Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/NQ-HĐND

Đắk Nông, ngày 02 tháng 08 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA III, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

Căn cứ Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-BKHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;

Xét Tờ trình số 2880/TTr-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc đề nghị thông qua Đề án Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua các nội dung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm

- Phát triển NNUDCNC tỉnh Đắk Nông gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và quy hoạch tổng thể phát triển ngành và địa phương của tỉnh.

- Phát triển NNUDCNC tỉnh Đắk Nông tập trung vào nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao là thế mạnh của tỉnh, vì mục tiêu hiệu quả kinh tế là chính.

- Phát triển NNUDCNC trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của địa phương, lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại kết hợp công nghệ truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

- Phát triển NNUDCNC trên cơ sở phát huy sự tham gia của lực lượng nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, các thành phần kinh tế, trong đó chủ thể hạt nhân là các doanh nghiệp.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Hình thành các vùng NNUDCNC theo tiêu chí của Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ với các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh. Góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh Đắk Nông phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành, nâng cao thu nhập nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn đến năm 2020

+ Hình thành 03 vùng NNUDCNC.

+ Dự kiến giá trị sản xuất NNUDCNC đến năm 2020 chiếm từ 5-7% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

+ Dự kiến đến năm 2020 ít nhất có 03 doanh nghiệp NNUDCNC.

-Giai đoạn 2021-2025

+ Hình thành và phát triển 20 vùng NNUDCNC, nâng tổng số vùng lên 23 vùng vào năm 2025.

+ Đưa giá trị sản xuất NNUDCNC đến năm 2025 chiếm từ 20-25% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

+ Dự kiến đến năm 2025 có thêm 3-4 doanh nghiệp NNUDCNC.

- Giai đoạn 2026-2030

+ Hình thành và phát triển thêm 20 vùng NNUDCNC, nâng tổng số lên 43 vùng vào năm 2030. Đưa giá trị sản xuất NNUDCNC đến năm 2030 chiếm từ 35 - 40% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

+ Dự kiến đến năm 2030 ít nhất có 10 doanh nghiệp NNUDCNC.

- Giai đoạn 2031 - 2035

+ Hình thành và phát triển thêm 12 vùng NNUDCNC mới, nâng tổng số lên 55 vùng NNUDCNC vào năm 2035.

+ Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm ít nhất 60-70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

3. Nội dung quy hoạch

a) Lựa chọn đối tượng

- Các đối tượng là sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng của tỉnh: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả; chăn nuôi: bò, heo, gia cầm; thủy sản: nuôi cá nước ngọt;

- Một số đối tượng là đặc thù của các huyện: (1) rau: có thị trường tiềm năng, một số huyện như Tuy Đức, Đắk Song, Đắk R’lấp hiện nay đã có quy hoạch vùng rau UDCNC; (2) lúa; (3) ngô: lúa, ngô là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Krông Nô; (4) đậu tương: là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Cư Jút.

b) Lựa chọn địa bàn và quy mô

- Địa bàn

+ Thị xã Gia Nghĩa: gồm cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi bò.

+ Huyện Đăk G’long: gồm cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, nuôi cá nước ngọt.

+ Huyện Cư Jút: gồm hồ tiêu, chăn nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, đậu tương.

+ Huyện Đắk Mil: gồm cà phê, cây ăn quả, sản xuất giống thủy sản.

+ Huyện Krông Nô: gồm cà phê, ngô, chăn nuôi bò, lúa.

+ Huyện Đắk Song: gồm cà phê, hồ tiêu, rau củ quả.

+ Huyện Đăk R’lấp: gồm cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi heo, gia cầm.

+ Huyện Tuy Đức: gồm cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, rau củ quả.

- Quy mô

Định hướng đến năm 2035, quy mô diện tích NNUDCNC trên địa bàn tỉnh khoảng 30.000 ha.

c) Phát triển vùng NNUDCNC tỉnh Đắk Nông đến năm 2035

- Từ nay đến năm 2035, dự kiến quy hoạch 55 vùng đủ điều kiện để xây dựng đạt tiêu chí NNUDCNC tại 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 28.636 ha. Cụ thể như sau:

+ 17 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) với diện tích 15.600 ha;

+ 11 vùng hồ tiêu UDCNC với diện tích 6.420 ha;

+ 02 vùng ngô UDCNC với diện tích 600 ha;

+ 06 vùng cây ăn quả UDCNC với diện tích 1.800 ha;

+ 02 vùng nuôi trồng thủy sản UDCNC cá nước ngọt ao hồ nhỏ 450 ha;

+ 01 vùng sản xuất giống thủy sản UDCNC 20 ha;

+ 05 vùng nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC 2.226 ha;

+ 03 vùng nuôi heo UDCNC 230 ha;

+ 01 vùng nuôi gia cầm UDCNC 60 ha;

+ 03 vùng rau UDCNC 630 ha;

+ 01 vùng lúa UDCNC 400 ha;

+ 01 vùng đậu tương UDCNC 200 ha;

+ 02 vùng nuôi cá nước ngọt cá lồng (800 lồng) UDCNC.

- Phát triển vùng NNUDCNC trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025

+ Vùng cà phê UDCNC: dự kiến quy hoạch 06 vùng với tổng diện tích 4.500 ha, sản lượng 13.300 tấn.

+ Vùng hồ tiêu UDCNC: dự kiến quy hoạch 05 vùng với tổng diện tích 2.500 ha, sản lượng 9.500 tấn.

+ Vùng cây ăn quả UDCNC: dự kiến quy hoạch 03 vùng với tổng diện tích 900 ha, gồm: 01 vùng sầu riêng chuyên canh UDCNC tại các xã: Đức Mạnh, Thuận An, Đức Minh, Đắk Sắk (huyện Đắk Mil) diện tích 300 ha; 01 vùng xoài UDCNC tại xã Đắk R’la và xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) diện tích 300 ha; 01 vùng cây ăn quả (sầu riêng, xoài, bơ, chanh dây, cây có múi) UDCNC tại các xã: Quảng Khê, Quảng Sơn và Đắk Ha (huyện Đắk G’long) diện tích 300 ha.

+ Vùng giống thủy sản nước ngọt UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng sản xuất cá giống tại xã Đức Minh (huyện Đắk Mil) với diện tích 20 ha, sản lượng dự kiến 300-400 triệu con cá giống/năm.

+ Vùng nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa UDCNC xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) với diện tích 1.226 ha, số lượng đàn đạt 22.000 con.

+ Vùng nuôi heo UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng chăn nuôi heo UDCNC xã Ea Pô (huyện Cư Jút) diện tích 100 ha.

+ Vùng chăn nuôi gia cầm UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng chăn nuôi gia cầm NNUDCNC xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp với diện tích 60 ha.

+ Vùng lúa UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng lúa UDCNC tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô) diện tích 400 ha. Năng suất lúa UDCNC trung bình/năm đến năm 2025 đạt 7 tấn/ha, sản lượng dự kiến 56.000 tấn/năm.

+ Vùng rau, củ, quả UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng rau, củ, quả UDCNC tại xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức) diện tích 200 ha. Năng suất rau UDCNC trung bình/vụ đến năm 2025 đạt 27 tấn/ha.

+ Vùng ngô giống, vùng đậu tương UDCNC: dự kiến quy hoạch 01 vùng ngô giống UDCNC tại xã Đức Xuyên (huyện Krông Nô) với diện tích 300 ha, sản lượng đạt 900 tấn; 01 vùng đậu tương UDCNC tại xã Nam Dong (huyện Cư Jút) với diện tích 200 ha, năng suất bình quân 2,7 tấn/ha.

- Phát triển vùng NNUDCNC trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035

Tiếp tục thực hiện 23 vùng NNUDCNC của giai đoạn 2018-2025 và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Phát triển thêm 32 vùng NNUDCNC mới; dự kiến đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh hình thành 55 vùng NNUDCNC với các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, lúa, ngô, heo, bò, gia cầm, thủy sản.

+ Vùng cà phê UDCNC: giai đoạn 2026-2035 quy hoạch thêm 11 vùng cà phê UDCNC với tổng diện tích 11.100 ha. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 07 vùng, diện tích 6.200 ha; giai đoạn 2031-2035 quy hoạch thêm 04 vùng với diện tích 4.900 ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện: Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’Lấp, Krông Nô.

+ Vùng tiêu UDCNC: giai đoạn 2026-2035 quy hoạch thêm 06 vùng tiêu UDCNC với tổng diện tích 3.620 ha. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 04 vùng, diện tích 1.820 ha; giai đoạn 2031-2035 quy hoạch thêm 02 vùng với diện tích 1.800 ha. Tập trung tại các huyện: Đắk G'long, Đăk R'lấp, Đắk Song, Tuy Đức.

+ Vùng ngô UDCNC: giai đoạn 2026-2030 quy hoạch thêm 01 vùng ngô UDCNC tại xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô với diện tích khoảng 300 ha.

+ Vùng cây ăn quả UDCNC: giai đoạn 2026-2035 quy hoạch thêm 02 vùng cây ăn quả UDCNC với diện tích 600 ha. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 01 vùng, diện tích 300 ha; giai đoạn 2031-2035 quy hoạch thêm 01 vùng, diện tích 300 ha. Tập trung tại các huyện: Đắk R'lấp và Đắk Song.

+ Vùng nuôi trồng thủy sản UDCNC: giai đoạn 2026-2035 quy hoạch thêm 04 vùng nuôi trồng thủy sản UDCNC. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 01 vùng nuôi cá lồng tại xã Ea Pô (hồ thủy điện Sêrêpôk 3,4), huyện Cư Jút quy mô 200 lồng; 01 vùng nuôi thủy sản nước ngọt ao hồ xã Đắk Ha, Quảng Khê, Quảng Sơn (huyện Đắk G’long) với diện tích 250 ha; giai đoạn 2031-2035 quy hoạch 01 vùng thủy sản nước ngọt UDCNC tại xã Ea Pô, xã Nam Dong (huyện Cư Jút) diện tích 200 ha, 01 vùng nuôi cá lồng trên sông UDCNC tại xã Buôn Choáh, Đắk Rồ, Quảng Phú (huyện Krông Nô) quy mô 600 lồng.

+ Vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC: giai đoạn 2026-2035 quy hoạch thêm 04 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC với diện tích 1.000 ha. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 03 vùng, gồm 01 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa với diện tích 100 ha, 01 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC xã Đắk R’tih, Quảng Tâm, Quảng Tân, Quảng Trực (huyện Tuy Đức) với diện tích 250 ha; 01 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC xã Quảng Sơn, xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long); giai đoạn 2031-2035 quy hoạch thêm 01 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản UDCNC xã Cư Knia, xã Đắk D’rông (huyện Cư Jút) với diện tích 300 ha.

+ Vùng chăn nuôi heo UDCNC: giai đoạn 2026-2035 quy hoạch thêm 02 vùng chăn nuôi heo UDCNC với tổng diện tích 130 ha. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 01 vùng có diện tích đạt 80 ha (35 cơ sở, 60.000 con/lứa) tại xã Đắk Sin, xã Hưng Bình (huyện Đắk R'lấp); giai đoạn 2031-2035 quy hoạch thêm 01 vùng với diện tích 50 ha (25-30 cơ sở, 30.000 con/lứa) tại xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nam Bình, Nâm N’Jang (huyện Đắk Song).

+ Vùng rau UDCNC: giai đoạn 2026-2035, dự kiến quy hoạch thêm 02 vùng rau UDCNC, trong đó 01 vùng tại xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nam Bình (huyện Đắk Song) với tổng diện tích là 150 ha; 01 vùng rau tại xã Đắk Wer và xã Kiến Thành (huyện Đắk R'lấp) với diện tích 280 ha.

4. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về thông tin tuyên truyền

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện chương trình phát triển NNUDCNC đến năm 2030, tầm nhìn 2035.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận tổ quốc, đoàn thể về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Mở chuyên trang, chuyên mục về NNUDCNC trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông, các đài Phát thanh - Truyền hình huyện, thị xã.

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các tầng lớp nhân dân xác định phát triển NNUDCNC là khâu then chốt nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về áp dụng tiêu chí NNUDCNC, vùng NNUDCNC; tuyên truyền việc áp dụng các thành tựu nghiên cứu, các mô hình canh tác NNUDCNC có hiệu quả; tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp quy mô quốc gia và quốc tế.

- Vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp; tuân thủ các quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; canh tác, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh cao.

- Tuyên truyền quảng cáo về phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm NNUDCNC là thế mạnh của tỉnh; về các chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh.

b) Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

- Xây dựng quy hoạch chi tiết vùng NNUDCNC, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống đặc trưng địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất NNUDCNC (chủ yếu là sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, chỉ đầu tư đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu).

c) Tích tụ đất đai tại các vùng NNUDCNC

Trong điều kiện của tỉnh Đắk Nông, cần áp dụng các hình thức tích tụ ruộng đất như sau:

- Tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua liên kết với doanh nghiệp hình thành nên chuỗi giá trị hàng nông sản.

- Tích tụ ruộng đất qua hình thức liên kết hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.

- Tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển kinh tế hộ trang trại.

d) Giải pháp về cơ chế chính sách

Thực hiện ưu đãi theo quy định của Luật Công nghệ cao; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách ưu đãi khác của tỉnh Đắk Nông.

đ) Giải pháp đào tạo nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực NNUDCNC

- Hợp đồng, hợp tác với các chuyên gia, các nhà khoa học và chuyên gia quản lý có trình độ cao trong và ngoài nước.

- Đào tạo nghiệp vụ ngắn và trung hạn về quản lý sản xuất, chuyên môn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp (cây, con) và nuôi trồng thủy sản theo hướng UDCNC cho cán bộ và kỹ thuật viên tham gia phục vụ trong mạng lưới khu, vùng NNUDCNC.

- Tuyển chọn sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo dài hạn trong và ngoài nước (được đài thọ toàn phần hay một phần học phí) nhằm hình thành đội ngũ chuyên viên, chuyên gia về công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế tạo máy móc phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển NNUDCNC.

- Tổ chức các hình thức chuyển giao tri thức và hướng dẫn công nghệ nhằm giúp người sản xuất am hiểu và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

- Ưu tiên sử dụng lao động là người dân địa phương tự nguyện trả đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp vào dự án NNUDCNC.

- Đào tạo nguồn nhân lực lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án ODA.

e) Giải pháp về dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao

- Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ NNUDCNC gắn với quy hoạch vùng NNUDCNC, dựa trên nhu cầu sản xuất của vùng.

- Xây dựng mô hình điểm về trung tâm ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Gia Nghĩa: nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, dịch vụ tư vấn, vật tư thiết bị, máy móc phục vụ NNUDCNC.

- Thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ: chính sách ưu đãi về đất đai, đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực, hỗ trợ lãi suất vốn vay tín dụng, hỗ trợ phát triển nghiên cứu, UDCNC, hỗ trợ tuyên truyền, quảng cáo phát triển thị trường dịch vụ...

g) Giải pháp về nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật

- Những năm trước mắt, khi khu NNUDCNC chưa đi vào hoạt động, cần phát huy vai trò của các đơn vị sự nghiệp khoa học như: Trung tâm giống Thủy sản, Trung tâm khuyến nông cấp tỉnh, Trạm khuyến nông cấp huyện, Trung tâm Thông tin và ứng dụng Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ)... để đáp ứng nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.

- Đề xuất, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ.

- Phối hợp các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương và của tỉnh trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ khoa học công nghệ do tỉnh quản lý, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ và nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ ủy quyền cho địa phương quản lý thực hiện với các dự án phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ mới, đổi mới nâng cấp dây chuyền công nghệ.

- Tập trung cho nghiên cứu, lai tạo, nhập nội giống mới có ưu thế vượt trội, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy trình canh tác, chăn nuôi thâm canh ứng dụng đồng bộ công nghệ cao; công nghệ cao trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến đóng gói nông sản đảm bảo tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn GAP, HACCP.

h) Giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phân loại sản phẩm theo kích cỡ, màu sắc; ứng dụng phát triển công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản; công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi quy mô tập trung; công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả; công nghệ chế biến sâu; công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản.

i) Giải pháp về mở rộng mối liên kết và quan hệ hợp tác

Hỗ trợ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, tập trung trên một số lĩnh vực sau:

- Tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, trong đó hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản) để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện đại và bền vững.

- Trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp NNUDCNC nước ngoài. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ cao. Mời các chuyên gia công nghệ cao nước ngoài tham gia tư vấn, nghiên cứu, giảng dạy, thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình NNUDCNC.

- Tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam, thông qua các chương trình dự án, đặc biệt từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu thập, nắm bắt thông tin, bí quyết công nghệ cao.

- Thực hiện tốt các dự án ODA trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển NNUDCNC.

- Tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học với địa phương, đơn vị của tỉnh trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển NNUDCNC.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh vùng Tây Nguyên; thành phố Hà Nội,... trong sản xuất NNUDCNC gắn với tiêu thụ sản phẩm.

k) Giải pháp về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

- Xây dựng các chuỗi (từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ) cho các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, bò thịt, lợn, gia cầm và thủy sản an toàn chất lượng cao tại các vùng NNUDCNC. Hình thành liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học). Nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ theo các đơn đặt hàng từ nhu cầu thị trường.

- Tiến tới có một hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc cấp tỉnh về sản phẩm NNUDCNC.

l) Giải pháp về quản lý nhà nước

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thông tin dự báo định hướng sản xuất gắn với thị trường và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Xây dựng và ban hành các quy định về quản lý sản xuất NNUDCNC và an toàn thực phẩm. Xây dựng và thực hiện tiêu chí mới trong xác định diện tích ứng dụng NNCNC đồng bộ để đề xuất chính sách và lộ trình hình thành các vùng sản xuất ứng dụng NNCNC.

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra cá nhân và các cơ sở sản xuất ứng dụng NNCNC về sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật đáp ứng quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ: Tập huấn cho các doanh nghiệp, cá nhân về các quy định, tiêu chuẩn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,...; hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác, nuôi trồng đối với từng cây trồng, vật nuôi, thủy sản thuộc đối tượng ưu tiên sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

- Thực hiện tốt công tác xây dựng các mô hình sản xuất NNUDCNC đồng bộ theo đối tượng ưu tiên về công nghệ, cây trồng, vật nuôi, khả năng nhân rộng trong sản xuất và thị trường tiêu thụ.

m) Chế tài, khuyến khích thực hiện quy hoạch

Có quy định chế tài cụ thể trong triển khai thực hiện quy hoạch, khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch. Có chế độ khuyến khích người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

5. Nguồn lực thực hiện

Tổng vốn đầu tư cho phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2035 dự kiến khoảng 7.836,62 tỷ đồng. Trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 28,3%. Tuy nhiên vốn đầu tư được đề xuất để thực hiện đề án ứng dụng công nghệ cao nằm trong vốn đầu tư của đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sẽ thực hiện sau khi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được HĐND tỉnh thông qua.

Đây mới chỉ là mức vốn khái toán, vốn không phải đầu tư ngay như những chương trình, dự án khác mà thực tế trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp, các hộ, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt được các tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sau khi được tỉnh thẩm định từng hạng mục thì mới được hỗ trợ theo các hạng mục đó.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh. Chỉ đạo lập và phê duyệt các dự án vùng NNUDCNC, các dự án đầu tư thành phần theo thẩm quyền.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông Khóa III, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc Hội; Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, NN&PTNT, KHĐT;
- Ban Công tác đại biểu;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ VN tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Ban đảng Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh;
- Vp: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã;
- Báo Đắk Nông, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo Đắk Nông;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT, TH, TT-DN, HC-TC-QT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Lê Diễn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2018 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 12/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 02/08/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Lê Diễn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản