Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/2013/NQ-HĐND | Đồng Tháp, ngày 05 tháng 12 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của
Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Bộ Xây dựng ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 77/2012/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp thông qua Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xét Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc đề nghị thông qua Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo thẩm tra số 55/BC-HĐND ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (kèm theo Đồ án Quy hoạch), với một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Phạm vi lập quy hoạch:
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đồng Tháp, với tổng diện tích tự nhiên 3.376,95 km2.
2. Mục tiêu phát triển:
a) Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tích hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
b) Định hướng tổ chức không gian toàn vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp trong việc lập các dự án quy hoạch chuyên ngành, các chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển. Làm công cụ quản lý kiểm soát phát triển hài hòa và bền vững, tạo cơ hội thu hút đầu tư.
3. Hệ thống các đô thị:
a) Dự báo đô thị toàn vùng: Đến năm 2020: có 23 đô thị; trong đó có 02 đô thị loại II (TP.Cao Lãnh, TP.Sađéc), 07 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V và khoảng 10 trung tâm xã tiếp cận các tiêu chí của đô thị loại 5;
b) Đến năm 2030: có 25 đô thị; trong đó có 01 đô thị loại I (TP.Cao Lãnh), 01 đô thị loại II (TP.Sađéc), 02 đô thị loại III (TX.Hồng Ngự và TX.Mỹ An), 07 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V và phát triển 08 trung tâm xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
4. Hệ thống dân cư nông thôn:
a) Quy hoạch hệ thống dân cư nông thôn được xác định trên điều kiện tự nhiên, đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt ổn định, thuận lợi trong giao thương và sản xuất, từng bước phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, xóa dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.
b) Hệ thống dân cư nông thôn được xây dựng, hoàn chỉnh cùng với chương trình Cụm, Tuyến dân cư kết hợp với các chương trình xây dựng bờ kè tại những nơi xung yếu, bố trí dân cư vùng sạt lỡ, sinh sống ven bờ kênh rạch nhằm tạo thuận lợi trong việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cải tạo cảnh quan nông thôn, vùng sông nước.
c) Phát triển các khu trung tâm (một xã có thể có từ 02 đến 05 khu trung tâm) thành các khu dân cư tập trung, cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cho vùng sản xuất kết hợp khu chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông:
- Giao thông đường bộ:
+ Giao thông đối ngoại: đường Hồ Chí Minh (tuyến N2). Tuyến cao tốc Cần Thơ - Hồ Chí Minh. Các đường Quốc lộ trên địa bàn Tỉnh được Quy hoạch cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường hiện hữu hoặc mở mới với quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp II, cấp III và cấp IV đồng bằng.
+ Giao thông trong tỉnh:
* Tỉnh lộ: hệ thống các tuyến đường tỉnh được Quy hoạch cải tạo nâng cấp hoặc mở mới với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Sau năm 2020 khi nhu cầu giao thông tăng nhanh các tuyến sẽ được nâng cấp tối thiểu đạt chuẩn cấp III đồng bằng;
* Huyện lộ: trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiến hành đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu
* Giao thông nông thôn: kế thừa và phát triển mạng lưới đường hiện có phù hợp với nhu cầu giao thông vận tải trước mắt và tương lai, kết nối liên hoàn với hệ thống đường Quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện.
* Giao thông đô thị: các tuyến đường đô thị được đề cập chi tiết trong các quy hoạch chung thành phố, thị xã, thị trấn, các trung tâm xã. Tổ chức các tuyến liên tỉnh và đi thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức các tuyến giao thông công cộng trên các trục đường chính, thành phố, thị xã, thị trấn huyện lỵ.
- Giao thông đường thủy:
+ Nạo vét, bảo dưỡng thường xuyên luồng tàu chạy, duy trì mực nước tĩnh không thông thuyền. Nâng cấp và xây mới các đường dẫn từ các điểm tập trung đến các trục đường bộ và đường thủy chính. Trang bị phao tiêu tín hiệu, cải thiện chất lượng dịch vụ đem lại hiệu quả cao trong vận tải thủy.
+ Đầu tư, phát triển các tuyến đường thủy chính: kênh Lấp Vò - Sa Đéc, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Nguyễn Văn Tiếp,..
+ Hệ thống cảng: Cảng Trần Quốc Toản, Cảng Sa Đéc, Cảng xăng dầu Trần Quốc Toản, Cảng Phong Hòa, Cảng Hồng Ngự, Khu bến Lấp Vò...
b) Cấp nước:
Nguồn nước: thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và các huyện trong khu vực sông Tiền và sông Hậu dùng nguồn nước mặt sông Tiền và sông Hậu (nước ngầm dùng dự phòng). Các huyện còn lại giai đoạn đầu sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ.
c) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn – nghĩa trang:
- Dự báo tổng lượng nước thải toàn tỉnh đến năm 2020: 179.956 m³/ngày, đến năm 2030: 264.914 m³/ngày. Tổng lượng rác thải toàn tỉnh đến năm 2020: 1.767 tấn/ngày, đến năm 2030: 2.441 tấn/ngày.
- Định hướng quy hoạch:
* Thoát nước thải: đối với các đô thị cũ, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, trước mắt ưu tiên cho các đô thị lớn như thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự. Đối với các đô thị mới hình thành bắt buộc quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải riêng để xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường trước khi dẫn vào môi trường tự nhiên.
* Chất thải rắn: tăng cường năng lực thu gom vận chuyển rác thải, thực hiện phân loại rác tại nguồn, trước mắt áp dụng phân loại tại nguồn cho đô thị thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc.
* Nghĩa trang: tiếp tục thực hiện phù hợp theo Quy hoạch hệ thống nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đã được duyệt trong năm 2011.
d) Cấp điện:
Nâng cấp cải tạo, đề xuất xây dựng thêm các trạm 110kV tại Châu Thành, Thạnh Hưng, Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Hồng Ngự, An Long.
đ) Định hướng bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu:
- Các dự án đầu tư xây dựng đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chi tiết để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Về các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH): xây dựng kế hoạch ứng phó BĐKH, dành nhiều diện tích cho cây xanh và mặt nước giúp tăng khả năng thoát nước của các đô thị, và tăng cường khả năng điều hòa vi khí hậu.
- Các giải pháp kỹ thuật ưu tiên để bảo vệ môi trường: Đối với các khu quy hoạch xử lý chất thải, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ xử lý tái chế tiên tiến thân thiện môi trường.
- Kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên diện rộng.
6. Chương trình dự án hạ tầng kỹ thuật ưu tiên đầu tư:
a) Xây dựng đường vành đai thành phố Cao Lãnh; Xây dựng tuyến Quốc lộ từ thành phố Cao Lãnh đi Quốc lộ 1A; Xây dựng tuyến QL30B, QL80B; Xây dựng tuyến Quốc lộ N1 từ thị xã Hồng Ngự đi thị trấn Thường Thới (dự kiến).
b) Đầu tư cải tạo chỉnh trang cảnh quan ven sông đối với các nhánh sông, kênh rạch đi qua đô thị; Xây dựng dự án kè sông Tiền, sông Hậu tại các khu vực đô thị; Từng bước đầu tư xây dựng các bến cảng tại các đô thị dọc sông Tiền nơi có mật độ tập trung dân cư cao và là đầu mối giao thương buôn bán của vùng.
c) Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các đô thị từ loại III trở lên và tại các đô thị là trung tâm vùng và các tiểu vùng. Từng bước đầu tư hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các nơi khác.
d) Xây dựng các trạm 110/22Kv đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho các tiểu vùng. Cải tạo nâng công suất các trạm biến thế 220/110 KV, 110/22KV hiện hữu, xây dựng mới trạm 220kV cho các đô thị và khu công nghiệp tập trung.
đ) Dự án nhà máy cấp nước tại thị xã Hồng Ngự, thị trấn Mỹ An. Đầu tư nâng cấp nhà máy nước tại thành phố Cao Lãnh. Xây dựng các tuyến ống phân phối nước sạch cho các đô thị.
e) Xây dựng tuyến ống nước thải và xử lý nước thải tại thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, thị trấn Mỹ An. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại vùng Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự. Đầu tư xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch hệ thống nghĩa trang của Tỉnh.
g) Chương trình khôi phục và phát triển rừng phòng hộ biên giới. Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn. Bảo tồn rừng Quốc gia Tràm Chim, khu di tích Gò Tháp, các khu vực rừng đặc dụng.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2013 và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 2014 về Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030
- 3Nghị quyết 140/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 4Thông tư 07/2008/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 03/2008/QĐ-BXD quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 6Quyết định 1581/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 470/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị quyết 77/2012/NQ-HĐND thông qua Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 9Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 10Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 2014 về Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030
- 11Nghị quyết 140/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Nghị quyết 142/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 142/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 05/12/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Lê Vĩnh Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra