Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2007/NQ-HĐND

Nha Trang, ngày 14 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN 2006-2010 (CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA IV, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135, giai đoạn II);

Căn cứ Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 08/8/2006 của liên ngành; Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010”;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2006/NQ-HĐND ngày 28/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo giai đoạn 2006-2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3735/TTr-UBND ngày 14/6/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Báo cáo thẩm tra số 32/BC-BDT ngày 6/7/2007 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II)” gồm các nội dung sau:

1. Mục tiêu

- Đến năm 2010, 100% số xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II ra khỏi diện đầu tư của Chương trình; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 30% theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ; trên 70% số hộ có mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm;

- Nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới cho đồng bào dân tộc, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững;

- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất bảo đảm phục vụ có hiệu quả nâng cao đời sống và phát triển sản xuất tăng thu nhập;

- Trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức quản lý đầu tư và kỹ năng quản lý điều hành cho cán bộ, công chức cấp xã và trưởng thôn; nâng cao năng lực của cộng đồng, tạo điều kiện cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc giám sát hoạt động về đầu tư và các hoạt động khác trên địa bàn.

2. Phạm vi thực hiện

a) Các xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ), gồm 5 xã:

- Xã Khánh Hiệp, xã Giang Ly - huyện Khánh Vĩnh.

- Xã Thành Sơn, xã Ba Cụm Nam - huyện Khánh Sơn.

- Xã Sơn Tân - huyện Cam Lâm.

b) Các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II (theo Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) gồm 5 thôn:

- Thôn Tà Mơ xã Khánh Thành - huyện Khánh Vĩnh.

- Thôn 3 xã Sơn Bình, thôn 4 xã Sơn Hiệp, thôn CoRóa xã Sơn Lâm - huyện Khánh Sơn.

- Thôn Ninh Đảo xã Vạn Thạnh - huyện Vạn Ninh.

3. Nội dung đầu tư

a) Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại xã, thôn.

c) Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế; đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng.

d) Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.

4. Giải pháp thực hiện

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chương trình; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tránh tình trạng ỷ lại, trông chờ của cấp cơ sở và cộng đồng người dân.

- Thực hiện đồng bộ các chính sách đối với hộ nghèo, các chính sách đặc thù đối với từng vùng đặc biệt khó khăn tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

- Kết hợp thực hiện lồng ghép các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; tăng cường hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ cơ sở.

- Thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò tự lực, tự cường của các hộ nghèo và cộng đồng vươn lên thoát nghèo, gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số vào việc tham gia thực hiện chương trình.

5. Vốn thực hiện

Tổng vốn đầu tư: 22.218 triệu đồng

Trong đó:

- Hỗ trợ phát triển sản xuất:  3.400 triệu đồng

- Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu: 17.400 triệu đồng

- Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực

cán bộ cơ sở và cộng đồng: 1.340 triệu đồng

- Chi quản lý, chỉ đạo (0,5% tổng vốn đầu tư

trực tiếp cho chương trình): 78 triệu đồng

Nguồn vốn thực hiện:

- Ngân hàng tỉnh đầu tư trực tiếp cho Chương trình: 15.538 triệu đồng

- Vốn Chương trình kinh tế - xã hội miền núi: 3.400 triệu đồng

- Vốn Chương trình nước sạch và VSMT nông thôn: 1.000 triệu đồng

- Vốn Chương trình dạy nghề, GQVL và giảm nghèo: 750 triệu đồng

- Vốn hỗ trợ theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg: 350 triệu đồng

- Vốn khuyến nông, khuyến lâm: 80 triệu đồng

- Ngân sách cấp huyện được phân cấp: 1.100 triệu đồng

6. Thời gian thực hiện: Từ năm 2007 đến năm 2010

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm trên cơ sở Nghị quyết này điều chỉnh các hạng mục công trình phù hợp với kế hoạch, quy hoạch để tổ chức thực hiện.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này trên các lĩnh vực địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp thứ 8 thông qua./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần An Khánh