Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146/NQ-HĐND | Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 07 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 47/2012/NQ-HĐND CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ THÔNG QUA ĐỀ ÁN “MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ TĨNH, GIAI ĐOẠN 2013 - 2020”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Thực hiện Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hà Tĩnh;
Sau khi xem xét Tờ trình số 285/TTr-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo số 46/BC-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020” và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020”, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Trong thời gian qua, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020” bước đầu đã đạt được một số mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng được hệ thống dữ liệu, quản lý khá tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch trên địa bàn. Thông qua một số nhóm chính sách phát triển du lịch của Nghị quyết, lồng ghép với một số chương trình, dự án kinh tế khác đã góp phần thay đổi bộ mặt một số khu, điểm du lịch; tạo được điểm nhấn và gây ấn tượng tốt với du khách khi về Hà Tĩnh tham quan, nghỉ dưỡng. Các nhóm chính sách về đất đai, thuế, đào tạo nguồn nhân lực đã góp phần phát triển số lượng cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch có tầm cỡ, chất lượng cao.
2. Tuy vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020” còn nhiều tồn tại, hạn chế:
Việc tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức và thực hiện quyết liệt. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời thể chế hóa Nghị quyết, đến nay ngành chức năng được phân công việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án chưa xây dựng được kế hoạch hướng dẫn cụ thể.
Phân bổ vốn đầu tư cho phát triển du lịch một số nội dung, lĩnh vực không đúng trọng điểm. Nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng dùng chung trong du lịch chưa đồng đều ở các cấp ngân sách, chủ yếu đang dựa vào ngân sách trung ương và tỉnh. Việc tham mưu, lập dự toán và phân bổ kinh phí hàng năm để thực hiện một số chính sách còn chậm. Cách thức tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính của các ban quản lý khu du lịch còn thiếu thống nhất. Công tác quản lý chủ đầu tư, chất lượng cơ sở dịch vụ trong khu du lịch còn buông lỏng; thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh du lịch còn rườm rà, chưa thông thoáng, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Công tác quản lý quy hoạch tại một số khu du lịch biển thiếu chặt chẽ; còn có tình trạng công trình xây dựng kiên cố thiết kế không đúng với quy hoạch chi tiết; có điểm, khu du lịch tuy có tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được quan tâm đầu tư, chưa thu hút được nhiều du khách tham quan, nghỉ dưỡng; diện tích đất được giao khá lớn nhưng sử dụng không hiệu quả. Môi trường ở nhiều điểm, khu du lịch tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, việc xử lý rác và hệ thống nước thải sinh hoạt, nước thải từ dịch vụ du lịch chưa được chú trọng.
Việc triển khai các chính sách quy định tại Đề án chưa đồng bộ, toàn diện, còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách một cách cụ thể; có 2/9 nhóm chính sách chưa được triển khai thực hiện; một số nhóm chính sách cần thiết để phát triển du lịch nhưng chưa được ban hành...
Công tác quản trị kinh doanh, bố trí, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chưa làm tốt khâu phối hợp, quảng bá và hậu mãi cũng như chính sách giảm giá đối với khách du lịch theo tour. Nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực dịch vụ du lịch còn thấp.
Điều 2. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thể chế hóa cụ thể hơn các nội dung Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2020”, tập trung vào một số nội dung sau: Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch thời gian qua, rà soát các nhóm chính sách còn thiếu, chưa sát hoặc không phù hợp, trên cơ sở đó, xác định lại một số giải pháp trọng tâm thực sự thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đã ban hành. Trong đó, cần lưu ý những chính sách ưu tiên mạnh hơn như: cho các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư các sản phẩm du lịch tại Hà Tĩnh; đầu tư phương tiện, hỗ trợ mở các văn phòng đại diện du lịch tại các thành phố lớn trong nước và các nước Thái Lan, Lào để tổ chức các tour nội tỉnh và đón các tour ngoại tỉnh đến Hà Tĩnh.
2. Bố trí nguồn kinh phí hàng năm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển du lịch đã ban hành theo Đề án. Bổ sung kinh phí đầu tư các điểm, khu du lịch đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh và những khu du lịch quan trọng, có giá trị khai thác lớn, tạo được hiệu ứng quảng bá du lịch tốt cho địa phương vào danh mục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch theo Đề án. Trước mắt, ưu tiên bổ sung kinh phí đầu tư các khu du lịch như Khu du lịch sinh thái Hồ Kẻ Gỗ, Khu du lịch biển Lộc Hà, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (Huyện Hương Sơn). Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm, trọng điểm, gây lãng phí ngân sách. Hàng năm việc bố trí kinh phí thực hiện các chính sách phát triển du lịch cụ thể cần theo nguyên tắc chi tiết, trực tiếp đến tận từng đối tượng thụ hưởng chính sách.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, đúng chính sách pháp luật; tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình đầu tư, hoạt động kinh doanh tại các điểm, khu du lịch để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chấm dứt hoạt động đối với những nhà đầu tư hoạt động không đúng với mục tiêu ban đầu của dự án; nhà đầu tư hoạt động không hiệu quả, làm thất thoát, lãng phí tiềm năng du lịch hoặc gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Thu hồi diện tích đất của những doanh nghiệp đã được giao đất nhưng không thực hiện đầu tư theo đúng thời gian quy định.
4. Chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp thực hiện xây dựng các công trình phục vụ du lịch theo đúng quy hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt.
5. Tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc tại Khu du lịch Bắc Thiên Cầm, có kế hoạch kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch tại khu vực này. Đối với các khu du lịch biển cần đặc biệt quan tâm vấn đề xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, nghiêm cấm tình trạng xả thẳng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra môi trường biển.
6. Tổ chức làm việc với Công ty cổ phần nước khoáng và du lịch Sơn Kim Hà Tĩnh để có kế hoạch nâng cấp, mở rộng kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng lợi thế và tập trung khắc phục những tồn tại hiện nay tại Khu du lịch nước sốt Sơn Kim; nghiên cứu để nếu cần thì chuyển nhượng cho các nhà đầu tư có năng lực đầu tư xây dựng khu du lịch này thành nơi nghỉ dưỡng quy mô lớn, thu hút khách du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
7. Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các Ban Quản lý khu du lịch biển: Thiên Cầm, Xuân Thành, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, kiến nghị, đề xuất nêu tại Báo cáo số 46/BC-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Đoàn giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020”.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, Kỳ họp thứ 14 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 04/2010/NQ-HĐND Quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2015 có tính đến năm 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 2Nghị quyết 33/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020
- 3Kế hoạch 869/KH-UBND năm 2015 về Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Nam và chiến lược, nghị quyết, chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2020
- 4Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 5Quyết định 1418/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6Quyết định 2364/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Nghị quyết 04/2010/NQ-HĐND Quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2015 có tính đến năm 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 4Nghị quyết 33/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020
- 5Nghị quyết 118/2014/NQ-HĐND tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hà Tĩnh
- 6Kế hoạch 869/KH-UBND năm 2015 về Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Nam và chiến lược, nghị quyết, chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2020
- 7Chỉ thị 14/CT-TTg năm 2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 9Quyết định 1418/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 10Quyết định 2364/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Nghị quyết 146/NQ-HĐND năm 2015 về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND thông qua Đề án “Một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh, giai đoạn 2013 - 2020"
- Số hiệu: 146/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 17/07/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Võ Kim Cự
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/07/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra