Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2006/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 21 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HOÁ, THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 7

(Từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 7 năm 2006)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

Sau khi xem xét Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 03/7/2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2006 - 2010 thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá xã hội Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về tình hình và kết quả thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2001 - 2005.

Hội đồng nhân dân thành phố tán thành nội dung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao giai đoạn 2001 - 2005 tại Tờ trình và Đề án của Uỷ ban nhân dân thành phố, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

- Công tác xã hội hoá đã huy động được khá lớn nguồn lực của toàn xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao; phát triển đa dạng các hoạt động công lập, ngoài công lập, tạo ra nhiều loại hình dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; bước đầu đã hình thành những mô hình mới, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hoá.

- Tuy vậy, quy mô và tốc độ xã hội hoá còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của các lĩnh vực, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới; xã hội hoá không đồng đều giữa các ngành, địa phương; quản lý nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập còn bất cập; chất lượng các sản phẩm dịch vụ và phục vụ của các cơ sở ngoài công lập, nhất là các cơ sở thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế chưa cao, có lúc, có nơi còn chạy theo lợi nhuận, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về xã hội chưa đầy đủ: còn nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước; coi xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân; giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao là phúc lợi do nhà nước đầu tư; cơ chế, chính sách về xã hội hoá chưa đồng bộ và đầy đủ, chưa tạo được hành lang pháp lý để đẩy mạnh xã hội hoá.

Điều 2. Quan điểm, mục tiêu đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao giai đoạn 2006 - 2010.

1. Quan điểm:

- Xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao là tất yếu khách quan, chính sách lâu dài của Đảng và Nhà nước. Thực hiện xã hội hoá là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cá nhân và toàn xã hội. Tiếp tục tăng cường đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này, đồng thời tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội hoá, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ cho vùng xa, hải đảo, trợ giúp cho những người thuộc diện chính sách xã hội và người nghèo.

- Xã hội hóa là vừa huy động nguồn lực toàn xã hội để phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, vừa là để mọi người dân được tham gia đóng góp, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động và được thụ hưởng các thành quả trong các lĩnh vực này. Khuyến khích tối đa sự tham gia của người dân, của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội. Đồng thời, tăng cường quản lý các nguồn vốn của nhà nước trong quá trình chuyển đổi các cơ sở công lập sang ngoài công lập.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục- đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao; tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả của các lĩnh vực này.

- Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2010, tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, văn minh, hiện đại trước năm 2020, một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao mạnh của vùng Duyên hải Bắc bộ và cả nước.

b) Mục tiêu đến năm 2010:

- Giáo dục - đào tạo: Chuyển từng bước các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục; các trường mầm non ở ngoại thành có bước chuyển đổi phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương; tỷ lệ học sinh ở các trường ngoài công lập so với tổng số học sinh đến trường phấn đấu đạt như sau: Nhà trẻ: 80% trẻ, mẫu giáo: 75% học sinh, trung học phổ thông: 40% học sinh, trung học chuyên nghiệp: 30% học sinh, đại học và cao đẳng: 40% sinh viên; thành lập trung tâm học tập cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Chuyển phần lớn cơ sở dạy nghề công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập và cơ sở dạy nghề hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ trong hệ thống các trường dạy nghề do thành phố quản lý đạt tỷ lệ như sau: Cơ sở dạy nghề ngoài công lập: 40%, cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ: 40%; học sinh học nghề dài hạn ngoài công lập 40%, cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích: 25%; học sinh học nghề ngắn hạn ngoài công lập: 40%, cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích: 35%; tăng mọi nguồn lực cho phát triển đào tạo nghề, phấn đấu tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn khác lên 75%; qui mô tuyển sinh đào tạo trung cấp nghề và cao đẳng nghề đạt 8.000 - 10.000 học sinh/năm, đào tạo sơ cấp nghề đạt 15.000 học sinh/năm.

- Y tế: Phấn đấu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; phấn đấu chuyển hầu hết các cơ sở y tế công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ; các cơ sở y tế ngoài công lập (bệnh viện, phòng khám tư nhân, bác sĩ gia đình) tăng thêm 1,5 đến 2 lần hiện nay, đáp ứng được trên 20% nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; có cơ chế khuyến khích phát triển từ 1 đến 2 bệnh viện tư nhân và 1 bệnh viện quốc tế trên địa bàn thành phố.

- Văn hoá: Khuyến khích các hoạt động sáng tạo văn hoá nghệ thuật, sưu tầm, phát huy và phát triển các loại hình di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của Hải Phòng; xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển văn hoá; phát động toàn dân tham gia xây dựng nếp sống văn hoá của người Hải Phòng trên các mặt giao tiếp, ứng xử, lối sống, nếp nghĩ, tác phong làm việc... Chuyển toàn bộ các cơ sở công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm văn hoá thành phố, tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển thiết chế văn hoá cơ sở, phong trào văn nghệ quần chúng; sắp xếp lại 5 đoàn nghệ thuật công lập hiện nay, hình thành: Nhà hát Sân khấu truyền thống công lập trên cơ sở sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật: Cải lương, Chèo và Múa rối. Kiện toàn tổ chức, đầu tư nâng cao chất lượng Đoàn Kịch nói và Đoàn Ca múa, từng bước chuyển sang loại hình ngoài công lập.

- Thể dục thể thao: Chuyển toàn bộ các cơ sở thể dục thể thao công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích hoặc ngoài công lập; đảm bảo diện tích đất cho các công trình thể dục thể thao đạt bình quân 3m2/người; phát triển phong trào thể thao quần chúng, huy động tỷ lệ dân số có tham gia hoạt động thể dục thể thao đạt 45%, trong đó tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 25%; thể thao thành tích cao tập trung đầu tư cho 15 môn thể thao trọng điểm; từng bước tạo lập và phát triển thị trường dịch vụ thể dục thể thao; khuyến khích phát triển các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập, các hiệp hội hoặc liên đoàn thể dục thể thao; khuyến khích chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao, trước mắt là bóng đá.

Điều 3. Giải pháp chủ yếu đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao đến năm 2010.

1. Tổ chức tốt công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, dạy nghề, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị và toàn thể nhân dân, xoá bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại vào nhà nước.

2. Khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, làm căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện xã hội hoá, các bước đi thích hợp chuyển đổi các cơ sở bán công sang dân lập hoặc tư thục, cơ sở công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ hoặc sang loại hình ngoài công lập. Công khai quy hoạch ngành để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, ưu tiên lĩnh vực đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao, trước hết là giáo dục đào tạo, y tế, sản xuất dược phẩm và trang thiết bị y tế, dạy nghề.

3. Tăng cường đầu tư ngân sách cùng với các nguồn huy động khác cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.

Tăng chi ngân sách thường xuyên hàng năm cho các lĩnh vực này tương ứng với tỷ lệ tăng thu ngân sách địa phương, đảm bảo tăng kinh phí cho chế độ, chính sách mới ban hành. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đảm bảo tỷ lệ đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm không thấp hơn năm trước và tăng theo tỷ lệ tương ứng trên cơ sở tập trung cho các dự án trọng điểm, dự án có hiệu quả cao, không dàn trải, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều khó khăn. Quản lý nguồn vốn đầu tư chặt chẽ, đúng mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả.

Thành phố hỗ trợ đầu tư ban đầu có thời hạn cho các cơ sở công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập, hỗ trợ và khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ phi lợi nhuận.

4. Tiến hành đánh giá, tổng kết lại các cơ chế, chính sách thành phố đã ban hành, các loại hình xã hội hoá, trên cơ sở đó nghiên cứu áp dụng một số cơ chế cụ thể về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, chính sách thuế, chính sách huy động và sử dụng vốn, nhân lực.

5. Hoàn thiện các quy định về mô hình, quy chế hoạt động của các đơn vị ngoài công lập theo hướng: Quy định trách nhiệm, mục tiêu hoạt động, nội dung chất lượng dịch vụ, sản phẩm và cơ chế hoạt động; quy định chế độ tài chính, trách nhiệm thực hiện chính sách, nghĩa vụ xã hội của các tổ chức hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và áp dụng cơ chế doanh nghiệp đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế lợi nhuận.

6. Tăng cường và đổi mới công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao.

- Đối với các đơn vị công lập, đẩy mạnh đổi mới theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế viên chức và tài chính, bình đẳng với các đơn vị ngoài công lập theo quy định của pháp luật.

- Đơn giản hoá các thủ tục hành chính, trình tự giải quyết trong việc thành lập các cơ sở ngoài công lập trên cơ sở hướng dẫn chi tiết điều kiện thành lập, điều kiện hành nghề và cơ chế hậu kiểm.

- Nghiên cứu xây dựng và từng bước thực hiện chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do nhà nước đặt hàng, khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế nếu có đủ điều kiện được bình đẳng tham gia đấu thầu.

- Thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh và triển khai đồng bộ cơ chế “Một cửa”, phối hợp liên ngành một cách hữu hiệu; phân cấp mạnh mẽ, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở.

- Xây dựng qui chế kiểm tra chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở công lập và ngoài công lập nhằm tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ giữa việc ban hành chính sách với việc đảm bảo quyền lợi thụ hưởng, quan tâm đến các đối tượng chính sách xã hội, người có công, người cao tuổi, trẻ em và người nghèo.

7. Có lộ trình, bước đi thích hợp, tổ chức chỉ đạo điểm việc chuyển đổi mô hình; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xã hội hoá, động viên, khen thưởng kịp thời, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu.

Điều 4. Tổ chức thực hiện:

- Giao Uỷ ban nhân dân thành phố cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, để thực hiện và chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.

- Uỷ quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc áp dụng các chế độ chính sách theo luật định và lộ trình thực hiện báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất.

- Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

 Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tích cực động viên các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2006.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 14/2006/NQ-HĐND về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao giai đoạn 2006-2010 do thành phố Hải Phòng ban hành

  • Số hiệu: 14/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 21/07/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản