Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2021/NQ-HĐND

Gia Lai, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;

Xét Tờ trình số 1797/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc dự thảo Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy sổ 27/2001/QH10 có hiệu lực; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 (sau đây viết là cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực (sau đây viết là cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy và chữa cháy).

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Điều 3. Xử lý đối với cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy

1. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy phải thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy bổ sung, tăng cường theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết này.

2. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy không có khả năng thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy bổ sung, tăng cường theo quy định tại khoản 1 Điều này thì phải thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP hoặc di dời cơ sở.

3. Đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2023, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp, giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy bổ sung, tăng cường quy định tại khoản 1 Điều này hoặc không thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình, di dời cơ sở theo quy định tại khoản 2 Điều này thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 4. Các biện pháp, giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy bổ sung, tăng cường

1. Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng

Thực hiện bố trí, sắp xếp lại công năng của các tầng, các khu vực trong cơ sở phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại hình cơ sở.

2. Giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thực hiện một trong các giải pháp đảm bảo cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy có thể tiếp cận đến nhà, công trình thuận lợi, an toàn, triển khai hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi đường giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ sở không đảm bảo quy định tại điểm 6.2 khoản 6 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2021/BXD) ban hành kèm theo Thông tu số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cụ thể:

a) Xem xét đến khả năng tiếp cận thông qua đường cho xe chữa cháy của nhà, công trình liền kề.

b) Bổ sung các họng tiếp nước từ vị trí xe chữa cháy có thể triển khai tiếp nước đến hệ thống chữa cháy của nhà, công trình.

c) Trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay kèm theo bổ sung nguồn nước chữa cháy ngoài nhà, công trình (trụ nước chữa cháy đô thị hoặc bến bãi lấy nước, ao, hồ,... cạnh khu vực nhà, công trình).

d) Trường hợp không có đường cho xe chữa cháy tiếp cận nhà, công trình thì trang bị các lăng giá phun nước được điều khiển bằng tay trong nhà, công trình dọc theo chiều dài phía xe chữa cháy không tiếp cận được, hệ thống lăng giá này được kết nối với hệ thống chữa bằng nước của cơ sở và họng chờ tiếp nước từ xe chữa cháy.

đ) Trường hợp cơ sở có đường cho xe chữa cháy có kích thước nhỏ hơn 3,5m mà lực lượng phòng cháy và chữa cháy không thể tiếp cận được bằng xe chữa cháy thì dọc theo đường cho xe chữa cháy phải mở thêm các cửa chống cháy tiếp cận từ ngoài vào trong, tại mỗi vị trí cửa này phía ngoài nhà phải bố trí 01 họng nước chữa cháy ngoài nhà, công trình và 01 họng nước chữa cháy trong nhà, công trình được kết nối trực tiếp với trụ tiếp nước từ xe chữa cháy tại vị trí xe chữa cháy có thể tiếp cận được.

3. Khoảng cách phòng cháy, chống cháy

Trong trường hợp khoảng cách an toàn giữa các nhà, công trình hiện hữu không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện một trong các giải pháp sau để giữ nguyên vị trí nhà, công trình:

a) Trang bị bổ sung đầu phun sprinkler tự động hoặc màn nước ngăn cháy (màn nước ngăn cháy bố trí thành 02 dải cách nhau 0,5m và cường độ phun không nhỏ hơn 1 lít/giây cho mỗi mét chiều dài màn nước tính chung cho cả 02 dải, khoảng thời gian duy trì màn nước ít nhất là 01 giờ) trên các ô cửa sổ, vách kính, tại vị trí bố trí các vật liệu không bảo đảm giới hạn chịu lửa.

b) Tăng giới hạn chịu lửa cho các vật liệu nằm trên tường ngoài của nhà, công trình.

c) Xây bổ sung tường, vách ngăn cháy ở mặt tiếp giáp với các nhà, công trình xung quanh.

d) Tạo vùng ngăn cháy trong nhà, công trình phía tiếp giáp với tường ngoài (tạo vùng ngăn cháy trong 01 hoặc cả 02 nhà, công trình), đảm bảo tổng chiều rộng của vùng ngăn cháy không nhỏ hơn khoảng cách an toàn giữa 02 nhà, công trình.

đ) Giảm tải trọng chất cháy bố trí trong nhà, công trình.

e) Đối với các cơ sở có tính chất đặc thù như cửa hàng xăng dầu, cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, trường hợp cơ sở không đảm bảo yêu cầu về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (QCVN 01:2020/BCT) ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương thì tùy theo điều kiện của từng cơ sở để áp dụng giải pháp giảm tông lượng xăng, dầu chứa tại cơ sở phù hợp với cấp cửa hàng xăng dâu hoặc xây dựng tường ngăn cháy đối với cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

4. Lối ra thoát nạn

Khi lối ra thoát nạn không đảm bảo số lượng theo quy định tại điểm 3.2 khoản 3 QCVN 06:2021/BXD thì phải thực hiện đầy đủ các giải pháp bổ sung lối ra thoát nạn đảm bảo an toàn cho người trong đám cháy gồm:

a) Bổ sung lối ra thoát nạn thứ 2 là các thang sắt ngoài nhà, công trình trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy về chiều rộng, độ dốc, số bậc, khả năng chịu lực của cấu kiện thang và phải tính toán các yếu tố tác động đến quá trình thoát nạn khi xảy ra cháy, yếu tố tác động của môi trường xung quanh đến quá trình thoát nạn.

b) Bố trí các lối ra thoát nạn khẩn cấp, lối đi qua ban công, lô gia hoặc mái sang các nhà, công trình liền kề có cùng độ cao. Đồng thời, phải trang bị các thiết bị phục vụ thoát nạn (thang dây, thang móc, ống tụt, dây hạ chậm) để thoát nạn và phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trong tình huống khẩn cấp.

c) Bổ sung giải pháp về thông báo, tổ chức thoát nạn bằng hệ thống thông báo, hướng dẫn thoát nạn, bố trí người trực 24/24 giờ để kịp thời báo động và hướng dẫn thoát nạn.

d) Không bố trí các vật liệu xây dựng có nguy hiểm cháy, nổ, độc hại với con người trên hành lang và cầu thang thoát nạn; bổ sung một số trang thiết bị, vật dụng để thoát nạn khi có cháy (mặt nạ, khẩu trang phòng độc, thiết bị chiếu sáng cường độ cao).

đ) Trường hợp bố trí các thang hở, thang rẻ quạt phải bổ sung các giải pháp ngăn cháy, chống tụ khói, chỉ dẫn thoát nạn cho các thang bộ, cụ thể: bổ sung các cửa sập ngăn cháy trước lối vào thang, sơn phản quang chỉ dẫn tại các bậc thang rẻ quạt để nhận biết.

5. Giải pháp ngăn cháy lan

Thực hiện một trong các giải pháp bảo đảm ngăn cản sự lan truyền của các yếu tố nguy hiểm cháy trong một gian phòng, giữa các gian phòng với nhau, giữa các nhóm gian phòng có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau, giữa các khoang cháy cũng như giữa các nhà, công trình sau:

a) Nâng bậc chịu lửa của nhà, công trình để đảm bảo diện tích khoang cháy bằng cách tăng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xây dựng.

b) Xây tường ngăn cháy phân chia mặt bàng thành các khoang cháy. Cho phép thay đổi tường ngăn cháy bằng vùng ngăn cháy phù hợp với quy định tại điểm 6.10, 6.11 và 6.12 khoản 6 Tiêu chuẩn Việt Nam phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế (TCVN 2622:1995).

c) Bổ sung giải pháp ngăn cháy cho các khu vực có công năng khác nhau (kho thành phẩm, kho nguyên liệu và khu vực sản xuất, khu vực khác) bằng tường, vách ngăn cháy. Tại các vị trí không thể bố trí các tường, vách ngăn cháy, xem xét thiết kế giải pháp màn nước ngăn cháy, có tính toán đến khả năng lan truyền khói giữa các khoang cháy.

d) Bổ sung các hệ thống, thiết bị chữa cháy (hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, thiết bị chữa cháy tự động bàng bột, khí) để hạn chế diện tích, cường độ và thời gian cháy.

đ) Giảm số lượng chất hàng nguy hiểm cháy, nổ; sắp xếp hàng hóa tạo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đến khu vực có nguồn nhiệt, nguồn lửa, thiết bị điện.

6. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan về phòng cháy và chữa cháy

a) Trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy, hệ thống kỹ thuật có liên quan về phòng cháy và chữa cháy theo Tiêu chuẩn quốc gia Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng (TCVN 3890:2009), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Thực hiện các giải pháp, trang bị phương tiện, hệ thống kỹ thuật khác thay thế có chức năng tương tự các phương tiện phòng cháy và chữa cháy, hệ thống kỹ thuật có liên quan về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm a khoản này, như sau:

- Bổ sung giải pháp mở ô thoáng ở mặt ngoài buồng thang bộ đảm bảo thang được thông gió, thoát khói tự nhiên thay thế hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ; mở các ô thoáng nằm trên hành lang thoát nạn để thông gió tự nhiên thay thế hệ thống hút khói hành lang.

- Bổ sung đường cấp nước vào bể nước chữa cháy đảm bảo thời gian cấp nước cho hệ thống chữa cháy bằng nước trong trường hợp khối tích bể nước chữa cháy không đảm bảo yêu cầu.

- Trang bị các hệ thống, thiết bị phòng cháy và chữa cháy mới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy của nước ngoài phù hợp (hệ thống báo cháy không dây, hệ thống chữa cháy tự động bằng sol - khí, hệ thống chữa cháy khí cục bộ) cho các nhà, công trình hiện hữu để hạn chế việc thi công, sửa chữa ảnh hưởng đến kết cấu của nhà, công trình.

7. Việc thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy bổ sung, tăng cường quy định tại Điều này phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật chuyên ngành (nếu có).

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thi hành Nghị quyết này.

2. Trường hợp văn bản viện dẫn tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thì áp dụng quy định tại văn bản mới.

3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII, Kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Cục Pháp chế và CCHC, Tư pháp - Bộ Công an;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH & HĐND, UBND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Gia Lai, Đài PTTH tỉnh;
- Lãnh đạo và chuyên viên Phòng CT.HĐND;
- Lưu: VT -HĐND.

CHỦ TỊCH




Hồ Văn Niên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy 27/2001/QH10 có hiệu lực

  • Số hiệu: 07/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Hồ Văn Niên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản