Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2022/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ PHÂN BỔ NGUỒN LỰC VÀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH CẤP TỈNH, TỶ LỆ VỐN ĐỐI ỨNG CỦA NGÂN SÁCH CẤP HUYỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM VỮNG CHẮC QUỐC PHÒNG - AN NINH Ở CÁC XÃ, THÔN, BẢN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO GẮN VỚI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật đầu tư công năm 2019; Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đầu tư công;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 6070/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 181/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Chương trình) như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về cơ chế phân bổ, huy động, lồng ghép nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình; là căn cứ để phân bổ vốn đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước của Chương trình cho các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước; đồng thời là căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

3. Nguồn lực thực hiện chương trình

Nguồn vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) và các nguồn lực huy động hợp pháp để thực hiện mục tiêu của chương trình.

4. Nguyên tắc phân bổ nguồn lực

a) Tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b) Bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ là vốn mồi, kích hoạt, tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu có sức lan tỏa để thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và không làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Việc phân bổ nguồn vốn phải trên cơ sở Đề án, Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt (theo phân cấp), phải đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ tính toán, dễ áp dụng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các nguồn lực thực hiện Chương trình; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” ngay từ khâu đề xuất nhiệm vụ, xây dựng đề án, xác định nhu cầu, lập dự toán, thẩm định, phân bổ vốn; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

d) Ưu tiên bố trí vốn: Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; địa bàn xã biên giới, xã đảo gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới, trong đó ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, các địa bàn còn thiếu hụt cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hỗ trợ nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn còn thấp ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quan trọng, cần thiết, cấp bách về giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi, nước sinh hoạt (chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng cấp nước sinh hoạt nhằm mục tiêu tỷ lệ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%); các công trình giao thông chiến lược, kết nối liên vùng, liên huyện, liên xã ... phù hợp với mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 -2025 để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu bền vững; Hỗ trợ các huyện, xã trong kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025 phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.

đ) Thống nhất đầu mối quản lý các chương trình về mục tiêu, cơ chế, chính sách của Chương trình theo hướng tỉnh chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phổ biến điển hình; địa phương chịu trách nhiệm quản lý nguồn lực, tổ chức thực hiện. Nâng cao năng lực thực thi chính sách của cấp huyện và cấp xã.

e) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các sở, ngành và địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình trên cơ sở nội dung, định hướng, lĩnh vực cần ưu tiên, phù hợp với đặc thù, điều kiện, tiềm năng lợi thế từng địa phương, từng vùng theo quy định của pháp luật; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực đảm bảo công khai, minh bạch, cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng nguồn lực. cấp xã là cấp tổ chức thực hiện. Người dân là chủ thể, là trọng tâm quyết định sự thành công trong tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất.... Thực hiện có hiệu quả cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

g) Nguồn vốn phân bổ hằng năm của Chương trình phải phù hợp với kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng cân đối ngân sách; ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các chương trình, dự án chuyển tiếp từ kế hoạch năm trước sang năm sau. Phân bổ vốn kế hoạch hằng năm cho các sở, ngành, địa phương thực hiện Chương trình theo kết quả giải ngân của năm trước năm kế hoạch; ưu tiên phân bổ cho các địa phương, các dự án, nhiệm vụ của Chương trình bảo đảm tiến độ giải ngân để tạo điều kiện sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Căn cứ vào nguồn vốn được phân bổ, các địa phương phải cân đối bố trí tối thiểu 30% tổng nguồn vốn Chương trình cho nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất cho cả giai đoạn.

5. Tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện nhận hỗ trợ

a) Tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện hàng năm tối thiểu: bằng 5% tổng ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình đối với địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách cấp tỉnh từ 80% trở lên; bàng 20% đối với địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh từ 60% đến dưới 80%; bằng 50% đối với địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh dưới 60% và huyện Vân Đồn.

Tỷ lệ và danh sách các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách cấp tỉnh được căn cứ dự toán ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh giao hàng năm.

b) Các địa phương phải chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng trong năm kế hoạch theo quy định, khi phân bổ kế hoạch năm sau, ngân sách tỉnh sẽ trừ tương ứng với số vốn đối ứng còn thiếu của địa phương.

6. Cơ chế hỗ trợ của ngân sách tỉnh

a) Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, hàng năm ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai Chương trình, mức vốn bổ sung có mục tiêu được xác định sau khi đã bố trí cho các dự án trong Chương trình thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh và được phân bổ cho các địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ được quy định tại Điểm b Khoản này.

b) Tiêu chí, định mức phân bổ:

b.1. Tiêu chí, hệ số đối với xã:

(1) Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn còn thấp; xã trong kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Hệ số 1,0

(2) Hệ số khu vực đặc thù: Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được nhân hệ số 1,5 lần; riêng các xã đảo thuộc huyện Cô Tô được nhân hệ số 2,0 lần so với hệ số phân bổ cho các đối tượng tại mục (1) nêu trên.

b.2. Tiêu chí, hệ số phân bổ cho các huyện:

(1) Các huyện vừa đạt chuẩn nông thôn mới (Ba Chẽ, Bình Liêu) và huyện đảo Cô Tô: Hệ số 4,0; Các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Hệ số 1,0; Các huyện trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Hệ số 2,0;

(2) Hệ số khu vực đặc thù: Các huyện miền núi, biên giới (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và huyện đảo nhân hệ số 1,5 lần; riêng huyện có trên 5 xã dân tộc thiểu số và miền núi nhân hệ số 2,0 cho các đối tượng tại mục (1) nêu trên.

Tỉnh không hỗ trợ cho các địa phương tự cân đối ngân sách (Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều).

b.3. Cách tính mức vốn phân bổ cho từng địa phương:

Mức vốn ngân sách tỉnh phân bổ cho từng địa phương

=

Tổng mức hỗ trợ bổ sung có mục tiêu

x

Hệ số phân bổ của từng địa phương

Tổng hệ số phân bổ của tất cả các địa phương nhận hỗ trợ

c) Cơ chế hỗ trợ đối với các dự án, nhiệm vụ cụ thể

- Đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% các dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa trên địa bàn trên địa bàn các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020. Đối với các dự án còn lại, ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí xây dựng và chi phí thiết bị, ngân sách huyện đảm bảo các chi phí còn lại của dự án.

- Đối với các dự án thuộc Chương trình Nông thôn mới: Các nội dung được hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước áp dụng theo tiết 1, điểm b, khoản 1, mục V, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ban hành kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Phân bố nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh, ngân sách huyện thực hiện Chương trình theo phân cấp và theo đề án, kế hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

7. Cơ chế lồng ghép nguồn vốn

a) Trên cùng một địa bàn: Lấy mục tiêu xây dựng nông thôn mới làm trọng tâm để thực hiện lồng ghép nguồn vốn.

b) Trong cùng một dự án đầu tư, chương trình, nhiệm vụ, đề án: Thực hiện lồng ghép nguồn vốn đảm bảo không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ và đảm bảo không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của từng dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn.

c) Quá trình lồng ghép phải được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn.

d) Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nội dung, hoạt động trên địa bàn các huyện còn khó khăn; xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

đ) Xác định rõ tỷ lệ lồng ghép từng nguồn vốn hoặc tỷ lệ huy động, đóng góp vốn đối với từng dự án, chương trình, nhiệm vụ, đề án thuộc Chương trình; xây dựng các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo tính khả thi của việc lông ghép nguồn vốn khi phê duyệt dự án, chương trình, nhiệm vụ, đề án.

e) Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện hoạt động lồng ghép.

8. Cơ chế huy động nguồn lực

a) Huy động, thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác thông qua các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

b) Huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nguồn đóng góp tự nguyện từ cộng đồng dân cư, người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) đê thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

c) Đối với các nguồn đóng góp bằng hiện vật và ngày công lao động hoặc công trình hoàn thành, căn cứ đơn giá hiện vật và ngày công lao động đê hạch toán vào giá trị công trình, dự án để theo dõi, quản lý, không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

Điều 2. Xử lý chuyển tiếp

Các nhiệm vụ, dự án tại Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13 tháng 11 năm 2021 và Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã được phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện năm 2021, 2022 được tiếp tục bố trí vốn để thực hiện theo cơ chế hỗ trợ 100% chi phí thực hiện dự án (trừ chi phí giải phóng mặt bằng) theo đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 6070/TTr-UBND ngày 30/11/2022.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

a) Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các Đề án, Chương trình, Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 với các mục tiêu và danh mục dự án, công trình cụ thể, làm cơ sở trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí ngân sách tỉnh hàng năm để hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương thực hiện Chương trình. UBND tỉnh có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản về danh mục dự án, công trình trước khi phân bổ vốn chi tiết bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của Chương trình đề ra.

b) Chỉ đạo xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại mục d khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong quý I năm 2023.

c) Phân công rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì là đầu mối hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

d) Chỉ đạo UBND các địa phương xác định rõ tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép; thống nhất định mức theo từng nội dung, hoạt động đồng ghép; thống nhất quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép phù hợp với thực tế tại địa phương

đ) Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện lồng ghép nguồn vốn và việc thực hiện cơ chế huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.

e) Định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm. Năm 2025 tổ chức tổng kết Chương trình, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương phù hợp, cùng với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện Chương trình trên cơ sở Đề án thực hiện Chương trình được cấp thẩm quyền phê duyệt với các mục tiêu và danh mục dự án, công trình cụ thể, làm cơ sở bố trí nguồn lực thực hiện.

b) Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đề xuất danh mục dự án, nhiệm vụ; phê duyệt chủ trương, dự án thuộc thẩm quyền bảo đảm sử dụng nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của Chương trình đề ra.

c) Hàng năm Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hàng năm với Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Thường trực, các Ban, các Tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Hội đồng Dân tộc Quốc hội;
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Ủy ban Dân tộc và các bộ: Tài chính, KH&ĐT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế, VH-TT&DL, Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- Các ban xây dựng Đảng và VP Tỉnh ủy;
- UBMTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- Lưu: VT,NS1

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 12/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản