Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/2015/NQ-HĐND

Tuy Hòa, ngày 25 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DANH MỤC, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂNSẢN XUẤT VÀ DỊCH VỤ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN XÃ, GIAI ĐOẠN 2016-2020 THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNHPHÚ YÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13/4/2011 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 02/12/2013 về việc sửa đổi một số điều của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC;

Sau khi xem xét Tờ trình số 164/TTr-UBND, ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh về việc quy định danh mục và định mức hỗ trợ cho các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã, giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này “Danh mục, định mức hỗ trợ các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã, giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2016.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa VI, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2015./. 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Việt

 

DANH MỤC, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ

CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ DỊCH VỤ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN XÃ, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNHPHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 167/2015/NQ-HĐND, ngày 25/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

I. Mục tiêu, đối tượng, điều kiện, các hoạt động hỗ trợ

1. Mục tiêu

Thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập của người dân để các xã thực hiện đạt yêu cầu về tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10) và tiêu chí Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên (tiêu chí số 12) trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

2. Đối tượng hỗ trợ

Các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại/gia trại, tổ chức (Hợp tác xã, tổ hợp tác) trên địa bàn các xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên.

3. Điều kiện hỗ trợ (các đối tượng hỗ trợ tham gia):

- Thực hiện xây dựng, nhân rộng những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn.

- Triển khai thực hiện các phương án, dự án để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển dịch vụ, ngành nghề nông thôn không gây ô nhiễm môi trường.

- Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các phương án, dự án để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nêu trên phải phù hợp với định hướng quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của xã, của vùng và phải được cơ quan, đơn vị có chức năng phê duyệt là mô hình, dự án, phương án thuộc đối tượng tham gia được hỗ trợ kinh phí hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay.

- Các nội dung quy định tại Nghị quyếtnày, nếu có văn bản khác của cấp có thẩm quyền cùng điều chỉnh thì đối tượng áp dụng chỉ được hưởng mức cao nhất của một trong các chính sách hiện hành.

4. Các hoạt động (nội dung) hỗ trợ

- Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Các hoạt động được hỗ trợ bao gồm: Tập huấn; chi phí mua giống cây trồng/vật nuôi; chi phí mua vật tư, thiết yếu; chi phí mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị phục vụ ngành trồng trọt, chăn nuôi, ngành thủy sản, nghề muối, ngành nghề nông thôn; chi phí nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến ra diện rộng.

- Hỗ trợ thực hiện các phương án/dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, dưới hình thức hỗ trợ lãi suất vốn vay. Các hoạt động được hỗ trợ lãi suất vốn vay là: Chi phí mua giống, vật tư, phân bón, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.

II. Hoạt động (nội dung) và mức hỗ trợ

1. Xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất

1.1. Chi tổ chức tập huấn:

1.1.1 Danh mục được hỗ trợ: Tổ chức tập huấn các nội dung về kỹ năng sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, cung cấp những kiến thức về chính sách, thị trường và quản lý trong kinh tế, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

1.1.2 Mức chi hỗ trợ:

a) Đối với người sản xuất:

a.1) Người nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn 70.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại tỉnh; 50.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại huyện, thị xã, thành phố; 25.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại xã. Hỗ trợ tiền đi lại theo giá giao thông công cộng với mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học xa nơi cư trú từ 15km trở lên; đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng thanh toán theo mức khoán 150.000 đồng/người/khóa học.

Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ. Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

a.2) Người nông dân sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại 50% theo mức quy định tại tiết a.1 điểm a khoản này.

Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 50% chi phí.

a.3) Doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực khuyến nông được hỗ trợ 50% chi phí tài liệu học khi tham dự đào tạo.

b) Đối với người hoạt động khuyến nông khi tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo được hỗ trợ:

- Người hoạt động khuyến nông hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học.

Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

- Người hoạt động khuyến nông không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chỗ ở cho người học theo mức quy định tại tiết a.1 điểm a khoản này.

c) Chi bồi dưỡng giảng viên thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

1.2. Chi phí mua cây, con giống hoạt động xây dựng mô hình:

1.2.1. Trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản:

a) Danh mục được hỗ trợ:

- Nhóm cây lương thực và cây có bột: Trồng lúa nước: Lúa thuần, lúa lai; trồng sắn mì; trồng bắp: bắp thuần, bắp lai; trồng các loại khoai.

- Nhóm cây thực phẩm: Trồng các loại rau và dưa theo tiêu chuẩn VietGap, tre lấy măng, nấm (các loại).

- Nhóm cây ăn quả: Trồng các loại cây: chuối; chanh, cam, bơ, đu đủ, mãng cầu ta, mận, xoài, mít.

- Nhóm cây công nghiệp ngắn ngày: Trồng các cây họ đậu, mía, mè; trồng bông (bông vải): Bông thuần, Bông lai.

- Nhóm cây công nghiệp dài ngày: Trồng cà phê, chè, hồ tiêu, cao su.

- Nhóm cây hoa: Trồng hoa Lay - ơn, cúc, lily, mai, quất, các loại cây cảnh

- Nhóm cây lâm nghiệp: Trồng cây bạch đàn, keo các loại.

- Nhóm thủy sản nước ngọt: Cá chình, cá bống, cá lăng, lươn, chạch, ba ba, rùa, cá lóc, cá rô phi, cá rô đồng, cá sặc rằn, cá thác lát, cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép, cá trê, ếch, cua đồng.

- Thủy sản nước mặn, lợ:

+ Nhóm giáp xác: Tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, tôm đất), cua xanh, ghẹ.

+ Nhóm cá: Cá mú, cá chẽm, cá bớp (đù), cá hồng, cá chim, cá măng, cá dìa, cá giò, cá đối, cá ngựa.

+ Nhóm ốc: Ốc hương, ốc nhảy, sò huyết, hàu, tu hài, vẹm, trai.

+ Nhóm nhuyễn thể: Hải sâm, bào ngư.

+ Nhóm rong: Rong sụn, rong nho, rong câu chỉ vàng, rong mức, rong đỏ.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% chi phí mua giống.

1.2.2. Chăn nuôi:

a) Danh mục được hỗ trợ:

- Nhóm gia súc: Chăn nuôi heo theo hướng VietGap, nuôi heo rừng lai, chăn nuôi bò thịt.

- Nhóm gia cầm: Chăn nuôi gà các loại an toàn sinh học, chăn nuôi vịt, ngan an toàn sinh học, nuôi chim yến, nuôi bồ câu, nuôi chim cút.

- Động vật hoang dã được phép nuôi: Ong, tằm, thỏ, cầy hương, hươu, nai, sóc, dúi, nhím, dông, rắn, dế, trùn quế và một số danh mục động vật rừng thông thường khác được phép nuôi theo quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT, ngày 25/9/2012 của Bộ Nông Nghiệp và PTNT Quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường.

b) Mức hỗ trợ:

- Trâu, bò: Hỗ trợ chi phí mua 3 triệu đồng/ con. Hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh nhân tạo, phối giống.

- Heo: Hỗ trợ chi phí mua 500.000 đồng/ con. Hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh nhân tạo, phối giống.

- Gia cầm, động vật hoang dã được phép nuôi: Hỗ trợ 50% chi phí mua con giống.

1.3. Chi phí mua vật tư thiết yếu hoạt động xây dựng mô hình:

a) Danh mục được hỗ trợ: Thuốc (thú y, bảo vệ thực vật), thức ăn, phân bón, chế phẩm có nguồn gốc sinh học để phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, sản xuất nông - lâm - thủy sản.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 20% chi phí mua vật tư thiết yếu các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

1.4. Chi phí mua các loại máy, thiết bị hoạt động xây dựng mô hình:

1.4.1. Trồng trọt:

a) Danh mục được hỗ trợ: Máy làm đất; hệ thống tưới; máy chăm sóc (bón phân, phun thuốc, xới, vun gốc); máy thu hoạch; máy gieo, trồng; máy bơm nước; các loại máy khác trực tiếp phục vụ ngành trồng trọt.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30% nhưng không quá 30 triệu đồng/ mô hình.

1.4.2. Chăn nuôi:

a) Danh mục được hỗ trợ: Thiết bị cung cấp nước uống, thức ăn, dọn vệ sinh; hệ thống xử lý chất thải; làm mát; máy thái, xay, ép, nghiền, trộn thức ăn; máy bơm điện; máy thu hoạch cỏ; máy ấp trứng; các loại máy khác trực tiếp phục vụ ngành chăn nuôi.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30% nhưng không quá 40 triệu đồng/mô hình.

1.4.3. Thủy sản, nghề muối:

a) Danh mục được hỗ trợ:

- Ngành thủy sản: Máy sục khí; hệ thống xử lý nước; hệ thống cung cấp oxy; hệ thống cho ăn tự động; Thiết bị, công cụ khai thác và bảo quản sản phẩm trên biển gần bờ, xa bờ và tuyến đảo; các loại máy khác trực tiếp phục vụ ngành thủy sản.

- Nghề muối: Hệ thống phủ bạt che mưa và bạt lót trên sân kết tinh muối, thiết bị bảo quản muối.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30% nhưng không quá 40 triệu đồng/mô hình.

1.5. Hỗ trợ nhân rộng mô hình trình diễn, điển hình tiên tiến:

a) Danh mục được hỗ trợ: Hỗ trợ thực hiện cho các hoạt động gồm thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, hội nghị đầu bờ.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí cho từng mô hình nhưng không quá 10 triệu đồng/ mô hình.

2. Hỗ trợ lãi suất vốn vay để thực hiện các phương án/dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn

a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư mua giống, vật tư, phân bón, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn:

- Lãi suất và thời điểm tính hỗ trợ: Lãi suất được tính theo thời điểm và được tính từ ngày giải ngân vốn vay

b) Mức hỗ trợ:

+ Hỗ trợ 60% lãi suất vốn vay trong năm đầu và 30% trong năm thứ 2 cho các mức vốn vay không quá 500 triệu đồng;

+ Hỗ trợ 30% lãi suất vốn vay trong năm đầu cho các mức vốn vay trên 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ.

III. Nguồn vốn thực hiện:

1. Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất: Bố trí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương phân bổ hàng năm;

2. Hỗ trợ lãi suất vốn vay để thực hiện các phương án/dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn: Ngân sách huyện, thị xã, thành phố cân đối bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các địa phương lồng ghép từ các nguồn lực khác có cùng mục tiêu (vốn sự nghiệp khuyến nông, các Chương trình, dự án trong và ngoài nước tài trợ…) để thực hiện.

Các quy định khác không nêu trong Nghị quyết này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 02/12/2013 và Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 167/2015/NQ-HĐND về danh mục, định mức hỗ trợ cho các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã, giai đoạn 2016-2020 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 167/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Huỳnh Tấn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản