Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2013/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG “DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA” ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2013-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 27/10/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 2293/TTr-UBND ngày 21/6/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013-2020, gồm các nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013-2020, gồm: Hỗ trợ công tác vận động, tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện; cấp đổi, cấp mới Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉnh trang đồng ruộng; di dời mồ mả, các công trình khác; cơ giới hóa nông nghiệp và hỗ trợ lúa giống.

b) Đối tượng áp dụng

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa thành phố; Ban Quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới xã hoặc Ban Quản lý dồn điền đổi thửa thị trấn (gọi tắt là Ban Quản lý cấp xã); Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Ban Phát triển thôn (nơi không có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp) và nông dân có thực hiện “dồn điền đổi thửa”, chỉnh trang đồng ruộng phù hợp với quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích tại Nghị quyết này.

2. Điều kiện được hưởng chính sách

a) Dồn điền đổi thửa

- Diện tích thực hiện “dồn điền đổi thửa” của một thôn ít nhất là 10 ha diện tích tập trung. Trường hợp đặc biệt, diện tích tập trung của một thôn không đủ 10 ha thì kết hợp với diện tích của các thôn khác để thực hiện “dồn điền đổi thửa”, nhưng phải đảm bảo diện tích của liên thôn ít nhất 10 ha tập trung.

- Danh mục được hỗ trợ phải có phương án “dồn điền đổi thửa”, được Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt.

- Loại ruộng đất “dồn điền đổi thửa” là đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác (kể cả đất màu), đất bãi ven sông ổn định không bị biến động do thiên nhiên, được thể hiện trong phương án “dồn điền đổi thửa”.

b) Chỉnh trang đồng ruộng

- Đất sản xuất nông nghiệp được “dồn điền đổi thửa” nhưng không bằng phẳng, nơi thấp, nơi cao, còn nhiều công trình trên đồng ruộng cần phải chỉnh trang đồng ruộng.

- Diện tích đồng ruộng chỉnh trang phải thể hiện trong phương án “dồn điền đổi thửa” của Uỷ ban nhân dân cấp xã, được Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt.

Ngoài các nội dung quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này, yêu cầu mỗi thửa sau khi đã “dồn điền đổi thửa” và chỉnh trang đồng ruộng có diện tích tối thiểu 0,1 ha. Trường hợp đặc biệt, hộ gia đình không đủ định mức đất 0,1 ha thì thửa đất sau khi “dồn điền đổi thửa” và chỉnh trang đồng ruộng có diện tích tối thiểu phải bằng diện tích đất của hộ đang sản xuất (chưa trừ diện tích giảm đi do bố trí xây dựng các công trình hạ tầng đồng ruộng như: kênh mương nội đồng, bờ vùng, bở thửa, trạm bơm điện,...).

c) Cơ giới hóa nông nghiệp: Mỗi xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện “dồn điền đổi thửa” đối với đất trồng lúa có qui mô từ 100 ha trở lên.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ kinh phí vận động, tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện:

Ngân sách tỉnh hỗ trợ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa thành phố; hỗ trợ Ban Quản lý cấp xã, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoặc Ban Phát triển thôn để thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện công tác “dồn điền đổi thửa”, chỉnh trang đồng ruộng, cụ thể như sau:

- Hỗ trợ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa thành phố: 0,1 triệu đồng/ha diện tích đã thực hiện “dồn điền đổi thửa”.

- Hỗ trợ Ban Quản lý cấp xã: 05 triệu đồng/thôn thực hiện “dồn điền đổi thửa”.

- Hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoặc Ban Phát triển thôn theo các mức diện tích sau:

+ Từ 10 ha đến 30 ha: 10 triệu đồng/thôn;

+ Trên 30 ha đến 50 ha: 15 triệu đồng/thôn;

+ Trên 50 ha đến 100 ha: 20 triệu đồng/thôn;

+ Trên 100 ha: 25 triệu đồng/thôn.

b) Hỗ trợ cấp đổi, cấp mới Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất:

Ngân sách tỉnh hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi, cấp mới Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện “dồn điền đổi thửa”. Mức hỗ trợ áp dụng theo quy định hiện hành của nhà nước.

c) Hỗ trợ kinh phí thực hiện việc chỉnh trang đồng ruộng:

Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 07 triệu đồng/ha đối với đất trồng lúa; 05 triệu đồng/ha đối với đất trồng các loại cây trồng cạn.

Kinh phí chỉnh trang đồng ruộng được hỗ trợ trực tiếp cho Ban Quản lý cấp xã để thanh toán cho công tác chỉnh trang đồng ruộng. Những địa bàn có điều kiện chỉnh trang bằng cơ giới thì Ban Quản lý cấp xã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vùng ruộng cần chỉnh trang để thống nhất phương án thực hiện.

d) Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp:

- Đối tượng được hỗ trợ do Uỷ ban nhân dân cấp xã chọn: Giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoặc Tổ hợp tác hoặc nhóm hộ (đối với nơi không có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp) để thực hiện. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác hoặc nhóm hộ sản xuất phải có Bản cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã mua máy để trực tiếp sản xuất.

- Mức hỗ trợ: Ngoài việc tiếp nhận các chương trình cơ giới hóa nông nghiệp thông qua các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn đủ điều kiện hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp mua 01 máy làm đất hạng trung (có dàn cày 03 lưỡi) với mức hỗ trợ tiền mua máy là 35% (không quá 90 triệu đồng), 01 máy gặt đập liên hợp với mức hỗ trợ tiền mua máy là 35% (không quá 200 triệu đồng).

đ) Hỗ trợ di dời mồ mả, các công trình khác (đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất), khi dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng: Ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ theo quy định hiện hành.

e) Hỗ trợ lúa giống: Đối với diện tích đất trồng lúa đã thực hiện “dồn điền đổi thửa”, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho nông dân là 90 kg lúa giống/ha cho vụ sản xuất đầu tiên.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XI thông qua ngày 04 tháng 7 năm 2013, tại kỳ họp thứ 9./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản