Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07c/NQ-BCH

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM (KHÓA XI) VỀ CHẤT LƯỢNG BỮA ĂN CA CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Nhằm thiết thực chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca đối với người lao động, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ca của người lao động” với các nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH BỮA ĂN CA CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

Những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều biện pháp thiết thực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe của NLĐ. Công đoàn cấp trên cơ sở đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở (CĐCS) đưa nội dung bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới bữa ăn ca của NLĐ với chất lượng khá tốt; nhiều doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn ca nhằm tiết kiệm chi phí; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua lựa chọn nhà thầu có uy tín, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm; các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết có nội dung về bữa ăn ca của người lao động ngày càng tăng ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bữa ăn ca của người lao động tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại: chất lượng bữa ăn ca chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động; chất lượng thực phẩm và Điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao; trong quá trình thương lượng tập thể một số CĐCS chưa quan tâm đưa nội dung bữa ăn ca vào nội dung thương lượng; đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo ...

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

- Từ năm 2016, các CĐCS trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập CĐCS) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15.000 đồng (Mười lăm ngàn đồng), khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn.

- CĐCS hoặc công đoàn cấp trên thực hiện khởi kiện giám đốc doanh nghiệp đối với doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

2.1. Nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về ý nghĩa, tác dụng của việc đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca đối với sức khỏe của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về ý nghĩa, tác dụng của việc đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của NLĐ. Tổ chức các hình thức tuyên truyền như: phát hành tờ rơi, tờ gấp; bảng thông tin tại doanh nghiệp; các hoạt động tư vấn lưu động, các buổi tọa đàm ... trong đó chú trọng các khu công nghiệp tập trung và các doanh nghiệp có đông lao động.

- Biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Đồng thời, các cấp công đoàn đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

2.2. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động

- Các cấp công đoàn chủ động đề xuất nội dung đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể với NSDLĐ, đẩy mạnh thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, nhóm doanh nghiệp về đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

- Tăng cường vai trò hướng dẫn, hỗ trợ của công đoàn cấp trên cơ sở đối với CĐCS về nội dung đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động trong đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể.

2.3. Chủ động và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, tổng kết đánh giá việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động

- Chủ động thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó chú trọng nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế trong công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử phạt đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Định kỳ sơ, tổng kết, khen thưởng các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Tham gia với Nhà nước, các bộ, ban, ngành chức năng xây dựng các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

- Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, nghiên cứu, khảo sát định mức nhu cầu dinh dưỡng, xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, bữa ăn ca cho NLĐ một số ngành nghề. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tốt về bếp ăn tập thể để các cấp công đoàn nghiên cứu áp dụng.

2. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn

- Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền đồng cấp chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

- Phối hợp chặt chẽ, ký kết các chương trình phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiến hành các thủ tục khởi kiện các doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về Tổng Liên đoàn.

3. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết tại cấp mình cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hỗ trợ, tư vấn cho công đoàn cơ sở đưa nội dung bữa ăn ca vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể.

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp, ngành Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước; tham gia kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn; xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người lao động; thực hiện khởi kiện các doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khi người lao động yêu cầu hoặc công đoàn cơ sở đề nghị.

4. Các công đoàn cơ sở

- Chủ động tham gia với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm lo sức khỏe, bữa ăn ca của người lao động.

- Thực hiện giám sát chất lượng bữa ăn ca, đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể phù hợp với Mục tiêu Nghị quyết; tham gia với NSDLĐ không đưa những chi phí khác (gas, vận chuyển, phục vụ ...) vào chi phí của bữa ăn ca.

- Trong quá trình thương lượng tập thể mà doanh nghiệp vẫn không thỏa thuận được với mức đề xuất của công đoàn cơ sở thì công đoàn cơ sở báo cáo và xin ý kiến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức đình công (theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật) để yêu cầu cho được mức bữa ăn ca theo đề xuất.

- Thực hiện khởi kiện hoặc đề nghị công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện giám đốc doanh nghiệp khi doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Nghị quyết này được triển khai thực hiện ở các cấp công đoàn. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Ban Quan hệ lao động) để được hướng dẫn, xử lý ./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư (để báo cáo);
- Ban Dân vận TW
- Văn phòng Trung ương
- Bộ LĐTBXH
- Các ủy viên BCH;
- Các ban, đơn vị thuộc TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc TLĐ;
- Các CĐ ngành TW và tương đương;
- Các CĐ TCT trực thuộc TLĐ;
- Lưu VT, Ban QHLĐ.

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 07c/NQ-BCH năm 2016 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XI) về Chất lượng bữa ca của người lao động

  • Số hiệu: 07c/NQ-BCH
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/02/2016
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Đặng Ngọc Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản