Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 27/6/2017 của UBND thành phố về Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung sau:

I. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng, phát triển du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, bền vững, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Chú trọng phát triển du lịch biển, đảo theo chiều sâu, có chất lượng cao; mang đậm bản sắc về vùng đất, con người Hải Phòng.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

* Phấn đấu đến năm 2020:

- Đón 8 triệu lượt khách, tốc độ tăng trung bình 8,2%/năm.

- Tổng doanh thu du lịch đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trung bình 8,9%/năm.

- Đầu tư và đưa vào sử dụng: Cầu cảng đón tàu du lịch biển quốc tế; có thêm 3-5 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao trở lên; xây dựng thêm một số sân golf với khu nghỉ dưỡng cao cấp; nâng tổng số cơ sở lưu trú được xếp hạng là 400 cơ sở với 10.000 phòng; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 50 - 55%. Xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm môi trường sinh thái tại 02 trọng điểm du lịch Cát Bà và Đồ Sơn.

- 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch.

- Xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới đường bộ, trở thành khu du lịch quốc gia.

* Phấn đấu đến năm 2025:

Du lịch Hải Phòng cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Cát Bà trở thành khu du lịch quốc tế, Đồ Sơn trở thành khu du lịch quốc gia.

* Phấn đấu đến năm 2030:

Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước; khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch tới các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và từng người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống tại các khu, điểm du lịch.

Giáo dục, vận động cán bộ công chức, nhất là cán bộ công chức liên quan trực tiếp đến du khách, người dân và thế hệ trẻ tự giác, tích cực trau dồi kiến thức lịch sử, truyền thống văn hóa vùng đất, con người Hải Phòng; tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường, an ninh trật tự; thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật, ứng xử lịch sự, cởi mở, chân thành với khách du lịch; đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.

2. Rà soát, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch đối với lĩnh vực du lịch

Rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đưa Cát Bà trở thành khu du lịch quốc tế.

Xây dựng Quy hoạch chi tiết khu du lịch Đồ Sơn và 5 cụm du lịch: Trung tâm thành phố; Tiên Lãng - Vĩnh Bảo; Đồ Sơn - Kiến Thụy; Thủy Nguyên; An Dương - An Lão.

Quy hoạch và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát triển các làng nghề kết hợp với du lịch.

3. Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch

Đầu tư ngân sách nhà nước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm khai thác hiệu quả lợi thế vận chuyển khách du lịch của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Cải tạo hệ thống đường thủy, nâng cấp các bến thủy nội địa, các điểm neo đậu tàu qua đêm trên biển phục vụ du lịch theo quy hoạch, nhất là trọng điểm du lịch Cát Bà. Đầu tư xây dựng bãi đỗ xe du lịch hiện đại trong thành phố và các trọng điểm du lịch tại đảo Cát Bà, Cát Hải và Đồ Sơn. Xây dựng cầu tàu du lịch quốc tế tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, tạo điều kiện phát triển tàu, thuyền du lịch văn minh, sạch đẹp, an toàn. Xây dựng một số đường, phố đi bộ, vườn hoa đặc sắc gắn với biểu trưng hoa của thành phố “Hoa Phượng Đỏ” để thu hút khách tham quan.

Ưu tiên xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tại 02 trọng điểm du lịch Cát Bà và Đồ Sơn. Thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch.

Phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ khách đặt các dịch vụ. Cung cấp mạng wifi miễn phí tại trung tâm thành phố, khu du lịch Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn và một số điểm tham quan, du lịch khác. Đặt các biển chỉ dẫn du khách tới sân bay, bến cảng, các khu, điểm du lịch trên các tuyến đường, các cửa ô thành phố.

4. Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng

Thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, coi đây là loại hình chủ đạo dẫn dắt, phát triển loại hình du lịch khác: du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp... Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, sớm đưa vào phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Chuẩn hóa và bổ sung một số lễ hội định kỳ, có sức hấp dẫn cao tạo sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch thành phố.

Xây dựng Đề án đẩy mạnh khai thác hiệu quả, làm mới chương trình, tuyến du lịch, kết nối với các dự án du lịch mới được đầu tư; Đề án nhận diện, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Hải Phòng theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, có sức cạnh tranh cao.

Khai thác và phát triển các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, đồ lưu niệm mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất, con người Hải Phòng, phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng thức ẩm thực của khách du lịch (ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn).

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), Công ty Cổ phần Him Lam, Tập đoàn FLC,... đầu tư các dự án phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực Cát Bà, Đồ Sơn, đặc biệt là các dự án về cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp, có thương hiệu quốc gia, quốc tế; đầu tư các trung tâm thương mại hiện đại, khu vui chơi giải trí, một số tổ hợp cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Chú trọng mở thêm các tuyến bay nối sân bay Cát Bi với các sân bay ở các địa phương du lịch trong và ngoài nước

5. Xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch

Khai thác và phát triển các thị trường mục tiêu, cụ thể: khách du lịch nội địa (Hà Nội và các tỉnh, thành khu vực phía Nam; các tỉnh, thành phố có đường bay thẳng tới Hải Phòng); khách du lịch quốc tế (các nước Đông Bắc Á, Nga, Pháp, Anh...). Mở rộng và chú trọng việc liên kết vùng, nhất là đối với 02 trọng điểm du lịch quốc gia Hà Nội, Quảng Ninh.

Xây dựng, đổi mới các công cụ và phương thức quảng bá du lịch theo hướng tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật số hiện đại. Xây dựng cổng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động giới thiệu quảng bá về văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh, các điểm, dịch vụ du lịch Hải Phòng. Chú trọng đến chất lượng các hình thức quảng bá như ấn phẩm, tác phẩm, phóng sự, ký sự...

Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao, hội chợ, hội nghị, hội thảo.

Tổ chức các đoàn khảo sát để tăng cường việc kết nối các chương trình đưa khách về tham quan du lịch Hải Phòng và quảng bá hình ảnh điểm đến. Đồng thời, tổ chức đoàn xúc tiến du lịch và học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển du lịch trong và ngoài nước.

6. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch

Tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng phục vụ trong ngành chuyên nghiệp hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ và tập huấn các kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư nơi phát triển du lịch. Cụ thể:

- Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch với 04 nhóm đối tượng: Cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp; lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp du lịch; hướng dẫn viên du lịch và nhóm cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch.

- Hướng đào tạo phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí của từng bộ phận.

- Chương trình đào tạo: Theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam gắn với nhu cầu thực tiễn tại cơ sở và tình hình phát triển du lịch đặc thù của địa phương.

- Hình thức đào tạo: Kết hợp nhiều hình thức đào tạo, trong đó ưu tiên đào tạo tại chỗ, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả.

Liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo đặt hàng của các doanh nghiệp; khuyến khích tự đào tạo và thu hút nhân tài theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo và có chính sách ưu đãi, khuyến khích đội ngũ giáo viên, chuyên gia giảng dạy trong và ngoài nước tham gia tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch Hải Phòng.

7. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, công tác phối hợp phát triển du lịch

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch; bổ sung nhân sự chuyên trách du lịch tại Phòng Văn hóa Thông tin, xây dựng Trung tâm hỗ trợ du khách; xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển của thành phố; xây dựng, hoàn thiện các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch.

Phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành, địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, văn minh. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố; hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch; Hiệp hội Du lịch và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp chung tay vì sự phát triển du lịch thành phố.

Triển khai Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, văn minh. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của du khách... Mở rộng các điểm cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ khách du lịch. Triển khai đồng bộ, sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, góp phần xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh.

Bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; tổ chức thu gom rác thải trên biển, đảo. Khuyến khích phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường tại các khu du lịch.

8. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Thu hút đầu tư phát triển du lịch bằng đa dạng nguồn vốn xã hội. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Tiếp tục cải cách hành chính, hoàn chỉnh cơ chế, thủ tục quản lý đầu tư, tạo thông thoáng, bình đẳng, giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các thủ tục về đầu tư phát triển du lịch và phát triển các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố.

Khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Hải Phòng, bao gồm:

- Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch (hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực tiếp cận điểm đến; hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà hàng đạt chuẩn phục vụ du lịch).

- Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch, bao gồm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ và sản phẩm du lịch tại các vùng xa thành phố (hỗ trợ nâng cao chất lượng và quản lý sản phẩm, dịch vụ du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng).

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ, nghiên cứu phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch (hỗ trợ hoạt động lữ hành, phát triển thị trường khách du lịch; hỗ trợ quảng bá xúc tiến và phát triển thị trường du lịch).

- Cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

9. Xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới, trở thành khu du lịch quốc gia

Thực hiện tốt việc quy hoạch và đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí có nhiều loại hình, khu chức năng, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng hiện đại được liên kết, khai thác đồng bộ, bền vững tại đảo Cát Bà như: thủy cung, khách sạn cao cấp 6 sao, hệ thống sân golf và các khu vui chơi, giải trí liên hoàn...theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng Quy chế quản lý giao thông trên đảo với mục đích không sử dụng các phương tiện giao thông có động cơ đốt trong hoạt động, chỉ sử dụng cáp treo và các loại xe điện làm phương tiện giao thông chủ yếu trên đảo để đưa đón khách du lịch. UBND thành phố thỏa thuận với nhà đầu tư xây dựng phương án cụ thể để thực hiện việc miễn phí sử dụng phương tiện giao thông đối với người dân sinh sống trên đảo.

Thực hiện tốt cơ chế quản lý quy hoạch, quản trị đầu tư, khai thác, kinh doanh các dịch vụ du lịch trên toàn bộ quần đảo Cát Bà nhằm bảo đảm không phá vỡ quy hoạch và khai thác đồng bộ, hiệu quả.

III. Nguồn lực thực hiện

Nguồn lực thực hiện Nghị quyết bao gồm: ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả, thiết thực, khả thi về hỗ trợ phát triển du lịch Hải Phòng trình Thường trực HĐND thành phố quyết định; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Hải Phòng khoá XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13/7/2017./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban TVQH; CP;
- VP QH, Ban Công tác ĐB, VPQH;
- Bộ VHTT&DL;
- Tổng cục Du lịch;
- TT TU, TT HĐND, UBND TP;
- Đoàn ĐB Quốc hội tại HP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Các Ban HĐND TP;
- Đại biểu HĐND TP Khoá XV;
- Các VP: TU, ĐBQH, HĐND TP, UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- Các Huyện ủy, Quận ủy,
- Thường trực HĐND, UBND các Q, H;
- Báo HP, Đài PT&TH HP, Cổng TTĐTTP;
- Công báo TP;
- CVP, các PVP HĐND TP;
- CV VP HĐND TP;
- Lưu VT, Hồ sơ kỳ họp.

CHỦ TỊCH




Lê Văn Thành

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 15/NQ-HĐND năm 2017 về Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 15/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/07/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản