Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2013/NQ-HĐND | Bạc Liêu, ngày 06 tháng 12 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 220/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân và ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như sau:
1. Quan điểm:
- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bạc Liêu đảm bảo phù hợp và liên kết chặt chẽ với quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng kinh tế trọng điểm; định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
- Định hướng quy hoạch các không gian chức năng vùng tỉnh phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục; gắn kết quy hoạch phát triển đô thị với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn.
- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh tạo cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
2. Mục tiêu chung:
Mục tiêu của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tổ chức không gian kinh tế, đô thị - nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan của tỉnh một cách khoa học; kết nối và khai thác hiệu quả lợi thế các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của vùng, khu vực và quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy hoạch không gian xây dựng đô thị, nông thôn; không gian công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp; không gian du lịch, cảnh quan và không gian mở hài hòa gắn kết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp hiện đại, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao và một số lĩnh vực cấp vùng, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam, trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Mục tiêu cụ thể:
3.1. Phân bố hệ thống đô thị:
a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
- Năm 2020: Dự kiến có 13 đô thị (bao gồm 02 đô thị ghép), gồm: 01 đô thị loại II thành phố Bạc Liêu; 01 đô thị loại III thị xã Giá Rai; 04 đô thị loại IV gồm: Đô thị Điền Hải - Gành Hào, đô thị Phước Long - Ninh Quới A, thị trấn Hòa Bình, thị trấn Châu Hưng và 07 đô thị loại V thị trấn Ngan Dừa, các đô thị: Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hưng, Chủ Chí, Phó Sinh và Ba Đình.
- Năm 2030: Dự kiến có 14 đô thị gồm: 01 đô thị loại I thành phố Bạc Liêu; 02 đô thị loại III gồm: Thị xã Giá Rai, thị xã Đông Hải; 04 đô thị loại IV gồm: Thị xã Phước Long và các thị trấn: Hòa Bình, Châu Hưng, Ngan Dừa và 07 đô thị loại V gồm: Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hưng, Chủ Chí, Phó Sinh, Ba Đình, Hưng Thành.
b) Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng:
- Thành phố Bạc Liêu: Là Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bạc Liêu và cấp vùng; là đầu mối giao thông của các trục hành lang kinh tế đô thị Quốc gia và Quốc tế; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, thể thao và giải trí của tỉnh Bạc Liêu và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí an ninh, quốc phòng chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đô thị Giá Rai - Hộ Phòng là đô thị loại IV, hạt nhân của thị xã Giá Rai vào năm 2015; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo thứ hai của tỉnh; trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản tập trung; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản sinh thái của vùng phía Tây tỉnh Bạc Liêu; cửa ngõ kết nối thành phố Cà Mau, hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia, cả đường bộ, đường hàng không và đường biển; là Trung tâm Tiểu vùng III của tỉnh Bạc Liêu.
- Đô thị Phước Long, huyện Phước Long; Ninh Quới A, huyện Hồng Dân: Là đô thị loại IV, trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng II; trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, thủy sản; trung tâm thương mại và du lịch làng nghề phía Bắc của tỉnh.
- Ngoài ra, tỉnh còn có các đô thị chức năng tổng hợp như: Đô thị Điền Hải, huyện Đông Hải; thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình; thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi; thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân và các đô thị chuyên ngành kinh tế như: Gành Hào, huyện Đông Hải; Vĩnh Hưng, Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi; Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình; Phó Sinh, Chủ Chí, Phước Long và Ba Đình, huyện Hồng Dân.
c) Tầm nhìn đến năm 2050: Tiếp tục đầu tư xây dựng các đô thị trung tâm vùng và Tiểu vùng thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị xã Phước Long, nâng cao chất lượng đô thị hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh, đáp ứng 100% các tiêu chí phân loại đô thị phù hợp định hướng quy hoạch tại các tiểu vùng. Phát triển thêm các đô thị loại IV, loại V tại các phân vùng phát triển kinh tế.
3.2. Phân bố các vùng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
- Vùng công nghiệp trung tâm vùng thành phố Bạc Liêu: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp khác trong vùng.
- Vùng công nghiệp tập trung phía Bắc huyện Phước Long, Hồng Dân: Đây là vùng phát triển công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
- Vùng công nghiệp tập trung phía Tây huyện Giá Rai: Phát huy thế mạnh hiện có về công nghiệp chế biến thủy sản tại đô thị Giá Rai - Hộ Phòng, liên kết chặt chẽ với Khu công nghiệp Láng Trâm, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm; hình thành khu phi thuế quan và cảng biển nước sâu tổng hợp Gành Hào, là khu vực tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế Gành Hào và vùng kinh tế phía Tây của tỉnh.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Tập trung phát triển Khu kinh tế Gành Hào trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Phát triển hoàn chỉnh và khai thác lợi thế các Khu công nghiệp Láng Trâm, Khu tổ hợp công nghiệp - đô thị Ninh Quới.
3.3. Phân bố các vùng du lịch:
- Trung tâm vùng du lịch vùng 1: Tập trung các khu vui chơi giải trí, trung tâm nghỉ dưỡng cấp vùng như Vườn chim Bạc Liêu, Vườn Nhãn cổ Bạc Liêu, rừng ngập mặn, biển, Khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch Cá Ông, du lịch sinh thái ven biển, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, chùa Quan Âm Phật Đài, Khu lưu niệm Nghệ nhân Cao Văn Lầu và Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Đền thờ Bác Hồ, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Khu du lịch Tắc Sậy.
- Cụm du lịch phía Tây vùng 2: Thuộc vùng đô thị và Khu kinh tế Gành Hào, bao gồm: Thị xã Đông Hải, thị xã Giá Rai; tổ chức dịch vụ tham quan khu kinh tế phi thuế quan, du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội Nghinh Ông và Khu di tích Đồng Nọc Nạng, Khu du lịch Tắc Sậy.
- Cụm du lịch phía Bắc vùng 3: Thuộc vùng phát triển kinh tế và đô thị phía Bắc của tỉnh, bao gồm thị xã Phước Long - Ninh Quới A, đô thị Phó Sinh, đô thị Chủ Chí, thị trấn Ngan Dừa. Tổ chức và quy hoạch các tuyến du lịch làng nghề đan chiếu, các vườn chim tại huyện Phước Long, du lịch sinh thái Nhà vườn (homestay), du lịch cảnh quan sông nước, Khu Căn cứ Tỉnh ủy ở xã Ninh Thạnh Lợi, du lịch Lễ hội Oc Om Boc.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển các tuyến liên kết du lịch tới các vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Mũi Cà Mau, du lịch quốc tế, nâng cao chất lượng các tuyến du lịch.
3.4. Phân bố hệ thống dịch vụ hạ tầng xã hội
a) Hệ thống giáo dục, đào tạo:
Hình thành hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và một số đô thị khác trong tỉnh; nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại thành phố Bạc Liêu và các huyện; hình thành Trung tâm Ngoại ngữ chất lượng cao tại thành phố Bạc Liêu; xây dựng hệ thống trường chất lượng cao cho cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; củng cố Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các Trung tâm Học tập cộng đồng phường, xã.
b) Hệ thống văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao:
c) Hệ thống y tế:
- Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu giai đoạn II, Trung tâm Chẩn đoán y khoa, các bệnh viện chuyên khoa: Sản - nhi, lao, tâm thần, y học cổ truyền. Xã hội hóa các cơ sở y tế như: Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Bạc Liêu, Bệnh viện Đông Tây y.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo các bệnh viện trung tâm các vùng và tiểu vùng tại các đô thị Giá Rai, Phước Long, Gành Hào. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các bệnh viện tuyến huyện.
- Hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới y tế tuyến cơ sở: bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực quy mô 10 - 50 giường bệnh.
d) Hệ thống thương mại, dịch vụ:
Hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ chất lượng cao cấp vùng và tiểu vùng tại trung tâm các đô thị và khu phi thuế quan - Khu Kinh tế Gành Hào; củng cố mạng lưới trung tâm thương mại, chợ tại trung tâm các đô thị của các huyện. Hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện phát triển giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nông dân theo các quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
e) Tầm nhìn đến năm 2050:
Nâng cao chất lượng hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp vùng từ nền tảng năm 2030. Nâng cao chất lượng các công trình đào tạo chuyên ngành; các công trình thể dục, thể thao hướng tới xây dựng các quần thể cấp vùng; xây dựng mới các bệnh viện cấp vùng, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo chuẩn Quốc gia; tập trung đầu tư khu thương mại miễn thuế tại Khu Kinh tế Gành Hào.
3.5. Tổ chức không gian vùng:
a) Tổ chức phát triển không gian vùng đô thị:
- Không gian đô thị vùng trung tâm bao gồm: Thành phố Bạc Liêu và các đô thị vệ tinh như thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi; thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình là vùng đô thị động lực của tỉnh. Thành phố Bạc Liêu vừa là đô thị hạt nhân toàn vùng tỉnh, vừa là đô thị trung tâm của vùng trung tâm. Ngoài ra, phát triển thêm các đô thị như: Vĩnh Hưng, Hưng Thành, Vĩnh Mỹ B, Cái Cùng.
- Không gian vùng đô thị phía Bắc bao gồm: Không gian vùng đô thị thị xã Phước Long - thị trấn Ngan Dừa là vùng đô thị động lực phía Bắc. Trong đó, thị xã Phước Long dự kiến đến năm 2020 kết nối với đô thị Ninh Quới A hình thành thị xã Phước Long là đô thị trung tâm của vùng phía Bắc. Đô thị Chủ Chí là trung tâm tiểu vùng phía Tây và đô thị Ba Đình là Trung tâm Tiểu vùng phía Bắc của vùng.
- Không gian vùng đô thị phía Tây bao gồm: Không gian vùng đô thị thị xã Giá Rai - thị xã Đông Hải. Trung tâm thị xã Đông Hải là đô thị Điền Hải và Gành Hào, gắn với Khu Kinh tế Gành Hào, Khu công nghiệp Láng Trâm. Thị xã Giá Rai là đô thị trung tâm của vùng phía Tây. Đô thị Điền Hải - Gành Hào và khu kinh tế là một đô thị động lực.
b) Tổ chức không gian vùng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
- Các công nghiệp tập trung quy mô lớn: Vùng công nghiệp thành phố Bạc Liêu với sự hình thành vùng công nghiệp công nghệ cao tập trung, công nghiệp năng lượng sạch; vùng công nghiệp Phước Long - Ninh Quới A là khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến; vùng công nghiệp Giá Rai là vùng công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; Vùng công nghiệp Gành Hào sẽ hình thành Khu công nghiệp phi thuế quan Gành Hào.
- Các vùng công nghiệp với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị.
c) Tổ chức không gian vùng cảnh quan, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái:
- Vùng du lịch cảnh quan ven biển và các sân chim; vùng du lịch thành phố Bạc Liêu là trung tâm mua sắm, giải trí cao cấp, du lịch cảnh quan nghỉ dưỡng ven biển và du lịch văn hóa lịch sử; Cụm du lịch Phước Long; Cụm du lịch Giá Rai.
- Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có rừng ngập mặn, vườn nhãn cổ.
d) Tổ chức không gian vùng nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp:
- Hình thành các vùng chuyên canh trồng lúa cao sản xuất khẩu, lúa đặc sản tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, một phần thị xã Giá Rai và một phần huyện Phước Long; hình thành trang trại vùng chăn nuôi tập trung đan xen với các khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh tại các huyện Hồng Dân, Phước Long.
- Quy hoạch các khu vườn ươm cây giống toàn tỉnh tại huyện Đông Hải, Hòa Bình để cung cấp vật liệu giống cho trồng rừng tập trung và cây phân tán trên địa bàn tỉnh; quy hoạch phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, tôm sinh thái tại khu vực huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu và quy hoạch vùng chuyên sản xuất muối chất lượng cao tại huyện Đông Hải.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, kỳ họp thứ Tám thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 30/2009/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản tỉnh Bạc Liêu năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 2Quyết định 1180/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành
- 3Quyết định 1711/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 4Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1581/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 30/2009/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản tỉnh Bạc Liêu năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 7Quyết định 1180/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành
- 8Quyết định 221/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 1711/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Nghị quyết 20/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 20/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 06/12/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Võ Văn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra