Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
 TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 17/2007/NQ-HĐND

Nha Trang, ngày 14 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHOÁ IV, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễm dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễm dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4336/TTr-UBND ngày 03/7/2007 của UBND tỉnh Khánh Hòa về Chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2007- 2010 và tầm nhìn 2020; Báo cáo thẩm tra số 33/BC-VHXH ngày 06/7/2007 của Ban Văn hoá - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( gọi tắt là HIV/AIDS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2007 - 2010 và tầm nhìn 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát:

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh dưới 0,25% vào năm 2010 và không tăng trong những năm tiếp theo; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. 100% các sở, ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch phòng chống HIV/AIDS của đơn vị, địa phương mình.

b. Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; 100% nhân dân trong khu vực thành thị và 80% nhân dân khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

c. Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại: 90% tiêm chích an toàn và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có nguy cơ; triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng các thuốc thay thế.

d. Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 90% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc tư vấn và điều trị dự phòng tại các tuyến; 80% bệnh nhân AIDS tại cộng đồng được điều trị bằng các thuốc ARV.

đ. Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu được sàng lọc HIV/AIDS trước khi truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

e. Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS: 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có khả năng tự đánh giá và tự dự báo về diễn biến của nhiễm HIV/AIDS ở địa phương, tiến hành được các xét nghiệm nhanh HIV; 100% các địa phương thực hiện xét nghiệm HIV tuân thủ quy trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện.

3. Các giải pháp chủ yếu:

a. Về xã hội

- Tăng cường sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, cụ thể:

+ Các đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến rộng rãi đến toàn dân hiểu rõ về Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản dưới Luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

+ Từng bước hoàn thiện các chế độ, chính sách trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, người nhiễm HIV và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

+ Bảo đảm bình đẳng về giới, có các chính sách đặc thù cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng hoặc bị nhiễm HIV/AIDS và người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt khó khăn hoặc khi người bệnh AIDS tử vong. Đến năm 2010, hoàn thiện cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi nhiễm HIV/AIDS, người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt khó khăn tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.

- Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện, coi công tác phòng chống HIV/AIDS là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Lồng ghép các chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình xoá đói giảm nghèo, đặc biệt chú trọng việc lồng ghép có hiệu quả với chương trình phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS, khuyến khích các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội, từ thiện, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhóm cộng đồng, kể cả bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi HIV/AIDS, nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại một cách đồng bộ. Các biện pháp triển khai phải phù hợp với tình hình thực tế và có các biện pháp hạn chế tối đa các mặt trái nảy sinh.

b. Về chuyên môn kỹ thuật

- Củng cố và phát triển hệ thống chăm sóc, điều trị, hỗ trợ toàn diện; Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS; tổ chức triển khai theo dõi đánh giá các hoạt động chăm sóc y tế.

- Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh; Củng cố chương trình tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại các tuyến theo Quyết định 647/QĐ-BYT ngày 22/02/2007 của Bộ y tế; Khuyến khích tổ chức tư nhân thành lập phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại cộng đồng;

- Bảo đảm an toàn truyền máu và chế phẩm của máu; an toàn trong các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội có liên quan đến máu; điều trị và chăm sóc người bị nhễm HIV/AIDS

- Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thực hiện quản lý sớm thai nghén để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm các thai phụ nhiễm HIV; Tăng cường công tác phòng,chống nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục.

c. Nâng cao năng lực quản lý và tăng cường nguồn lực

- Đầu tư về kinh phí, nhân lực, vật lực và tăng cường về tổ chức bộ máy cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ tham gia chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến để nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới trong công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

- Củng cố các mối quan hệ hợp tác đã có, tìm kiếm các khả năng hợp tác mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

4. Về kinh phí thực hiện chương trình (từ nay đến 2010)

- Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi :

4.000.000.000đ

- Can thiệp tác hại:

2.484.000.000đ

- Chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS :

1.700.000.000đ

- Giám sát HIV/AIDS, theo dõi đánh giá chương trình :

1.360.000.000đ

- Tiếp cận điều trị AIDS:

4.150.000.000đ

- Phòng lây truyền mẹ con:

860.000.000đ

- Quản lý và điều trị nhiễm khuẩn qua đường tình dục:

1.800.000.000đ

- An toàn truyền máu:

520.000.000đ

- Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế:

970.000.000đ

Tổng cộng:

17. 844. 000. 000đ

( Mười bảy tỷ, tám trăm bốn mươi bốn triệu đồng)

Trong đó:

- Kinh Phí địa phương:             3.380.000.000đ

- Kinh phí Trung ương:            6.586.000.000đ

- Kinh phí dự án:                     7.878.000.000đ

Điều 2. Giao Ủy ban nhân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này; hàng năm báo cáo trước Hội đồng nhân tỉnh về tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khoá IV, kỳ họp lần thứ 8 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UB thường vụ QH;
- Chính phủ;
- Bộ Y tế
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản);
- BTV Tỉnh uỷ;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Văn phòng TU, các ban Đảng
- Văn phòng HĐND, VP UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành; đoàn thể tỉnh;
- UBND, HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh (02 bản);
- Lưu VP, CP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần An Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 17/2007/NQ-HĐND về Chương trình phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2007 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp thứ 8 ban hành

  • Số hiệu: 17/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Trần An Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản