Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2011/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Kết luận số 93-KL/TU ngày 06/9/2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về đào tạo nghề, giải quyết việc làm;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5359/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh về Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chủ yếu:

a) Trong 5 năm 2011-2015, đào tạo nghề cho khoảng 102.000 người để đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh bằng mức bình quân chung của cả nước là 55%;

b) Thông qua dự án vay vốn giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thông qua tư vấn giải quyết việc làm và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh tạo việc làm cho 120.000 lao động (bình quân hàng năm 24.000 người);

c) Giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 3,5% vào cuối năm 2015.

2. Nội dung chương trình và các giải pháp chủ yếu:

a) Chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề và tự tạo việc làm cho mình hoặc chuyển đổi nghề theo hướng bền vững, thu nhập cao;

b) Tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, phục vụ phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, chú ý đối với lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bãi ngang ven biển, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nông dân bị thu hồi đất. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”.

Đầu tư đồng bộ trang thiết bị dạy nghề với giáo trình đào tạo và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật đạt chuẩn quốc gia hoặc đạt chuẩn khu vực. Xúc tiến thực hiện đề án nâng cấp Trường Trung cấp nghề thành Trường Cao đẳng nghề; nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Bình và Tánh Linh thành Trường Trung cấp nghề và một số trung tâm khác nếu có điều kiện. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa dạy nghề theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 14/9/2011 của UBND tỉnh;

c) Tổ chức thực hiện tốt việc điều tra cung cầu lao động và nhu cầu học nghề, dự báo thị trường lao động. Phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm theo hướng xã hội hóa, đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm. Đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm và các chi nhánh tại huyện Tuy Phong, Hàm Tân, Đức Linh. Chú ý củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề ở các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn;

d) Quản lý tốt nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, cho vay đúng đối tượng, đúng quy trình và thủ tục quy định. Tập trung vốn vay cho các dự án trang trại, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, cơ sở kinh doanh giải quyết nhiều chỗ làm việc mới; ưu tiên cho vay đối với lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và đối tượng bị thu hồi đất;

e) Rà soát để sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, làm tốt công tác định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tập trung thị trường có nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, có thu nhập khá và an toàn. Chú trọng thanh tra, giám sát các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có kế hoạch sử dụng lao động hoàn thành hợp đồng lao động làm việc ở nước ngoài trở về nước. Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc tuyển dụng, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh;

g) Bảo đảm các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm được Trung ương hỗ trợ hàng năm, nguồn vốn huy động sự đóng góp của xã hội và ngân sách tỉnh cân đối kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung chương trình;

h) Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động, dự án trong nội dung chương trình việc làm giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hùng