Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/2015/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 07 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 11 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Tài chính số 49/2009/TT-BTC ngày 12 tháng 3 năm 2009 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Thông tư số 28/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 02 năm 2014 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Thông tư số 42/2014/TT-BTC ngày 08 tháng 4 năm 2014 ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

Sau khi xem xét Tờ trình số 48/Tr-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa; Báo cáo thẩm tra số 276/BC-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa theo Tờ trình số 48/Tr-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên gọi của quỹ: Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa.

2. Địa vị pháp lý: Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa là tổ chức tài chính Nhà nước của tỉnh; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển. Quỹ đầu tư có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

3. Nguyên tắc hoạt động

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn.

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.

4. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa.

4.1. Huy động vốn:

a) Quỹ được huy động vốn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Nguồn vốn huy động là nguồn vốn trung và dài hạn (là các nguồn vốn có thời hạn trả nợ từ 01 năm trở lên).

- Hình thức huy động vốn theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ.

- Đảm bảo giới hạn huy động vốn theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ.

- Thẩm quyền huy động vốn thực hiện theo quy định tại Quy chế huy động vốn và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

b) Quỹ xây dựng Quy chế huy động vốn trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt. Quy chế huy động vốn phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Mục đích huy động vốn;

- Các nguồn vốn và hình thức huy động;

- Quy trình xây dựng và thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn từ các nguồn theo quy định của pháp luật;

- Kế hoạch quản lý và sử dụng vốn huy động;

- Kế hoạch và trách nhiệm trả nợ lãi, gốc khi đến hạn.

c) Giới hạn huy động vốn: Tổng mức vốn huy động tối đa bằng 6 lần vốn chủ sở hữu của Quỹ tại cùng thời điểm.

4.2. Đầu tư trực tiếp vào dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Đối tượng đầu tư theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

- Điều kiện đầu tư và phương thức đầu tư áp dụng theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

- Hình thức đầu tư:

+ Đầu tư theo các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng hợp tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo quy định của pháp luật đầu tư.

+ Tìm kiếm dự án, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư sau đó thực hiện đầu tư, hoặc chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư khác thực hiện đầu tư.

- Việc đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

- Thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

4.3. Cho vay đầu tư:

- Đối tượng cho vay, lãi suất cho vay, quy định về cho vay hợp vốn thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

- Điều kiện cho vay, thẩm quyền quyết định cho vay đầu tư, thời hạn cho vay, bảo đảm tiền vay, phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư, xử lý rủi ro, thẩm quyền xử lý rủi ro thực hiện theo quy định tại các điều 12, 13, 14, 16, 18, 19, 20 của Nghị định số 138/2007/NĐ- CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

4.4. Góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế.

- Hình thức góp vốn, thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

- Thẩm quyền quyết định góp vốn thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

4.5. Nhận ủy thác và ủy thác:

a) Nhận ủy thác:

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được nhận ủy thác: quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư và thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư cho các công trình, dự án từ ngân sách nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa với tổ chức, cá nhân ủy thác.

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được nhận ủy thác quản lý hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; quỹ phát triển đất và các quỹ tài chính địa phương khác do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập. Việc ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được hưởng phí dịch vụ nhận ủy thác. Mức phí cụ thể được thoả thuận và ghi trong hợp đồng nhận ủy thác.

b) Ủy thác:

- Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được ủy thác cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện cho vay và thu hồi nợ một số dự án thuộc đối tượng vay vốn của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa thông qua hợp đồng ủy thác giữa Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa với tổ chức nhận ủy thác.

- Các tổ chức nhận ủy thác được hưởng phí dịch vụ ủy thác. Mức phí cụ thể được thoả thuận và ghi trong hợp đồng ủy thác.

4.6. Giới hạn đầu tư:

a) Giới hạn đầu tư trực tiếp vào các dự án tối đa bằng 50% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa tại thời điểm thực hiện.

b) Giới hạn cho vay:

- Giới hạn cho vay đối với một dự án không được vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện và không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Trường hợp Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa thực hiện đồng thời đầu tư trực tiếp và cho vay đối với một dự án thì tổng giới hạn đầu tư trực tiếp và cho vay không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện.

- Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu của Quỹ.

c) Giới hạn đầu tư góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế tối đa bằng 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa tại thời điểm thực hiện.

d) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế có quy định về giới hạn cho vay, đầu tư trực tiếp khác với quy định của Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thì thực hiện theo các quy định tại thỏa thuận đã ký kết với nhà tài trợ.

4.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác:

Các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng không trái với quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và các văn bản pháp luật liên quan.

5. Trách nhiệm và quyền hạn của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa.

5.1. Trách nhiệm:

- Thực hiện đầu tư trong phạm vi kế hoạch và cơ cấu đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

- Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích.

- Thực hiện đúng chế độ kế toán, thống kê và báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo luật định; cung cấp số liệu, công bố công khai về tình hình tài chính theo quy định của pháp luật.

- Mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

5.2. Quyền hạn:

- Tổ chức hoạt động phù hợp với mục tiêu và phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư và phát triển địa phương theo quy định của Nghị định 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

- Được lựa chọn các dự án có hiệu quả phù hợp với kế hoạch và cơ cấu đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh để quyết định đầu tư. Trường hợp đặc biệt do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Được tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đào tạo lao động và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

- Được từ chối mọi yêu cầu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào về việc cung cấp thông tin và các nguồn lực khác của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa, nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật và trái với Điều lệ tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa.

- Được liên hệ với các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan trên địa bàn để tìm kiếm, xây dựng các dự án đầu tư.

- Được mời và tiếp các đối tác đầu tư, kinh doanh nước ngoài, được cử cán bộ và nhân viên của Quỹ ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan, khảo sát theo quy định của Pháp luật.

6. Vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa.

Vốn hoạt động của Quỹ bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động.

6.1. Vốn chủ sở hữu của Quỹ bao gồm:

a) Vốn điều lệ thực có.

b) Quỹ dự phòng tài chính.

c) Quỹ đầu tư phát triển

d) Các nguồn vốn hợp pháp khác của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

6.2. Vốn huy động:

Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa được huy động các nguồn vốn trung và dài hạn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm:

- Vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước. Việc vay vốn ngoài nước thực hiện theo quy định của pháp luật về vay nợ nước ngoài;

- Phát hành trái phiếu Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo quy định của pháp luật;

- Các hình thức huy động vốn trung và dài hạn khác theo quy định của pháp luật.

7. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa.

Quỹ đầu tư phát triển Thanh hóa tổ chức theo mô hình hoạt động độc lập. Tổ chức bộ máy của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và Bộ máy điều hành.

8. Cơ chế quản lý tài chính: Thực hiện theo Thông tư số 28/2014/TT- BTC ngày 25/02/2014 của Bộ Tài chính.

Điều 2.

1. Phê duyệt phương án cấp vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, trong đó năm 2015 bố trí 100 tỷ từ nguồn sắp xếp nhiệm vụ chi và nguồn tăng thu năm 2015, và 50 tỷ còn lại được bố trí trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2016.

2. Chấp thuận danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh (có phụ lục kèm theo).

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này quyết định thành lập Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa, phê duyệt điều lệ hoạt động của Quỹ và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2015./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VP CTN, VPCP;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND; UBND;
- Đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các Đoàn thể cấp tỉnh;
- TTr HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI ƯU TIÊN ĐƯỢC ĐẦU TƯ TỪ QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THANH HÓA
(Kèm theo Nghị quyết số 128/2015/NQ-UBND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Thanh Hóa)

Số TT

Danh mục dự án

1

2

I

CÁC DỰ ÁN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG, NĂNG LƯỢNG, MÔI TRƯỜNG

1

Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường liên huyện, liên xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

2

Đường giao thông từ ngã ba Voi đi thị xã Sầm Sơn - Giai đoạn 2.

3

Đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa - Giai đoạn 2.

4

Đầu tư xây dựng các điểm dừng chân trên các tuyến đường tỉnh.

II

CÁC DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP, CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ

1

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp số 3 - KKT Nghi Sơn.

2

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.

III

CÁC DỰ ÁN NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1

Nâng cấp và mở rộng cảng cá Lạch Hới.

IV

CÁC DỰ ÁN XÃ HỘI HÓA HẠ TẦNG XÃ HỘI

1

Đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

2

Xây dựng nhà trung chuyển phục vụ tái định cư tạm thời cho công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

3

Hạ tầng đô thị Bỉm Sơn.

4

Hạ tầng đô thị Tĩnh Gia.

5

Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa khu vực Tĩnh Gia.

6

Đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

V

CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (cơ sở 2)

2

Bến xe trung tâm thành phố Thanh Hóa và bến xe 06 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

3

Hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

4

Các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

5

Hệ thống xử lý nước thải KKT Nghi Sơn

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu, khả năng cân đối và huy động nguồn lực của tỉnh.