Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2013/NQ-HĐND

Ngày 11 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đặt tên 07 tuyến đường và 01 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Kèm theo:

- Phụ lục I: Thuyết minh vị trí tên đường và công trình công cộng;

- Phụ lục II: Tóm tắt tiểu sử nhân vật lịch sử và mỹ từ.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và thực hiện việc gắn biển tên đường và công trình công cộng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

 

 

 

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ





Nguyễn Hữu Lợi

 

PHỤ LỤC I

THUYẾT MINH VỊ TRÍ TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
(Kèm theo Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

TT

Danh mục tên

Chiều dài, diện tích (m, m2)

Giới hạn

Tên tạm gọi hiện nay

A

TÊN ĐƯỜNG

I

Quận Ninh Kiều

1

Phạm Công Trứ

915

Đường Trần Văn Giàu - cuối đường

Đường số 2, khu dân cư Vạn Phát

2

Phạm Thế Hiển

698

Đường số 24 - cuối đường

Đường 11A, khu nâng cấp đô thị,

3

Tô Hiến Thành

500

Đường Ngô Thì Nhậm - đường Trần Bạch Đằng

Đường 5A, khu nâng cấp đô thị

4

Nguyễn Hiền

675

Đường Nguyễn Văn Linh - cuối đường

Đường số 1, khu dân cư 91B

5

Nguyễn Tri Phương

185

Đường Nguyễn Tri Phương (hiện hữu) - đường Nguyễn Văn Cừ

Trục A12 - D12, khu dân cư Thới Nhựt

 

Đường Nguyễn Tri Phương (mới) toàn tuyến dài 885 m

II

Quận Cái Răng

1

Võ Nguyên Giáp

7.670

Cầu Hưng Lợi - Cái Cui (hết địa phận thành phố)

Đường Nam sông Hậu

III

Huyện Phong Điền

1

Phan Văn Trị

1.800

Lộ Vòng cung - Trung tâm y tế dự phòng huyện

Trục số 2, Trung tâm thương mại - hành chính huyện

B

CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

1

Chợ An Cư

4.790 m2

Phường An Cư, quận Ninh Kiều

(Xây dựng mới)

 

PHỤ LỤC II

TÓM TẮT TIỂU SỬ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ MỸ TỪ
(Kèm theo Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. PHẠM CÔNG TRỨ (1600 - 1675)

Nhà chính trị danh tiếng, nhà sử học. Ông người làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hòa (tỉnh Hưng Yên), đậu Tiến sĩ năm 1628, làm Hàn lâm hiệu thảo rồi giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong triều như Đô ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Lại, Tham tụng trong phủ Chúa, tước Yến quận công.

 Ông không những đóng góp nhiều cho việc triều chính mà còn đóng góp nhiều cho giáo dục. Năm 1665, ông được giao trách nhiệm sửa và duyệt bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Ông đã cùng với Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Quốc Khôi... khảo chính lại toàn bộ sách này chép từ thời Hồng bàng đến thời Lê Cung Hoàng (1522 - 1527) và biên soạn tiếp từ Lê Trang Tông (1533 - 1548) đến Lê Thần Tông (1649 - 1662), khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697).

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Phan Đại Doãn....- H.: Giáo dục, 2006.- 648 tr.; 24 cm).

2. PHẠM THẾ HIỂN (1803 - 1861)

Quê làng Luyến Khuyết (nay là xã Thụy Phong) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

 Năm 1828 Ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ được triều đình trọng dụng, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong triều cũng như ngoài địa phương suốt ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông được vua Tự Đức rất trọng dụng đúng với tài năng. Ông được cử làm Tham tán quân thứ Gia Định, rồi Tuần phủ Gia Định, thự Tổng đốc hai tỉnh Gia Định - Biên Hòa, kiêm tham biện kinh lược, cùng Thống đốc quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương lo liệu mọi việc trong sáu tỉnh Nam Kỳ.

Trước âm mưu xâm lược Việt Nam của tư bản Pháp ngày càng lộ rõ, ông cùng với Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc An - Hà Cao Hữu Sung ra sức huy động binh lính và nhân dân củng cố các công trình phòng thủ, xây đắp thành lũy bảo vệ các cửa sông quan yếu ở Hà Tiên, Biên Hòa, Gia Định.

 Năm 1858, Pháp nổ súng công phá Đà Nẵng. Vua Tự Đức điều ông từ Nam kỳ ra Quảng Nam lo việc chống giặc. Ông cho xây đồn, đắp lũy dọc bờ biển chặn không cho địch vào nội địa. Giặc Pháp cứ mỗi lần đánh vào đều bị quân dân ta đánh bật trở lại, thiệt hại rất nặng. Trong chiến thắng Đà Nẵng - Quảng Nam có công lao không nhỏ của ông.

Năm 1861, ông mất vì ốm nặng trên đường về kinh đô Huế báo cáo tình hình chống giặc.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn:Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam /Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên; Phan Đại Doãn, Chương Thâu...-H. :Giáo dục, 2006. -647 tr.; 24cm.)

3. TÔ HIẾN THÀNH (? – 1179)

Ông là vị đại thần nổi tiếng của Nhà Lý, quê ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Tây), làm quan đời Lý Anh Tông đến chức Thái Phó, trông coi việc binh. Năm 1141, Thân Lợi khởi nghĩa ở vùng Thái Nguyên, rồi tiến đánh các nơi. Ông được cử cầm quân đi đánh, bắt được Thân Lợi. Năm 1159, các tộc người ở miền Nam nổi dậy, ông đem quân dẹp yên và tiếp tục lập nhiều công lớn. Năm 1167, quân Champa xâm lấn biên giới phía Nam, ông đem quân đi đánh. Vua Champa xin rút và tiếp tục giữ lệ phiên thần như cũ. Sau đó, ông được giao trách nhiệm đảm đương việc nước, rèn luyện quân sĩ, mọi việc nhất nhất đều được chấn chỉnh.

Năm 1175, Lý Anh Tông lập Long Trát làm Thái tử, phong ông làm Nhập nội Thái phó, tước vương, giúp đỡ Thái tử. Năm đó, Lý Anh Tông mất. Trước khi mất, vua đã di chiếu giao cho ông giúp việc vua mới. Năm 1177, vua mới 3 tuổi lên ngôi, một mình ông phải lo nước. Mọi việc đều nghiêm chỉnh, công bằng, mọi người đều quy phục. Năm 1179, ông mất.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Phan Đại Doãn....- H.: Giáo dục, 2006.- 648 tr.; 24 cm).

4. NGUYỄN HIỀN (1234 - ?)

Danh sĩ đời Trần Thái Tông, quê làng Dương A, huyện Thượng Hiền, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông nổi tiếng thông minh, từ nhỏ đã được người đời khen là thần đồng. Vào năm Thiên Ứng Chánh Bình thứ 16 (năm 1247) triều đình mở đại khoa lấy các Thái học sinh (Tiến sĩ), ông vào ứng thí lúc ấy mới 13 tuổi. Đây là khoa thi đỗ Tam khôi đầu tiên và ông là người đỗ Trạng nguyên khai khoa của khoa cử Việt Nam: Trạng nguyên là ông lúc ấy mới 13 tuổi, thứ nhì là Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi, thứ ba là Thám hoa Đặng Ma La cũng 13 tuổi.

Về tổ chức khoa cử đời nhà Trần, đây là khoa thứ ba mà cũng là khoa đầu tiên lấy đỗ Tam khôi. Như vậy ông nghiễm nhiên là Tam khôi thứ nhất trong lịch sử thi cử đời nhà Trần mà cũng là người đỗ Trạng nguyên đầu tiên và sớm nhất, trẻ nhất của nền khoa cử nước nhà. Ông làm quan đến chức Thượng thư, có lúc trông coi Quốc sử quán và mất khi còn tại chức.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế. - Tái bản lần thứ VIII có sửa chữa và tăng bổ. - TP. Hồ Chí Minh: Tổng hợp, 1690tr. ; 24cm).

5. NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800 - 1873)

Ông là đại thần triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đường Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm 1800, quê làng Đường Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Ông được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân tiến cử lên triều đình được vua Minh Mạng thu dụng. Từ năm 1823 - 1839 ông được đề bạt nhiều chức vụ quan trọng như: Hồng Lô tự khanh, Thị lang, Tham tri làm việc ở nội các. Năm 1840, ông được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên), sau đó được cải bổ Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) kiêm Khâm sai quân thứ đại thần, Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Công, tước Tráng Liệt Tử, được chép công trạng vào bia đá ở Toà Võ miếu Huế.

Năm 1848, vua Tự Đức phong ông tước Tráng Liệt Bá và năm 1850 chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Sau đó được sung chức Khâm sai Tổng đốc quân vụ đại thần kiêm lãnh Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853 được thăng thực thụ Điện hàm Đông các đại học sĩ, lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Năm 1858, Thực dân Pháp xâm lược nước ta, vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống Pháp lập nhiều chiến công lớn. Ngày 19 tháng 11 năm 1873 Pháp đánh úp thành Hà Nội, ông bị trọng thương. Sau đó ông tuyệt thực gần một tháng và mất ngày 20 tháng 12 năm 1873.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế.- H.: Văn hoá, 1997.- 1419 tr.; 21 cm).

6. VÕ NGUYÊN GIÁP (1911 - 2013)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, tại xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước. Năm 14 tuổi, Đồng chí đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bãi khoá ở Trường Quốc học Huế. Năm 1927, gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1940, được kết nạp vào Đảng.

Đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, giao nhiệm vụ, Đồng chí đã tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12 năm 1944, Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên các cương vị là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt, năm 1954, Đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đồng chí đã tham gia cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hoà bình, thống nhất, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Lời Điếu do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

7. PHAN VĂN TRỊ (1830 - 1910)

Sĩ phu yêu nước, nhà thơ Việt Nam. Quê xã Thạnh Phú Đông, huyện Bảo An (nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

Ông đỗ cử nhân năm 1849 nhưng không thích ra làm quan, về ở ẩn, dạy học trò ở làng Bình Cách (Tân An) rồi ở Phong Điền (Cần Thơ).

Ông là một trong những sĩ phu đề xướng phong trào tị địa, được các sĩ phu và nhân dân Nam Kỳ ủng hộ. Ông có 100 bài thơ vịnh vật sáng tác vào giai đoạn trước khi Pháp xâm lược nước ta, đều ngụ ý yêu nước, thương dân, phê phán bọn ham danh lợi.

Đặc biệt là 10 bài hoạ thơ “Tự thuật” của Tôn Thọ Tường, người bạn trong Thi xã Bạch Mai, kẻ đầu tiên theo Pháp làm đến chức Đốc phủ sứ ở Nam Kỳ. Ông là người đi tiên phong trong cuộc bút chiến giữa giới sĩ phu yêu nước với Tôn Thọ Tường. Trong cuộc bút chiến này ông tỏ ra sắc sảo, quyết liệt, nêu cao chính nghĩa, xác định rõ lập trường của những người kháng chiến, phơi trần bộ mặt bọn bán nước cầu vinh, lôi cuốn được sự chú ý rộng rãi của dư luận.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Từ điển bách khoa đất nước con người Việt Nam: Tập 2/Nguyễn Văn Chiển, Trịnh Tất Đạt đồng chủ biên. – H. :Từ điển bách khoa, 2010. - 1014tr; 27cm).

8. AN CƯ

An Cư là mỹ từ được lấy từ câu thành ngữ “An cư lạc nghiệp” nói đến việc có nơi ở ổn định và yên tâm, vui vẻ làm ăn để đời sống được bảo đảm. Đó là mong muốn chính đáng của mọi người trong cuộc sống (an: yên; cư: ở; lạc: vui; nghiệp: nghề). Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân dân ta yêu chuộng hoà bình, chính phủ ta muốn cho dân được an cư lạc nghiệp”. Qua đó thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc của Người về an sinh xã hội và chăm lo phát triển con người. Ngày nay, sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đem lại cuộc sống “an cư lạc nghiệp” cho nhân dân. Đó là nền tảng để đất nước phát triển bền vững./.

(Theo dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng, nguồn trích dẫn: Từ điển thành ngữ Việt Nam /Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành. - H. : Văn hoá, 1993. - 679tr.; 21cm. Mã số tại Thư viện TP Cần Thơ: TC.1009).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 10/2013/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng do Thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 10/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 06/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản