Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2018/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 12 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG VÀ TRẢ NỢ CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI PHẦN VỐN VAY LẠI DỰ ÁN BẢO TỒN VÀ QUẢN LÝ HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN VEN BIỂN KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG SỬ DỤNG VỐN VAY CỦA NGÂN HÀNG TÁI THIẾT ĐỨC (KFW)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Xét Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt phương án sử dụng và trả nợ của ngân sách địa phương đối với phần vốn vay lại Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW); Báo cáo thẩm tra số 32/BC-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt phương án sử dụng và trả nợ của ngân sách địa phương đối với phần vốn vay lại Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) theo các nội dung như sau:

1. Nội dung Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng (sử dụng vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức-KfW).

a) Tên dự án: Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng.

b) Tên nhà tài trợ: Ngân hàng tái thiết Đức (KfW).

c) Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

d) Chủ dự án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

e) Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2024.

g) Mục tiêu của dự án:

- Mục tiêu chung:

Phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn để bảo vệ các khu vực ven biển và ven sông ở vùng Đồng bằng sông Hồng, thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động của tình trạng mực nước biển dâng, xói mòn bờ biển và xâm nhập mặn.

- Mục tiêu cụ thể:

Tăng cường thể chế, nâng cao năng lực các cơ quan liên quan tới việc lập kế hoạch tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trong khu dự trữ sinh quyển.

Bảo vệ và củng cố hệ thống phòng hộ tuyến bờ biển thông qua trồng rừng và phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, tăng cường hệ thống đê biển và hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn giúp bảo vệ bờ biển, các công trình cơ sở hạ tầng và chống xâm nhập mặn.

Phục hồi diện tích canh tác thủy, hải sản bị suy thoái hoặc hiệu quả thấp và đưa ra các hệ thống thủy, lâm sinh khác góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao khả năng chịu đựng, thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng địa phương.

h) Phạm vi dự án: 02 huyện (huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy).

i) Hoạt động của dự án tại Thái Bình

- Hợp phần I: Quản lý tổng hợp vùng ven biển, bao gồm: Điều phối xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển; xây dựng khu hành chính và trụ sở làm việc của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải; xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn Tiền Hải; hỗ trợ cho cộng đồng và đội bảo vệ bờ biển.

- Hợp phần II: Quản lý rủi ro và nguy cơ vùng ven biển, bao gồm: Bảo vệ và phát triển rừng ven biển, củng cố hệ thống đê biển.

- Hợp phần III: Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng và hệ thống sinh kế, bao gồm: Rà soát sử dụng đất lâm nghiệp, xây dựng bản đồ và chuẩn bị kế hoạch đầu tư cho các hoạt động của dự án; đầu tư cho các hoạt động sinh kế bền vững chống chịu với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cộng đồng dọc ven biển phòng chống và thích ứng với thiên tai.

k) Tổng vốn thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh:

- Tổng chi phí dự án dự kiến: 10.286.868 EURO, tương đương với 272.869 triệu đồng, trong đó:

+ Nguồn vốn vay ODA: 7.744.093 EURO (chiếm 75% tổng nguồn vốn đầu tư), tương đương 205.420 triệu đồng.

+ Nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh: 2.542.775 EURO (chiếm 25% tổng nguồn vốn đầu tư), tương đương 67.450 triệu đồng.

(Tỷ giá đồng EURO/VNĐ: 26.526 tại thời điểm tháng 5 năm 2018)

- Cơ chế tài chính trong nước

Khoản vốn vay nước ngoài là: 7.744.093 EURO, tương đương 205.420 triệu đồng;

+ Cấp phát từ ngân sách trung ương chiếm 70%: 5.420.865 EURO, tương đương 143.794 triệu đồng;

+ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vay lại chiếm 30%: 2.323.228 EURO, tương đương 61.626 triệu đồng;

l) Hình thức quản lý dự án: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Chủ dự án (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, tổ chức thực hiện dự án.

2. Phương án sử dụng và trả nợ vốn vay dự án

a) Phương án sử dụng vốn vay:

- Giải ngân vốn trong thời gian 07 năm (2018-2024);

- Tổng cộng các nguồn vốn: 10.286.868 EURO, tương đương với 272.869 triệu đồng. Trong đó:

+ Nguồn vốn ODA: 7.744.093 EURO (chiếm khoảng 75% tổng vốn đầu tư của dự án), tương đương 205.420 triệu đồng.

+ Nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh: 2.542.775 EURO (chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư của dự án), tương đương 67.450 triệu đồng.

(Chi tiết phương án sử dụng vốn vay theo phụ lục số 01 kèm theo)

b) Phương án trả nợ vốn vay:

- Thời gian vay lại: 15 năm, trong đó 05 năm ân hạn.

- Thời gian bắt đầu giải ngân: Năm 2018.

- Lãi suất vay bằng EURO: 2,57%/năm, bao gồm cả số dư.

- Phí cam kết đối với vốn vay KfW (0,25%/năm tính trên toàn bộ vốn KfW chưa được giải ngân tại thời điểm trả nợ).

- Phí quản lý: 0,3%, được tính trên tổng số vốn KfW cho dự án tại tỉnh và trả vào thời điểm được giải ngân lần đầu tiên.

- Tổng nghĩa vụ trả nợ: 2.818.269 EURO (tương đương 74.757 triệu đồng), bằng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh.

- Ngày thanh toán: Một năm 02 lần vào ngày 30 tháng 6 và 30 tháng 12.

- Thời gian bắt đầu trả nợ gốc vào ngày 30 tháng 6 năm 2023, năm kết thúc trả nợ là năm 2032.

(Chi tiết phương án trả nợ vốn vay theo phụ lục số 02 kèm theo)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở; ban; ngành thuộc tỉnh;
- Thường trực Huyện ủy: Thái Thụy; Tiền Hải;
- Thường trực HĐND, UBND huyện: Thái Thụy; Tiền Hải;
- Công báo tỉnh; Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình; Báo Thái Bình;
- Lưu: VTVP.

CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 08/2018/NQ-HĐND về phê duyệt phương án sử dụng và trả nợ của ngân sách địa phương đối với phần vốn vay lại Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 08/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/07/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Đặng Trọng Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản