Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 20/2009/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CỦNG CỐ, XÂY DỰNG CÔNG AN XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA X – KỲ HỌP THỨ 22

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 , được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 21/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Căn cứ Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 3339/TTr-UBND ngày 25/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án củng cố, xây dựng Công an xã, thị trấn (nơi không bố trí công an chính quy) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2010 - 2015), Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh
và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án củng cố, xây dựng Công an xã, thị trấn (nơi không bố trí công an chính quy) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2015) với các nội dung chính sau:

1. Mục tiêu của Đề án:

a) Mục tiêu chung:

Phấn đấu xây dựng lực lượng công an xã đạt trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, chính trị đúng Quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo đủ về số lượng: Mỗi xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) bố trí 01 Trưởng Công an, 01 Phó trưởng Công an và từ 2 đến 3 Công an viên thường trực tại xã (rút từ số Công an viên thôn, tổ dân phố); mỗi thôn, tổ dân phố bố trí 01 Công an viên.

- Đảm bảo chất lượng: Trưởng Công an, Phó trưởng Công an xã và Công an viên của xã ở các huyện đồng bằng đạt tiêu chuẩn về trình độ học vấn từ Trung học phổ thông trở lên; Trưởng Công an, Phó trưởng Công an xã và Công an viên các xã ở các huyện miền núi, huyện đảo đạt tiêu chuẩn trình độ Trung học cơ sở trở lên. Đào tạo trung cấp nghiệp vụ Công an nhân dân cho cán bộ là Trưởng Công an, Phó trưởng Công an xã và cán bộ dự nguồn Công an xã; định kỳ huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Trưởng Công an, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.

- Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ, chính sách: Thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã.

2. Giải pháp tổng thể:

a) Về nguồn nhân lực:

- Củng cố, kiện toàn lực lượng Công an xã phù hợp với định hướng xây dựng nguồn nhân lực cho cơ sở. Từ năm 2010 trở đi, các trường hợp tuyển dụng vào công tác trong lực lượng Công an xã phải có trình độ học vấn tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học phổ thông trở lên; thay thế dần số cán bộ có trình độ thấp để đến năm 2015 tất cả cán bộ Công an xã có trình độ học vấn tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học phổ thông trở lên (trừ các xã miền núi đặc biệt khó khăn về nguồn nhân lực).

- Có kế hoạch cụ thể đào tạo riêng cho cán bộ Công an xã miền núi, chủ yếu từ nguồn nhân lực tại chỗ, kết hợp tuyển chọn con em người dân tộc tại các trường phổ thông dân tộc nội trú để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ học vấn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Công an, tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho các xã miền núi.

b) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:

- Trích kinh phí ngân sách của xã trang bị cho Công an các xã mỗi đơn vị 01 máy điện thoại cố định và khoán cước phí 200.000đ/máy/tháng. Mua cấp đảm bảo cho 100% xã đủ cơ số về gậy điện, gậy cao su, còng số 8, tủ đựng tài liệu và nghiên cứu tính toán trang bị máy vi tính cho Công an xã.

- Cân đối nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, bố trí cho các địa phương xây dựng nhà làm việc Công an xã trong khuôn viên trụ sở Đảng ủy, UBND xã, có diện tích tương xứng để làm việc và tiếp công dân. Trước mắt ưu tiên xây dựng cho Công an các xã chưa có nơi làm việc độc lập, về cơ bản sau năm 2015 phải bảo đảm 100% Công an xã đều có nơi làm việc chính thức, đáp ứng yêu cầu công tác.

3. Kinh phí phục vụ triển khai đề án: Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được trích từ Ngân sách của tỉnh.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2009./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 20/2009/NQ-HĐND về củng cố, xây dựng công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2010 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa X, kỳ họp thứ 22 ban hành

  • Số hiệu: 20/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Minh Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản