đầu tư hàng năm theo Dự án 661, tranh thủ vốn lồng ghép của các dự án khác, vốn nghiên cứu khoa học để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế trong vùng lâm nghiệp.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó cụ thể thành các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển rừng theo phân kỳ để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai và thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2007 và có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 22/2007/NQ-HĐND kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 22/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Huỳnh Văn Be
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản