Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2016/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 19 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 3051/TTr-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2016 kèm Báo cáo số 111/BC-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua kết quả đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Quảng Trị với những nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng chính quyền địa phương năng động, hiệu quả, gần dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mức sống dân cư; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững. Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển mạnh hạ tầng đô thị, khu kinh tế, sớm hình thành Khu kinh tế Đông Nam. Khai thác có hiệu quả về địa chính trị và địa kinh tế của địa phương, khai thác lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây, nhằm tạo động lực cho phát triển các vùng trong tỉnh. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 từ 7,5 - 8%;

- Đến năm 2020, cơ cấu ngành kinh tế: công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp đạt tỷ trọng tương ứng là 40,5% - 41% - 18,5%;

- GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 gấp 2 lần năm 2015;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 18.000 - 19.000 tỷ đồng; tốc độ tăng thu nội địa bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 trên 15%/năm;

- Phấn đấu đến năm 2020: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 1,16 tỷ USD tăng bình quân 3,5%/năm; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 1,29 tỷ USD, tăng bình quân 3,6%/năm;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 100.000 tỷ đồng;

- Đến năm 2020 có 40-50% xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 từ 1,5 - 2,0%;

- Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 9.500 lao động;

- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65 -70%; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ trên 28%;

- Đến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 90%. (Trong đó: năm 2016: 81,2%; 2017: 83,6%, 2018: 85,8%; 2019: 88,0);

- Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ở thành thị 95%, ở nông thôn là 93%;

- Đến năm 2020, có 100% khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 40% khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường và có trên 95% chất thải rắn ở đô thị được thu gom;

- Duy trì tỷ lệ che phủ rừng tối thiểu 49,5%.

3. Các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá:

a) Các vùng, hành lang, khu kinh tế: Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Đông Nam; trục kinh tế kết nối Khu Kinh tế Đông - Nam với Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Khu Kinh tế Cửa khẩu La Lay; Khu Du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ;

b) Các đề án trọng điểm: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cấp thành phố Đông Hà lên đô thị loại II; cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phát triển các mô hình tăng thu nhập gắn với nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng một số sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế của tỉnh;

c) Các ngành, lĩnh vực đột phá: Công nghiệp năng lượng, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản; kinh tế biển; kinh tế đối ngoại.

II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Lĩnh vực kinh tế:

a) Về phát triển nông, lâm, thủy sản:

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đến năm 2020 có 40-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia.

Xây dựng thương hiệu một số nông sản Quảng Trị. Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chính sách dồn điền đổi thửa. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn. Phấn đấu đến năm 2020, tăng diện tích lúa chất lượng cao từ 18.000 - 20.000 ha, diện tích cao su 21.000 - 22.000 ha, cà phê: 5.300 - 5.500 ha, hồ tiêu: 2.500 - 2.700 ha; ổn định diện tích trồng sắn nguyên liệu khoảng 12.000 ha trên vùng quy hoạch.

Phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp gắn với an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh gắn với chế biến, giết mổ tập trung. Mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 40% giá trị ngành nông nghiệp vào năm 2020.

Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên khoảng 3.800 - 4.000 ha. Tăng cường đầu tư tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ, công suất lớn theo hiện đại. Hỗ trợ để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng đảo Cồn Cỏ thành căn cứ hậu cần nghề cá khu vực theo hướng lưỡng dụng.

Tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững. Bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu. Phấn đấu trồng rừng tập trung các loại mỗi năm từ 5.000 - 5.500 ha. Chú trọng phát triển rừng trồng nguyên liệu, nhất là rừng được cấp chứng chỉ FSC phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.

Đổi mới và có chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể. Tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu.

b) Về phát triển công nghiệp - xây dựng:

Tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI và các nguồn vốn khác từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Đông Nam, Khu Công nghiệp Bắc Hồ Xá và kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế gắn với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Triển khai Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2014 - 2020 và Dự án cấp điện cho đảo Cồn Cỏ.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn mà tỉnh có lợi thế so sánh như: năng lượng, dệt may, siliccat, điện gió, điện mặt trời, xử lý khí, công nghiệp phụ trợ. Hỗ trợ Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan hoàn thiện các thủ tục để đến năm 2018, Nhà máy nhiệt điện chính thức khởi công xây dựng. Khởi công khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng trung tâm nhiệt điện và cảng Mỹ Thủy. Đẩy mạnh hoạt động khuyến công hỗ trợ các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất.

Phát huy công suất các cơ sở sản xuất nước sạch hiện có; hoàn thành các dự án đầu tư mới cấp nước cho các thị trấn, khu, cụm công nghiệp; bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho các đô thị và khu vực nông thôn. Chú trọng chất lượng công trình xây dựng.

c) Về phát triển thương mại - dịch vụ:

Đề xuất với Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khai thác và phát huy lợi thế của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; thành lập và từng bước hình thành Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế La Lay.

Coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại địa phương. Thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thương mại có quy mô lớn và khả năng cạnh tranh cao.

Phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho bãi, các Trung tâm Logistics, dịch vụ phục vụ hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất. Phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức. Từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên doanh, liên kết với các tỉnh miền Trung để phát triển du lịch. Khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới. Mở tuyến tàu vận chuyển khách du lịch thường xuyên ra đảo Cồn Cỏ. Đề nghị công nhận di sản thế giới đối với di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; bổ sung quy hoạch và đầu tư mở rộng, tôn tạo di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn; hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị La Vang.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng huy động vốn và cho vay hàng năm tăng từ 12 - 15%. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Phấn đấu tăng thu nội địa hàng năm để thực hiện các chính sách địa phương thực sự cần thiết, đối ứng các dự án ODA của tỉnh và dành một phần cho đầu tư phát triển. Quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát các chế độ chính sách để đảm bảo chi ngân sách thiết thực, hiệu quả.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:

a) Phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Thực hiện đồng bộ chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường học bảo đảm hợp lý, phù hợp quy hoạch. Đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục - đào tạo.

Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học.

Tăng cường cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư trang thiết bị đảm bảo các điều kiện dạy học theo hướng đổi mới. Đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường đạt chất lượng giáo dục, trường học kiểu mẫu, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ. Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020; Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và các chương trình đào tạo nghề gắn với mục tiêu xuất khẩu lao động. Chủ động kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư, nhất là các dự án triển khai tại Khu Đông Nam của tỉnh.

b) Chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao và xây dựng con người

Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể đầu tư bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích tỉnh Quảng Trị. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở. Đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao; tôn tạo, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng văn minh đô thị. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu. Phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Phát triển và khai thác tốt hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh và truyền hình.

c) Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, gia đình, trẻ em:

Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới.

Kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cấp xã. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế.

Tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Xây dựng hoàn thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phát huy hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; đầu tư xây dựng các bệnh viện chuyên khoa khi có đủ điều kiện. Phấn đấu đến năm 2020, có trên 95% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở y dược tư nhân. Đến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn dưới 12%.

d) Giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.

Giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Phát triển các loại hình dịch vụ, phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội.

Triển khai thực hiện các chương trình, đề án giải quyết việc làm; tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có tiềm năng. Thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp.

e) Dân tộc và miền núi:

Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Chính phủ và của tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị. Giải quyết tốt vấn đề về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, vay vốn và chuyển đổi nghề; định canh định cư ở các xã, thôn, bản vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

f) Phát triển khoa học công nghệ:

Từng bước tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh. Mở rộng giao lưu hợp tác khoa học công nghệ nhằm tranh thủ nguồn lực, tiếp thu công nghệ mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực quản lý, sản xuất, kinh doanh. Nhân rộng các mô hình ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ. Tăng cường công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa. Phát huy hiệu quả Quỹ khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

3. Về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, môi trường:

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch thăm dò, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất, tăng thu ngân sách từ quỹ đất.

Chủ động ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và các đô thị dân cư tập trung.

Phát triển và bảo vệ rừng đầu nguồn; tổ chức điều tra chất lượng, trữ lượng các nguồn nước ngầm để quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Bảo vệ cây phân tán dọc theo bờ biển, trồng rừng ngập mặn. Từng bước xây dựng Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển do xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Formosa gây ra. Chủ động cảnh báo vùng thường xuyên nguy hiểm do thiên tai để di dời dân ổn định tái định cư. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao vùng thường xuyên bị sạt lở bờ; xử lý tốt các sự cố sụt lún, sạt lở đất.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực; cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội:

a) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển:

Tổ chức rà soát trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 nhằm phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các định hướng phát triển vùng Bắc Trung bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn trong nhân dân. Áp dụng rộng rãi hình thức đối tác công tư (PPP) trong thực hiện các chương trình, dự án có quy mô lớn. Phát triển các hình thức đầu tư theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Xã hội hóa mạnh mẽ đầu tư các lĩnh vực dịch vụ công. Thực hiện thí điểm việc xã hội hóa đầu tư một số bến xe, cảng, chợ, cơ sở y tế, trường học để huy động nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân.

Ban hành cơ chế, chính sách địa phương để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án có quy mô lớn. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương vận động, triển khai thực hiện các dự án ODA và các dự án quan trọng của tỉnh.

b) Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm:

Về xây dựng và phát triển các khu kinh tế: Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Đông Nam tỉnh, cảng biển Mỹ Thủy, dự án cấp nước sông Nhùng để có cơ sở sớm thành lập Khu Kinh tế Đông Nam. Đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Về hạ tầng giao thông: Nâng cấp và mở rộng cảng Cửa Việt (cả bờ Bắc và bờ Nam); xây dựng mới tuyến đường tránh qua thị xã Quảng Trị, đường Hùng Vương nối dài giai đoạn 3, đường trục trung tâm Khu Kinh tế Đông Nam đoạn Cửa Việt - Hải Khê, đường tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà, nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A đi cảng Cửa Việt; Quốc lộ 15D nối cửa khẩu La Lay với cảng Mỹ Thủy.

Về hạ tầng đô thị: Nâng cấp hạ tầng thành phố Đông Hà đạt chuẩn đô thị loại II, thị xã Quảng Trị và thị trấn Lao Bảo thành đô thị loại III trước năm 2020; thị trấn Hồ Xá và Cam Lộ đạt chuẩn đô thị loại IV; xây dựng và phát triển đô thị Tà Rụt, Hướng Phùng, Mỹ Chánh, Nam Cửa Việt (Bồ Bản).

Về hạ tầng điện: Dự án cấp điện nông thôn Quảng Trị; các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp lưới điện.

Về hạ tầng viễn thông: Đầu tư hiện đại hóa ngành bưu chính - viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin; thực hiện đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.

Về nước sạch: Đảm bảo cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho nhân dân ở thành thị và nông thôn.

Về nông nghiệp: Mở rộng, nâng cấp khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ cấp vùng theo hướng lưỡng dụng.

Về môi trường: Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Nâng cấp, xây dựng Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, các trường học chất lượng cao, trường học kiểu mẫu.

2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp:

Xây dựng nền hành chính tỉnh Quảng Trị hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đưa chỉ số PCI thuộc tốp 20 của cả nước.

Cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 9. Vận hành hiệu quả mô hình “Một cửa một lần dừng” tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavan, mô hình một cửa điện tử tại các cơ quan nhà nước. Nghiên cứu thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công và cơ quan nghiên cứu Phát triển - Xúc tiến đầu tư cấp tỉnh.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung ứng các dịch vụ công; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Nâng cao tính minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, đất đai cho doanh nghiệp. Tránh các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tỉnh quản lý theo lộ trình đã đề ra. Nghiên cứu, ban hành các chính sách địa phương phù hợp để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Phát triển mạnh doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2020, thành lập mới khoảng 1.500 doanh nghiệp.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp:

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện đồng bộ các chế độ chính sách, tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm gắn với việc đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện Dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị.

Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng giao quyền tự chủ, nâng cao năng lực quản trị, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp công do cộng đồng quản lý; cho thuê cơ sở, vật chất của Nhà nước để kinh doanh dịch vụ công.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

4. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực và quốc tế:

Tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phát triển các thị trường trọng điểm và có nhiều tiềm năng.

Giữ vững và phát huy các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống; mở rộng phạm vi quan hệ hợp tác với các tỉnh, các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các nước trong Khu vực ASEAN. Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương cơ chế hoạt động khu kinh tế chung trên biên giới Việt - Lào và cho tỉnh Quảng Trị phối hợp tỉnh Savanakhet thực hiện thí điểm.

5. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh:

Quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng - an ninh của Đảng trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ việc lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang. Chủ động giúp dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an ninh trật tự ngày càng vững chắc.

Chủ động phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu chống phá, gây rối, “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống kiểm soát ma túy. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo; giải quyết kịp thời tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân. Có giải pháp phù hợp để kiềm chế tai nạn giao thông.

Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số chỉ tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 phù hợp với Nghị quyết này.

Thường trực HĐND các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ giám sát thực hiện Nghị quyết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội phối hợp giám sát, động viên nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh, khóa VII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 19/8/2016 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

PHỤ BIỂU

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 8 năm 2016 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

Số TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện 2011 - 2015

KH 2016

KH 2017

KH 018

KH 2019

KH 2020

Mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020

A

Chỉ tiêu kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá so sánh)

Nghìn tỷ

60.008

14.619

15.715

16.941

18.330

19.888

85.494

2

GRDP (giá hiện hành)

 

 

 

 

 

 

 

 

-

GRDP theo VNĐ

Nghìn tỷ đồng

82.7

23.276

26.535

31.046

37.255

45.451

163.562

-

Tổng GRDP quy USD

Tỷ USD

4.0

1.0

1.2

1.4

1.7

2.0

7.4

-

GRDP bình quân đầu người

USD

1.495

1.683

1.909

2.223

2.655

3.224

3.224

3

Cơ cấu kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

 

-

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

22

21.5

21

20

19.5

18.5

18.5

-

Công nghiệp và xây dựng

%

38.3

38.5

38.8

39.5

39.7

40.5

40.5

-

Dịch vụ

%

39.7

40

40.2

40.5

40.8

41

41

4

Xuất nhập khẩu

 

 

 

 

 

 

 

 

-

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

Tỷ USD

0.732

0.217

0.225

0.231

0.242

0.250

1.165

-

Tốc độ tăng xuất khẩu

%

28.58

3.33

3.69

2.67

4.76

3.31

3.49

-

Kim ngạch xuất khẩu/người

USD

1.181

348

359

367

383

394

1.835

-

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa

Tỷ USD

0.821

0.240

0.250

0.258

0.267

0.275

1.290

-

Tốc độ tăng nhập khẩu

%

23.72

4.35

4.17

3.20

3.49

3.00

3.60

-

Nhập siêu so với xuất khẩu

%

13.476

10.599

11.111

11.688

10.331

10.000

10.730

5

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tỷ đồng

9.758

2.752

3.165

3.639

4.186

4.813

18.555

-

Tốc độ tăng thu

%

12.4

18.1

15.0

15.0

15.0

15.0

15.6

B

Chỉ tiêu xã hội

 

 

 

 

 

 

 

 

-

Dân số trung bình

Nghìn người

619.84

622.92

625.96

628.98

631.99

634.99

634.99

-

Tỷ lệ tăng dân số

%

1.0

1.0

1.0

1.0

1.0

<1

<1

-

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2011 - 2015)

%

2.56

1.50

1.50

1.50

2.00

2.00

1,5-2

-

Số lao động được tạo việc làm

Nghìn người

-

>9,5

>9,5

>9,5

>9,5

>9,5

>47,5

-

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế

%

43.5

>45

>48

>53

>59

65-70

65-70

-

Tuổi thọ trung bình

Tuổi

73.0

73.0

73.0

73.0

73.0

73.0

73.0

-

Số thuê bao điện thoại/100 dân

Thuê bao

92.0

97.8

102.0

107.0

111.0

113.0

113.0

-

Số thuê bao internet băng thông rộng/100 dân

Thuê bao

6.2

7.3

8.6

10.0

11.6

13.0

13.0

C

Chỉ tiêu tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững

 

 

 

 

 

 

 

 

-

Tỷ lệ che phủ rừng

%

49.5

49.5

49.5

49.5

49.5

49.5

49.5

-

Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh

%

90

91

91.5

92

92.5

93

93

-

Tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch

%

86

88

90

92

94

95

95

-

Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

 

 

 

 

 

 

100

-

Thu gom chất thải rắn ở đô thị

%

80

84

88

92

96

100

100

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 12/2016/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành

  • Số hiệu: 12/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản