Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2022/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nóng thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 284/TTr-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Báo cáo thẩm tra số 78/BC-HĐND ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương và nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung chi, mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình phải hướng tới đạt mục tiêu thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2022 - 2025 ban hành tại các quyết định: Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung của Chương trình.

3. Không sử dụng kinh phí của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nội dung, nhiệm vụ bố trí kinh phí từ các Chương trình, dự án khác.

4. Việc thực hiện phân bổ bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 4. Một số nội dung và mức chi chung

1. Chi công tác phí, tổ chức hội nghị, tập huấn: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi về công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Chi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

3. Chi thực hiện các hoạt động điều tra, thống kê: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi và mức chi thực hiện các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

4. Chi thuê hội trường, thuê xe, văn phòng phẩm, trang trí và các khoản chi khác không có định mức chi: theo thực tế phát sinh và phù hợp với chế độ tài chính, kế toán hiện hành.

Chương II

QUY ĐỊNH CÁC NỘI DUNG ĐẶC THÙ

Điều 5. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai tại cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 6. Chi tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở

1. Chi mua sắm mới thiết bị đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông cho một đài truyền thanh cấp xã: mức chi hỗ trợ từ ngân sách trung ương phân bổ là 70%; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện.

2. Chi mua sắm, hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất chương trình phát thanh cho một cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện: mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 70%; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện.

3. Chi sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã, phương tiện sản xuất của các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện để đảm bảo yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông: mức chi theo thực tế phát sinh do ngân sách cùng cấp hỗ trợ.

Điều 7. Chi hỗ trợ các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, ấp

1. Chi hỗ trợ thực hiện thí điểm các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, ấp: mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50%; từ nguồn ngân sách tỉnh là 30% kinh phí thực hiện mô hình thí điểm được phê duyệt; phần còn lại là 20% từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chi hỗ trợ phát triển (xây dựng và nhân rộng) các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, ấp: mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện mô hình được phê duyệt.

Điều 8. Chi hỗ trợ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

1. Chi hỗ trợ một lần tem QR code để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của địa phương cho tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi chung là cơ sở) có địa chỉ hoạt động trên địa bàn của xã, huyện.

Mức hỗ trợ: 30.000 tem/cơ sở nhưng không quá 20 triệu đồng/cơ sở.

2. Chi hỗ trợ một lần chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã số vùng trồng: mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 6.000.000 đồng/mã số (đối với vùng trồng cây ăn trái có diện tích từ 10 ha trở lên); không quá 5.000.000 đồng/mã số (đối với vùng trồng lúa có diện tích từ 10 ha trở lên); không quá 5.000.000 đồng/mã số (đối với vùng trồng rau có diện tích từ 05 ha trở lên).

Điều 9. Chi hỗ trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

1. Chi hỗ trợ dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, gồm: tư vấn liên kết; đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị; xây dựng mô hình khuyến nông; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Mức hỗ trợ: theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Tổng mức chi hỗ trợ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này cho một dự án/kế hoạch liên kết không quá 50% tổng chi phí thực hiện một dự án/kế hoạch liên kết trên địa bàn thuộc phạm vi đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Điều 10. Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

1. Chi hỗ trợ giống, thiết bị, vật tư thiết yếu; tập huấn kỹ thuật, sơ kết, tổng kết dự án; thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập nhân rộng mô hình: theo quy định tại điểm b khoản 2; khoản 3; khoản 4 Điều 5 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Tổng mức hỗ trợ cho các nội dung tại khoản 1 Điều này cho một mô hình/dự án không quá 50% tổng chi phí thực hiện một mô hình, dự án từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Điều 11. Chi phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn; bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn.

Chi mua sắm trang thiết bị, trang trí điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện nhưng không quá 30 triệu đồng/điểm; mỗi làng nghề hỗ trợ một điểm.

Điều 12. Chi thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

1. Hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng (homestay) đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc trong nhà phục vụ lưu trú: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 100 triệu đồng/dự án đối với dự án có quy mô đón, phục vụ từ 10 đến dưới 20 khách; không quá 150 triệu đồng/dự án đối với dự án có quy mô đón, phục vụ từ 20 khách trở lên.

2. Chi hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề): mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện mô hình được phê duyệt nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình.

Điều 13. Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

1. Chi mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của địa phương

Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin cùng cấp, mức chi cụ thể như sau:

a) Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh: 1.000 triệu đồng/thiết chế;

b) Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện: 500 triệu đồng/thiết chế;

c) Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã: 80 triệu đồng/thiết chế. Riêng đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đã được hỗ trợ thiết chế văn hóa thì không được hỗ trợ theo Nghị quyết này.

2. Chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho thư viện cấp huyện; Tủ sách cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã

Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin cùng cấp, mức chi cụ thể như sau:

a) Thư viện, tủ sách tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện: 100 triệu đồng/tủ sách;

b) Thư viện, tủ sách xã: 20 triệu đồng/01 tủ sách.

3. Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã và kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã từ nguồn kinh phí sự nghiệp thể dục thể thao cùng cấp: mức hỗ trợ là 28 triệu đồng/01 năm.

Điều 14. Chi thực hiện các đề án, kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn phát sinh

1. Chi thực hiện đề án, kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện một đề án, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện. Tổng mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng/đề án, kế hoạch.

2. Chi hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn phát sinh: mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện. Tổng mức hỗ trợ không quá không quá 500 triệu đồng/mô hình.

Điều 15. Chi xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường

Mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện một mô hình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện. Tổng mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng/mô hình, dự án.

Điều 16. Chi giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; phát triển các mô hình xóm, ấp sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn

Chi giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; phát triển các mô hình xóm, ấp sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn (áp dụng cho các xã thuộc kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025): mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện nhưng không quá 500 triệu đồng/xã; ngân sách huyện hỗ trợ 30%; phần còn lại là 20% từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 17. Chi hỗ trợ thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện một mô hình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện.

Điều 18. Chi hỗ trợ thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh

Mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện một mô hình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện.

Điều 19. Chi thí điểm và nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng

Chi thí điểm và nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng tại các xã thuộc kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025 (mô hình camera an ninh, mô hình xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đáp ứng yêu cầu tiêu chí Quốc phòng và an ninh của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu): mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 50% kinh phí thực hiện một mô hình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án, mô hình/xã; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện.

Điều 20. Các nội dung chi và mức chi khác theo Điều 39, Điều 40 và Điều 42 Thông tư số 53/2022/TT-BTC

1. Chi tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp.

2. Chi hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và nhân rộng mô hình tại cấp huyện/xã; mạng lưới cố vấn/tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mới thành lập do phụ nữ làm chủ.

3. Chi hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng các mô hình sẵn có nhằm vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

4. Mức chi thực hiện các nội dung tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết này và hướng dẫn của Trung ương Hội.

Riêng nội dung hỗ trợ tại khoản 3 Điều này không quá 30 triệu đồng/mô hình.

Điều 21. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí sự nghiệp do Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

2. Nguồn ngân sách chi thường xuyên của ngân sách địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

3. Nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và nguồn đóng góp khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa X, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 05 tháng 10 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Nghị quyết được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới ban hành khi có hiệu lực thi hành./.

 


Nơi nhận:
- UB.Thường vụ Quốc hội;
- VP. Quốc hội, VP. Chính phủ;
- HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Vụ Công tác đại biểu (VPQH);
- Cục Hành chính - Quản trị II (VPCP);
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Các đ/c UVBTV Tỉnh ủy;
- UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- ĐB. Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang;
- ĐB. HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- TT. HĐND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Võ Văn Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 18/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Võ Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản