Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/NQ-HĐND

Đắk Lắk, ngày 19 tháng 3 năm 2021

 

                                                               NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA IX, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, ngày 20 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 65/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 47/2019/QH14, ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

Xét Tờ trình số 114/TTr-HĐND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (Có đề án kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sau khi thống nhất với lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Điều 3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa IX, Kỳ họp Chuyên đề thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2021 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác Đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh;
- Các Sở, ngành: Nội vụ, Tài chính; Tư pháp;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT- TH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, TH.

CHỦ TỊCH




Y Biêr Niê

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2016, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk (viết tắt là Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) được chia tách thành 02 Văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (viết tắt là Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh) và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh (viết tắt là Văn phòng HĐND tỉnh).

Qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện, bộ máy tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh hoạt động cơ bản ổn định, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do cùng thực hiện công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ cho cơ quan dân cử tại địa phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh) nên chức năng, nhiệm vụ của 02 Văn phòng có nhiều điểm tương đồng. Để thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thì việc hợp nhất 02 Văn phòng: Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tế khách quan và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 65/2020/QH14, ngày 19 tháng 6 năm 2020;

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 47/2019/QH14, ngày 22 tháng 11 năm 2019;

- Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Phần II

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

I. VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH

Thực hiện Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh được thành lập trên cơ sở chia tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh có vị trí, chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH và trực thuộc Văn phòng Quốc hội.

- Về cơ cấu tổ chức và biên chế bao gồm: Chánh Văn phòng và 01 Phó Chánh Văn phòng. Tổng số biên chế công chức là 08 người và 05 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ. Không có Phòng chuyên môn trong Văn phòng, cụ thể:

Chánh Văn phòng: 01

Phó Chánh Văn phòng: 01

Chuyên viên: 05

Cán sự: 01

Lái xe: 02

Phục vụ: 01

Bảo vệ: 02

- Tổ chức Đảng, đoàn thể: Văn phòng Đoàn ĐBQH có Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Đoàn Thanh niên sinh hoạt chung với Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; Công đoàn cơ sở Văn phòng trực thuộc Công đoàn Văn phòng Quốc hội.

- Về kinh phí hoạt động: Kinh phí hoạt động của Văn phòng được bố trí trong kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH, do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

II. VĂN PHÒNG HĐND TỈNH

Thực hiện Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn phòng HĐND tỉnh được thành lập trên cơ sở chia tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

- Văn phòng HĐND tỉnh có vị trí, chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Về cơ cấu tổ chức và biên chế, gồm: Chánh Văn phòng và 02 Phó Chánh Văn phòng. Có 02 phòng chuyên môn thuộc Văn phòng. Tổng biên chế công chức được giao năm 2020 là 35 biên chế. Trong đó: Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh là: 11 biên chế; Văn phòng HĐND tỉnh là: 24 biên chế. Lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP là 09 người, cụ thể như sau:

Chánh Văn phòng: 01

Phó Chánh Văn phòng: 02

Trưởng phòng: 01

Phó trưởng phòng: 04

Chuyên viên: 10

Lái xe: 06

Phục vụ: 03

- Kinh phí hoạt động của Văn phòng HĐND tỉnh do ngân sách địa phương bảo đảm.

- Văn phòng HĐND tỉnh có tổ chức Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; có các tổ chức đoàn thể, gồm: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.

Phần III

NỘI DUNG THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU CHUNG KHI THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH

1. Quan điểm xây dựng Đề án

Tiếp tục quán triệt thực hiện các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương về đổi mới tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trong tình hình mới.

2. Mục tiêu của Đề án

Thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh, sắp xếp, bố trí lại tổ chức bộ máy, nhân sự đảm bảo tinh gọn, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đi đôi với kiện toàn thống nhất tổ chức Đảng, đoàn thể trong cơ quan; tạo mối quan hệ công tác chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương và Trung ương

3. Nguyên tắc thực hiện

- Đảm bảo thực hiện tốt vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đúng cơ cấu tổ chức và các quy định khác đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14.

- Các quyết định của cấp có thẩm quyền liên quan đến việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện đúng theo quy trình, quy định của cấp thẩm quyền; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở có ý kiến thống nhất của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Yêu cầu

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phải kế thừa, phát triển những mặt ưu điểm, tiến bộ đạt được; đồng thời, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm “vừa thừa, vừa thiếu cán bộ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu tham mưu, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức, người lao động của Văn phòng phải đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức trách, nhiệm vụ được giao; một người có thể đảm nhận nhiều việc, một việc chỉ giao một người hoặc một phòng chủ trì chịu trách nhiệm chính.

- Không làm gián đoạn công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Vừa phải đảm bảo cho hoạt động chung, vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động sau khi thành lập phù hợp, đảm bảo đúng theo quy định của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan.

- Đối với lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng sau khi thành lập, sắp xếp lại tổ chức, nếu không còn giữ chức vụ hoặc chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian bổ nhiệm chức vụ đang giữ và theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

II. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH

1. Vị trí, chức năng

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là cơ quan tương đương Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Đại biểu HĐND tỉnh.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

2.1. Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu, giúp Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 06 tháng và cả năm của Đoàn đại biểu Quốc hội, triệu tập các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội, giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; giúp Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;

c) Phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;

d) Tham mưu, tổ chức phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, góp ý kiến về các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

đ) Tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; thực hiện chỉ đạo của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương;

e) Tham mưu, giúp Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội 06 tháng, cả năm hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

g) Phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội; giúp đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

h) Tham mưu, giúp Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

2.2. Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu, giúp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, 06 tháng và cả năm;

b) Tham mưu, giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; tham mưu, phục vụ các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo; hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh;

c) Tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong hoạt động giám sát, khảo sát; tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân; theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghị quyết về giám sát, chất vấn;

d) Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri; giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;

đ) Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;

e) Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình để chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ sau; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; giữ mối liên hệ với các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

g) Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc tổ chức các cuộc họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; xây dựng báo cáo công tác trình cấp có thẩm quyền;

h) Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh điều hành công việc chung của Hội đồng nhân dân tỉnh; điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong hoạt động đối ngoại.

2.3. Trong công tác hành chính, tổ chức, quản trị, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương, với Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương;

b) Lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở đã xin ý kiến của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện, quản lý kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh;

c) Bảo đảm điều kiện hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; tham mưu việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

d) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản công, công tác hành chính, bảo vệ và lễ tân của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh;

đ) Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện việc quản lý công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức nghiên cứu khoa học; xây dựng, khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào các công tác của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh giao;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ CÁC KIỆN HOẠT ĐỘNG

1. Cơ cấu tổ chức:

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; xem xét, đánh giá công chức đối với Chánh Văn phòng.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được tổ chức thành 04 phòng chuyên môn, gồm:

a) Phòng Công tác Quốc hội

b) Phòng Công tác Hội đồng nhân dân

c) Phòng Hành chính, Tổ chức, Quản trị

d) Phòng Thông tin và Dân nguyện

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Phòng thuộc Văn phòng sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức hành chính của tỉnh, do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch biên chế công chức theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Về biên chế:

Biên chế công chức và người lao động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được giữ nguyên số lượng biên chế đã được giao tại Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 109/QĐ-UBND, ngày 16/01/2020 của UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế hội đặc thù trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2020.

3. Chế độ làm việc

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.

- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là người đứng đầu, hành công việc chung của Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng. Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Chánh Văn phòng.

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện quy chế làm việc do Chánh Văn phòng ban hành.

4. Trụ sở làm việc và kinh phí hoạt động

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do Chánh Văn phòng làm chủ tài khoản.

- Trụ sở làm việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được đặt tại số 09, đường Lê Duẩn, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cơ sở vật chất của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được bố trí nguyên trạng của Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh trước đây.

- Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh do ngân sách địa phương bảo đảm.

5. Mối quan hệ công tác

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác ở địa phương để phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Quốc hội; phối hợp với các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội trong việc tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, thống nhất với lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội:

a) Thực hiện quy trình bổ nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Chỉ đạo Văn phòng

- Xây dựng, ban hành quy chế làm việc của Văn phòng; thực hiện quy trình bổ nhiệm các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng theo quy định.

- Xây dựng, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng.

- Xây dựng Đề án vị trí việc làm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Củng cố, sắp xếp, bố trí công chức và người lao động các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng theo đúng quy định.

- Tổ chức quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện các công việc cần thiết khác nhằm đảm bảo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, tham mưu, phục vụ tốt hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh theo đúng quy định.

2. Lộ trình thực hiện

- Tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh ngay sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành.

- Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sau khi được thành lập thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực./.