Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/NQ-CP | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2025 |
PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 01 NĂM 2025
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 07 tháng 01 năm 2025 về: dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
QUYẾT NGHỊ:
1. Về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đáp ứng các yêu cầu sau:
- Dự án Luật cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ bao gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương như Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... và giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương.
- Rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bao quát, toàn diện, chặt chẽ, thể hiện đúng vị trí, chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Hiến pháp.
- Phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trong đó lưu ý xác định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn không phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn cần đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền; đồng thời, quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, ủy quyền làm cơ sở pháp lý để Chính phủ quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.
2. Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương trong thời gian ngắn đã xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Thống nhất sự cần thiết ban hành Luật để cụ thể hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp và thể chế hoá các chủ trương, đường lối trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, sự chủ động của chính quyền địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật theo hướng:
- Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương: căn cứ quy định của Hiến pháp, cần hoàn thiện theo hướng phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Đối với mô hình tổ chức chính quyền ở hải đảo, nghiên cứu quy định nguyên tắc, căn cứ tình hình thực tế Chính phủ quy định việc tổ chức chính quyền cấp xã phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
- Về nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương: việc quy định chức năng của các cấp chính quyền phải phù hợp với vị trí, vai trò của mỗi cấp được quy định trong Hiến pháp, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, qua đó tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn.
- Về quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương: không đưa nội dung này vào dự án Luật, việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định trong các luật chuyên ngành phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.
3. Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hóa tư tưởng đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan; thẩm định dự án Luật để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025, đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:
- Thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định số 178-QĐ/TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 12918-CV/VPTW ngày 06 tháng 01 năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
- Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trình dự án luật trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật; không nhất thiết phải thông qua luật tại 02 kỳ họp.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
- Rà soát, xác định những quy định của Luật hiện hành còn phù hợp, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số đồng tình, ủng hộ, thực hiện có hiệu quả để kế thừa, quy định tại dự thảo Luật; những nội dung sửa đổi, bổ sung cần được thuyết minh, giải trình đầy đủ, rõ ràng, có số liệu, lập luận để bảo đảm tính thuyết phục; việc đề xuất chính sách mới cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của quy định; tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy của Việt Nam.
Về một số nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm sự đồng thuận cao về những nội dung cơ bản, quan trọng của dự án Luật, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Về đổi mới Chương trình lập pháp của Quốc hội: Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện Chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội và việc tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi quy trình xây dựng Chương trình lập pháp hằng năm để bảo đảm tính khả thi; đồng thời có giải trình, thuyết minh cụ thể để tạo sự thống nhất, đồng thuận từ phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
- Về đổi mới trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh: Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, quy định hợp lý các loại văn bản quy phạm pháp luật phải xây dựng chính sách, bảo đảm rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu và tổ chức thực hiện. Rà soát kỹ quy trình xem xét, thông qua luật để bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan, tổ chức trình dự án luật với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chủ trì thẩm tra; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phản biện nội dung dự thảo luật; xác định đúng vị trí, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình này, bảo đảm thông suốt trong quá trình thực hiện; không “tuyệt đối hóa” vai trò của cơ quan, tổ chức trình dự án luật, tránh dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn: Chính phủ cơ bản thống nhất sự cần thiết bổ sung một số trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xử lý những vấn đề khẩn cấp, cấp bách phát sinh trên thực tiễn. Bộ Tư pháp rà soát, quy định rõ các trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện và bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
- Về bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật: Chính phủ thống nhất việc bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ để xử lý một hoặc một số vấn đề cụ thể phát sinh từ thực tiễn, áp dụng cho một hoặc một số đối tượng trong khoảng thời gian nhất định và quy định thí điểm một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời quy định quy trình riêng cho hình thức Nghị quyết này, bảo đảm ban hành nhanh, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Về việc phân định rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy: Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước và các văn bản liên tịch; đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương thì giao Chính phủ quy định chi tiết. Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật” để thể chế hóa yêu cầu của Bộ Chính trị về việc tăng cường ban hành các đạo luật đa ngành, luật để giải quyết một số vấn đề cụ thể của thực tiễn.
- Về giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Tư pháp rà soát kỹ các trường hợp giải thích, thẩm quyền giải thích, hình thức văn bản giải thích và quy trình ban hành văn bản giải thích để bảo đảm tính khả thi, tránh kéo dài thời gian giải quyết, xử lý vấn đề thực tiễn phát sinh.
- Về việc thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật: Bộ Tư pháp nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp, luật, trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và một số quy định đặc thù cần phải cụ thể hóa vai trò, quy trình xin ý kiến cấp ủy Đảng (nếu cần thiết); những nội dung khác thực hiện theo quy định cụ thể tại Quy định số 178-QĐ/TW.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.
4. Về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật và trình Chính phủ bảo đảm thời gian, tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, thể chế hóa đầy đủ 03 nội dung Chính sách được Chính phủ thông qua và đạt được sự thống nhất cao của các Thành viên Chính phủ.
Chính phủ thống nhất thông qua hồ sơ dự án Luật do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ tại Phiên họp này; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành các Nghị quyết về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết theo hướng:
- Xác định tên gọi các bộ, cơ quan phù hợp với quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Về cơ cấu thành viên Chính phủ, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Phó Thủ tướng Chính phủ; số lượng cụ thể các Phó Thủ tướng Chính phủ được xác định căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng giai đoạn.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ tại Phiên họp, hoàn thiện hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục quy định; trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kịp thời rà soát, chuẩn bị Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “cùng một lúc thực hiện song song các bước trong quy trình chung” đến sắp xếp tổ chức bộ máy; thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức bộ máy mới trong toàn hệ thống sau khi sắp xếp được bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không để khoảng trống pháp lý, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Tư pháp về các chính sách do Bộ Tư pháp trình. Giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, rà soát các giải pháp của từng chính sách; tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ để hoàn thiện, cụ thể như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết: bao gồm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm cả các cơ quan trong hệ thống chính trị: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,...) và các văn bản hành chính do cơ quan có thẩm quyền ban hành để bảo đảm áp dụng Nghị quyết này ở tất cả các cơ quan nhà nước, thống nhất thực hiện trong thực tiễn từ trung ương đến địa phương.
- Chính sách 1: Ban hành quy định cụ thể để xử lý một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy: bổ sung nguyên tắc chung bảo đảm việc thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia không bị gián đoạn do quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, có quy định hướng dẫn để bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp áp dụng thống nhất khi Nghị quyết có hiệu lực, như: có ví dụ minh họa đối với các trường hợp xử lý các nội dung khi có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền; có quy định yêu cầu cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.
- Chính sách 2: Ban hành quy định về trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan liên quan để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền ngoài các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết và một số nội dung cần chuyển tiếp liên quan đến áp dụng và thực hiện pháp luật sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy: tạo cơ chế “thông thoáng” để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh chưa được dự liệu tại Nghị quyết và cho phép Chính phủ ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các cơ quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ khác với quy định tại luật, pháp lệnh hiện hành trong giai đoạn sau sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, quy định cụ thể thời hạn trong vòng 03 tháng sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy phải ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế ban hành một văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật (như một nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định; thông tư sửa đổi, bổ sung nhiều thông tư,...) và thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian thực hiện.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị quyết, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo hoàn thiện xây dựng Nghị quyết này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết 174/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 240/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Nghị quyết 14/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 14/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 18/01/2025
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Lê Thành Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/01/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra